Nguyên Cố vấn cao cấp TrustBank Hứa Thị Phấn sắp hầu tòa
Đức Hoàng -
17/04/2018 10:00 (GMT+7)
(VNF) – Tòa án nhân dân TP. HCM cho biết dự kiến ngày 8/5 sẽ mở phiên xét xử bà Hứa Thị Phấn (sinh năm 1947, nguyên Cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng Đại Tín – TrustBank) và 27 bị cáo về 2 tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" và tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Trong số các bị can bị truy tố có 14 người trong gia đình (em ruột, cháu ruột, cháu rể, em rể) của bà Hứa Thị Phấn. Cụ thể, em ruột bà Phấn là Hứa Xường (nguyên thành viên HĐQT TrustBank), các cháu của bà Phấn gồm: Ngô Kim Huệ; Ngô Nguyễn Đoan Trang (nguyên Phó tổng giám đốc TrustBank).
Cùng với đó là Hứa Thị Bích Hạnh (nguyên Phó phòng đầu tư TrustBank, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Phú Mỹ); Ngô Thị Ngân (thủ quỹ); Lâm Hứa Quỳnh Trinh (nguyên Phó phòng phụ trách phòng ngân quỹ TrustBank); Nguyễn Thị Đoan Trang (thủ quỹ); Huỳnh Thị Xuân Hương (kế toán); Hồ Hứa Thùy Trang (thủ quỹ); Hồ Hứa Thùy Anh (thủ quỹ); Hồ Văn Tân (nhân viên Công ty Cổ phần Địa ốc Lam Giang), Lâm Kim Dũng (nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc Lam Giang), Hồ Tuấn Kiệt và Hứa Hữu Đạt.
Phiên tòa sẽ kéo dài đến ngày 31/5, do thẩm phán Phạm Lương Toản (Chánh tòa Hình sự Tòa án nhân dân TP. HCM) làm chủ tọa. Hiện, tòa đã cấp giấy chứng nhận tham gia phiên xử cho 25 luật sư bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo, người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Có 4 luật sư bào chữa cho bà Hứa Thị Phấn, trong đó có luật sư Trương Thị Minh Thơ, nguyên thẩm phán Toàn án nhân dân tối cao tại TP. HCM.
Ngoài ra, Hội đồng xét xử cũng triệu tập gần 180 người, đơn vị có quyền nghĩa vụ liên quan, người làm chứng. Trong đó, ông Phạm Công Danh đại diện cho toàn bộ cổ đông nhóm Thiên Thanh (người mua lại Đại Tín) và hơn 10 ngân hàng liên quan đến các giao dịch chuyển tiền của bà Phấn và đồng phạm.
Trước đó, như VietnamFinance đã thông tin, theo kết luận điều tra, tháng 6/2010, Ngân hàng Đại Tín có vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng, người đại diện trước pháp luật là ông Hoàng Văn Toàn. Tuy nhiên ông Toàn chỉ là người quản lý, điều hành trên danh nghĩa.
Còn bà Hứa Thị Phấn tuy chỉ giữa chức cố vấn cao cấp HĐQT và cố vấn hội đồng tín dụng Ngân hàng Đại Tín nhưng sở hữu và nắm giữ 84,92% cổ phần, thao túng lũng đoạn mọi hoạt động của ngân hàng.
Thông qua các công ty của mình cũng như mối quan hệ họ hàng hoặc nhân viên cấp dưới đứng tên mua 26 bất động sản, bà Hứa Thị Phấn dùng thủ đoạn mua đi bán lại các bất động sản trong nhóm để nâng khống giá trị. Sau đó, bà Sáu Phấn dùng ảnh hưởng của mình chỉ đạo Ngân hàng Đại Tín mua lại các bất động sản trên với giá cao gấp 2 đến 8 lần so với giá trị trường.
Trong đó hàng loạt bất động sản trên, "kỷ lục" nâng khống giá thuộc về căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, quận 3, TP. HCM. Căn nhà này có diện tích đất là 622m2, diện tích xây dựng là 270m2, diện tích sử dụng là 309m2.
Cụ thể, ngày 24/1/2008, bà Phấn mua căn nhà trên với giá 21.762,3 lượng vàng SJC. Đến ngày 14/10/2008, bà Phấn bán lại căn nhà này cho Công ty Cổ phần Địa ốc Lam Giang (Công ty con do bà Phấn lập ra) với giá 25.000 lượng vàng SJC (tương đương khoảng 425 tỷ đồng).
Ngày 7/2/2012, bà Phấn mua lại căn nhà này của với giá 450 tỷ đồng. Ngày 13/2/2012, bà Phấn bán lại cho Ngân hàng Đại Tín với giá 1.260 tỷ đồng.
Theo kết quả giám định giá trị thì căn nhà này chỉ có giá 155 tỷ đồng, hành vi nâng khống giá trên đã gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín là 1.105 tỷ đồng.
Với sự giúp sức của các "tay trong", bà Phấn dễ dàng nâng khống giá căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch lên gấp 10 lần, bán cho chính Ngân hàng Đại Tín do mình nắm quyền khống chế để lấy tiền mặt, còn khoản lỗ trên sổ sách để lại cho ngân hàng.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone