TS Lê Xuân Nghĩa: ‘Nếu phấn đấu tích cực, GDP 2025 có thể tăng như 2024’

Ái Châu Tử - 11/01/2025 12:00 (GMT+7)

(VNF) - TS Lê Xuân Nghĩa đánh giá các động lực tăng trưởng của Việt Nam đang đối diện nhiều thách thức trong năm 2025. Do vậy, nếu phấn đấu tích cực, khả năng GDP năm 2025 sẽ đạt được mức tăng trưởng như năm 2024.

Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8%, tăng mạnh so với mức thực hiện năm 2024 (7,09%). Cơ sở nào để đạt được mức tăng trưởng đó đang là chủ đề thu hút sự quan tâm lớn của giới chuyên gia kinh tế. Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia:

Tăng trưởng 2024 vượt dự báo

- Kết quả tăng trưởng GDP năm 2024 khá tích cực, nhưng vẫn khiến giới quan sát lo lắng khi các động lực tăng trưởng không thực sự mạnh mẽ. Ông thấy thế nào?

TS Lê Xuân Nghĩa: Xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng là ba chân kiềng của tăng trưởng kinh tế. Trong số đó, xuất khẩu đóng góp vào tăng trưởng rất hạn chế, chưa tới 1%. Năm qua, xuất nhập khẩu của Việt Nam tương đối khá. Tuy nhiên, thặng dư thương mại hàng hoá và dịch vụ chỉ khoảng 12 tỷ USD, lại được tạo ra bởi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, còn khu vực nội địa thâm hụt lớn.

Đầu tư đóng góp vào tăng trưởng khoảng 33%. Năm 2024, đầu tư FDI (vốn thực hiện) tăng 9,4%, đầu tư công tăng 3%, đầu tư tư nhân nội địa tăng 7%. Trong số này, đầu tư tư tư nhân nội địa mang lại niềm vui khi có dấu hiệu phục hồi so với năm trước. Song, nếu so với giai đoạn trước dịch Covid-19 thì mức tăng của đầu tư tư tư nhân nội địa vẫn còn thua kém rất xa (15% - 16%/năm). Điều này cho thấy sự phục hồi đầy khó nhọc của đầu tư tư nhân nội địa.

Với tiêu dùng, đây là khu vực quan trọng nhất, đóng góp 66% tăng trưởng GDP. Năm qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng chậm hơn năm trước đó, chỉ 9% so với 9,4%; trừ đi lạm phát, chênh lệch còn nhiều hơn, 5,9% so với 6,8%. Như vậy, tiêu dùng chưa phục hồi mạnh, nhưng điều này cũng cho thấy vai trò quan trọng của tiêu dùng đối với tăng trưởng. Trong tương lai, đây vẫn là động lực quan trọng nhất của tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Năm 2024, Việt Nam đã kiểm soát tương đối tốt lạm phát, chỉ 3,63%; tỷ giá tăng 4,9%, chủ yếu do USD lên giá. Kết quả này cho thấy nỗ lực quản lý kinh tế vĩ mô, kiểm soát tỷ giá và lạm phát tương đối tốt của Chính phủ.

Cộng hưởng lại, Việt Nam đạt được mức tăng trưởng GDP 7,09%. Đây là mức tăng trưởng mà phần lớn chuyên gia và các tổ chức quốc tế chưa từng dự báo được!

Lo lắng tăng trưởng 2025

- Với các phân tích nêu trên, triển vọng tăng trưởng cao trong năm 2025 có sáng sủa?

TS Lê Xuân Nghĩa: Năm 2025 có một số yếu tố tích cực, chẳng hạn như địa chính trị có thể giảm bớt căng thẳng, lạm phát toàn cầu có chiều hướng giảm, nhiều quốc gia như Nhật hay EU có gói kích thích kinh tế từ ngân sách hoặc nới lỏng tiền tệ. Vì vậy, các dự báo ban đầu của IMF, WB, OECD cho rằng năm 2025, GDP toàn cầu có thể tăng trưởng khoảng 3%.

