'Nguồn lực trong nước mải mê tìm kiếm lợi nhuận từ chênh lệch giá, không đổ vào sản xuất'

Ái Châu Tử - 10/01/2025 08:00 (GMT+7)

(VNF) - PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân bày tỏ lo ngại: "Nguồn lực trong nước có xu hướng tìm kiếm lợi nhuận từ chênh lệch giá trên thị trường tài sản, thay vì đầu tư vào sản xuất để tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế".

Năm 2024, kinh tế Việt Nam ghi nhận sự phục hồi tích cực, thể hiện qua con số tăng trưởng GDP tăng dần qua các quý, cả năm đạt 7,09% - là mức tốt thứ 4 trong vòng 14 năm trở lại đây. Đây được xem là tiền đề để Việt Nam kỳ vọng mức tăng trưởng 8% trong năm 2025, tiến tới tăng trưởng hai con số.

Để nhìn lại bức tranh kinh tế năm 2024, qua đó nhận biết các động lực, những vấn đề, từ đó đưa ra dự báo về triển vọng năm 2025, Tap chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân.

Đằng sau con số tăng trưởng

- Điều tích cực ông nhìn thấy trong bức tranh kinh tế năm 2024 của Việt Nam là gì?

PGS.TS Phạm Thế Anh: Điểm tích cực nhất là Việt Nam đã đạt được các mục tiêu lớn về kinh tế: GDP tăng tới 7,09%, vượt kế hoạch đề ra; lạm phát chỉ 3,63%, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 4% - 4,5%. Bên cạnh đó, hầu hết các ngành đều có sự cải thiện, mạnh nhất là ngành công nghiệp chế biến chế tạo mà song hành với nó là sự hồi phục tốt của xuất khẩu. Ngoài ra, tiêu dùng và đầu tư tư nhân tăng cao hơn so với năm trước, đầu tư công cũng duy trì được nhịp điệu.

- Nhưng nếu nhìn vào động lực tăng trưởng, dường như năm 2024 không có sự khác biệt nào so với các năm trước đó? Các động lực cũng có không ít vấn đề?

PGS.TS Phạm Thế Anh: Nhìn một cách chi tiết, các động lực tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 đều tồn tại những vấn đề không nhỏ.

Cụ thể, về tiêu dùng, có thể thấy tâm lí tiêu dùng khá ảm đạm. Tiêu dùng của khu vực tư nhân trên thực tế đã suy giảm tốc độ tăng trưởng từ năm 2020 tới nay. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như: thu nhập của nhiều người dân không tăng, thậm chí giảm ở nhiều bộ phận dân cư; chi phí sinh hoạt tăng nhanh; thị trường tài sản, nhất là bất động sản tăng giá quá mạnh khiến nhiều bộ phận dân cư phải tiết kiệm nhiều hơn để trang trải cho chi phí nhà ở; môi trường kinh doanh bất ổn khiến tâm lí phòng thủ và tiết kiệm dự phòng tăng cao…

PGS.TS Phạm Thế Anh

Đặc biệt, chính sách thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam quá lạc hậu, mức giảm trừ gia cảnh ở các đô thị không theo kịp tốc độ tăng chi phí sinh hoạt. Bộ Tài chính viện dẫn quy định lạm phát phải tăng 20% mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, khiến việc điều chỉnh bị đình hoãn. Hệ quả là số thu thuế thu nhập cá nhân đã tăng gần 4 lần trong 10 năm qua, nâng tỷ trọng của nguồn thu này trong tổng thu ngân sách từ mức 3% - 4% lên tới 9,5% hiện nay. Hệ luỵ là thu nhập sau thuế của người dân không tăng kịp so với chi phí sinh hoạt, ảnh hưởng mạnh tới khả năng tiêu dùng.

Về đầu tư của khu vực tư nhân, mặc dù năm qua, số doanh nghiệp tham gia vào nền kinh tế, mở rộng sản xuất đã có tăng lên nhưng mức tăng là khá chậm. Đáng nói, ở nhiều ngành nghề, quy mô doanh nghiệp còn bị thu hẹp do người dân không nhìn thấy cơ hội kinh doanh.

