Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết: 'Lụt' tiến độ vì thiếu đất đắp nền

Đinh Tịnh - 05/08/2021 11:06 (GMT+7)

(VNF) - Trao đổi với VietnamFinance, ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án 7 cho biết: Do thiếu trầm trọng các mỏ đất đắp nền khiến dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đang bị chậm tiến độ đề ra. Bên cạnh đó, có trường hợp nhiễm covid-19 trên công trường đã ảnh hưởng tới một số nhà thầu, gói thầu dự án.

VNF

"Dân đã nhận bồi thường vẫn tái lấn chiếm mặt bằng"

Sau gần 1 năm thi công, tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100,8 km gần như cơ bản hoàn thành bàn giao mặt bằng, đạt 99,9/100,8Km, hiện còn 7/1.978 hộ dân (với diện tích đất khoảng 3,5ha) chưa chấp thuận nhận tiền đền bù.

Hiện tại, trên toàn tuyến cũng đang gấp rút triển khai di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật như: di dời điện trung, hạ thế; di dời đường ống nước sạch; di dời hạ tầng viễn thông.

Riêng hạng mục di dời hệ thống điện cao thế 220kV và 500KV (12 vị trí 500KV, 3 vị trí 220KV) đang hoàn thiện hồ sơ thiết kế theo ý kiến thẩm định của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương để làm cơ sở phê duyệt thiết kế và dự toán di dời công trình. Tuy nhiên,hiện công tác di dời hạ tầng kỹ thuật triển khai rất chậm.

Để đảm bảo ổn định đời sống người dân, phía Ban QLDA 7 cũng đã hoàn thành xây dựng 4/4 khu tái định cư và các địa phương đã bố trí các hộ dân vào các định cư sinh sống.

Tuy nhiên, đối với một số hộ dân, vì lợi ích riêng nên họ đã cố tình quay lại tái lần chiếm mặt bằng. Cụ thể, các hộ dân này đã nhận tiền bồi thường nhưng vẫn khiếu nại về đơn giá và chính sách bồi thường, sau đó, cản trở thi công (gồm 21 hộ dân, với diện tích khoảng 14,6ha).

"Những phát sinh về khiếu kiện, cản trở thi công và tiến độ di dời hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật chậm gây đã ảnh hưởng lớn đến phương án tổ chức thi công, tập kết máy móc, thiết bị của các nhà thầu", lãnh đạo Ban QLDA 7 nói. 

Thiếu đất đắp nền, giá thép tăng ... gây "lụt" tiến độ dự án

Trao đổi với VietnamFinance, đại diện Ban QLDA 7 cho biết: Hiện tại, khối lượng hoàn thành toàn tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đạt 739,07 tỷ đồng, đạt 12,19% trên tổng giá trị chi phí xây dựng của dự án (739,07/6.065,09 tỷ đồng), đạt 93,7% trên kế hoạch đăng ký (739,07/789,07 tỷ đồng).

Mục tiêu của dự án chủ yếu thi công các hạng mục như đắp nền đường, hầm chui dân sinh, các công trình thoát nước ngang (cống hộp, cống tròn)... Dù chưa đi vào các hạng mục chính nhưng dự án đang gặp rất nhiều khó khăn.

Trực tiếp chỉ huy tại công trường, ông Hoàng Tuấn Khoát cho hay: "Về cơ bản các nhà thầu đã huy động đủ thiết bị và nhân lực ưu tiên thi công nền đường trong năm 2021. Nhà thầu đã tập kết đủ máy móc thiết bị nhưng chưa phát huy hết công suất do thiếu vật liệu xây dựng".

"Hiện tại, dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết cần đến hơn 9,2 triệu m3 khối đất để đắp nền. Trong đó, có 6 mỏ đã được cấp phép với trữ lượng 1,456 triệu m3, 5 mỏ đang hoàn thiện thủ tục khai thác với trữ lượng đạt khoảng 1,768 triệu m3 đất đắp. Như vậy hiện vẫn còn thiếu gần 4,6 triệu m3 đất".

"Trước khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp, Ban QLDA 7 đã kiến nghị UBND tỉnh Bình Thuận bổ sung vào quy hoạch và áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 60 của Chính phủ. Theo đó, sớm đưa các mỏ đá đã tổ chức đấu giá nhưng nhà đầu tư không triển khai vào nhóm “không đấu giá khai thác khoáng sản” để sớm bổ sung nguồn vật liệu".

"Bên cạnh đó, giá thép xây dựng cũng tăng đột biến cũng gây nhiều khó khăn cho các nhà thầu và ảnh hưởng đến tiến độ dự án", ông Khoát nói.

Ông Khoát cũng chia sẻ thêm: Thời gian gần đây, dịch covid -19 bùng phát trở lại gây xáo trộn trong quá trình thi công dự án. Cụ thể, đầu tháng 7/2021 đã có hai cán bộ của Công ty CP Đạt Phương thuộc liên danh nhà thầu thi công gói thầu XL01 đi công tác từ TP.Hồ Chí Minh, mặc dù đã chủ động xét nghiệm với kết quả “âm tính” và khai báo y tế khi trở lại công trường.

Tuy nhiên, hai người này lại chủ quan không thực hiện đúng chỉ dẫn tự cách ly do đến từ vùng có dịch dẫn đến hệ quả có hai ca F0, rất nhiều ca F1 và F2 phải cách ly tập trung và cách ly tại chỗ,… ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động trên công trường và địa bàn dân cư khu vực.

"Cũng do tình hình dịch bệnh nên việc tăng cường nhân lực và thiết bị cho các mũi thi công hầu như bị gián đoạn. Ngay cả việc cung cấp nguồn vật liệu vào công trường cũng nhưng trệ do nguồn cung ứng vật tư ngoại tỉnh phải test, xét nghiệm... khiến tiến độ dự án gặp rất nhiều khó khăn", ông Khoát chia sẻ.

 

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.