Ngân hàng

Ngân hàng tuần qua: NHNN hạ giá mua USD, ông Trần Phương Bình lãnh thêm án chung thân

(VNF) - Ngân hàng Nhà nước hạ giá mua USD; VieitinBank đổi khẩu vị rủi ro để tăng sức sinh lời; BAC A BANK tăng vốn điều lệ lên 7.085 tỷ đồng; ngân hàng không còn dễ kiếm lời từ trái phiếu;… là những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua.

Ngân hàng tuần qua: NHNN hạ giá mua USD, ông Trần Phương Bình lãnh thêm án chung thân

(Ảnh minh họa)

Lý giải dòng chảy tỷ USD ngoại tệ về Ngân hàng Nhà nước

Thống kê của Công ty Chứng khoán SSI trong tuần vừa qua cho thấy thị trường mở không phát sinh giao dịch mới khi chỉ có 1 tỷ đồng mua kỳ hạn đến hạn.

Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại tiếp tục bán một lượng lớn ngoại tệ về Ngân hàng Nhà nước.

Trong tuần trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã mua vào một lượng lớn ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại, tương đương khoảng hơn 30 nghìn tỷ đồng được bơm ra thị trường.

Lý giải cho diễn biến này, chuyên gia của SSI cho rằng trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ khá thuận lợi, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét hạ tỷ giá mua vào và đây có thể là một phần lý do khiến các ngân hàng thương mại đẩy mạnh bán ngoại tệ về Ngân hàng Nhà nước trong thời gian gần đây.

Dữ liệu từ SSI cho thấy tỷ giá mua vào của Ngân hàng Nhà nước đã giữ nguyên ở mức 23.175 VND/USD từ đầu năm đến nay và đã duy trì mức cao hơn tỷ giá mua vào của ngân hàng thương mại 100-120 VND/USD trong 5 tháng gần đây.

>>> Xem thêm: Lý giải dòng chảy tỷ USD ngoại tệ về Ngân hàng Nhà nước

Ngân hàng Nhà nước hạ giá mua USD

Ngày 23/11/2020, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước đã quyết định hạ giá mua vào ngay USD.

Cụ thể, theo biểu niêm yết, giá mua vào giao ngay đã giảm xuống mức 23.125 VND, tức giảm 50 VND so với phiên giao dịch liền trước.

Trước đó, ngày 29/11/2019 chứng kiến lần điều chỉnh giá mua USD gần nhất với mức giảm 25 VND.

Trên thị trường liên ngân hàng, trong ngày 23/11/2020, giá USD giao dịch giữa các thành viên cũng đã có phản ứng ngay lập tức. Tỷ giá chốt phiên ở mức 23.158 VND/USD, giảm 20 VND so với phiên trước đó.

Đến sáng 24/11, tỷ giá USD/VND niêm yết tại các ngân hàng thương mại đồng loạt điều chỉnh giảm. Như tại VietinBank, mức giảm ở cả chiều mua vào và bán ra là 15 VND, mạnh hơn là tại BIDV với mức giảm 25 VND. Một số ngân hàng còn giảm tới 30 VND.

Nguồn cung ngoại tệ dồi dào là một trong những nguyên nhân được giới chuyên gia chỉ ra để lý giải cho động thái hạ giá mua USD của Ngân hàng Nhà nước.

>>> Xem thêm: Ngân hàng Nhà nước hạ giá mua USD

VietinBank: Đổi khẩu vị rủi ro để tăng sức sinh lời, “nóng” dần câu chuyện bancassurance và bán vốn

Trong báo cáo công bố mới đây, chuyên gia của SSI cũng đã đưa ra nhiều thông tin cũng như nhận định đáng chú ý về triển vọng của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) trong năm 2020 và tương lai xa hơn.

Cụ thể, năm 2020, ban lãnh đạo VietinBank đặt kế hoạch tăng trưởng tài sản, dư nợ tín dụng và số dư huy động tương ứng trong khoảng 1%-3%, 4%-8,5% và 5%-10%. Trong kế hoạch giai đoạn 2021-2023, VietinBank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 8% hoặc trong khoảng 10%-11% tùy thuộc vào kịch bản thận trọng hay lạc quan.

VietinBank đang có kế hoạch cải thiện tỷ suất sinh lời. SSI cho biết trong tương lai, VietinBank dự tính sẽ thay đổi khẩu vị rủi ro đối với khách hàng vừa và nhỏ (SME) và cá nhân để cải thiện lợi suất tài sản sinh lời, trong khi vẫn duy trì yêu cầu về tài sản thế chấp.

Một câu chuyện cũng đang "nóng" dần là hợp tác độc quyền bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance).

SSI cho biết VietinBank gần đây đã xem xét lại tất cả các hoạt động bancassurance và có kế hoạch đầu tư thêm vào mảng kinh doanh này. VietinBank hiện đang đàm phán lại hợp đồng bancassurance độc quyền với Aviva và một đối tác khác.

Về kế hoạch tăng vốn, VietinBank đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục để trả cổ tức bằng cổ phiếu với tổng tỷ lệ khoảng 28,8%, cộng với cổ tức bằng tiền mặt là 5% trên mệnh giá.

