Nghi vấn cổ phiếu MBG tăng ảo để nhà đầu tư chiến lược thoái vốn

Thu Nguyên - 04/11/2019 09:04 (GMT+7)

Ngày 1/11/2019 là ngày 20 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn MBG hết thời gian bị hạn chế giao dịch (1 năm), các nhà đầu tư có thể “lẳng lặng” bán ra chốt lời.

VNF
Nghi vấn cổ phiếu MBG tăng ảo để nhà đầu tư chiến lược thoái vốn.

Cơ hội thu lãi khủng của các nhà đầu tư chiến lược

Tiêu chí phát hành riêng lẻ của MBG là “cho nhà đầu tư chiến lược”. Kết quả phát hành cho thấy các nhà đầu tư cá nhân được mua với số lượng vừa đủ để mỗi người không sở hữu quá tỷ lệ 5% vốn điều lệ.

Cụ thể, có 14 nhà đầu tư cá nhân mua hết 20 triệu cổ phần MBG trong đợt chào bán riêng lẻ cuối tháng 10/2018. Người mua ít nhất là 600.000 cổ phần và có 4 nhà đầu tư mua mức cao nhất là 2 triệu cổ phần mỗi người, tương đương 4,9% vốn điều lệ MBG.

Diễn biến tăng giá bất thường của cổ phiếu MBG trong thời gian qua khiến thị trường nhìn nhận lại đợt phát hành và đặt ra nghi vấn, phải chăng việc phân bổ cổ phần chào bán như vậy là để nhà đầu tư chiến lược của MBG có thể thoái vốn ngay sau khi hết thời gian 1 năm hạn chế giao dịch mà không phải công bố thông tin?

Diễn biến giá cổ phiếu MBG từ năm 2016 đến nay

Trong tờ trình phương án phát hành của MBG, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư là người có tiềm lực tài chính mạnh, các tổ chức, cá nhân có khả năng hỗ trợ công ty trong quản lý điều hành, có cam kết gắn bó lâu dài với công ty.

Ðiều kiện phát hành khá chung chung: “Ðợt phát hành cổ phiếu của công ty được chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược với các tiêu chí nhằm đảm bảo cam kết đóng góp của nhà đầu tư chiến lược và sự phát triển của công ty.

"Do tính chất ưu tiên của đối tượng phân phối, đồng thời căn cứ vào tình hình thị trường chứng khoán, giá trị thị trường và giá trị sổ sách của cổ phiếu cũng như trên cơ sở phân tích mức độ pha loãng giá, giá chào bán cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược là 10.000 đồng/cổ phiếu”.

Tại thời điểm phương án phát hành được thông qua là ngày 12/7/2018, giá cổ phiếu MBG chỉ có hơn 3.000 đồng/cổ phiếu, trong khi mức giá phát hành mà hội đồng quản trị MBG thông qua là 10.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, với thanh khoản thấp, chỉ vài chục nghìn đơn vị/phiên, để mua gom 1 triệu cổ phiếu MBG trên sàn là không dễ.

Thanh khoản cổ phiếu MBG tiếp tục cạn kiệt cho đến tháng 4/2019 thì giá bắt đầu tăng dần. Chặng đầu, MBG tăng giá từ 4.000 đồng/cổ phiếu lên hơn 30.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 30/9/2019.

Trong chặng tăng giá đầu tiêu này, thanh khoản của MBG vẫn rất thấp, từ vài nghìn đến vài chục nghìn cổ phiếu/phiên, xen kẽ vài ba phiên đạt 100.000 - 800.000 đơn vị.

Sau đó, MBG bước vào chặng tăng giá thứ hai, đạt 44.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 29/10 và thanh khoản giai đoạn này bùng nổ, dao động từ 250.000 - 500.000 đơn vị mỗi phiên.

Ngày 1/11, MBG vẫn giữ được mặt bằng giá cao, đóng cửa tại 42.300 đồng/cổ phiếu, với hơn 360.000 đơn vị được chuyển nhượng.

Nếu giá và thanh khoản cổ phiếu MBG không lao dốc trong những phiên tới, 14 nhà đầu tư chiến lược của MBG có thể “lẳng lặng” chốt lời 20 triệu cổ phiếu, thu lãi siêu khủng (600 tỷ đồng) sau 1 năm.

Giá tăng có tương xứng với tiềm năng dự án?

Như Báo Ðầu tư Chứng khoán đã thông tin trong số báo 130, phân tích báo cáo tài chính MBG và hiệu quả kinh doanh hiện tại thì không có cơ sở để lý giải mức tăng giá phi mã của cổ phiếu này.

Tuy nhiên, diễn biến tăng giá cổ phiếu MBG có thể liên quan tới động thái chuyển hướng kinh doanh của công ty: ngày 5/8/2019, Công ty Cổ phần Ðầu tư Phát triển Xây dựng và Thương mại Việt Nam được đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn MBG; hoạt động từ xây lắp là chủ yếu chuyển sang chiến lược chiến lược phát triển đa ngành nghề, tập trung vào các lĩnh vực: sản xuất công nghiệp, xây lắp, đầu tư.

Theo MBG, công ty đang phát triển sản phẩm sơn phủ bề mặt MaxxBau, dự kiến sản phẩm thương mại sơn chính thức được phân phối ra thị trường trong quý IV/2019. Công ty có định hướng tiếp tục ra mắt các sản phẩm sơn khác như sơn gỗ, sơn công nghiệp, mục tiêu sau 2 năm sẽ lọt vào top 10 về doanh thu ngành sơn tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, MBG thông qua công ty thành viên là Công ty Cổ phần PJACA Phú Yên đầu tư nhà máy bao bì cao cấp tại khu công nghiệp An Phú, TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, hiện đã hoàn tất thủ tục đầu tư xây dựng. Nhà máy có tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng, các sản phẩm chính bao gồm bao bì nhựa, túi nilon tự phân hủy, bao bì giấy, các sản phẩm nhựa, in ấn.

