Tài chính quốc tế

Ngoại trưởng Nga tới Trung Quốc, Mỹ phát cảnh báo cứng rắn chưa từng có

(VNF) - Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen vừa kết thúc bốn ngày đàm phán ở Trung Quốc với lời cảnh báo cứng rắn tới các ngân hàng và nhà xuất khẩu của nước này. Tuyên bố được đưa ra đúng thời điểm Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đang có chuyến công du tới Bắc Kinh.

Đe doạ đanh thép

“Tôi nhấn mạnh rằng các công ty, bao gồm cả những công ty ở Trung Quốc, không được hỗ trợ vật chất cho cuộc chiến của Nga và họ sẽ phải đối mặt với những hậu quả đáng kể nếu làm như vậy”, bà Yellen tuyên bố trong bài phát biểu tại dinh thự đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh ngày 8/4.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tham dự cuộc gặp với Thị trưởng Bắc Kinh Yin Yong tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 7/4/2024. 

“Bất kỳ ngân hàng nào tạo điều kiện cho các giao dịch chuyển hàng hóa quân sự quan trọng hoặc hàng hóa lưỡng dụng tới cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga đều có nguy cơ bị Mỹ trừng phạt”, người đứng đầu ngành Tài chính Mỹ nhấn mạnh thêm.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đang cố gắng trấn áp các công ty trên toàn thế giới giúp Nga trốn tránh mạng lưới trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh đã áp đặt kể từ khi nước này động binh với Ukraine vào đầu năm 2022.

Trong khi Trung Quốc là mục tiêu của những cảnh báo trước đây, thông điệp của bà Yellen được cho là điều bất thường vì đưa ra đe dọa trừng phạt trực tiếp.

Lời cảnh báo được đưa ra đúng ngày Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tới Bắc Kinh để thảo luận các vấn đề quan trọng, trong đó có cả chiến sự Ukraine. Trong khi Trung Quốc mô tả quan điểm của mình về cuộc chiến là trung lập thì thương mại với Nga đã tăng vọt kể từ khi cuộc chiến bắt đầu.

Vấn đề dư thừa năng lực công nghiệp

Trong phần lớn chuyến đi của mình, Bộ trưởng Tài chính Mỹ bận rộn chỉ trích Trung Quốc về một vấn đề khác, chính là việc nước này đầu tư quá mức vào sản xuất, đặc biệt là vào các công nghệ năng lượng xanh mới, để bù đắp cho lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn và nhu cầu trong nước yếu kém.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị.

Theo bà Yellen, tình trạng dư thừa năng lực của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến các nền kinh tế khác nếu không có sự biến chuyển nào từ phía nước này.

Chủ đề đó đã trở thành vấn đề nổi cộm trong suốt chuyến công du của Bộ trưởng Tài chính Mỹ.

Về phía Trung Quốc, các quan chức nước này thừa nhận có tình trạng dư thừa trong một số ngành công nghiệp, mặc dù họ cũng cáo buộc Mỹ và các nước khác đang cố gắng bảo vệ các công ty kém cạnh tranh hơn của họ.

Theo ông Christopher Beddor, phó giám đốc nghiên cứu Trung Quốc tại Gavekal Dragonomics, Mỹ hiện có một số đòn bẩy trong những vấn đề như vậy vì nền kinh tế Trung Quốc còn mong manh và các nhà lãnh đạo nước này nhận ra rằng nhiều quốc gia khác cũng đồng tình với bà Yellen.

“Tôi đặc biệt lo lắng về sự mất cân bằng kinh tế vĩ mô kéo dài của Trung Quốc – cụ thể là mức tiêu dùng hộ gia đình yếu và đầu tư quá mức trong kinh doanh, trầm trọng hơn do sự hỗ trợ quy mô lớn của chính phủ trong các lĩnh vực công nghiệp cụ thể, điều đó sẽ dẫn đến rủi ro đáng kể cho người lao động và doanh nghiệp ở Mỹ và phần còn lại của thế giới. thế giới", bà Yellen nêu rõ.

Các quan chức Bộ Tài chính cho biết bà Yellen đặc biệt kêu gọi Trung Quốc hành động nhiều hơn nữa để kích thích nhu cầu trong nước.

Các quan chức Trung Quốc được cho là đã đưa ra cam kết sẽ thực hiện các bước theo hướng đó. Họ cũng đồng ý khởi động một loạt cuộc đàm phán mới tập trung hoàn toàn vào “tăng trưởng cân bằng trong nền kinh tế trong nước và toàn cầu”, một cách nói uyển chuyển để giải quyết tình trạng đầu tư quá mức vào nguồn cung của Trung Quốc.

Bà Yellen thông báo rằng các cuộc đàm phán mới sẽ được tiến hành vào tuần tới với cuộc gặp giữa hai nhóm công tác Mỹ-Trung tại Washington.

Xem thêm >> Mỹ vượt xa Trung Quốc thành điểm đến đầu tư trọng tâm của Nhật Bản

Tin mới lên