Ngân hàng

WB: Nhiều cá nhân và doanh nghiệp Việt Nam bị loại khỏi hệ thống tài chính

(VNF) - Đây là một trong những nhận định được nêu trong Báo cáo Cập nhật Đánh giá Quốc gia (SCD) được thực hiện bởi nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới (World Bank) và các chuyên gia của nhiều ngân hàng khác.

WB: Nhiều cá nhân và doanh nghiệp Việt Nam bị loại khỏi hệ thống tài chính

Ảnh minh hoạ

Báo cáo Cập nhật Đánh giá Quốc gia (2021) của nhóm World Bank được công bố mới đây đã nêu 6 ưu tiên phát triển cần nhận được sự quan tâm ngay lập tức và nhiều hơn nữa từ các cơ quan chức năng nhằm giúp Việt Nam hồi phục tốt hơn sau đại dịch Covid-19.

Một trong các ưu tiên đáng chú ý là cân bằng sự ổn định của ngành ngân hàng với việc mở rộng tài chính toàn diện và phát triển thị trường vốn về chiều sâu.

Báo cáo nhận định ngành tài chính của Việt Nam vừa tương đối phát triển vừa kém phát triển theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong đó, phát triển ở đây là về khả khả năng cung cấp tín dụng cho khu vực tư nhân với 130% GDP, đạt mức cao nhất trong số các nước có thu nhập trung bình, gần với mức được quan sát thấy ở các nền kinh tế tiên tiến hơn, và nằm trong số tốt nhất trong các nước cùng trình độ phát triển.

Tuy nhiên, ngành này còn kém phát triển ở cấp độ hộ gia đình và doanh nghiệp. Báo cáo cho rằng khoảng 2/3 dân số trưởng thành vẫn không sử dụng ngân hàng (không có tài khoản tại một tổ chức tài chính) trong năm 2017, được cho là thấp so với các nhóm đồng hạng.

Tỷ lệ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, gặp khó khăn tiếp cận tín dụng tuy không cao hơn quá nhiều nhưng vẫn thuộc nhóm cao nhất trong khu vực. Hai đặc điểm này của ngành tài chính Việt Nam nhấn mạnh vai trò không rõ ràng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước - tích cực ở cấp độ tổng thể đối với tín dụng tổng thể, nhưng tiêu cực đối với tài chính toàn diện.

Theo báo cáo, các yếu tố này ngụ ý rằng nhiều cá nhân và doanh nghiệp Việt Nam bị loại khỏi hệ thống tài chính và không thể tận dụng đòn bẩy tài chính vào các hoạt động kinh tế.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tương tự như hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất từ 6% xuống 4% và khuyến khích các ngân hàng cung cấp tín dụng mới hoặc thương lượng lại/cơ cấu lại tín dụng hiện có cho các doanh nghiệp và hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng Covid-19.

Các chuyên gia của World Bank cho rằng chính sách và biện pháp thích ứng như vậy đã mang lại sự cứu trợ được hoan nghênh, mặc dù chỉ có tính tạm thời, cho những khách hàng gặp khó khăn về thanh khoản hoặc nguồn tài chính, nhưng cũng có thể làm tăng rủi ro cho các ngân hàng thương mại.

Đến nay, rủi ro này dường như đã được kiểm soát do tỷ lệ các khoản nợ xấu (NPL) trong danh mục đầu tư của ngân hàng chỉ tăng từ 1,6% lên 2,1% trong giai đoạn từ tháng 9/2019 đến tháng 9/2020, trong khi tỷ lệ an toàn vốn tổng thể của ngân hàng giảm từ 11,95% tại cuối năm 2019 xuống 11,3% vào tháng 12/2020.

Tuy nhiên, báo cáo cho rằng những con số tổng thể này có thể che giấu tính dễ bị tổn thương của các ngân hàng đối với tình trạng gia tăng nợ xấu trong tương lai, do khả năng những người vay có các khoản vay đã được cơ cấu lại hoặc thương lượng lại mất khả năng thanh toán.