Về xuất khẩu, xuất khẩu năm 2024 tăng cao nhưng một phần là nhờ so sánh với nền thấp của năm 2023. Mặt khác, tình hình xuất khẩu năm qua biến động theo hướng tiêu cực, tăng mạnh vào quý I – quý III nhưng càng về cuối năm càng chậm lại. Triển vọng tăng trưởng xuất khẩu mạnh trong năm 2025 là không chắc chắn, bởi “ẩn số” chính sách thuế quan mà chính quyền sắp tới của Tổng thống Donald Trump có thể áp dụng.

Băn khoăn mục tiêu tăng trưởng cao

- Với nền tảng như vậy, ông đánh giá thế nào về mục tiêu tăng trưởng GDP 8% vào năm 2025 cũng như kỳ vọng tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tới?

PGS.TS Phạm Thế Anh: Tôi cho rằng đó là một mục tiêu rất thách thức. Chúng ta thấy kể từ khi Đổi mới đến nay, cứ sau mỗi 10 năm, tốc độ tăng trưởng GDP lại chậm lại. Những năm gần đây, mức tăng trưởng không những chậm mà còn bất ổn. Để chuyển từ tình trạng như vậy sang trạng thái tăng trưởng cao, tiến tới tăng trưởng 2 con số, mà còn kỳ vọng tăng trưởng cao một cách liên tục là điều rất khó.

Mô hình tăng trưởng của Việt Nam trước nay là dựa vào đầu tư vốn vật chất, tạo hàng hoá, hướng ra xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa hiện nay thậm chí đã gần bằng quy mô GDP. Nhưng điều cốt yếu là khu vực kinh tế trong nước không đóng góp nhiều vào giá trị xuất khẩu đó, thặng dư thương mại thuộc về khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trong khi khu vực trong nước luôn có thâm hụt. Có thể nói chúng ta đang xuất khẩu hộ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Vì thế, thu nhập của người dân Việt Nam không tăng nhanh như tốc độ tăng giá trị xuất khẩu. Nếu khu vực kinh tế trong nước có thể thay thế vị trí của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong bức tranh xuất khẩu, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam có lẽ đã tăng gấp đôi, gấp ba so với bây giờ. Đây chính là nguyên do có thể khiến Việt Nam mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình thấp.

Bởi vậy, bài toán đặt ra cho Việt Nam là phải tìm kiếm động lực tăng trưởng mới. Chúng ta mơ về tăng trưởng hai con số, nhưng lấy gì để tạo ra tăng trưởng đó thì ta vẫn chưa rõ.

Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đã duy trì được mức tăng trưởng hai con số trong thời gian dài, qua đó “hoá rồng” là nhờ họ thành công trong một vài lĩnh vực nhất định, chiếm lĩnh được thị trường thế giới. Ví dụ Nhật Bản, Hàn Quốc thành công trong công nghiệp ô tô, điện tử, bán dẫn, Trung Quốc thành công trong sản xuất hàng tiêu dùng.

Còn Việt Nam hiện nay chưa nhìn thấy một cơ hội nào như thế. Công nghệ của Việt Nam tụt hậu so với thế giới, các ngành chế biến chế tạo của các doanh nghiệp trong nước không cạnh tranh nổi với Trung Quốc. Chúng ta chỉ có một số mặt hàng đi được vào thị trường ngách, như nông thủy sản, nhưng nông thủy sản là quá nhỏ bé để có thể là bệ đỡ cho mục tiêu tăng trưởng hai con số. Những ngành khác mà các doanh nghiệp trong nước có thể xuất khẩu với giá trị lớn lại phụ thuộc nặng vào nguyên vật liệu nhập khẩu, giá trị gia tăng mà chúng ta tạo ra rất thấp.

Để tạo tăng trưởng cao và duy trì được mức tăng trưởng cao ấy trong thời gian dài, Việt Nam phải có nguồn lực về công nghệ, vốn con người, vốn đầu tư quốc tế. Những điều này đều là điểm yếu của Việt Nam. Chưa nói gì cao xa, ngay cả doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng ít có niềm tin dài hạn đối với nền kinh tế Việt Nam. Chúng ta có quá ít doanh nghiệp lớn, hầu như các doanh nghiệp chỉ lớn đến một mức độ vừa phải là dừng lại, hoặc “bán mình” cho khối ngoại. Về vốn con người, chúng ta chưa thu hút được nhân tài trên thế giới về làm việc, trong khi đó người giỏi trong nước lại có xu hướng ra nước ngoài làm việc. Còn khối ngoại đến với Việt Nam vẫn chủ yếu là để tìm kiếm các ưu đãi về thuế, đất đai và lợi thế lao động giá rẻ, chứ không chọn Việt Nam làm cứ điểm cho chiến lược toàn cầu của họ. Khi hết những ưu đãi và lợi thế này, rất khó có thể giữ chân họ.

Điều rất đáng lo lắng hiện tại là nguồn lực trong nước có xu hướng tìm kiếm lợi nhuận từ chênh lệch giá (rent seeking) trên thị trường tài sản, thay vì đầu tư vào sản xuất. Việc một cá nhân mua bất động sản giá thấp, bán bất động sản giá cao để làm giàu là chính đáng, bình thường, nhưng điều đó lại không tạo ra giá trị gia tăng nào cho xã hội. Giá trị gia tăng phải đến từ sản xuất và giao thương với bên ngoài. Tiền càng được bơm ồ ạt vào nền kinh tế, một cách gần như chắc chắn, nó sẽ càng chảy vào các hoạt động tìm kiếm lợi nhuận như vậy, bởi nó dễ kiếm lời quá, còn sản xuất lại quá nhiều rủi ro. Đây là lỗi của môi trường kinh doanh bất ổn, tham vọng tăng trưởng nhanh nhưng thiếu các yếu tố nền tảng căn bản.

- Chính phủ đang cố gắng tìm kiếm các cơ hội, tạo ra những cú hích, những động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Ông đánh giá thế nào về những nỗ lực này?

PGS.TS Phạm Thế Anh: Lãnh đạo Đảng, Chính phủ đang cho thấy sự thay đổi tư duy rất rõ rệt, biểu hiện trực tiếp là cuộc cải cách tinh gọn bộ máy hiện tại. Bên cạnh đó, một loạt dự án lớn cũng đã được “bấm nút” và thi công. Sau khi hoàn thành các chương trình lớn này, tăng trưởng kinh tế sẽ được thúc đẩy.

Đáng chú ý là Việt Nam đã và đang kêu gọi được một số tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, gần nhất là Nvidia. Song, có một vấn đề đáng lưu tâm là liệu Việt Nam sẽ tham gia được bao nhiêu vào cuộc chơi của các đại gia công nghệ thế giới, qua đó gia tăng thu nhập cho người dân? Nếu cục diện vẫn như trước đây, khả năng thoát bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam vẫn là không cao.

Như ông đã chỉ ra, Việt Nam đang tham vọng triển khai các dự án đầu tư rất lớn để tạo cú hích cho tăng trưởng. Nhưng đầu tư công có là đủ để hiện thực hoá mục tiêu tăng trưởng cao?

PGS.TS Phạm Thế Anh: Để tạo ra tăng trưởng cao và ổn định thì không thể chỉ dựa vào đầu tư công được. Tăng trưởng dựa vào đầu tư công gặp rất nhiều giới hạn. Một là về nguồn lực, những năm qua có lẽ là giai đoạn tươi đẹp của ngân sách nhà nước: tăng thu rất nhanh, tăng chi chậm hơn. Nhưng kể cả tươi đẹp như vậy, Việt Nam vẫn thâm hụt ngân sách. Đó là một vấn đề.

