Tiêu điểm

Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10: Để không chỉ có một ngày

(VNF) - Ngày Doanh nhân Việt Nam là ngày kỷ niệm đặc biệt trong rất nhiều ngày kỷ niệm ngành, nghề ở nước ta. Tuy nhiên, cũng như với nhiều ngành nghề khác, doanh nhân cần nhiều hơn ở cộng đồng một sự thừa nhận, ủng hộ và đồng hành, không chỉ một ngày…

Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10: Để không chỉ có một ngày

Chuyện cũ viết lại…

Cuối thập kỷ 86, những nỗ lực phá rào của khối tư nhân đã xuất hiện. Sự thôi thúc từ thực tiễn đã đưa tới quyết định ở cấp lãnh đạo cao nhất về việc phải ban hành một văn bản luật nhằm mở đường cho sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân.

Khi đó, việc ban hành luật này được thuyết minh là để thực hiện đường lối phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, khuyến khích việc đầu tư kinh doanh, bảo hộ lợi ích hợp pháp của chủ doanh nghiệp tư nhân; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh.

Luật Doanh nghiệp tư nhân 1990 là kết quả của một quá trình “diễn biến nhận thức” kéo dài nhiều năm trước đó. Bắt đầu từ Đại hội VI (12-1986), nền kinh tế nhiều thành phần đã được đề cập chính thức trong văn kiện của Đại hội: “Cần sửa đổi, bổ sung và công bố rộng rãi chính sách nhất quán đối với các thành phần kinh tế...” và “cần có chính sách sử dụng và cải tạo đúng đắn các thành phần kinh tế khác”.

Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị khóa VI cũng đã xác định hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ, mở đường cho những bước đột phá mạnh hơn sau này.

Quan trọng hơn, trong giai đoạn từ 1986-1990, sự hình thành và phát triển của một số cơ sở kinh doanh của tư nhân, hoặc có vai trò gián tiếp của tư nhân, đã chứng minh rằng tư nhân hoàn toàn có thể đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam nếu thực sự được cởi trói và trao gửi cơ hội.

Điểm hết sức mấu chốt của luật này là tại Điều 3 của Luật đã quy định, Nhà nước công nhận sự tồn tại lâu dài và phát triển của doanh nghiệp tư nhân, thừa nhận sự bình đẳng trước pháp luật của doanh nghiệp tư nhân với các doanh nghiệp khác và tính sinh lợi hợp pháp của việc kinh doanh.

Trong khuôn khổ pháp luật, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền tự do kinh doanh và chủ động trong mọi hoạt động kinh doanh. Cho dù vẫn còn nhiều hạn chế, chẳng hạn việc thành lập doanh nghiệp tư nhân trong một số ngành nghề khá thông thường theo cách hiểu bây giờ vẫn phải được Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng cho phép như kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu, du lịch quốc tế...

Số liệu thống kê cho thấy trong những năm đầu thập kỷ 90, số doanh nghiệp tư nhân được thành lập mỗi năm tăng rất nhanh, từ 6.808 doanh nghiệp năm 1993 lên 25.002 doanh nghiệp năm 1997. Đây cũng là tiền đề quan trọng để đi tới việc xây dựng và ban hành Luật Doanh nghiệp 1999, văn bản được coi là đã làm thay đổi căn bản bức tranh phát triển kinh tế tư nhân của Việt Nam.

Và cho đến khi Luật Doanh nghiệp 1999 ra đời với tư duy chuyển từ cơ chế “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” trong đăng ký kinh doanh, đã góp phần tạo nên một không khí kinh doanh mới tại Việt Nam. Và từ đó, mới thực sự hình thành một cộng đồng doanh nhân Việt Nam.

Để không chỉ có một ngày

Trong dòng chảy đó, việc Thủ tướng Phan Văn Khải ký quyết định lấy ngày 13/10 làm Ngày doanh nhân Việt Nam vào năm 2004 là một dấu mốc rất quan trọng, đánh dấu sự ghi nhận một cách chính thức đối với vai trò to lớn của cộng đồng doanh nhân.

Giờ đây, không còn nghi ngờ gì nữa, vai trò của doanh nhân đã thực sự được thừa nhận một cách rộng rãi. Năm 2011, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết về xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam và năm 2013, Quốc hội đã hiến định vai trò của doanh nhân trong Hiến pháp.

Đặc biệt, ngày 3/6/2017, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 10- NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết đã khẳng định: “Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh theo cơ chế thị trường là một yêu cầu khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong quá trình hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta”.

Tiếp đó, Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, ban hành cùng trong dịp này, cũng khẳng định: “Tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi phát triển khu vực kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Thúc đẩy hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có công nghệ hiện đại, năng lực quản trị tiên tiến”.

Hai văn kiện về chủ trương và định hướng xây dựng đất nước đã tiếp cận những thành quả và tiến bộ trong tư duy kinh tế, là tiền đề quan trọng cho việc hoàn thiện chính sách, điều hành, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của nền kinh tế. Và qua đó, giúp hình thành một cộng đồng doanh nhân vững mạnh.

Nhưng cho dù về chính sách đã rất cởi mở, về môi trường đầu tư kinh doanh đã rất thông thoáng và hội nhập, thì chặng đường đi tới của cộng đồng doanh nhân vẫn còn đó vô vàn thử thách. Doanh nhân Việt Nam vẫn đang rất cần sự ủng hộ, đồng hành mỗi ngày chứ không chỉ một ngày.

Ngoài những khó khăn thường nhật, cộng đồng doanh nhân Việt Nam hiện cũng đang đối mặt với những khó khăn của hơn hai năm Covid 19, khiến cho nhiều ngành, lĩnh vực kiệt quệ. Còn nhớ, ngày này năm ngoái, một nhà báo tên tuổi đã từng mượn câu nói của danh hài Charlie Chaplin để nói về nỗi niềm của doanh nhân: “Tôi thích đi dưới mưa để không ai thấy tôi đang khóc”.

Dẫu sao, trên chặng đường phía trước, chúng ta cũng có thể vững niềm tin về tương lai. Dù cho lúc này lúc khác, chuyện nọ chuyện kia, thì tinh thần kinh doanh đã được thắp lửa trong cộng đồng đã và đang tiếp tục được duy trì. Dù có những doanh nhân thất bại, thậm chí bị khởi tố, chúng ta cũng vui mừng nhận thấy nhiều thế hệ doanh nhân mới đã xuất hiện, trẻ trung, giàu khát vọng và tài năng.

Trong ý nghĩa đó, Ngày doanh nhân Việt Nam là một sự động viên, khích lệ đối với cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân và tinh thần kinh doanh nói chung, cho dù, họ cần sự chia sẻ đồng hành mỗi ngày, KHÔNG CHỈ MỘT NGÀY!

Tin mới lên