Về dài hạn, ban lãnh đạo VietinBank dự tính sẽ phát hành vốn cho (một/ nhiều) nhà đầu tư chiến lược trong nước và dài hạn hơn cho một nhà đầu tư nước ngoài lớn, theo lộ trình giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước xuống 51% đến năm 2025.

>>> Xem thêm: VietinBank: Đổi khẩu vị rủi ro để tăng sức sinh lời, “nóng” dần câu chuyện bancassurance và bán vốn

BAC A BANK tăng vốn điều lệ lên 7.085 tỷ đồng

Mới đây, Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAC A BANK) đã thông báo tăng vốn điều lệ từ 6.500 tỷ đồng lên 7.085 tỷ đồng, tăng thêm 585 tỷ đồng. Trước đó, BAC A BANK đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ theo văn bản số 5456/NHNN-TTGSNH.

Theo tờ trình đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2020, BAB sẽ tăng vốn từ lợi nhuận sau thuế còn lại của Ngân hàng năm 2019, sau khi đã trích lập các quỹ. Cụ thể, BAC Á BANK phát hành thêm 58,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, với tỉ lệ chia là 9,0%.

Việc tăng vốn điều lệ là một bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển lâu dài của Ngân hàng TMCP Bắc Á, thể hiện quyết tâm của ban lãnh đạo trong việc đưa BAC A BANK trở thành một trong những ngân hàng TMCP hàng đầu với định hướng tăng trưởng an toàn, hiệu quả và bền vững.

Số vốn điều lệ tăng thêm được dự kiến phân bổ sử dụng 30 tỷ đồng cho việc đầu tư tài sản cố định và phát triển mạng lưới, 10 tỷ đồng cho đầu tư khác và 545 tỷ đồng sử dụng để cấp tín dụng cho khách hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Ngân hàng.

>>> Xem thêm: BAC A BANK tăng vốn điều lệ lên 7.085 tỷ đồng

Ngân hàng không còn dễ kiếm lời từ trái phiếu

Trong 2 năm trở lại đây, khi các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp khó khăn, không trả được nợ nên đã đẩy mạnh phát hành trái phiếu để huy động vốn và đối tác chính không ai khác ngoài ngân hàng.

Báo cáo tài chính của các ngân hàng đều cho thấy, trái phiếu doanh nghiệp được đầu tư mạnh thời gian gần đây. Chính điều này khiến Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải phát đi cảnh báo.

Mặt khác, NHNN đang lấy ý kiến thị trường về dự thảo Thông tư quy định việc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng theo hướng chặt chẽ hơn. Theo cơ quan này, thực tiễn quản lý cho thấy có những rủi ro trong hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại.

Theo dự thảo thông tư, NHNN đưa ra quy định, các ngân hàng thương mại chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán tại năm trước liền kề.

Đáng chú ý, các ngân hàng thương mại không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ (đảo nợ) của chính doanh nghiệp phát hành. Bởi theo NHNN, thời gian qua đã phát sinh việc ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ngoài ra, các ngân hàng thương mại cũng không được mua trái phiếu doanh nghiệp có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác. Vì qua công tác kiểm tra hoạt động của tổ chức tín dụng, NHNN đã phát hiện một số trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu với mục đích thực hiện chương trình, dự án đầu tư, tăng quy mô vốn hoạt động, nhưng thực tế là huy động vốn để góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp khác...

>>> Xem thêm: Ngân hàng không còn dễ kiếm lời từ trái phiếu

Ông Trần Phương Bình lãnh thêm án chung thân, phải bồi thường 2.000 tỷ đồng

Sau 1 tuần xét xử sơ thẩm vụ án Trần Phương Bình và 11 đồng phạm về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB) hơn 8.827 tỷ đồng, ngày 27/11, Tòa án nhân dân TP. HCM đã tuyên phạt các bị cáo.

Qua 2 giai đoạn, hành vi phạm tội của ông Bình và các đồng phạm là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng DAB bị lỗ lũy kế 31.076 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu bị âm 25.451 tỷ đồng và tổng tài sản thực của ngân hàng chỉ còn 47.011 tỷ đồng.

HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Phương Bình mức án chung thân về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản", 20 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", tổng hợp hình phạt là tù chung thân.

Tổng hợp hình phạt với bản án về giai đoạn 1 của vụ án buộc ông Bình chấp hành hình phạt chung là tù chung thân.

HĐXX tuyên phạt bị cáo Phùng Ngọc Khánh 18 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".

10 bị cáo còn lại bị tuyên phạt mức án thấp nhất là 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến cao nhất là 7 năm tù, cùng về tội danh "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".

Về trách nhiệm dân sự, HĐXX tuyên buộc bị cáo Bình bồi hoàn hơn 2.000 tỷ đồng cho DAB; bị cáo Phùng Ngọc Khánh bồi hoàn số tiền hơn 3.949 tỷ đồng đã gây thiệt hại cho DAB thông qua các khoản vay của nhóm M&C.

>>> Xem thêm: Ông Trần Phương Bình lãnh thêm án chung thân, phải bồi thường 2.000 tỷ đồng

Tin mới lên