Khi đi vào hoạt động, nhà máy sử dụng khoảng 120 lao động, với công nghệ hiện đại, tự động hóa.

Dự kiến, nhà máy sẽ khởi công xây dựng trong quý IV/2019 và hoàn thành đưa vào hoạt động sau 6 tháng. Các sản phẩm phục vụ nhu cầu cho các tỉnh Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.

Một dự án đáng quan tâm khác là dự án du lịch nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Lạc Sanh tại Phú Yên do Công ty Cổ phần MBG Lạc Sanh Phú Yên đầu tư trên diện tích khoảng 28 ha, tổng mức đầu tư dự kiến gần 200 tỷ đồng.

MBG Lạc Sanh Phú Yên sẽ xin bổ sung đầu tư nhà máy chế biến các sản phẩm từ nước khoáng nhằm khai thác thế mạnh tối đa của mỏ khoáng nóng. Dự án đã được tỉnh Phú Yên chấp thuận nhà đầu tư trong tháng 9/2019.

Cả 3 dự án trên đều mới ở bước đầu triển khai và MBG đầu tư thông qua các công ty liên kết. Theo báo cáo tài chính quý III/2019, MBG sở hữu 75% Công ty Cổ phần Công nghiệp Miền Trung (sản xuất sơn), phần còn lại do công ty liên kết của MBG là Pjaca Group sở hữu.

MBG chỉ sở hữu 12% Pjaca Group và sở hữu 36% cổ phần MBG Lạc Sanh Phú Yên (đầu tư dự án khoáng nóng), 15% vốn vốn của Pjaca Phú Yên đầu tư nhà máy bao bì.

Trong các báo cáo thường niên của MBG không có thông tin nói về hiệu quả đầu tư, lợi nhuận thu được từ các dự án này, nếu có thì MBG theo tỷ lệ góp vốn trên cũng không đáng kể.

Dưới góc độ đầu tư, khó có thể kỳ vọng các dự án mới này sẽ giúp cải thiện đáng kể lợi nhuận của MBG trong năm 2020.

Trong khi đó, số tiền 600 tỷ đồng mà nhà đầu tư chiến lược của MBG có thể thu được từ bán cổ phiếu ra thị trường gấp rất nhiều lần lợi nhuận mười mấy tỷ đồng của công ty như kế hoạch năm 2019.

Lượng cổ phiếu ít dễ bị làm giá

Là công ty đại chúng niêm yết cổ phiếu trên sàn Hà Nội, đại hội đồng cổ đông thường niên của MBG đạt được sự đồng thuận tuyệt đối của các cổ đông tham dự họp khi biểu quyết thông qua các nội dung về lợi nhuận, phương án phát hành, tăng vốn. Trong biên bản đại hội thường niên 2018, 2019 của MBG, phần thảo luận tại đại hội không ghi nội dung gì.

Kết quả chào bán 20 triệu cổ phiếu riêng lẻ trong tháng 10/2018 của MBG

Tuy nhiên, nhìn vào tỷ lệ sở hữu có thể thấy, cổ phiếu MBG đã ít lại rất cô đặc, một đặc điểm thường thấy ở các cổ phiếu mục tiêu của “đội lái”.

Thời điểm họp đại hội ngày 30/6/2017, MBG có 389 người sở hữu và đại diện cho 20,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 100% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, tương đương 208 tỷ đồng vốn điều lệ. Ðến tham dự đại hội có 30 cổ đông đại diện cho 13.699.573 cổ phiếu, chiếm 65,86% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết.

Ðại hội năm 2018 chỉ có 18 người tham dự và đại diện 14,5 triệu cổ phiếu, tương đương 70,16% cổ phiếu có quyền biểu quyết.

Ðại hội này thông qua phương án phát hành riêng lẻ 20 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tăng vốn điều lệ lên 418,4 tỷ đồng.

Như vậy, cổ phiếu MBG tập trung chính vào tay 18 cổ đông. Ðiều đó cũng phù hợp với diễn biến giá MBG vào giữa năm 2016, rơi rất nhanh từ 20.000 đồng/cổ phiếu xuống 3.700 đồng/cổ phiếu, sau đó đi ngang với thanh khoản cạn kiệt ở quanh mức giá 4.000 đồng/cổ phiếu cho đến tháng 4/2019 và bắt đầu chu trình tăng giá như đã nêu trên.

Tháng 4/2019 cũng là thời điểm đại hội đồng cổ đông thường niên của MBG diễn ra (ngày 26/4). Có 444 cổ đông sở hữu 41,84 triệu cổ phiếu, nhưng chỉ có 17 người sở hữu và đại diện cho 27,9 triệu cổ phiếu, tương đương 66,74% vốn cổ phần tham dự.

“Khi cổ phiếu giao dịch bên ngoài ít thì khả năng bị một số đối tượng đẩy đưa giá là không mấy khó khăn”, một chuyên gia chứng khoán nhận xét.         

Xem thêm: Nữ doanh nhân Thanh Truyền, CEO Kingtek Solar: ‘Tôi luôn tìm kiếm cái mới’

Theo ĐTCK
Cùng chuyên mục
Tin khác