Tài chính quốc tế

Rời bỏ Trung Quốc, làn sóng công ty Đức chuyển sang Nhật Bản

(VNF) - Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy ngày càng nhiều công ty Đức coi Nhật Bản là lựa chọn ổn định để sản xuất ở châu Á trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và những bất ổn về các hạn chế thương mại liên quan đến Trung Quốc ngày càng tăng.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Nhật Bản và tập đoàn kiểm toán KPMG của Đức mới đây đã tiến hành khảo sát 164 công ty Đức về các định hướng kinh doanh. Kết quả cho thấy 38% công ty cho biết họ đang chuyển cơ sở sản xuất từ ​​Trung Quốc sang Nhật Bản, 23% số công ty tham gia khảo sát thì tiết lộ họ đang có ý định tương tự. Trong đó sự ổn định kinh tế, chính trị và xã hội là những yếu tố chính ảnh hưởng tới quyết định của các công ty này.

Nhà máy công ty ebm-papst của Đức ở Tây An, Trung Quốc.

Báo cáo này gần giống với kết quả của một nghiên cứu khác do Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản công bố hồi giữa tháng 3, cho thấy Nhật Bản là điểm đến hấp dẫn đối với các công ty nước ngoài muốn tránh những bất ổn về địa chính trị, thương mại và tài chính.

Ảnh hưởng bởi căng thẳng Mỹ - Trung

Ông Martin Schulz, nhà kinh tế chính sách trưởng của Đơn vị Tình báo Thị trường Toàn cầu của Fujitsu, cho biết: “Các công ty Đức từ lâu đã tập trung rất nhiều vào Trung Quốc vì chi phí lao động rẻ và vì đây là một thị trường quan trọng và đang phát triển”. Tuy nhiên, ông cho biết thêm rằng “điều đó đang thay đổi do có những thách thức ở nhiều khía cạnh”.

“Đáng chú ý là ngày càng có nhiều vấn đề chính trị và địa chính trị mà các công ty phải cân nhắc, chẳng hạn như những lo ngại về việc liệu các công ty xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ có trở nên khó khăn hơn hay không”, ông Schulz cho biết thêm.

Xung đột thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đã trở nên tồi tệ hơn trong những năm gần đây, với việc Mỹ muốn ngăn chặn Trung Quốc có được những công nghệ tiên tiến nhất, đặc biệt là về vi mạch.

Điều này kết hợp với những lo ngại rằng sự thay đổi người lãnh đạo Nhà Trắng sau cuộc bầu cử sắp tới có thể dẫn đến một loạt các hạn chế, thuế quan và trừng phạt thương mại ăn miếng trả miếng.

Ông Schulz chỉ ra rằng bằng cách chuyển cơ sở sản xuất sang Nhật Bản, các công ty dù không thể loại bỏ hoàn toàn nhưng có thể giảm bớt nguy cơ tham gia vào bất kỳ cuộc chiến thương mại tiềm ẩn nào giữa Mỹ và Trung Quốc.

“Chi phí cũng đang tăng lên ở Trung Quốc và chúng tôi không dự đoán được tương lai của nền kinh tế Trung Quốc trong quá trình tái cơ cấu đang diễn ra”, vị chuyên gia nhận định thêm.

Nhật Bản là sự lựa chọn “ổn định”

Theo ông Schulz, Nhật Bản ổn định về kinh tế và chính trị, các công ty ở đây kết nối thuận lợi với phần còn lại của châu Á. "Điều này rất quan trọng đối với quan hệ đối tác và đất nước này được tích hợp chặt chẽ vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Schulz cho hay

Ông Klaus Meder, chủ tịch tập đoàn sản xuất khổng lồ Bosch của Đức tại Nhật Bản, cho biết cả Trung Quốc và Nhật Bản đều có lý do thuyết phục để công ty đầu tư đáng kể thời gian và nỗ lực.

Trong khi Trung Quốc là thị trường ô tô lớn nhất thế giới thì các công ty ô tô Nhật Bản vẫn kiểm soát thị phần lớn nhất trên thị trường toàn cầu.

Ông Meder cho biết Bosch có nguyên tắc sản xuất tại địa phương cho thị trường địa phương, với các cơ sở sản xuất quan trọng như nhau ở cả hai quốc gia để đáp ứng nhu cầu địa phương.

Chia sẻ với DW, ông Meder cho hay “Nhật Bản có thể là một thị trường khó thâm nhập với nhiều trở ngại, rào cản ngôn ngữ và các thông số kỹ thuật khác nhau, nhưng một khi bạn đã thành lập và giành được sự tin tưởng của khách hàng, thì bạn có thể xây dựng mối quan hệ đối tác lâu dài”.

Ông Klaus Meder, chủ tịch Bosch tại Nhật Bản.

Ông nói thêm: “Ở đây có sự ổn định, có sự tin tưởng, dựa trên quy tắc và hầu hết các công ty đều hài lòng với lợi nhuận tài chính của họ”.

“Sự hiện diện ở Nhật Bản cũng rất quan trọng vì nhiều đối tác ở đây đang hoạt động ở những nơi khác trên thế giới, đặc biệt là Đông Nam Á, châu Âu, Trung Quốc và cả Bắc và Nam Mỹ, vì vậy điều quan trọng là phải ở gần trụ sở chính của các công ty đó để duy trì mối quan hệ”, ông Meder, người đã sống ở Nhật Bản được 12 năm, cho biết.

Truyền thống công nghiệp của Nhật Bản

Hơn 90% doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát cho biết sự ổn định về kinh tế, sự ổn định của các mối quan hệ kinh doanh cũng như sự an toàn và ổn định xã hội là động lực chính khiến họ đến Nhật Bản.

Tiếp theo đó là lực lượng lao động có trình độ và cơ sở hạ tầng tiên tiến. Một môi trường chính trị ổn định dựa trên các nguyên tắc dân chủ và sự bảo vệ pháp lý về sở hữu trí tuệ cũng được coi là những lý do chính.

“Việc mua hàng và tìm nguồn cung ứng theo khu vực có thể được thực hiện dễ dàng ở Nhật Bản và có nhiều công ty toàn cầu quan trọng ở đây”, ông Marcus Schuermann, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Đức tại Nhật Bản, chia sẻ với DW.

Bên trong nhà máy ebm-papst của Đức ở Tây An, Trung Quốc.

Ông cho biết thêm rằng Nhật Bản nổi bật về sự ổn định kinh tế, giá cả và chi phí ở mức "hợp lý". Lực lượng lao động cũng có trình độ và năng lực, tiềm năng doanh thu khả quan và việc tăng cường sử dụng robot và tự động hóa đang giúp khắc phục các vấn đề liên quan đến dân số già.

“Ngoài ra, mức lương ở đây rất cạnh tranh và thấp hơn từ 20% đến 30% so với ở Đức , điều này khiến Nhật Bản trở nên hấp dẫn hơn”, ông Schuermann nhấn mạnh thêm.

Xem thêm >> Pin mặt trời Trung Quốc ngập thị trường, một số nơi dùng làm hàng rào

Tin mới lên