Ký ức một chuyến tác nghiệp tại Móng Cái
(VNF) - Móng Cái năm ấy đang là thị xã (năm 2008, mới được công nhận thành phố) nhưng sự cảm nhận của tôi nơi đây là một đô thị buôn bán giao thương sầm uất bậc nhất...
Vào những ngày cuối năm 2007, tôi được cơ quan giao viết bài về đề tài “Phòng chống buôn lậu dịp cuối năm”. Và tôi đã chọn Móng Cái là nơi để bắt đầu.
Trước đó, tôi chưa một lần được đến Móng Cái, chỉ biết đây là nơi có cửa khẩu quốc tế, hoạt động buôn bán những ngày cuối năm thường rất tấp nập, hàng hóa từ Trung Quốc chuyển sang rất nhiều.
Ngày ấy, để đến được Móng Cái, tôi phải di chuyển gần 1 ngày trên chuyến xe Caunty 29 chỗ ngồi. Đường từ Hà Nội đến Móng Cái khi ấy còn rất khó khăn, Quốc lộ 18 nhiều đoạn đang trong giai đoạn mở rộng, sửa chữa. Đoạn đường từ Cẩm Phả ra đến Móng Cái rất nhỏ, lại ngoằn ngoèo, trên đường thỉnh thoảng lại gặp 1 chiếc xe container “ngửa bụng lên trời” bên lề đường. Hỏi ra mới biết, hầu hết những vụ tai nạn như vậy là do tài xế mới đi lần đầu nên chưa quen đường, xe nặng, đường trơn lại ngoằn ngoèo nên dễ bị lật. Những xe như vậy chủ yếu từ trong miền Nam ra.
Tôi đến Móng Cái cũng gần cuối giờ chiều nên được cán bộ văn phòng UBND thị xã sắp xếp cho 1 phòng nghỉ ở nhà khách công vụ nằm ngay bên bờ sông Ka Long. Tầm 10 giờ tối, tiếng xuồng, ghe gắn máy bắt đầu chạy “phàng phạch” dọc sông Ka Long, chở theo rất nhiều loại hàng hóa, không rõ điểm lấy hàng ở đâu nhưng nơi đến là các kho tập kết hàng hóa, để ngày hôm sau các xe tải có thùng được che kín và xe container đến chuyển hàng vào trong nội địa. Ước tính một đêm, mỗi xuồng, ghe gắn máy vận chuyển được hàng chục chuyến hàng. Hoạt động buôn bán qua lại như vậy gần như xuyên đêm, đến khi trời gần sáng thì thưa dần.
Những năm ấy người Trung Quốc sang Móng Cái buôn bán rất đông. Tiền Nhân dân tệ và tiền Việt Nam Đồng khi thanh toán hầu hết đều được chấp nhận. Người dân Móng Cái lúc ấy gần như ai cũng thuộc lòng tỷ giá tiền Nhân dân tệ với Việt Nam Đồng mỗi ngày.
Chợ Trung tâm Móng Cái vang bóng một thời
Sáng hôm sau, tầm 8h, tôi đến Chợ trung tâm Móng Cái để tìm hiểu về hoạt động buôn bán tại đây. Được biết, khu chợ này được đưa vào sử dụng từ tháng 10/2004. Ngày ấy, các ki-ốt, kho hàng trong chợ gần như không bán lẻ, hầu hết là hoạt động buôn bán của người kinh doanh với nhau. Những người có cửa hàng bán lẻ ở các tỉnh thường đến đây lấy hàng để về bán lại cho người tiêu dùng. Họ mua bán theo lô, theo kiện những mặt hàng chủ yếu là quần áo, vải, giày dép, đồ chơi trẻ em… được chuyển từ Đông Hưng (Trung Quốc) sang.
Tôi cảm giác ngày ấy, người Đông Hưng sang Chợ trung tâm Móng Cái buôn bán còn nhiều hơn người bản địa. Tầm 8h sáng, từng đoàn người “tay xách nách mang” dễ dàng nhập cảnh bằng chiếc sổ thông hành của cư dân biên giới để sang Móng Cái buôn bán. Đến tầm 4h chiều, họ lại quay về Đông Hưng. Vì múi giờ của Trung Quốc hơn Việt Nam 1 tiếng nên họ thường nghỉ kinh doanh sớm hơn Việt Nam.
Ngày ấy, quanh khu Chợ trung tâm và các khu chợ khác tại Móng Cái, đâu đâu cũng thấy được “mùi tiền”. Người người, nhà nhà đều buôn bán. Người có điều kiện kinh doanh thì có ki-ốt, kho hàng kinh doanh trong các chợ, người ít vốn thì xách lô tất, lô dép bán dạo xung quanh phục vụ cho khách du lịch mua lẻ về làm quà. Những người không có vốn để buôn bán thì bốc vác cho các tiểu thương…
Hoạt động đổi tiền cũng nở rộ. Ngày ấy muốn đổi tiền từ tiền Việt Nam Đồng sang Nhân dân tệ và ngược lại tại Móng Cái dễ như mua một mớ rau. Từ trong khu chợ trung tâm ra đến khu vực xung quanh, đâu đâu cũng có biển “đổi tiền”, những người hoạt động trong lĩnh vực này phải đến hàng trăm người.
Tôi nhớ lúc ấy, có một chị tiểu thương ở tỉnh khác đến, đổi 100 triệu Việt Nam Đồng để lấy tiền Nhân dân tệ, người làm dịch vụ đổi tiền phải cầm số tiền này sang một nơi khác cách đó không xa để lấy tiền Nhân dân tệ. Tầm 2 phút sau, người làm dịch vụ đổi tiền quay lại đem theo 1 xấp tiền Nhân dân tệ tương đương 100 triệu Việt Nam Đồng trả cho chị.
Móng Cái năm ấy đang là thị xã (năm 2008, mới được công nhận thành phố) nhưng sự cảm nhận của tôi nơi đây là một đô thị buôn bán giao thương sầm uất bậc nhất. Bên cạnh hoạt động kinh doanh buôn bán hàng hóa tại các khu chợ, các hoạt động kinh doanh có điều kiện như: nhà hàng, khách sạn, karaoke, vũ trường… rất sôi động, hầu hết đều tập trung ở 3 phường Trần Phú, Ka Long và phường Hòa Lạc.
Cuối năm 2019, dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát ở Trung Quốc. Kể từ ngày ấy, hoạt động kinh doanh buôn bán, giao thương giữa Đông Hưng và Móng Cái gần như cũng khép lại. Người Trung Quốc trên đất Móng Cái đã dần vắng bóng, quanh khu chợ trung tâm cũng đìu thiu. Dòng Ka Long lại trở về cái vắng lặng vốn có của nó. Những người đổi tiền cũng đã phải chuyển sang nghề khác, những người khuân vác phải bỏ phố về quê, những vũ trường ăn chơi nay chỉ còn “cái vỏ”.
Nhiều người nói vui với nhau thành phố Móng Cái ngày nay giống như hình ảnh trong bài hát “thành phố buồn” của nhạc sỹ Lan Phương.
Làm báo thời TikTok
Cú 'đổ đèo' của báo in
- Báo chí cần cho phép độc giả, DN tham gia quá trình tạo dựng nội dung 31/05/2024 11:12
- CNN: 'Tin tức thường trực' là bảo chứng thành công 19/06/2024 09:00
- Cách kiếm tiền của 'đế chế' truyền thông Bloomberg 19/06/2024 02:15
Cảnh đìu hiu ở Chợ trung tâm Móng Cái chuyên bán hàng Trung Quốc
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone