Hai cây cầu trăm tỷ kết nối Bình Dương với TP. HCM và Tây Ninh
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.
Ngày 27/12 tới đây, Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử 7 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (gọi tắt là Công ty Việt Á) và Học viện Quân y.
Trong đó, 4 người là cựu quân nhân thuộc Học viện Quân y, gồm: Hồ Anh Sơn, cựu Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự; Nguyễn Văn Hiệu, cựu Trưởng phòng Trang bị, vật tư; Ngô Anh Tuấn, cựu Trưởng phòng Tài chính; Lê Trường Minh, cựu Trưởng ban Hóa dược.
Ba người còn lại gồm Trịnh Thanh Hùng, cựu Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN); Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á; Vũ Đình Hiệp, Phó Tổng giám đốc Công ty Việt Á.
Ngoài chỉ ra sai phạm của 7 bị cáo trên, cơ quan công tố cũng hé mở nguồn gốc của kit test mà Công ty Việt Á sản xuất ra.
Theo cáo trạng, Học viện Quân y được Bộ KH-CN giao đề tài nghiên cứu bộ kit chẩn đoán viêm phổi do virus Corona.
Tháng 1/2020, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát và có nguy cơ lây lan vào Việt Nam, Ban Giám đốc Học viện Quân y chỉ đạo các cơ quan triển khai nhiệm vụ nghiên cứu bộ kit chẩn đoán viêm phổi do virus Corona.
Ông Hồ Anh Sơn, khi ấy là Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, đã trình lãnh đạo Học viện Quân y ký công văn gửi Bộ KH-CN, đề xuất phát triển bộ kit nói trên.
Với vị trí Phó vụ trưởng Vụ KH-CN các ngành kinh tế - kỹ thuật, sau khi nhận được công văn từ Học viện Quân y, ông Trịnh Thanh Hùng đã yêu cầu ông Hồ Anh Sơn bổ sung thêm Công ty Việt Á cùng tham gia.
Sau đó, ông Sơn sửa lại phiếu đề xuất, trong đó đưa Công ty Việt Á tham gia đề tài, trình lãnh đạo Học viện Quân y lần thứ hai, rồi chuyển đến Bộ KH-CN. Theo phân công, Học viện Quân y có nhiệm vụ xây dựng quy trình để Công ty Việt Á chế tạo thử nghiệm 20.000 bộ kit test.
Tháng 2/2020, Bộ KH-CN phê duyệt đề tài, giao Học viện Quân y chủ trì thực hiện. Ông Hồ Anh Sơn làm chủ nhiệm; tổng kinh phí gần 19 tỷ đồng, trích từ ngân sách nhà nước.
Trên cơ sở tham khảo quy trình do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố, nhóm nghiên cứu của Học viện Quân y đã tối ưu hóa, bước đầu tìm ra quy trình chế tạo bộ sinh phẩm.
Ông Sơn ký biên bản bàn giao quy trình trên cho Công ty Việt Á để sản xuất thử nghiệm. Nhưng vì không có thông tin chi tiết về công thức mồi và mẫu dò, quy trình không đủ điều kiện để sản xuất 20.000 test thử nghiệm.
Cũng vào đầu tháng 2/2020, bà Hồ Thị Thanh Thủy (vợ Phan Quốc Việt, Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á), dựa trên tài liệu do WHO và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của một số quốc gia công bố trên internet, đã nghiên cứu xong quy trình (thành phần tạo nên kit gồm 11 hoá chất) và đặt hàng mua các hoá chất để sản xuất kit phát hiện virus SARS-CoV-2.
Phan Quốc Việt chỉ đạo vợ mang các bộ kit do mình nghiên cứu ra Hà Nội để đánh giá chất lượng. Khoảng giữa tháng 2/2020, Phan Quốc Việt chỉ đạo vợ mang các bộ kit ra Hà Nội để đánh giá chất lượng.
Ngày 21/2/2020, Hồ Anh Sơn và Phan Quốc Việt thống nhất cho chạy thử song song bộ sinh phẩm do Học viện Quân y nghiên cứu và bộ kit do phía Công ty Việt Á cung cấp.
Khi biết kết quả bộ kit do Việt Á đưa đến có chất lượng tốt hơn bộ sinh phẩm Học viện Quân y thì Phan Quốc Việt đã báo kết quả này đến ông Trịnh Thanh Hùng.
