Nguy cơ phá sản, bán lẻ xăng dầu muốn quy định mức chiết khấu tối thiểu

Kỳ Thư - 04/02/2023 12:10 (GMT+7)

(VNF) - Ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty Bội Ngọc cho rằng, cần quy định chiết khấu tối thiểu và xem đây là một công cụ để quản lý “hàng hóa đặc biệt” nhằm làm cho mọi hoạt động của hệ thống kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc được ổn định

VNF
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết một số quy định về kinh doanh xăng dầu đang khiến họ lỗ nặng, kiệt quệ.

Thua lỗ cũng phải bán hàng

Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014, Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu. Dự thảo này đã có nhiều điểm mới như đề xuất doanh nghiệp bán lẻ được nhập hàng từ 3 đại lý, đề xuất điều rút ngắn chu kỳ điều hành xăng dầu xuống còn 7 ngày.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, các quy định này vẫn chưa giúp thị trường xăng dầu ổn định.

Mới nhất, ngày 3/2, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: “Bộ Công Thương sớm nghiên cứu đề xuất sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ với tinh thần bớt khâu trung gian, giảm thủ tục trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, tăng cường kiểm tra, giám sát”.

Chia sẻ về thực tế kinh doanh thời gian qua, ông Huỳnh Trần Thanh Phong, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Huy Phi Long chia sẻ, từ tháng 9/2021 đến nay doanh nghiệp của ông liên tục bị thua lỗ do bất công trong quy định về chiết khấu. Cả năm qua công ty chỉ nhận được mức chiết khẩu 100-200 đồng một lít xăng, trong khi đó các chi phí đầu vào để phân phối cao khiến doanh nghiệp lỗ nửa tỷ đồng.

“Thua lỗ nhưng tôi vẫn phải tiếp tục hoạt động. Tình trạng này còn tiếp diễn công ty sẽ phải giải thể”, ông Phong nói.

Cùng cảnh ngộ với ông Phong, ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty Bội Ngọc, nửa năm qua các doanh nghiệp bán lẻ luôn bị "chèn ép", không có chiết khấu vẫn phải kinh doanh khiến họ lỗ nặng và kiệt quệ. Trên thị trường đang có sự bất công khi thương nhân phân phối vừa được bán buôn vừa được bán lẻ để cạnh tranh với doanh nghiệp bán lẻ. Họ được hưởng nhiều quyền lợi về giá bán buôn và được chủ động nguồn hàng. Do đó, khi thị trường bất ổn họ giảm chiết khấu, chén ép đơn vị bán lẻ.

"Tôi đề nghị trong nghị định mới cần có tỷ lệ chiết khấu cố định tối thiểu bằng 5% trên giá bán lẻ theo từng thời điểm cho đại lý bán lẻ trong cơ cấu giá thành cơ sở", ông Tây đề xuất.

Hạn mức tối thiểu khâu bán lẻ 5 - 6%?

Nếu muốn thị trường xăng dầu hoạt động ổn định, ông Tây khẳng định không có cách nào khác là Nhà nước phải quy định mức chiết khấu tối thiểu. Theo ông Tây, để thị trường xăng dầu ổn định cần phải có chiết khấu cố định cho khâu bán lẻ 5%-6% trên giá bán lẻ tùy theo thời điểm.

“Có như vậy thì mới đảm bảo để doanh nghiệp bán lẻ duy trì hoạt động xuyên suốt trong mọi trường hợp ở mọi mức giá xăng dầu của thế giới biến động tăng hay giảm”, ông Tây nói.

Lý giải lý do của đề xuất này, ông giải thích rằng dù cho dù là doanh nghiệp bán lẻ được lấy hàng ở 3 nơi như Bộ Công thương đã thống nhất trình Chính phủ thì không ai có thể đảm bảo rằng doanh nghiệp bản lẻ hoạt động ổn định trong mọi trường hợp. Bởi vì, các nhà cung cấp có thể bắt tay ngầm với nhau để hạ chiết khấu xuống thấp và khi đó mức chênh lệch quanh quẩn chỉ vài chục đồng thì cũng chẳng có ý nghĩa gì khi mà chiết khấu dưới điểm hòa vốn không đảm bảo cho hoạt động kinh doanh.

Dẫn chứng cụ thể, ông Tây ví dụ: “Ví dụ, Petrolimex cho các doanh nghiệp bán lẻ chiết khấu 250đ/lít, các doanh nghiệp khác cho 270đ/l thì cũng chẳng giải quyết được vấn đề. Việc cho doanh nghiệp bán lẻ lấy hàng từ nhiều nguồn cũng có tính cạnh tranh về chiết khấu nhưng không nhiều mà chủ yếu chỉ là đảm bảo được cho doanh nghiệp bán lẻ chủ động được nguồn hàng và hạn chế đến mức thấp nhất khả năng bị đứt gãy nguồn hàng trong chuỗi cung ứng, nhằm duy trì hoạt động xuyên suốt theo yêu cầu của Chính phủ đối với mặt hàng bình ổn và thiết yếu”, ông Tây nói.

Cũng theo ông Tây, điều quan trọng là cần phải quy định chiết khấu tối thiểu và xem đây là một công cụ để quản lý “hàng hóa đặc biệt” nhằm làm cho mọi hoạt động của hệ thống kinh doanh xăng dầu  trên toàn quốc được ổn định, nếu không quy định sẽ xảy ra tình trạng chiết khấu luôn dưới điểm hòa vốn thì lại xảy ra bất ổn thị trường và khi đó doanh nghiệp bán lẻ lại tiếp tục phản ứng.

Ông Tây cũng đề xuất, nhà nước nên cho doanh nghiệp đầu mối tự định giá. Điều này nhằm để đảm bảo đủ các chi phí phát sinh được đưa vào đủ và đúng trong giá vốn kinh doanh theo diễn biến thị trường, nếu không sẽ giống như người khác đi chợ mà người ở nhà quyết định giá và lại xảy ra tình trạng xin-cho chi phí. Điều này trái với quy luật hoạt động kinh doanh.

Cùng chuyên mục
Tin khác