Ngọt đắng buôn đất
(VNF) - Mệt nhoài vì đi xem hàng tại một “dự án” địa ốc ở huyện Trảng Bom - Đồng Nai tới 10h đêm mới về, bạn bè bảo tôi ham làm giàu. Tôi chỉ cười trừ, vì có những nhọc nhằn, áp lực mà chỉ có những phóng viên chuyên lĩnh vực bất động sản mới hiểu. Vất vả nhưng vì yêu nghề và đam mê, nên tôi khi trở thành nhà đầu tư bất đắc dĩ!
Một ngày trở thành “gà”
Sáng thứ Bảy hôm ấy, một chiếc xe bốn chỗ hạng sang đến đón tôi tận nhà, kèm theo lời mời chào hấp dẫn của cô gái làm nghề môi giới bất động sản rằng tôi được nhận một “voucher” mua hàng từ chủ đầu tư trị giá 30 triệu đồng (mua thỏa thích các mặt hàng điện tử tại một siêu thị lớn trong thành phố) nếu tham dự một sự kiện ra mắt dự án bất động sản. Thầm nghĩ, của đâu dễ từ trên trời rơi xuống, nổi “máu” nghề nghiệp, tôi quyết định để chiếc xe Mercedes đón đi.
Nơi tôi đến là một quán cà phê đẹp tại TP. Thủ Đức, áng chừng đã có khoảng 50 khách hàng đi dự sự kiện chờ sẵn. Rất nhanh chóng, các cô gái mặc vest đẹp và các chàng trai môi giới ăn vận lịch sự, đưa tất cả khách lên chiếc xe 45 chỗ, kéo kín rèm và lăn bánh về phía huyện Long Thành và sau đó đến huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Tại đây, một màn kịch được dựng lên rất tinh vi, y như một sự kiện ra mắt dự án địa ốc thực thụ, sang trọng, hấp dẫn. Và nhiều khách hàng đã tin tưởng chuyển khoản để chốt cọc cho những lô đất nền có giá tới vài tỷ đồng.
Khỏi phải nói tới sự nguy hiểm khi phải đóng vai một nhà đầu tư cá nhân đam mê làm giàu từ đất bị đẩy lên chiếc xe và tiếp tục tham dự buổi lễ chào bán sản phẩm của nhóm lừa đảo. Bởi lẽ, ngoài việc thuê sinh viên làm môi giới và cả diễn viên đóng vai nhà đầu tư giàu có lên từ đất, tại sự kiện có vô số kẻ “lưu manh” được nhóm lừa đảo thuê đến để phát hiện và khống chế những ai đáng nghi ngờ hoặc vạch trần thủ đoạn lừa đảo.
Khi về tới TP. HCM, tôi phải rất vất vả mới thoát ra được chiếc xe đó, do không xuống tiền đặt cọc, dù cuối cùng, lời đề nghị từ vài trăm triệu đồng hạ xuống chỉ còn vài triệu đồng. Và tất nhiên là một bài ghi chép về chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản thông qua một số "dự án ma" tại địa bàn Đồng Nai ra đời.
Vài tháng sau, Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp Công an TP. HCM triệt phá băng nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức vẽ “dự án ma” trên đất nông nghiệp bán cho khách hàng khi bài viết của tôi trên VietnamFinance đăng tải đầu tiên và sau đó các đồng nghiệp báo nói, báo hình cùng tham gia khai thác vấn đề.
Kết quả sau đó, khi Công an tỉnh Đồng Nai tung hàng trăm cán bộ, chiến sĩ chia làm nhiều tổ công tác ập đến bắt quả tang Nguyễn Văn An (27 tuổi, Tổng giám đốc Công ty Lộc Phúc) cùng 185 người liên quan. Đáng chú ý, có 122 nhân viên, 20 người được thuê đóng giả khách hàng và 43 khách hàng là "con mồi" của công ty này. Khám xét trụ sở công ty, công an đã niêm phong và thu giữ 50 thùng tài liệu, nhiều máy tính, thiết bị điện tử, hơn 2,4 tỷ đồng tiền mặt, 18.000 yen Nhật, 3.500 USD, 24,3 lượng vàng, 7 ô tô. Cơ quan công an bước đầu xác định hàng tháng, Công ty Lộc Phúc thu lợi gần 20 tỷ đồng.
Cò nhà đất – vàng thau lẫn lộn
Thủ đoạn mà Công ty Lộc Phúc dễ dàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua một số "dự án ma" tại địa bàn Đồng Nai là đã tuyển cả trăm sinh viên làm nhân viên môi giới. Sau đó, công ty này hướng dẫn những sinh viên này vào các trang mạng xã hội tìm những căn nhà đẹp ở TP. HCM chụp ảnh, đăng trên website của công ty và trang web Chợ tốt để giới thiệu bán. Từ đây, nhiều người có nhu cầu mua nhà ở TP. HCM đã liên hệ với công ty.
Khi khách hàng yêu cầu đi xem mua ở TP. HCM, nhóm tội phạm này hẹn khách đến một quán cà phê đã định trước rồi "lùa" khách hàng lên ô tô khách, kéo rèm che kín để khó bề quan sát lộ trình chuyến đi, tổ chức trò chơi có thưởng để nạn nhân phân tâm, không phát hiện, còn thực chất, khách hàng bị đưa đến các "dự án ma" để xem đất.
Song song với đó, công ty này thuê những người lớn tuổi, có khả năng diễn xuất làm AC (gọi là “chân gỗ”), đồng thời đưa tiền cho những "chân gỗ" này tiếp cận khách hàng nhằm tạo sự gần gũi, đồng cảm rồi lôi kéo, dụ dỗ khách hàng giao dịch mua đất. Khi đến "dự án ma", nhân viên vây quanh giới thiệu sản phẩm với giá trị cao gấp nhiều lần trị giá thực tế của lô đất, liên tục thúc ép khách hàng đặt cọc và tác động tâm lý làm cho khách hoang mang không có sự lựa chọn nào khác.
Sau nhiều lần thâm nhập thực tế, đi buôn đất bất đắc dĩ, tôi nhận ra rằng quy định bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn, nhằm bạch hóa thông tin thị trường là một định hướng đúng, nhưng khó thực hiện.
Ở một số nước tiên tiến, môi giới được quản lý theo hồ sơ gắn mã định danh, để mỗi giao dịch, rao bán đều được ghi lại. Hồ sơ về người môi giới cho biết các căn nhà đã bán và phản hồi của khách hàng (kể cả người bán lẫn người mua), khiếu kiện liên quan... Nếu khách hàng không hài lòng, họ có thể phản ánh tới cổng thông tin bằng mã số riêng của người môi giới, dù có giao dịch hay chưa. Điều này giúp người bán/mua nhà lựa chọn người có kinh nghiệm, đáng tin. Môi giới không thể dùng một mẹo lừa hết người này sang người khác. Ngược lại, người môi giới phải cố gắng giữ uy tín để có các khách hàng mới. Nói một cách ví von, hồ sơ như một tấm biển đeo trước ngực để phân biệt người tốt hay xấu. Tấm biển này có thể không chính xác hoàn toàn nhưng vẫn có giá trị tham khảo rất lớn.
Hiện tại ở TP. HCM nói riêng và cả nước nói chung, nghề môi giới nhà đất là một công việc chính đáng, có nhu cầu lớn từ thị trường. Nhưng đáng tiếc, việc quản lý nghề nghiệp này đang khá lỏng lẻo, trở thành một thế giới “cò đất”. Tôi đã không khỏi giật mình trước nghìn lẻ một chiêu thức để nhà đầu tư xỉa tiền đầy háo hức, giật mình trước cách tạo sóng, tạo sốt giá ảo. Vì ham làm giàu, nhiều sinh viên, công nhân lao động đã chấp nhận trở thành kẻ lừa đảo.
