Tiêu điểm

Nghịch lý: Chính phủ nỗ lực cắt giảm, đề xuất chính sách mới lại gia tăng điều kiện kinh doanh

(VNF) - Báo cáo "Dòng chảy Pháp luật kinh doanh năm 2021" của VCCI đã chỉ ra nghịch lý: trong khi Chính phủ thúc đẩy hoạt động cải cách, cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp thông qua đơn giản hóa, cắt bỏ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính thì một số chính sách đề xuất soạn thảo mới trong năm 2021 lại có xu hướng gia tăng thêm điều kiện kinh doanh.

Nghịch lý: Chính phủ nỗ lực cắt giảm, đề xuất chính sách mới lại gia tăng điều kiện kinh doanh

(Ảnh minh hoạ)

Trong năm 2021, hoạt động cắt giảm chi phí tuân thủ theo chỉ đạo của Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2010 được thúc đẩy mạnh mẽ. Hầu hết các bộ đã đề xuất phương án cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ trong các quy định hiện hành.

Theo báo cáo của VCCI, các đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa chủ yếu tập trung vào một số dạng nhất định. Thứ nhất là bỏ yêu cầu phải cung cấp có một số tài liệu hoặc lược bỏ một số nội dung trong mẫu tờ khai. Đây là các thông tin mà cơ quan cấp phép có thể tra cứu trên hệ thống thông tin chung (chủ yếu bỏ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, CMND/CCCD của cá nhân trong hồ sơ xin cấp giấy phép).

Thứ hai là bỏ yêu cầu phải cung cấp một số giấy tờ, tài liệu trước đó cơ quan thực hiện thủ tục đã cấp (ví dụ: không phải cung cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành về khóa bồi dưỡng trình độ chuyên môn trong hồ sơ cấp chứng chỉ...).

Cuối cùng là chuyển phương thức thực hiện thủ tục lên cổng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 hoặc trên phương tiện điện tử.

Ngoài ra, phía VCCI cho biết một số phương án còn có đề xuất đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng giảm số lượng hồ sơ, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục.

Theo VCCI, các kiến nghị trên là hợp lý, sẽ góp phần tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, để cho rằng các đề xuất này sẽ tác động lớn, có tính cải cách trong hoạt động cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, VCCI cho biết vẫn còn khiên cưỡng.

Từ góc độ doanh nghiệp, báo cáo của VCCI nêu rõ doanh nghiệp kỳ vọng các cơ quan nhà nước cải cách hơn nữa, bởi trong các phương án vẫn còn một số điểm chưa như mong muốn.

Đơn cử như việc thiếu vắng các kiến nghị liên quan đến các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư 2020.

“Các phương án hầu như không có đề xuất nào liên quan đến sửa đổi, bãi bỏ ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong danh mục tại Luật Đầu tư 2020. Việc đề nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện sẽ giảm rất lớn chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp”, báo cáo nêu rõ.

Báo cáo cũng chỉ ra nghịch lý, trong khi Chính phủ thúc đẩy hoạt động cải cách, cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp thông qua đơn giản hóa, cắt bỏ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính thì một số chính sách đề xuất soạn thảo mới trong năm 2021 lại có xu hướng gia tăng thêm điều kiện kinh doanh.

VCCI đã nêu rõ về một số trường hợp thực tế trong năm 2021 tại báo cáo. Cụ thể, trong năm 2021, cơ quan nhà nước đã soạn thảo dự thảo Nghị định về kinh doanh vận tải nội bộ, trong đó đặt ra các yêu cầu xe ô tô vận tải nội bộ phải lắp thiết bị giám sát hành trình theo lộ trình; doanh nghiệp phải có giấy phép hoạt động vận tải nội bộ khi sử dụng một số loại ô tô vận tải nội bộ nhất định.

Theo khảo sát, chi phí lắp đặt thiết bị khoảng 1,5 triệu đồng/xe/thiết bị cho khoảng 400.000 xe. Như vậy, chỉ riêng về chi phí cho thiết bị, tổng chi phí cho số xe phải lắp ước tính khoảng 600 tỷ đồng. Theo VCCI, khoản chi phí này chưa phản ánh đầy đủ thực tế xã hội phải bỏ ra.

Đối với một số doanh nghiệp kinh doanh các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và có hoạt động vận tải nội bộ thì việc yêu cầu lắp thêm thiết bị giám sát hành trình cũng như xin giấy phép hoạt động vận tải nội bộ sẽ gia tăng chi phí và tạo gánh nặng rất lớn về thủ tục hành chính.

Báo cáo của VCCI cũng nêu một trường hợp khác trong lĩnh vực thẩm định giá.

Theo đó, Thông tư số 60/2021/TT-BTC sửa đổi Thông tư số 38/2014/TT-BTC hướng dẫn quy định về thẩm định giá ban hành nửa cuối năm 2021, yêu cầu doanh nghiệp thẩm định giá phải tự xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và kết nối cơ sở dữ liệu về thẩm định giá của mình với cơ sở dữ liệu quốc gia về giá.

Theo phản ánh, yêu cầu doanh nghiệp phải tự xây dựng phần mềm quản lý và cơ sở dữ liệu sẽ gây tốn kém về chi phí và khó đảm bảo đầy đủ các tiêu chí, yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.

Hơn nữa, yêu cầu phải đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp thẩm định giá với cơ sở dữ liệu quốc gia về giá sẽ gây khó khăn, do các phần mềm được viết theo nhiều nền tảng khác nhau, cách tổng hợp, thống kê rất khó thống nhất. Phía VCCI cho rằng yêu cầu này đặc biệt khó khăn và tạo gánh nặng lớn cho các doanh nghiệp đã có hệ thống dữ liệu thông tin về thẩm định giá nhưng không tương thích với cơ sở dữ liệu của cơ quan nhà nước.

Từ các trường hợp nêu trên, VCCI cho rằng một câu hỏi lớn được đặt ra về tính thực chất và hiệu quả của hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh mà Nhà nước đang tiến hành.

Tin mới lên