Bất động sản

Nguy cơ ‘vỡ’ tín dụng cao tốc BOT Diễn Châu – Bãi Vọt

(VNF) - Do luật đối tác công tư (PPP) mới ban hành siết chặt đề xuất “chia sẻ doanh thu tăng/giảm tại các dự án BOT” để giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, ngân hàng. Điều này, dẫn đến dòng vốn cho BOT cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt bị ngưng trệ. Hiện Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tạm ngưng cấp vốn cho dự án.

Nguy cơ ‘vỡ’ tín dụng cao tốc BOT Diễn Châu – Bãi Vọt

BIDV lo ngại rủi ro cấp vốn cho dự án BOT

Theo đánh giá của ngân hàng BIDV, dự án cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt có các yếu tố tích cực như: vốn nhà nước tham gia hỗ trợ trên 50% chi phí đầu tư, đã giải phóng mặt bằng được trên 90% khối lượng; có lộ trình tăng phí cụ thể được Quốc hội ban hành cơ chế riêng.

Các nhà đầu tư dự án là những doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư dự án BOT giao thông hoặc trong lĩnh vực thi công công trình hạ tầng giao thông gồm liên danh: Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty CP Tập đoàn CIENCO4 - Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng VINA2.

Đáng chý ý, Công ty TNHH Hòa Hiệp của ông Phạm Đình Hạnh (tức Hạnh bạc) là đơn vị trúng nhiều dự án lớn tại khu vực miền Trung và được coi là “ông trùm” các dự án xây lắp tại khu vực này.

Tuy nhiên, theo BIDV, dự án cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt lại không được áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu theo quy định tại Điều 82 Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư số 64/2020/QH14 (Điều 82 Luật PPP) để giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng tài trợ vốn như các dự án BOT mới được áp dụng cơ chế theo quy định của Luật PPP.

Phía BIDV cho rằng: Thời gian qua, các dự án BOT giao thông đã triển khai bộc lộ nhiều khó khăn vướng mắc, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách, dẫn đến nhiều dự án không đảm bảo phương án tài chính, doanh thu không đạt theo dự kiến tại hợp đồng, gặp khó khăn trong việc trả nợ, đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng, khách hàng.

“Vì vậy, để giảm thiểu rủi ro trong cấp tín dụng đối với các dự án BOT mới, BIDV đã làm việc với nhà đầu tư cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt, cũng như tham dự các buổi làm việc với Bộ GTVT và có kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét chấp thuận cho dự án được áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu theo quy định tại Điều 82 Luật PPP. Trường hợp dự án được áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu, BIDV sẽ tiến hành thẩm định xem xét cấp tín dụng theo quy định”, phía BIDV nêu rõ.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, hiện Nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án đã làm việc với Bộ GTVT để kiến nghị được áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu theo quy định tại Điều 82 Luật PPP.

Tuy nhiên, ngày 21/7/2021, Bộ GTVT đã ban hành Thông báo số 258/TN-BGTVT kết luận nội dung buổi họp với ngân hàng và Nhà đầu tư cao tốc Diễn Châu- Bãi Vọt nêu rõ: “Căn cứ chủ trương đầu tư Dự án đã được phê duyệt, quy định tại điều khoản chuyển tiếp của Luật PPP (Điều 101) và ý kiến của các bộ ngành liên quan, Hợp đồng Dự án BOT Diễn Châu – Bãi Vọt không thuộc diện áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu tăng/giảm theo quy định tại Điều 82 Luật PPP. Việc điều chỉnh chủ trương Dự án không khả thi do thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định. Ngoài ra, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án không phù hợp với Điều 82 Luật PPP”.

Căn cứ vào những kết luận từ Bộ GTVT, phía ngân hàng BIDV đã tạm ngưng bố trí vốn cho dự án BOT Diễn Châu – Bãi Vọt, điều này khiến cao tốc trọng điểm trên có nguy cơ vỡ trận.

