Ngân hàng tuần qua: TGĐ Lienvietpostbank từ nhiệm, khách Sacombank tố mất 47 tỷ

Hải Đường - 19/03/2023 10:26 (GMT+7)

(VNF) - Quyết định giảm lãi suất điều hành từ NHNN, Tổng giám đốc Lienvietpostbank bất ngờ từ nhiệm và lùm xùm vụ khách tố mất 47 tỷ ở Sacombank... là những vụ việc nổi bật giới ngân hàng tuần qua.

VNF
(Ảnh minh hoạ)

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định giảm lãi suất điều hành

Chiều ngày 14/3, Thống đốc NHNN đã ra Quyết định số 313 /QĐ-NHNN  về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD.

Theo đó, lãi suất tái cấp vốn giữ nguyên ở mức 6%/năm, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD giảm từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm.

Cùng với đó, Quyết định số 314/QĐ-NHNN cũng quy định mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế. Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm.

Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm.

>>> Xem thêm: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định giảm lãi suất điều hành

Ngân hàng nhà nước tăng bơm tiền, lãi suất sẽ tiếp tục giảm

Phiên giao dịch 15/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quay trở lại chào thầu trên thị trường mở (OMO) với kỳ hạn 28 ngày với lãi suất 5,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Tuy chỉ có 1 thành viên tham gia và trúng thầu 562,48 tỷ đồng nhưng động thái này cho thấy định hướng cung ứng thanh khoản dài hạn hơn cho hệ thống ngân hàng của cơ quan quản lý tiền tệ.

Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên kể từ tháng 11/2022, NHNN sử dụng kỳ hạn 28 ngày cho các hợp đồng cho vay cầm cố giấy tờ có giá. Trước đó, nhà điều hành chỉ sử dụng các hợp đồng 7 ngày và 14 ngày để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng trong 2 tháng đầu năm, sau khi tạm dừng các hợp đồng kỳ hạn 91 ngày vào trung tuần tháng 12/2022.

Cùng với việc bơm thanh khoản dài hạn hơn, NHNN cũng tiếp tục dừng phát hành tín phiếu hút thanh khoản. Trước đó,có tới 22.700 tỷ đồng tín phiếu phát hành đó đáo hạn.

Sau khi trừ lượng OMO đáo hạn, trong phiên giao dịch 15/3, NHNN đã bơm ròng vào hệ thống ngân hàng 18.940 tỷ đồng, đánh dấu phiên bơm ròng mạnh nhất kể từ đầu tháng 2.

Sau khi lãi suất điều hành giảm, lãi suất thị trường liên ngân hàng khả năng sẽ được điều tiết giảm dần, bình quân khoảng 0,5 -1 điểm %.

Thông thường, lãi suất huy động sẽ ít chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi lãi suất điều hành. Tuy nhiên, trong bối cảnh thanh khoản như hiện tại, lãi suất huy động được dự báo sẽ tiếp tục giảm.

>>> Xem thêm: Ngân hàng nhà nước tăng bơm tiền, lãi suất sẽ tiếp tục giảm

Tổng giám đốc LienVietPostBank bất ngờ từ nhiệm

Tại cuộc họp Hội đồng Quản trị (HĐQT) tháng 3/2023, Hội đồng Quản trị Lienvietpostbank đã có quyết định chấp nhận đơn từ nhiệm chức danh Tổng Giám đốc của ông Phạm Doãn Sơn vì nguyện vọng cá nhân.

Đồng thời, trong thời gian chưa có Tổng Giám đốc mới, HĐQT thống nhất giao ông Hồ Nam Tiến – Phó Tổng Giám đốc Thường trực - là người đảm nhận nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng Giám đốc Lienvietpostbank kể từ ngày 17/3/2023.

Ông Phạm Doãn Sơn sinh năm 1967, là Thạc sĩ Kinh doanh của trường Đại học IMPAC (Hoa Kỳ) và Cử nhân Kế toán của Đại học Tài chính Kế toán Hà Nội. Ông Phạm Doãn Sơn đã có 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng trước khi gia nhập Lienvietpostbank vào năm 2008 với vai trò là Trưởng Ban kiểm soát, sau đó ông được bầu làm Tổng Giám đốc. 