Chuyện nhặt trên hành trình làm nghề
Chị T.L (ngụ tai quận 8, TP.HCM), người đã bị “bay” 300 triệu đồng tiền đặt cọc vì vài lần tham gia sự kiện ra mắt các dự án bất động sản “ma” tâm sự: “Bản thân tôi vốn không thích tham gia mua bán nhà đất qua lại để làm giàu, vì cũng dễ rủi ro và làm tăng hệ lụy cho xã hội. Nhưng đôi khi, tôi tự hỏi, nếu mình không đầu tư bất động sản thì làm sao giàu lên nhanh được? Trong khi đó, công việc hiện tại chỉ giúp tôi ổn định và đủ sống với thu nhập vừa phải”.
Tương tự, một giáo viên đã nghỉ hưu tại TP. Thủ Đức, sau khi bị lừa vì đã lỡ chốt cọc tại dự án “ma” cũng chia sẻ: “Vì giá chung cư tăng chóng mặt, nên thấy đất nền rẻ lại được rao là có sổ đỏ thì tôi ham mua ngay, đâu biết là dự án ma. Tôi luôn sợ nếu không mua đất ngay thì không biết sau này đến bao giờ mới mua được”.
Còn rất nhiều những lời tâm sự khác trên hành trình tìm hiểu vì đâu người mua đất “nên nỗi” mất tiền oan. Tựu trung lại cũng vì mục tiêu mua đất dễ có lời hơn đầu tư sản xuất. “Ở quê tôi, những ai mua qua bán lại đất đai đều trúng đậm từ vài tỷ đồng đến vài chục tỷ đồng. Trong khi những người sản xuất nông nghiệp thì hoặc thua lỗ hoặc thành công với lợi nhuận rất thấp, trong khi phải làm việc cực khổ hơn rất nhiều”, một nông dân ở Đồng Nai cho hay.
Trong các kiểu đi buôn, người ta luôn tin rằng, đầu tư nhà đất không bao giờ bị thiệt bởi đất có nở thêm ra đâu. Vào thời điểm sốt, xung quanh tôi, cứ vài ngày là có người lại khoe mới chốt một lô đất đẹp, với hình ảnh những đống sổ đỏ ngổn ngang, rồi lan tin nào là dự án sắp được phê duyệt, huyện này sắp lên quận, thị trấn sắp lên thị xã, thị xã sắp lên thành phố...
Tôi biết nhiều người phải thế chấp cả nhà, xe để vay ngân hàng có tiền chạy theo các cơn sốt đất. Có những lúc, cả nhà vui mừng vì những khoản vừa kiếm được chỉ trong tích tắc bằng cả năm đi làm, ít ai nghĩ đến việc nếu mất vốn sẽ điêu đứng thế nào. Buôn đất, có quả ngọt nhưng cũng không ít trái đắng. Nhiều người càng vui mừng, hoan hỉ thì càng xuất hiện nhiều kẻ lừa đảo. Càng đi, càng viết, càng thấm thía, đầu tư bất động sản, một nghề không dễ “ngon ăn” cho những người tay ngang.
Làm báo thời TikTok
Ký ức một chuyến tác nghiệp tại Móng Cái
Cú 'đổ đèo' của báo in
- PGS.TS Bùi Chí Trung: 'Một số điểm nghẽn đang kìm hãm kinh tế báo chí' 19/06/2024 01:30
- Kinh tế báo chí trước thách thức của mạng xã hội 19/06/2024 06:30
- Phác thảo bức tranh báo chí kinh tế Việt Nam 20/06/2024 06:30
- Kinh tế báo chí: Góc nhìn từ lịch sử 18/06/2024 01:30
Vào công trường thi công 600 căn nhà ở xã hội tại Long Biên - Hà Nội
(VNF) - Chung cư cao tầng CT1 thuộc khu nhà ở xã hội Thượng Thanh sẽ cung cấp khoảng 600 căn hộ cho người thu nhập thấp, dự kiến mở bán trong năm 2025.