Tuy nhiên, có một yếu tố rất khó lường đó là chính sách thuế quan của ông Donald Trump. Nếu ông Trump áp thuế nhập khẩu 60% đối với hàng hoá Trung Quốc vào Mỹ và 10% đối với phần còn lại của thế giới, kinh tế Mỹ có thể suy giảm 0,6%, lạm phát tăng thêm 1%, theo báo cáo của Uỷ ban Ngân sách của Quốc hội Mỹ.

Nếu tất cả quốc gia áp dụng chính sách “trả đũa” với Mỹ, kinh tế toàn cầu sẽ giảm so với dự báo 0,3% và lạm phát tăng so với dự báo 0,5%.  Điều này có thể khiến xu hướng giảm lãi suất trên toàn cầu chững lại, USD cũng sẽ đứng ở mức cao. Sức mua toàn cầu, thương mại toàn cầu sẽ giảm 0,3%. Điều này sẽ gây áp lực lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, do tăng chi phí sản xuất và giảm đơn hàng.

Cuộc chiến thuế quan, nếu xảy ra, cũng làm chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu của Việt Nam tăng lên. Tỷ giá cũng sẽ tăng, làm giá hàng hoá nhập khẩu tăng. Đây là điều gây áp lực lớn cho lạm phát. Lạm phát lớn sẽ cản trở khả năng giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng kinh tế của nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, động lực xuất khẩu năm 2025 sẽ khó khăn.

Đầu tư cũng trong tình trạng tương tự. Đầu tư FDI có thể chậm lại do lãi suất bên ngoài cao. Mặt khác, vốn đăng kí FDI năm 2024 tăng không đáng kể. Vốn đăng kí ít thì vốn giải ngân cũng ít theo. Dự báo là tỷ lệ giải ngân FDI có xu hướng chậm lại.

Đầu tư của khu vực tư nhân nội địa đang trong tình trạng phục hồi khó khăn sẽ khó khăn hơn nữa trong bối cảnh trên. Trong khi đó, lĩnh vực bất động sản khó có sự đột biến trong năm 2025, mặc dù hành lang pháp lí mới đã cơ bản xây dựng xong.

Như vậy, động lực đầu tư năm 2025 của Việt Nam chỉ còn dựa vào đầu tư công, kỳ vọng có thể tốt hơn nhờ bảng giá đất mới có thể hỗ trợ cho công tác giải phóng mặt bằng các dự án lớn.

Đối với động lực tiêu dùng, đây là điều gần như không dự báo được, vì công ăn việc làm của cả khu vực công và tư đang trong tình trạng thay đổi. Tiêu dùng 2025 có thể hi vọng đâu đó vào du khách quốc tế, chứ khó kì vọng vào du lịch nội địa. Cán cân dịch vụ thâm hụt chứng tỏ người Việt Nam đi nước ngoài còn nhiều hơn đi trong nước. Vì vậy, nếu miễn cưỡng dự báo, tiêu dùng 2025 sẽ như năm 2024.

Nói một cách cơ bản, tăng trưởng năm 2025, nếu chúng ta phấn đấu tích cực, sẽ đạt được như năm 2024!

- Chữ “nếu” mà ông vừa nói phải hiểu như thế nào?

TS Lê Xuân Nghĩa: Đó là nếu đẩy nhanh đầu tư công, nếu thúc đẩy được đầu tư tư nhân nội địa. Còn thẳng thắn nói thì chúng ta khó trông chờ FDI vì dòng vốn này có thể “quay xe” rất nhanh.

Lựa chọn nào để tăng trưởng?

- Theo phân tích của ông ở trên, có lẽ Việt Nam sẽ khó sử dụng chính sách tiền tệ để hỗ trợ cho tăng trưởng năm 2025?

TS Lê Xuân Nghĩa: Tôi dự đoán lãi suất bị kẹt rồi, không xuống được mà cũng chẳng lên được. Không xuống được vì xuống nữa thì người dân không gửi tiền vào ngân hàng, gặp bẫy thanh khoản ngay. Nhưng lãi suất cũng không lên vì đơn giản là Chính phủ sẽ không muốn tăng lãi suất.

- Dự trữ ngoại hối không thể dùng mãi, vậy khả năng năm sau, VND sẽ tiếp tục rớt giá?

