'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Nhiều BOT hụt thu
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, khoảng 32% dự án BOT đã đi vào khai thác bị hụt thu, với tổng mức dư nợ cho vay lên tới 43 nghìn tỷ đồng, điều này khiến áp lực nợ xấu đè nặng lên vai các ngân hàng cho vay.
Vấn đề các BOT có thể vỡ phương án tài chính từ lâu đã được dự báo từ vài năm nay, khi nhiều dự án BOT hụt thu lớn, không đủ trả phí duy tu công trình.
Trao đổi với VietnamFinance, lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh: nguyên nhân hụt thu các dự án BOT do chưa được tăng phí theo lộ trình trong hợp đồng BOT, vì theo thông tư 159 của Bộ Tài chính, lộ trình tăng phí của các dự án BOT là 3 năm/lần, mức tăng từ 12-18% tùy theo phương án tài chính.
"Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Chính phủ tại nghị quyết 35, các dự án BOT chưa tăng phí và giãn thời gian thực hiện thu mức phí tối đa, do vậy, đến nay các dự án BOT chưa được tăng phí theo lộ trình đã ghi trong hợp đồng", đại diện Bộ GTVT cho biết.
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, hiện nhiều dự án bị hụt thu nặng, ví dụ như BOT Thái Nguyên - Chợ Mới có doanh thu giảm 88%, tuyến BOT cầu Hạc Trì giảm 57%, Quốc lộ 2 đoạn tránh thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc giảm 48%...
Hoặc như dự án BOT quốc lộ 1 đoạn tránh TP Phủ Lý, Hà Nam được thu phí hoàn vốn từ 24/11/2016 nhưng doanh thu của dự án chỉ xấp xỉ 50%, rất khó khăn khi trả nợ, lãi ngân hàng. Hằng tháng, nhà đầu tư phải dùng vốn tự có để bảo trì tuyến đường và vận hành thu phí.
Tương tự, dự án BOT cầu Thái Hà vượt sông Hồng thuộc quốc lộ 39 nối tỉnh Hà Nam với Thái Bình thu phí từ 3/2/2019 tới nay có doanh thu trung bình 76 triệu đồng/ngày đêm, đạt 15,91% phương án tài chính.
Ngoài ra, những kịch bản BOT vỡ phương án tài chính còn phải kể đến BOT Cai Lậy đã dưng thu suốt 2 năm qua...
Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng kêu cứu Thủ tướng
Cùng trong hoàn cảnh khó khăn đó, mới đây, Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng cùng các nhà đầu tư Dự án BOT xây dựng cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao vừa cùng ký văn bản xin Thủ tướng giải cứu.
Theo Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng, kể từ khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép thu phí hoàn vốn vào tháng 10/2018 đến nay, tình hình thu phí hoàn vốn tại Dự án là rất đáng lo ngại.
Cụ thể, tính từ khi thu phí đến ngày 31/12/2019, lưu lượng xe trung bình ngày đêm tại Trạm BOT cầu Bạch Đằng chỉ đạt 11.796/26.740 xe, đạt 44,11%; doanh thu thu phí lũy kế đạt 245,5 tỷ đồng/669 tỷ đồng đạt 36,7% so với phương án tài chính.
Nguyên nhân chủ yếu, theo doanh nghiệp dự án, là do lưu lượng xe qua trạm không đạt dự báo và mức phí đang thấp hơn rất nhiều so với mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ theo quy định tại Thông tư số 35/2016/TT – BGTVT ngày 15/11/2016 của Bộ GTVT.
Đến hết tháng 4/2020, doanh nghiệp dự án không còn khả năng chi trả và đứng trước nguy cơ phá sản doanh nghiệp.
Được biết, ngay từ đầu năm 2019, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án đã có nhiều văn bản kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ninh xem xét hỗ trợ như: Điều chỉnh tăng mức phí dịch vụ sử dụng đường bộ lên mức tối đa và tính toán điều chỉnh lại phương án tài chính; sử dụng ngân sách của tỉnh để hỗ trợ hoặc cho công ty vay để bù một phần dòng tiền thiếu hụt tại Dự án, đảm bảo đủ thanh toán nghĩa vụ nợ đến hạn; chia sẻ rủi ro trong trường hợp doanh thu thực tế sai khác; xem xét chuyển Dự án sang loại hình công trình sử dụng 100% vốn ngân sách…
Đại diện doanh nghiệp dự án cho biết là UBND tỉnh Quảng Ninh, VietinBank đã tổ chức một loạt cuộc họp để tìm giải pháp tháo gỡ nhưng chưa có kết quả với lý do các đề xuất xin hỗ trợ chưa có chính sách cụ thể của Nhà nước hướng dẫn.
“Do lưu lượng xe thấp, tỷ suất đầu tư cao, đến nay, nguy cơ phá sản doanh nghiệp là rất rõ ràng nếu không được sự xem xét tháo gỡ từ Chính phủ”, đại diện doanh nghiệp dự án cho hay.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.