Ngành mía đường đang 'vật lộn' với 400.000 tấn tồn kho
Trần Ngọc -
17/03/2018 14:38 (GMT+7)
(VNF) - Số liệu thống kê cho thấy ngành mía đường đang trong thời gian chính vụ và lượng tồn kho đang ở mức 400.000 tấn. Điều này gây hệ lụy dây chuyền đến các nhà máy sản xuất, các công ty thương mại phân phối và tác động trực tiếp đến nông dân trồng mía trên cả nước.
Hiệp hộiMía đường Việt Nam mới đây đã có công văn gửi lên Bộ Công Thương và UBND tỉnh Lào Cai cho biết việc tiêu thụ đường sản xuất trong nước đang bị chậm lại. Nguyên nhân là do yếu tố thời tiết cũng như hoạt động buôn lậu gia tăng ở hầu hết các tỉnh biên giới Tây Nam và miền Trung.
Theo Hiệp hội, các bộ ngành gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đã có nhiều giải pháp tích cực như: tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chậm đấu giá hạn ngạch thuế năm 2017 sang tháng 8/2017; không gia hạn tạm nhập tái xuất; thống nhất với địa phương kiến nghị Thủ tướng cho mở thêm cửa khẩu phụ tại biên giới tỉnh Lào Cai.
Tuy nhiên, đến nayngành mía đường vẫn đang rất khó khăn. Cụ thể, hiện giá đường đang ở mức rất thấp, nhiều nhà máy đã phải bán bằng giá đường nhập lậu, thậm chí một số nhà máy đã phải bán dưới giá thành nhưng tiêu thụ vẫn rất khó khăn, một số nhà máy phải tạm dừng sản xuất.
Trong khi đó, giá mua mía cho người trông nguyên liệu vẫn mua bằng niên vụ trước, thậm chí có nơi địa phương quy định giá mía nguyên liệu, yêu cầu các nhà máy mua cao hơn năm trước.
Số liệu thống kê cho thấy ngành mía đường đang trong thời gian chính vụ và lượng tồn kho đang ở mức 400.000 tấn. Điều này gây hệ lụy dây chuyền đến các nhà máy sản xuất, các công ty thương mại phân phối và tác động trực tiếp đến nông dân trồng mía trên cả nước.
Hiệp hội cũng cho hay việc xuất khẩu mặt hàng đường qua cửa khẩu phụ tại tỉnh Lào Cai là một kênh tiêu thụ quan trọng cho ngành mía đường mà nhiều năm trước đây đã từng thực hiện.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu tiểu ngạch mặt hàng đường qua các cửa khẩu phụ cũng gặp nhiều khó khăn. Như năm 2012 bắt đầu triển khai, cho phép 265.950 tấn và thực hiện được 66%, các năm sau tỷ lệ này lần lượt giảm xuống và tới năm 2016 hầu như không xuất khẩu được.
Đến năm 2017, do một số doanh nghiệp được phép xuất khẩu qua một số cửa khẩu tại Lào Cai (từ tháng 8/2017) nên đã xuất khẩu được khoảng 2.500 tấn.
"Nguyên nhân việc xuất khẩu tiểu ngạch đường và cả nông sản khó khăn và giảm dần là do nước nhập khẩu tăng cường biện pháp chống buôn lậu và kiểm soát chặt nhập lậu. Trong nước thì phải cạnh tranh quyết liệt với hàng tạm nhập tái xuất, hàng đông lạnh và đường trong khi giá đường trong nước cao", văn bản của Hiệp hội nêu.
Từ thực trạng khó khăn trên, Hiệp hội kiến nghị Bộ Công Thương và UBND tỉnh Lào Cai sớm hoàn thành việc kiểm tra đánh giá và kiến nghị Thủ tướng cho mở lại cửa khẩu phụ tại Lào Cai và xem xét lại tạm nhập tái xuất hàng đông lạnh qua cửa khẩu phụ nhằm tạo điều kiện hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong nước nói chung và đường nói riêng giúp giảm bớt khó khăn cho ngành mía đường.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.