Vấn đề thứ hai là mặt trái của tăng thu ngân sách chính là sự lấy đi nguồn lực của khu vực tư nhân. Thuế thu nhập cá nhân đã nêu trên chỉ là một ví dụ. Bản thân việc đầu tư công bằng cách phát hành trái phiếu cũng là lấy nguồn lực mà đáng lẽ ra sẽ dành cho khu vực tư nhân. Đây là hiện tượng chèn lấn của khu vực công đối với khu vực tư.

Bởi vậy, bên cạnh việc tinh gọn bộ máy để giảm chi thường xuyên, dành nguồn lực cho đầu tư, Chính phủ phải thu hút được đầu tư tư nhân tham gia cùng, chứ một mình đầu tư công sẽ không gánh vác nổi mục tiêu tăng trưởng hai con số.

- Tài khoá đã là như vậy, theo ông, chính sách tiền tệ cần thực hiện như thế nào để hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng?

PGS.TS Phạm Thế Anh: Chính sách tiền tệ phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng cao sẽ khá rủi ro. Việc thúc ép tăng trưởng tín dụng và cung tiền 15% - 17%/năm sẽ gây ra lạm phát giá tiêu dùng và lạm phát giá tài sản. Tỷ giá cũng chịu sức ép khi duy trì mặt bằng lãi suất thấp để kích thích tăng trưởng, hệ quả là suy giảm niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Nguồn vốn tư nhân cũng có xu hướng đầu cơ trên các thị trường tài sản.

Một cách thẳng thắn thì chính sách tiền tệ của Việt Nam đã chạm giới hạn, thậm chí vi phạm một số nguyên tắc bình ổn vì mục tiêu tăng trưởng. Mặt bằng lãi suất chính sách của Việt Nam thậm chí thấp hơn so với Mỹ trong khi lạm phát và rủi ro của môi trường kinh doanh của Việt Nam cao hơn. Kết quả là VND mất giá hơn 4% so với năm ngoái. Nếu Chính phủ cứ bơm tín dụng dễ dãi, e rằng không những không có tăng trưởng dài lâu mà còn tạo ra thêm bất ổn trên thị trường tài sản, tạo sức ép lạm phát, khiến môi trường kinh doanh xấu đi.

- Ông có khuyến nghị gì đối với Chính phủ trong điều hành hướng tới mục tiêu tăng trưởng cao, bền vững?

PGS.TS Phạm Thế Anh: Vấn đề của kinh tế Việt Nam không hẳn là thiếu vốn mà là thiếu cơ hội kinh doanh. Nếu khu vực kinh tế tư nhân nhìn thấy cơ hội kinh doanh mang lại lợi nhuận đủ tốt và an toàn thì nguồn lực chắc chắn sẽ chảy vào đó, không cần phải kêu gọi. Việc làm sao để nguồn lực trong nước quay về với khu vực sản xuất, thay vì đầu cơ trên thị trường tài sản, phụ thuộc hoàn toàn vào điều hành của Chính phủ, vào sự lựa chọn giữa mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn và sự kiên nhẫn tạo lập nền tảng vững chắc cho tăng trưởng dài hạn.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Đề xuất thử nghiệm sàn giao dịch tiền số tại trung tâm tài chính Việt Nam

Đề xuất thử nghiệm sàn giao dịch tiền số tại trung tâm tài chính Việt Nam

Tài chính
(VNF) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đề xuất thử nghiệm có kiểm soát với mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính, gồm sàn giao dịch tài sản số, tiền số tại các trung tâm tài chính.
Cùng chuyên mục
Tin khác
Hình ảnh toàn tuyến cao tốc hơn 100km nối Hà Tĩnh - Quảng Bình

Hình ảnh toàn tuyến cao tốc hơn 100km nối Hà Tĩnh - Quảng Bình

(VNF) - Sau hơn hai năm thi công, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua địa bàn Hà Tĩnh dần hoàn thiện. Các Ban dự án và đơn vị thi công đang tập trung nhân lực, phương tiện, đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp đưa vào khai thác dự kiến vào dịp 30/4/2025.