Nghịch cảnh thời lãi suất cao: Người tất bật xoay tiền thu lợi, người khổ sở nợ với lỗ

Ninh Dương - 02/12/2022 09:11 (GMT+7)

(VNF) - Nhiều ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất huy động lên tới 10,5% - 11% cho kỳ hạn gửi 6 tháng. Trong khi nhiều khách hàng tất bật rút tiền ra gửi lại “ăn” lãi suất cao hơn thì người đi vay lại đứng ngồi không yên vì gánh nặng lãi suất.

VNF
(Ảnh minh họa)

Tất bật rút ra - gửi vào

Chị Phương Anh (Quận.1, TP. HCM) cho hay, cách đây 10 ngày, chị gửi tiết kiệm ở một chi nhánh của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) với lãi suất 9,25%/năm cho kỳ hạn 6 tháng với món tiền 1,5 tỷ đồng. Mới đây, nhân viên chăm sóc khách VIP của ngân hàng này thông báo đã có mức lãi suất 10,5%/năm cho kỳ hạn tương tự.

Suy tính kỹ, chị Phương Anh rủ bạn bè, họ hàng để gom gửi một lần, hưởng lãi suất cao. “Có người bạn tôi tính mua căn hộ chung cư, đặt cọc khoảng 1 tỷ sau đó trả chậm trong 10 năm, nhưng với tình hình này thì đi gửi tiết kiệm đã, gửi 1 tỷ đồng thì tháng có 9 triệu đồng tiền lãi, chả tội gì mua chung cư rồi ôm lãi vay è cổ”.

Anh Hoàng Minh Tuấn, sau khi thu tiền thì kinh doanh nội thất mấy ngày nay cũng chạy đôn đáo để gửi vào rồi lại rút tiền ra. Cách đây mấy ngày tôi gửi Saigon bank với mức lãi suất 10% cho kỳ hạn 6 tháng thì nay OCB tăng 10,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng nên rút tiền ra và đi gửi lại.

“Với số tiền 5 tỷ đồng thì mức lãi chênh lệch của hai ngân hàng sau 6 tháng là trên 10 triệu đồng, nghiêng lợi khi gửi OCB nên chả tội gì mà không rút tiền ra”, anh Tuấn chia sẻ.

Chị Thu Trúc (Quận.12) cho hay, trước đây, lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn ngắn thường thấp hơn kỳ hạn dài nhưng nay chỉ gửi 6 tháng lãi suất cũng hơn 10%/năm. Trong khi đó, gửi 12 tháng có thể có lãi suất trên 9%/năm nên chị không gửi dài để linh động gửi mức lãi cao hơn khi đáo hạn.

“Lần trước, tôi tính gửi 1 năm nhưng do dự đoán mức lãi suất chạy đua giữa các ngân hàng chưa dừng lại nên tôi chỉ gửi kỳ hạn 6 tháng, giờ vừa lúc đón mức lãi 10%, đúng là sướng như gửi tiền ngân hàng”, chị Trúc nói.

Ghi nhận của VietnamFinance cho thấy, với kỳ hạn 1 tháng, khi gửi tiết kiệm online có khá nhiều lãi suất ngân hàng hiện nay ở mức hấp dẫn lên đến 6.0% bao gồm: Bảo Việt, Kiên Long, PVcomBank, SCB, VIB, TPBank… Đối với kỳ hạn 3 tháng, hầu hết các ngân hàng đều dao động mức lãi suất trung bình 5,5%– 6.0%. Với các kỳ hạn từ 12- 36 tháng, OCB là ngân hàng chiếm thứ hạng lãi suất cao nhất, sau đó đến kỳ hạn 18-36 tháng của SHB là 105%.

Gửi tại quầy thì với kỳ hạn 12 tháng, ngân hàng có lãi suất cao nhất là Saigonbank với mức lãi suất 10.0%. Thấp nhất là 6.5%/năm thuộc về Ngân hàng Hong Leong. Với những kỳ hạn dài hơn, Saigonbank có mức lãi suất tiết kiệm cao nhất là 10.0%/năm cho kỳ hạn 18, 24 và 36 tháng. Đây chính là mức lãi suất cao nhất trong đầu tháng 12.

Chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Minh Hòa cho rằng, xu hướng lãi suất còn tăng nên người gửi tiền nên gửi ngắn hạn để linh động hơn vì nếu gửi dài hạn rồi rút trước hạn sẽ chỉ được nhận lãi suất không kỳ hạn. Tuy nhiên, TS Hòa khuyến cáo, người gửi tiền nên theo sát tín hiệu thị trường vì lãi suất không thể tăng mãi, mức  10.5%/năm cũng đã là cao.

"Nếu có tiền nhàn rỗi, nên chọn kỳ hạn 12 tháng vì lãi suất kỳ hạn này đã gần bằng với mức lãi suất cao nhất", vị chuyên gia này nói.

