M&A

Nhà đầu tư cá nhân: Cần cẩn trọng với 'chợ' trái phiếu

(VNF) - Trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ lẽ thường là tin vui, bởi doanh nghiệp huy động được nguồn vốn trung và dài hạn từ đại chúng thông qua kênh chứng khoán thay vì phụ thuộc vào duy nhất kênh ngân hàng truyền thống.

Nhà đầu tư cá nhân: Cần cẩn trọng với 'chợ' trái phiếu

Nhà đầu tư cá nhân: Cần cẩn trọng với 'chợ' trái phiếu.

Tuy nhiên, thị trường trái phiếu gần đây lại gắn liền với những thông tin không mấy tích cực. Bộ Tài chính liên tục phát đi cảnh báo rủi ro đối với nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, khi trên thị trường xuất hiện nhiều trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm, thông tin mập mờ, thậm chí có dấu hiệu lừa đảo. Đã có một số tổ chức tham gia phát hành trái phiếu bị xử phạt và việc thanh tra, kiểm tra sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới, theo thông tin từ Bộ Tài chính.

Rủi ro cao khi “xé lẻ” trái phiếu doanh nghiệp

Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính, chủ tịch một công ty quản lý quỹ giấu tên cho biết thời kỳ trước đây, dù trải qua nhiều giai đoạn phát triển nhưng trái phiếu doanh nghiệp vẫn là kênh đầu tư khá an toàn với lợi suất hấp dẫn.

“Những năm 2000, thị trường chứng khoán Việt Nam gần như không tồn tại trái phiếu doanh nghiệp tư nhân, hầu hết là trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp Nhà nước, trái phiếu Ngân hàng quốc doanh. Số ít huy động vốn qua phát hành trái phiếu thường là trái phiếu kèm chứng quyền, như trái phiếu kèm quyền chuyển đổi thành cổ phiếu, hay các công ty bất động sản phát hành trái phiếu kèm quyền mua nhà hoặc căn hộ chung cư. Đối với những trái phiếu kèm chứng quyền, nhiều khách hàng mua trái phiếu không quan tâm đến trái phiếu hay khả năng thu hồi gốc, lãi, mà chỉ quan tâm đến quyền mua tài sản".

Bước sang những năm 2010, một số tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam bắt đầu huy động vốn bằng hình thức phát hành trái phiếu, không chỉ tại thị trường Việt Nam, mà còn phát hành thành công trên thị trường quốc tế. Trái phiếu doanh nghiệp thời kỳ này thường được phát hành bởi các tổ chức lớn, xếp hạng tín nhiệm gần tương đương với xếp hạng tín nhiệm quốc gia, uy tín của họ còn quan trọng hơn tiền, vì thế mà rủi ro cho nhà đầu tư cũng rất thấp”, vị lãnh đạo công ty quản lý quỹ chia sẻ.

Nhu cầu phát hành trái phiếu của doanh nghiệp ngày càng lớn theo thời gian, một phần bởi vay tiền ngân hàng không dễ và phải chịu áp đặt nhiều quy định, một phần bởi lãi suất khi vay qua trái phiếu có thể rẻ hơn vay ngân hàng, vì doanh nghiệp chỉ cần trả lãi cao hơn lãi suất tiền gửi là khách hàng đã cảm thấy thỏa mãn.

Dần dần thị trường phát triển theo một hướng khác. Các doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn, uy tín kém hơn, không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng hoặc không muốn đáp ứng điều kiện vay vốn ngân hàng, cũng chuyển sang vay nợ qua kênh trái phiếu. Tuy nhiên, do thị trường trái phiếu chưa phát triển, nên nhà đầu tư trái phiếu khi đó nếu không phải là ngân hàng thì cũng là các tổ chức đầu tư tài chính chuyên nghiệp như công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ… Do vậy, doanh nghiệp phát hành trái phiếu vẫn chịu sự kiểm soát chặt chẽ từ các tổ chức đầu tư và đặc biệt là luôn phải có tài sản bảo đảm hoặc bảo lãnh thanh toán từ ngân hàng.

“Một ngày, bỗng nhiên một ngân hàng thử “xé lẻ” trái phiếu doanh nghiệp ra bán cho nhà đầu tư cá nhân. Ban đầu là bán lẻ trái phiếu của doanh nghiệp lớn, uy tín. Khách hàng của ngân hàng thì hài lòng vì có thêm sản phẩm đầu tư lãi suất cao, ngân hàng vừa không bị chôn vốn, lại được hưởng thêm phí phát hành, còn doanh nghiệp phát hành thì có thêm “room” để tiếp tục vay tiền ngân hàng. Có vẻ như lúc đó tất cả các bên tham gia đều được hưởng lợi và thị trường bán lẻ trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu được hình thành từ đó. Giai đoạn đó vẫn còn an toàn. Nhưng cách đây khoảng 2 năm thì mọi chuyện bắt đầu thay đổi".