Sáng 17/3, Hội đồng Quản trị của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt – Lienvietpostbank đã có quyết định bổ nhiệm ông Hồ Nam Tiến, Phó Tổng Giám đốc thường trực giữ chức vụ Quyền Tổng Giám đốc từ ngày 17/03/2023. Việc bổ nhiệm nhằm hướng tới sự thay đổi mạnh mẽ theo định hướng chiến lược của Lienvietpostbank trong thời gian tới.

>>> Xem thêm: Tổng giám đốc LienVietPostBank bất ngờ từ nhiệm

Lực cản chặn đà giảm lãi suất, vốn rẻ vẫn còn xa vời

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong tuần qua đã quyết định giảm 1 điểm % một số loại lãi suất điều hành và giảm 0,5 điểm % đối với lãi suất cho vay ngắn hạn bằng nội tệ đối với một số lĩnh vực ưu tiên từ ngày 15/3.

Nhiều chuyên gia nhận định, tốc độ giảm lãi suất của NHNN trong thời gian tới là không nhiều bởi trước đó Việt Nam đã duy trì một nền lãi suất rất thấp và mới chỉ tăng 2% trong đợt tăng lãi suất vừa qua.

Các chuyên gia của VDSC cho biết, lãi suất huy động và cho vay phần nhiều vẫn phụ thuộc vào cung - cầu vốn trong thời gian tới. Tuy nhiên, tín dụng tăng tốc trong các quý tới cùng với áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp tăng trở lại có thể sẽ là lực cản đối với đà giảm tiếp của lãi suất huy động.

Dù nhiều ngân hàng đã công bố các chương trình giảm lãi suất song cơ quan quản lý cũng thừa nhận nỗ lực giảm lãi suất trong năm 2023 là một thách thức đặt ra cho ngành ngân hàng trong năm nay.

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú mới đây cho biết, năm 2023, một trong những thách thức lớn nhất là lạm phát cao, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới như Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất, do đó, áp lực tăng lãi suất rất cao.

Mặc dù lãi suất tiết kiệm thời gian gần đây đã hạ nhiệt song lãi suất cho vay bao giờ cũng có độ trễ nhất định.

"Thông thường lãi suất huy động sẽ được giảm nhanh hơn lãi suất cho vay. Thời điểm hiện tại, lãi suất đầu vào đã bắt đầu có những dấu hiệu hạ nhiệt. Khả năng cao đến những tháng cuối năm lãi suất cho vay sẽ bắt đầu có sự hiệu chỉnh", ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập công ty tư vấn tài chính FIDT, dự báo về thời gian hạ lãi suất cho vay.

>>> Xem thêm: Lực cản chặn đà giảm lãi suất, vốn rẻ vẫn còn xa vời

Lãi suất liên ngân hàng giảm sâu, đẩy mạnh bơm tiền rẻ ra thị trường

Hai ngày liên tiếp kể từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố giảm lãi suất điều hành, lãi suất liên ngân hàng liên tiếp giảm mạnh.

Lãi suất liên ngân hàng giảm sâu sau động thái giảm 0,5-1%/năm lãi suất điều hành của NHNN. Theo đó, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng giảm từ 7%/năm xuống 6%/năm.

Ngay sau khi giảm lãi suất điều hành, NHNN định hướng cung ứng thanh khoản dài hạn hơn cho hệ thống. Cùng với việc bơm thanh khoản dài hạn hơn, NHNN cũng tiếp tục dừng phát hành tín phiếu hút thanh khoản. Trước đó, có tới 22.700 tỷ đồng tín phiếu phát hành đó đáo hạn.

Các chuyên gia nhận định, việc giảm lãi suất điều hành của NHNN đánh dấu bước thay đổi chính sách tiền tệ, từ thận trọng sang linh hoạt, nới lỏng một phần. Lãi suất giảm sẽ giúp các tổ chức tín dụng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận vốn từ NHNN qua các công cụ như cho vay tái chiết khấu, cho vay liên ngân hàng; từ đó giảm lãi suất cho vay.

Trong bối cảnh thanh khoản của các ngân hàng dư thừa còn tín dụng tăng rất chậm, lãi suất huy động sẽ chịu sức ép giảm rất lớn. Lãi suất huy động giảm sẽ giúp các ngân hàng tiết giảm chi phí, có điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.