TS Lê Xuân Nghĩa: Không tăng lãi suất thì phải tỷ giá phải tăng thôi, có thể VND sẽ mất giá thêm 5%. Thực ra điều này cũng không quá đáng sợ, đồng yên Nhật 2 năm qua mất giá tới 20%.

- Việt Nam có thể mở rộng tài khoá để thúc đẩy tăng trưởng không?

TS Lê Xuân Nghĩa: Thực tế là thu ngân sách của Việt Nam đã tăng trưởng nhanh trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Nhiều nước trong các năm qua đã sử dụng tài khoá để hỗ trợ cho tăng trưởng, bằng các gói kích thích kinh tế, hỗ trợ đầu tư vào các ngành công nghiệp xanh, công nghệ số, điện tử, chip, AI, thậm chí là phát tiền cho người dân chi tiêu. Việt Nam ngoài điều chỉnh một chút thuế VAT thì hầu như cũng chưa có tài trợ trực tiếp nào đáng kể.

Nhưng có một cửa tạo ra tăng trưởng khả quan hơn sử dụng tài khoá, đó là đẩy nhanh lộ trình tự do hoá giao dịch vốn, ví dụ cho phép doanh nghiệp vay vốn nước ngoài, nhận các khoản uỷ thác từ nước ngoài. Tại Việt Nam hiện nay, doanh nghiệp không được vay vốn ngoại trung – dài hạn, chỉ được vay ngắn hạn và chỉ dùng để trả nợ cũ. Đó là quy định không theo nguyên tắc thị trường.

Chúng ta cứ nói nhiều về việc xây dựng trung tâm tài chính, nhưng nền tảng của trung tâm tài chính là phải có hoạt động giao dịch vốn quốc tế, nơi đó các giao dịch vãng lai phải được tự do, giao dịch vốn cũng phải tự do, tỷ giá phải trong trạng thái thả nổi (có kiểm soát). Chúng ta không tạo được nền tảng về giao dịch vốn, giao dịch vãng lai thì nói gì tạo ra trung tâm tài chính.

Đó là chưa nói Việt Nam chưa có chính sách ưu tiên, hầu như các ưu tiên đều như ưu tiên thương mại tự do, vậy lấy đâu ra các nhà đầu tư nước ngoài nhảy vào. Không có các tập đoàn hàng đầu nước ngoài, các ngân hàng nước ngoài, các tỷ phú nước ngoài nhảy vào thì lấy đâu ra trung tâm tài chính quốc tế.

- Vậy Chính phủ có thể và nên làm gì để thúc đẩy tăng trưởng?

TS Lê Xuân Nghĩa: Có tình trạng có tiền mà không tiêu được, vì vậy phải mở thoáng cơ chế ra. Pháp luật phải thay đổi căn bản, không chú trọng vào quy trình mà chú trọng vào kết quả. Một bộ máy mà không coi trọng kết quả, chỉ chăm chăm làm đúng quy trình thì không thể tạo ra hiệu quả làm việc được.

'Nguồn lực trong nước mải mê tìm kiếm lợi nhuận từ chênh lệch giá, không đổ vào sản xuất'

'Nguồn lực trong nước mải mê tìm kiếm lợi nhuận từ chênh lệch giá, không đổ vào sản xuất'

Diễn đàn
(VNF) - PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân bày tỏ lo ngại: "Nguồn lực trong nước có xu hướng tìm kiếm lợi nhuận từ chênh lệch giá trên thị trường tài sản, thay vì đầu tư vào sản xuất để tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế".
Cùng chuyên mục
Tin khác
Hình ảnh toàn tuyến cao tốc hơn 100km nối Hà Tĩnh - Quảng Bình

Hình ảnh toàn tuyến cao tốc hơn 100km nối Hà Tĩnh - Quảng Bình

(VNF) - Sau hơn hai năm thi công, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua địa bàn Hà Tĩnh dần hoàn thiện. Các Ban dự án và đơn vị thi công đang tập trung nhân lực, phương tiện, đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp đưa vào khai thác dự kiến vào dịp 30/4/2025.