Cách kiếm tiền của 'đế chế' truyền thông Bloomberg

Bích Hợp - 19/06/2024 14:15 (GMT+7)

(VNF) - 1981 là năm khai sinh ra Bloomberg LP, một “gã khổng lồ” truyền thông nổi danh trong giới tài chính. Người sáng lập Bloomberg là cựu thị trưởng thành phố New York (Mỹ), ông Michael Bloomberg. Việc sở hữu 88% cổ phần của công ty giúp ông trở thành một trong những người giàu nhất hành tinh.

Trong mục tiêu ban đầu của người sáng lập, Bloomberg LP sẽ là một nguồn cung cấp thông tin và dữ liệu tài chính chuẩn xác và chi tiết đến từng giây. Và quả thật hiện Bloomberg đã trở thành một trong những kênh thông tin tài chính lớn nhất và đáng tin cậy nhất trên thế giới.

Sở hữu “dầu mỏ” của thế kỷ 21

Theo ước tính của Forbes, Bloomberg đã tạo ra doanh thu khoảng 12,5 tỷ USD vào năm 2023. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 500 triệu USD đến từ lĩnh vực truyền thông, phần lớn lợi nhuận của hãng đến từ Bloomberg Terminal, một hệ thống phân tích tài chính được sử dụng bởi hàng triệu người dùng trên toàn thế giới.

Đây là nền tảng thiết bị đầu cuối cho phép các chuyên gia tài chính, nhà đầu tư và nhà giao dịch theo dõi dữ liệu tài chính, thông tin thị trường theo thời gian thực. Từ đó, họ có một cái nhìn tổng quan và chính xác để đưa ra những quyết định đầu tư phù hợp. Ngoài ra, người dùng còn có thể thực hiện các giao dịch mua bán chứng khoán, ngoại hối và các sản phẩm tài chính trực tuyến trên nền tảng này.

Bloomberg Terminal được xem là nền tảng nghiên cứu và giao dịch chuyên sâu nhất dành cho các nhà đầu tư với khoảng 350.000 khách hàng trên khắp thế giới trả tiền hàng tháng. Giá trị thực sự của nền tảng này là sự tiện lợi khi tất cả dữ liệu được đặt đúng nơi và dễ dàng truy cập. Đương nhiên, mức phí của Bloomberg Terminal khá đắt đỏ, ước tính khoảng 30.000 USD/năm cho một thiết bị đầu cuối.

Theo khảo sát khách hàng năm 2021 của Bloomberg, 95% chuyên gia tài chính thừa nhận Bloomberg Terminal cung cấp cho họ những dữ liệu chất lượng cao; hơn 80% khách hàng cho biết công cụ này cung cấp công nghệ phù hợp cho vai trò của họ; 75% cho rằng Bloomberg đã giúp họ vượt trội hơn đối thủ cạnh tranh và 4 trong số 5 khách hàng cho biết họ dựa vào Bloomberg Terminal để điều hướng áp lực kinh tế vĩ mô và biến động thị trường một cách hiệu quả.

Các thiết bị đầu cuối của Bloomberg về cơ bản là vô song trong giới tài chính và đã góp phần vào sự tăng trưởng vượt bậc của công ty trong lịch sử 43 năm. Để hỗ trợ mạng lưới thông tin tài chính, mã hóa dữ liệu và giao dịch khổng lồ này, Bloomberg đã tuyển dụng hơn 4.000 kỹ sư máy tính trên toàn cầu.

Nhờ Bloomberg Terminal, công ty đã nắm giữ 1/3 thị phần trên thị trường dữ liệu tài chính và phân tích (có quy mô khoảng 37 tỷ USD trên toàn cầu) trong suốt hơn 1 thập kỷ, thường được ví là “dầu mỏ của thế kỷ 21”.

Đa nền tảng

Trong khi phần lớn doanh thu của Bloomberg đến từ Bloomberg Terminal thì mức độ nhận diện của công ty này lại chủ yếu đến từ Bloomberg News, kênh thông tin, website tin tức về tài chính, kinh tế với kho dữ liệu số khổng lồ, được biên tập và viết bởi các phóng viên tại hơn 100 quốc gia.

Nhiệm vụ của Bloomberg News là “cung cấp thông tin chính xác về các nền kinh tế, thị trường, công ty và ngành công nghiệp trên toàn thế giới”. Đây là một kênh tin tức đa phương tiện với bản tin, video và các bài viết phân tích chuyên sâu. Dịch vụ tin tức của Bloomberg còn cung cấp thông tin cho khách hàng thông qua các nền tảng như Bloomberg Radio, Bloomberg Television, các tạp chí như BusinessWeek và Bloomberg Markets.