Ông Hùng đã yêu cầu ông Sơn làm văn bản gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đề nghị phối hợp thử nghiệm bộ kit do Việt Á đưa đến.
Cuối tháng 2/2020, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đánh giá bộ kit của Công ty Việt Á đạt chuẩn. Ông Hùng tiếp tục yêu cầu ông Sơn trình văn bản để lãnh đạo Học viện Quân y ký, gửi Bộ KH-CN, đề nghị cho nghiệm thu giai đoạn 1 đề tài.
Ngày 2/3/2020, Bộ KH-CN đã ra quyết định về việc thành lập Hội đồng nghiệm thu kết quả giai đoạn 1. Sau đó 1 ngày, Hội đồng đánh giá, nghiệm thu kết quả đã thông qua quy trình do Học viện Quân y nghiên cứu nhưng dựa trên kết quả đánh giá bộ kit Việt Á cung cấp và kiến nghị Bộ Y tế xem xét cấp phép để sử dụng phòng, chống dịch.
Về bản chất, việc thông qua này dựa trên kết quả đánh giá bộ kit của Công ty Việt Á, chứ không phải kết quả từ sự nghiên cứu của Học viện Quân y.
Vì không biết nhóm bị cáo Trịnh Thanh Hùng, Phan Quốc Việt và Hồ Anh Sơn gian dối, hội đồng nghiệm thu thông qua đề tài như đã nêu, dẫn đến quy trình nghiên cứu của Học viện Quân y không có sản phẩm được thử nghiệm và đánh giá. Hậu quả là đề tài không hoàn thành.
Chưa dừng lại, tháng 4/2020, Công ty Việt Á làm hồ sơ xin cấp phép lưu hành bộ kit test. Ông Hồ Anh Sơn trình lãnh đạo Học viện Quân y ký biên bản bàn giao với Công ty Việt Á. Nội dung thể hiện Học viện Quân y bàn giao kết quả nghiên cứu bộ kit test Covid-19 và đồng ý cho Công ty Việt Á toàn quyền sử dụng sản phẩm để đăng ký lưu hành.
Sau đó, Công ty Việt Á hoàn thiện hồ sơ, được Bộ Y tế cấp phép lưu hành chính thức. Công ty này đã sản xuất hơn 8,7 triệu kit test, nâng khống giá rồi bán, tặng cho các đơn vị, cơ sở y tế trên khắp cả nước; qua đó thu lợi bất chính hơn 1.235 tỷ đồng.
Để cảm ơn, Phan Quốc Việt "cảm ơn" ông Trịnh Thanh Hùng 350.000 USD (khoảng 8 tỷ đồng), ông Hồ Anh Sơn gần 2,5 tỷ đồng.
Cuối năm 2021, Học viện Quân y tổ chức nghiệm thu, đánh giá kết quả đề tài nghiên cứu kit test ở mức "Đạt".
Theo cơ quan công tố, thực chất, việc nghiệm thu này chỉ mang tính hình thức, không đúng bản chất, vì sản phẩm để chứng minh cho kết quả nghiên cứu (bộ kit của Công ty Việt Á cung cấp) không sản xuất theo quy trình nghiên cứu, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hơn thế, sản phẩm đã được Bộ Y tế cấp phép trước khi nghiệm thu đề tài.
Ngày 21/7/2022, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ra công văn, nội dung thể hiện: Công thức về quy trình chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR, real-time RT-PCR của Công ty Việt Á không phải được tối ưu từ quy trình của Học viện Quân y.
Đến tháng 4/2023, sau hơn 1 năm vụ án bị khởi tố, Bộ KH-CN có công văn xác định việc nhóm nghiên cứu Học viện Quân y sử dụng kết quả đánh giá bộ kit do Công ty Việt Á cung cấp để nghiệm thu đề tài và việc Công ty Việt Á không sản xuất 20.000 test theo quy trình nghiên cứu của Học viện Quân y để phục vụ nghiệm thu đề tài là không đúng với quy định trong hợp đồng và các văn bản pháp luật liên quan. Điều này đồng nghĩa không đủ cơ sở đánh giá nghiệm thu đề tài đạt yêu cầu.
Chuỗi hành vi nêu trên của các bị cáo đã gây thiệt hại số tiền gần 18,5 tỷ đồng trong tổng số gần 19 tỷ đồng mà ngân sách đã giải ngân (gần 500 triệu đồng còn lại chưa thanh quyết toán).
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.