Siết chặt quản lý rủi ro tài chính từ các dự án BOT

Trao đổi với VietnamFinance, ngày 7/8, lãnh đạo Bộ GTVT thừa nhận: Một trong những vấn đề rất khó hiện nay, đó là cơ chế chia sẻ rủi ro tại dự án Luật PPP.

“Cho dù, các điều kiện để chia sẻ đã được Quốc hội quy định rất chặt chẽ như: Dự án phải do cơ quan nhà nước lập; Dự án không có sự hỗ trợ của nhà nước trong quá trình xây dựng; Dự án phải thực hiện các biện pháp điều chỉnh mức giá, mức phí, thời hạn thu, nếu không đáp ứng được thì mới tính đến phương án chia sẻ  nói trên”.

“Ngoài ra, chỉ khi nào nhà nước điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chính sách làm tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu, làm giảm doanh thu dẫn đến thua lỗ thì nhà nước mới chia sẻ phần đó”, đại diện Bộ GTVT cho hay.

Nói rõ thêm về cơ chế này, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định, Dự thảo Luật mới xác định không phải trong mọi trường hợp đều được áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu.

Cụ thể, việc chia sẻ phần tăng doanh thu được áp dụng sau khi đã thực hiện điều chỉnh thời hạn hợp đồng PPP theo quy định tại Điểm đ Khoản 3 Điều 52. Việc chia sẻ phần giảm doanh thu chỉ được thực hiện khi dự án PPP đáp ứng đầy đủ các điều kiện chặt chẽ quy định tại Khoản 2 Điều 83 Dự thảo Luật.

 “Dự thảo Luật PPP không tiếp cận theo hướng chia sẻ khi nhà đầu tư dự án PPP thua lỗ, mất vốn, mà chỉ xem xét việc áp dụng chia sẻ khi doanh thu của dự án bị sụt giảm do lỗi từ phía Nhà nước”, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Ông Vũ Hồng Thanh cũng cho hay, hiện Quốc hội đang dự thảo 2 phương án như: Phương án 1: khi tăng hoặc giảm doanh thu thì chia sẻ theo tỷ lệ 50%/50%. Phương án 2: khi doanh nghiệp bị thua lỗ (sau khi đến điểm hòa vốn của dự án) mà xuất phát từ nguyên nhân do Nhà nước thay đổi quy hoạch, chính sách pháp luật thì Nhà nước hỗ trợ bù lỗ không quá 50% số lỗ, khi doanh nghiệp phát sinh lãi lớn hơn phương án dự kiến thì Nhà nước được hưởng 50% số lãi tăng thêm.

Ông Vũ Hồng Thanh cũng thừa nhận, “với những sửa đổi mới này, có ý kiến cho rằng quy định như Dự thảo Luật quá chặt chẽ, có thể không khuyến khích, thu hút nhà đầu tư BOT, PPP”.

Dự án đường cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt (Nghệ An - Hà Tĩnh) có chiều dài khoảng 50 km, đi qua Nghệ An (44,4 km) và Hà Tĩnh (4,9 km), với tổng vốn đầu tư 11.150 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhà đầu tư huy động khoảng 5.090 tỷ đồng, còn lại là vốn Nhà nước.

Đây là dự án đầu tiên trong 3 cao tốc Bắc Nam theo hình thức công tư PPP được triển khai. Nhà đầu tư là Liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty CP Tập đoàn CIENCO4 - Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng VINA2. Doanh nghiệp dự án là Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng.

Điểm đầu dự án thuộc xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu, Nghệ An, tiếp nối cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu (Thanh Hóa - Nghệ An). Điểm cuối nối quốc lộ 8A đoạn qua xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh.

Giai đoạn một được phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh có 6 làn đường, nền đường rộng 32,25 m. Công trình dự kiến hoàn thành cuối 2024, thời gian khai thác hoàn vốn khoảng 16 năm.

 

 

Tin mới lên