Bloomberg Television là kênh truyền hình tài chính quốc tế hoạt động 24 giờ/ngày. Kênh này được đánh giá là phát sóng nhiều chương trình trực tiếp hơn các đối thủ cạnh tranh là CNBC và Fox Business Network. Truyền hình Bloomberg cũng cung cấp những phân tích sâu hơn so với các đài truyền hình chuyên về tài chính khác, đồng thời có các kênh khu vực được quốc tế quan tâm ở châu Á, châu Phi, châu Âu…

Từ năm 2018, Bloomberg đã triển khai việc tính phí đối với các thông tin của mình. Ngoài 10 bài báo và 30 phút bản tin phát trực tiếp trên Bloomberg Television miễn phí, độc giả sẽ phải trả ít nhất 34,99 USD/tháng nếu muốn tiếp tục theo dõi tin tức trên các nền tảng này.

Năm 2010, hãng ra mắt dịch vụ Bloomberg Law, là dịch vụ tính phí cung cấp cho người dùng các thông tin về các luật mới nhất, số cổ phần mà một thẩm phán nhất định sở hữu trong một công ty giao dịch công khai hay một số luật riêng của các địa phương ở Mỹ. Dịch vụ này thường được sử dụng bởi các luật sư, sinh viên luật và các chuyên gia pháp lí cũng như các quan chức chính phủ. Bloomberg cho phép người dùng trả tiền riêng cho mỗi lần truy cập các thông tin trên Bloomberg Law.

Một dịch vụ nổi bật khác là Bloomberg Government, cung cấp thông tin về chính sách, luật lệ, hoạt động chính trị ở cấp độ quốc gia và địa phương để giúp các doanh nghiệp cũng như những người làm việc trong lĩnh vực chính trị hiểu rõ môi trường kinh doanh của họ. Với mức phí khoảng 5.700 USD mỗi tháng, dữ liệu của Bloomberg Government được đánh giá là nhanh chóng, đáng tin cậy và có sơ sở, hãng hiện đã có một lượng khách ổn định cho riêng dịch vụ này

Trong những năm qua, Bloomberg đã mua lại nhiều đối thủ cạnh tranh trong các ngành khác nhau, bao gồm truyền thông (đài phát thanh New York WNEW và tạp chí BusinessWeek), các công ty dữ liệu (New Energy Finance) và thậm chí cả các tổ chức pháp lý.

Trong suốt lịch sử hơn 40 năm của mình, Bloomberg cũng đã thành lập một quỹ đầu tư mạo hiểm (Bloomberg Beta), một công ty môi giới đại lý (Bloomberg Tradebook) và nhiều nhánh khác.

Các kế hoạch trong tương lai

Bloomberg đã luôn ở vị trí của một “tay chơi độc lập” có thị trường cho riêng mình. Hiếm khi công ty này tỏ ra lép vế với các đối thủ cạnh tranh, ít nhất là cho đến khi Symphony ra đời, công ty được tập đoàn Alphabet và Goldman Sachs hậu thuẫn. Không giống như Bloomberg cung cấp dữ liệu thị trường tài chính, tin tức và công cụ truyền thông cho các nhà đầu tư, Symphony tập trung vào việc cung cấp nền tảng để khách hàng có thể giao tiếp và hợp tác với nhau.

Dù vậy, hiện các dịch vụ của Bloomberg vẫn được hàng trăm nghìn chuyên gia tài chính đón nhận bởi tính ưu việt và độ tin cậy. Điều này đủ để biện minh cho mức giá dịch vụ luôn ở mức cao.

Với tầm nhìn chiến lược, Bloomberg thời gian gần đây đã tích cực mở rộng sang các lĩnh vực khác như năng lượng, thương mại và chính trị thay vì chỉ tập trung vào dữ liệu và tin tức tài chính. Công ty cũng đầu tư mạnh vào nghiên cứu, phát triển công nghệ như trí tuệ nhân tạo và công nghệ chuỗi khối (blockchain) để cung cấp các dịch vụ và sản phẩm tiên tiến hơn.

Dù đã xây dựng được tầm ảnh hưởng toàn cầu vững chắc, Bloomberg không coi đó là điều hiển nhiên mà trong hơn bốn thập kỷ qua vẫn miệt mài phát triển mạng lưới dịch vụ của mình cả về chất và lượng. Những nhà đầu tư, những người mới tham gia lĩnh vực phân tích dữ liệu tài chính sẽ đến rồi đi, dù vậy, vị trí của “đại thụ” Bloomberg được cho là khó bị lay chuyển, ít nhất là trong tương lai gần.

CNN: 'Tin tức thường trực' là bảo chứng thành công

CNN: 'Tin tức thường trực' là bảo chứng thành công

Tài chính quốc tế
(VNF) - Cable News Network (CNN) là kênh truyền hình cáp chuyên phát tin tức có tính phí đặt trụ sở tại Atlanta, Georgia (Mỹ). Là kênh truyền hình chuyên về tin tức 24/7đầu tiên trên thế giới, CNN đã sớm gặt hái những “trái ngọt", nhưng cũng đối mặt nhiều bất định khi ngành tin tức trải qua những thay đổi mang tính quyết định.
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.