Để cân bằng sự ổn định của ngành ngân hàng, báo cáo đã đề cập đến 2 yếu tố là tài chính toàn diện và thị trường vốn. 

Theo đó, thiếu tài chính toàn diện không chỉ làm giảm hiệu quả của việc nới lỏng chính sách tiền tệ mà còn làm giảm hiệu quả của các phản ứng chính sách khác

Nhóm chuyên gia World Bank cho rằng cần tăng cường tài chính toàn diện thông qua số hóa các dịch vụ tài chính và khuyến khích sự tham gia của các công ty công nghệ tài chính (fintech) cũng như qua triển khai hệ thống thanh toán điện tử trên toàn quốc và các giải pháp sáng tạo khác.

“Trong khi ngân hàng số đã phát triển tương đối nhanh ở Việt Nam trong vài năm qua, thông qua nỗ lực của các ngân hàng và xuất hiện của các nhà khai thác mới (ví điện tử), Việt Nam vẫn chưa có hệ thống thanh toán di động”, báo cáo nêu rõ.

Báo cáo đánh giá việc Chính phủ cho phép khởi động dự án thí điểm thanh toán qua tài khoản viễn thông (mobile money) trên toàn quốc là một bước tiến quan trọng, nhưng đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà mạng và các ngân hàng thương mại.

Theo báo cáo, sự phát triển của hệ thống mobile money đã chứng tỏ là chất xúc tác thúc đẩy tài chính toàn diện vì nó cung cấp một hệ thống thanh toán nhanh chóng và an toàn cho các hộ gia đình và doanh nghiệp không có tài khoản ngân hàng và có tiềm năng cung cấp một nền tảng cho hệ thống tín dụng vi mô.

Yếu tố thứ hai là thị trường vốn. Được biết, thị trường vốn tiếp tục được mở rộng bất chấp tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng Covid-19 đối với nền kinh tế thực. Chỉ số thị trường chứng khoán TP. HCM đã tăng gấp đôi trong khoảng thời gian từ tháng 4/2020 đến tháng 5/2021, trong khi quy mô thị trường trái phiếu tiếp tục tăng do các đợt phát hành gần đây của cả Chính phủ trung ương và doanh nghiệp tư nhân.

Báo cáo chỉ ra cần tiếp tục đa dạng hoá thị trường vốn, đồng thời cải thiện tính minhh bạch và cơ sở hạ tầng thị trường. Sự phát triển của thị trường vốn sẽ giúp Việt Nam phục hồi sau Covid-19, mang lại cơ hội tài chính cho khu vực tư nhân vốn vẫn phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng và cung cấp thêm các phương tiện tiết kiệm dài hạn cho các hộ gia đình, quỹ hưu trí và các tổ chức tài chính.

Tuy nhiên, mở rộng thị trường cần được thực hiện bằng cách thực thi các tiêu chuẩn cao về công bố thông tin, đặc biệt là trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, vì thông tin đáng tin cậy và dễ tiếp cận là cần thiết để thúc đẩy và duy trì niềm tin của nhà đầu tư.

Bên cạnh 2 yếu tố này, để cân bằng sự ổn định của ngành ngân hàng, NHNN cũng cần giám sát chặt chẽ chất lượng tài sản của toàn bộ khu vực ngân hàng và từng ngân hàng thông qua giám sát dựa trên rủi ro, bao gồm cả việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm đi kèm với lộ trình kết thúc các biện pháp giảm/giãn nợ.

Cùng với đó, NHNN cần tăng cường việc ban hành các quy định và thực hiện giám sát an toàn, bao gồm giải quyết các vấn đề nợ xấu tiềm ẩn và phát triển một thị trường mua bán nợ thương mại hiệu quả (bao gồm cả mua bán nợ xấu), bằng cách sửa đổi Luật NHNN và Luật Các tổ chức tín dụng.

Tin mới lên