>>> Xem thêm: Lãi suất liên ngân hàng giảm sâu, đẩy mạnh bơm tiền rẻ ra thị trường

Vụ khách hàng tố 47 tỷ đồng tiền gửi biến mất: Sacombank lên tiếng

Bà Hồ Thị Thùy Dương (SN 1977, phường Cam Phú, TP. Cam Ranh) đã tố cáo về việc số tiền 46,9 tỷ đồng trong tài khoản cá nhân của bà bị các cán bộ thuộc phòng giao dịch Cam Ranh, chi nhánh Khánh Hòa đã sử dụng nghiệp vụ rút tiền trái phép.

Theo Sacombank, những thông tin khách hàng Hồ Thị Thùy Dương (SN 1977, phường Cam Phú, TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) cung cấp là một chiều, chưa đầy đủ và không phản ánh đúng bản chất sự việc.

Sacombank đã kiểm tra toàn bộ hồ sơ và phát hiện có bằng chứng vay mượn, hợp tác làm ăn ngoài xã hội giữa bà Dương và một số cá nhân nguyên là cán bộ, nhân viên phòng giao dịch Cam Ranh trong nhiều năm.

Các bằng chứng này đã được các đối tượng liên quan cung cấp và văn phòng thừa phát lại Khánh Hòa lập vi bằng ngày 16/10/2022.

Đối với 12 giao dịch mà bà Dương cho rằng mình bị mất tiền, Sacombank có đầy đủ chứng từ có chữ ký nhận tiền của bà Dương, bao gồm 9 phiếu nhận tiền mặt và 3 ủy nhiệm chi. Toàn bộ các tài liệu này đã được Sacombank chuyển giao cho Cơ quan điều tra - Công an tỉnh Khánh Hòa.

Cũng theo Sacombank, trong suốt quá trình xử lý vụ việc, ban lãnh đạo Sacombank đã tổ chức nhiều buổi làm việc để giải đáp các vấn đề bà Dương vướng mắc. Đến ngày 26/12/2022, bà Dương chủ động liên hệ, đề nghị Sacombank tạm ứng hỗ trợ 15 tỷ đồng duy trì hoạt động kinh doanh trong quá trình chờ điều tra sự vụ. Sacombank đã chấp nhận đề nghị này nhưng sau đó, khách hàng thay đổi và không nhận tạm ứng nữa.

>>> Xem thêm: Vụ khách hàng tố 47 tỷ đồng tiền gửi biến mất: Sacombank lên tiếng

Ngân hàng Nhà nước ra quy định chặn sở hữu chéo, siết cho vay sân sau

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) muốn quản chặt hơn tình trạng sở hữu chéo và lạm quyền cấp tín dụng cho một nhóm cổ đông tại ngân hàng đồng thời sẽ siết chặt hơn giới hạn về cho vay và

Nội dung này nằm trong Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) do NHNN chủ trì soạn thảo và đang được lấy ý kiến rộng rãi.

Theo đó, dư nợ cấp tín dụng tối đa đối với một khách hàng dự kiến giảm từ mức 15% như hiện hành xuống còn 10%, tính trên vốn tự có ngân hàng thương mại. Tổng dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại (quy định hiện hành là 25%).

Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 25% vốn tự có của tổ chức tín dụng phi ngân hàng; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 50% vốn tự có của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

Bên cạnh đó, Dự thảo cũng quy định một cổ đông là cá nhân không được được sở hữu vượt quá 3% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng (hiện nay là 5%), tỷ lệ sở hữu đối với cổ đông là tổ chức không quá 10% (quy định hiện tại là 15%). Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng, giảm so với quy định hiện hành là 20%.

Ngoài ra, Dự thảo cũng quy định, công ty con, công ty liên kết của cùng một công ty kiểm soát không được góp vốn, mua cổ phần của nhau. Công ty con, công ty liên kết của một tổ chức tín dụng không được góp vốn, mua cổ phần của chính tổ chức tín dụng đó. Tổ chức tín dụng đang là công ty con, công ty liên kết của công ty kiểm soát không được góp vốn, mua cổ phần của công ty kiểm soát đó.

>>> Xem thêm: Ngân hàng Nhà nước ra quy định chặn sở hữu chéo, siết cho vay sân sau

Cùng chuyên mục
Tin khác