'Méo mặt' vì lãi suất vay

Nguyễn Kim Chi, trưởng phòng tín dụng của một ngân hàng thương mại cổ phần cho hay, tăng lãi suất chắc chắn ngân hàng không mong muốn vì lãi suất đầu vào tăng, chắc chắn lãi suất đầu ra sẽ tăng theo, nhưng để huy động tiền gửi thì không còn cách nào khác.

Hệ quả, khách hàng đi vay bắt đầu “ngấm đòn” lãi suất. “Sau 2 năm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, công ty của tôi chưa hoàn toàn trở lại tốc độ tăng trưởng như trước thì khó khăn vì chi phí xăng dầu tăng cao và hiện nay thì đau đầu với chi phí lãi vay tăng mạnh. Công ty đang phải tính đến phương án bán bớt xe trả nợ, chấp nhận lỗ”, ông Đỗ Viết Bình, Giám đốc công ty cho thuê xe ô tô chia sẻ.

Gần 6 tỷ đồng tiền vay từ 3 ngân hàng của doanh nghiệp của anh Bình đang chịu mức tăng thêm lãi suất trung bình 3% - 4%/năm, dẫn đến số tiền lãi phải nộp hằng tháng tăng lên khoảng 50 triệu đồng. Với doanh thu chỉ tương đương 75% so với thời điểm trước dịch Covid-19, áp lực về lãi vay ngân hàng đang khiến doanh nghiệp này khó khăn để tồn tại.

“Theo quy định, khi xăng dầu tăng giá thì đơn vị có thể điều chỉnh tỷ lệ nhất định trong giá cước để bù chi phí. Nhưng khi lãi suất vay từ ngân hàng tăng thì doanh nghiệp không thể thực hiện tăng giá cước”, anh Bình nói.

Chị Ngô Thị Mai (Q8, TP. HCM) vừa trả xong khoản vay hơn 1 tỷ đồng do bù mua căn hộ cho con gái. Vợ chồng chị dự định vay tiếp để mua thêm căn nhỏ hơn, diện tích chỉ 30m2 cho con trai nhưng với mặt bằng lãi suất hiện tại, tính ra mỗi tháng nếu vay ngắn hạn 1 tỷ đồng, vợ chồng chị sẽ phải trả gần 13 triệu đồng tiền lãi, cao hơn so với trước khoảng 4 triệu đồng.

"Có lẽ chúng tôi phải tính toán lại. Lãi suất vay tiền tại các ngân hàng hiện cao quá”, chị Mai than thở.

Theo chuyên gia, khi lãi suất cho vay tăng, những người đã vay tiền để mua nhà, mua xe trước đó, đương nhiên sẽ phải "cõng" thêm mức lãi suất mới. Do đó, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thì cũng phải tính đến việc lãi suất sẽ tăng cao trở lại. Song, nhiều người vay tiền mua nhà cho rằng mức tăng lãi suất như trên là quá sức dự đoán.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, việc tăng lãi suất nhanh như vậy sẽ tác động rất lớn đến tâm lý của thị trường bất động sản trong giai đoạn này.

“Không chỉ người mua nhà mà cả những doanh nghiệp cũng chịu ảnh hưởng, nặng nhất là doanh nghiệp có vòng quay vốn chậm, áp lực lãi suất sẽ lớn. Bất động sản là doanh nghiệp có vòng quay vốn chậm nên áp lực lãi vay rất lớn”, chuyên gia tài chính Hạnh Hoàng phân tích.

Chị Hạnh Hoàng cũng cho hay, chính người dân mua nhà trả góp cũng bị ảnh hưởng khi lãi suất tăng. Việc này khiến các doanh nghiệp vốn đang gặp khó ở thị trường lại càng thêm áp lực. Tuy nhiên, các ngân hàng không bị áp lực nhiều như giai đoạn 2011-2012-phải bằng mọi cách để có tiền. Giai đoạn trước, nhiều chủ ngân hàng cũng là chủ công ty bất động sản sân sau. Họ vừa là chủ nợ, đồng thời cũng là con nợ nên áp lực về trả tiền cho người gửi rất cao. Lãi suất thời điểm đó liên tục tăng, lên tới 14% và lãi suất cho vay lên tới 20%, tạo áp lực rất lớn cho người ôm đất.

Hiện nay, các ngân hàng cơ cấu tài chính mạnh hơn, vấn đề sở hữu chéo cũng ít hơn nên ngân hàng có khó khăn nhưng cũng không khó khăn như giai đoạn trước. “Dẫu vậy, sức ép tăng lãi suất đang rất lớn. Dù NHNN đã nới biên độ tỷ giá nhằm góp phần giảm áp lực tăng lãi suất, song nhiều khả năng các ngân hàng sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho vay, doanh nghiệp và cá nhân cũng nên dự đoán trước tình hình để sắp xếp kế hoạch sử dụng tài chính cho đơn vị hoặc gia đình một cách thận trọng và an toàn”, chuyên gia tài chính Hạnh Hoàng chia sẻ. 

Cùng chuyên mục
Tin khác