Sau khi bán hết trái phiếu doanh nghiệp lớn, uy tín, một số ngân hàng chuyển sang kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp kém chất lượng hơn. Rồi mọi người dần nhận ra rằng nhiều khách hàng cá nhân chỉ quan tâm đến lãi suất chứ không thực sự quan tâm tới rủi ro, vậy nên càng ngày càng có nhiều trái phiếu doanh nghiệp kém chất lượng được bán ra, không ít trong số đó là trái phiếu ba không – không định mức tín nhiệm, không tài sản, không bảo lãnh”, chủ tịch công ty quản lý quỹ cho hay.

Theo vị này, không phải tất cả nhà đầu tư đều không nghĩ đến rủi ro, mà đôi khi họ hiểu sai về rủi ro. Chẳng hạn như họ thấy rằng trái phiếu được ngân hàng bảo lãnh, nhưng không phân biệt được giữa bảo lãnh phát hành và bảo lãnh thanh toán. Nếu là bảo lãnh phát hành thì không có ý nghĩa gì với nhà đầu tư, bởi ngân hàng sẽ không đứng ra trả nợ thay cho tổ chức phát hành nếu như xảy ra vỡ nợ. Trong khi đó trên thực tế, ngay chính nhân viên bán trái phiếu, không rõ là vô tình hay cố ý, cũng lập lờ là trái phiếu có bảo lãnh nhưng không nói rõ bảo lãnh như thế nào khiến người mua nhầm lẫn.

Nhà đầu tư có thể cũng không hiểu rõ về tài sản bảo đảm. Ví dụ, nếu một doanh nghiệp nhỏ, không tên tuổi, phát hành trái phiếu có tài sản bảo đảm là chính cổ phiếu của công ty đó thì nếu công ty không trả được nợ, giá cổ phiếu có thể không còn giá trị, do cổ đông là người nhận được quyền lợi sau cùng nếu chẳng may doanh nghiệp phá sản. Hoặc như tài sản bảo đảm là nhà xưởng đặc thù nhiều khi cũng rất khó bán, bởi thường chỉ bán được cho một số công ty cùng ngành. “Mua trái phiếu doanh nghiệp không có bảo lãnh thanh toán, không có tài sản bảo đảm hoặc tài sản bảo đảm không có ý nghĩa, doanh nghiệp phát hành không được xếp hạng tín nhiệm thì không khác gì đi mua bong bóng”, vị chủ tịch nhận định.

Nhà đầu tư cá nhân nên làm gì?

“Có thể hơi lý thuyết, nhưng bắt buộc nhà đầu tư phải đọc hiểu báo cáo phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chịu khó tự mày mò thay vì chỉ nghe nhân viên bán hàng tư vấn. Nhà đầu tư nếu không chấp nhận rủi ro thì nên mua trái phiếu doanh nghiệp được ngân hàng bảo lãnh thanh toán, hoặc có tài sản bảo đảm là bất động sản hay một loại tài sản có khả năng sinh ra dòng tiền ổn định”, chủ tịch công ty quản lý quỹ nêu lời khuyên.

Cách thứ hai là nhà đầu tư có thể tìm đến các công ty đầu tư chuyên nghiệp và chấp nhận chịu phí để hạn chế rủi ro. “Ở nước ngoài, dòng vốn cá nhân đầu tư thông qua các công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán… rất nhiều. Họ như một màng lọc rủi ro cho nhà đầu tư, đồng thời luôn bị kiểm soát bởi ủy ban chứng khoán và ngân hàng giám sát, phải tuân thủ những quy định rõ ràng về loại hình trái phiếu được phép đầu tư. Họ cũng có đội ngũ luật sư luôn chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống xấu nhất, luôn có lợi thế kể cả phải ra tòa”, vị này nhấn mạnh.

Vị chủ tịch này cho hay trên thị trường chứng khoán cũng từng có thời cổ phiếu trên sàn phi chính thức (OTC) được giao dịch rất nhiều, nhu cầu mua rất cao nhưng thông tin không đầy đủ, rất rủi ro. Dần dần các cổ phiếu tốt lên sàn chính thức càng ngày càng nhiều, và tình hình “bát nháo” trên sàn OTC dần được khắc phục bởi nhà đầu tư có nhiều lựa chọn tốt hơn và minh bạch hơn trên các sàn chứng khoán chính thức.

Tương tự, việc Bộ Tài chính đang xây dựng sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp với các điều kiện nhất định về vốn điều lệ, kết quả kinh doanh, tài sản bảo đảm, khả năng thanh toán… cũng sẽ dần dần giúp đẩy lùi tình trạng “bát nháo” trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay.

“Vài năm nữa, khi trái phiếu đua nhau lên sàn thì nhà đầu tư sẽ không còn quan tâm nhiều đến trái phiếu rác nữa”, chủ tịch công ty quản lý quỹ khẳng định, đồng thời cho biết trái phiếu rác sẽ vẫn có thị trường nhờ lợi suất cực cao, nhưng sẽ chỉ dành cho một số ít nhà đầu tư hiểu rõ và sẵn sàng chấp nhận rủi ro.

Tin mới lên