Nhà đầu tư dồn dập mở tài khoản chứng khoán, bất chấp thị trường ảm đạm

Thái Hà - 08/08/2024 08:00 (GMT+7)

(VNF) - Tháng 7/2024, giữa trong bối cảnh ảm đạm thị trường chứng khoán nhưng số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước đã tăng thêm gần 330.000 đơn vị. Đây là con số gấp 3 lần tháng trước, mức cao nhất trong vòng 2 năm qua.

Theo số liệu từ Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), tính đến ngày 31/7/2024, tổng số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán tại thị trường Việt Nam đã đạt xấp xỉ 8,37 triệu đơn vị.

Trong đó, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đạt xấp xỉ 8,32 triệu đơn vị, tương ứng tăng 330.000 tài khoản so với tháng 6. Mức tăng này gấp 3 lần tháng trước và cũng cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Nhìn rộng ra, đây là tháng ghi nhận số lượng tài khoản chứng khoán mở mới của nhà đầu tư trong nước cao thứ 3 lịch sử, chỉ sau các tháng 5, 6/2022.

Tháng 7, số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước đã tăng thêm gần 330.000 đơn vị, gấp 3 lần tháng trước.

Xét về cơ cấu, sự tăng trưởng vẫn chủ yếu đến từ phía các nhà đầu tư cá nhân. Với 329.836 tài khoản mở mới trong tháng 7, số lượng tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước đã đạt 8,31 triệu đơn vị.

Trong khi đó, số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư tổ chức trong nước chỉ đạt 146 đơn vị, giảm 10,4% so với tháng 6.

Về phía nhà đầu tư nước ngoài, tổng số tài khoản giao dịch đạt 46.749 tài khoản, tăng trở lại 18% so với tháng 6. Theo thống kê, các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài mở mới 204 tài khoản, còn tổ chức mở mới 13 tài khoản.

Luỹ kế 7 tháng đầu năm, các nhà đầu tư chứng khoán trong nước mở mới hơn 1,08 triệu tài khoản, gấp 2,75 lần cả năm 2023 (năm có lượng đóng tài khoản đột biến) và bằng 42% của cả năm 2022. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài mở mới 1.365 tài khoản, bằng 51% so với cả năm 2023.

Đáng chú ý, số lượng tài khoản mở mới gia tăng đột biến trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn trước ngưỡng kháng cự mạnh quanh 1.300 điểm. Sau khi cán mốc 1.298 điểm trong sáng ngày 10/7, VN-Index bất ngờ “trượt chân”, giảm 12 điểm, qua đó đóng cửa tại ngưỡng 1.286 điểm.

Mặc dù đã gắng sức “gượng dậy” ngay trong phiên 11/7 nhưng VN-Index không thể thành công và tiếp tục trượt sâu về mốc 1.220 điểm vào ngày 25/7. Trong tuần giao dịch cuối cùng của tháng, thị trường đã phát tín hiệu hồi phục, đưa VN-Index tăng nhẹ từ mức 1.245 điểm lên 1.251,5 điểm. Dù vậy, đây thực chất là chuyển động trong một nhịp điều chỉnh giảm.

Trạng thái giao dịch tháng 7 cũng khá “ảm đạm” với thanh khoản thấp. Giá trị giao dịch bình quân trên 3 sàn chỉ đạt ở mức khoảng 19.400 tỷ đồng, giảm 24% so với tháng 6, cũng là mức thấp nhất trong 6 tháng gần đây. Tính riêng khớp lệnh, giá trị giao dịch bình quân phiên ở mức 17.282 tỷ đồng, giảm 23,8% so với mức bình quân tháng 6 và -24,9% so với mức bình quân 5 tháng.

Theo các chuyên gia, sự gia tăng đột biến số lượng tài khoản chứng khoán mở mới bất chấp pha điều chỉnh của thị trường có thể được lý giải bởi nhiều yếu tố. Đầu tiên, các nhà đầu tư kỳ vọng vào tăng trưởng dài hạn và xem sự điều chỉnh hiện tại như một cơ hội để mua vào ở mức giá hấp dẫn. Thứ hai, các chính sách tài chính và kinh tế từ Chính phủ, bao gồm lãi suất thấp và gói kích thích kinh tế, cũng tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, thu hút thêm nhà đầu tư mới.

Thứ ba, sự phát triển của công nghệ tài chính (fintech) và các nền tảng giao dịch trực tuyến giúp việc mở tài khoản chứng khoán trở nên dễ dàng hơn, thu hút nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia. Cuối cùng, một số nhà đầu tư đang điều chỉnh chiến lược đầu tư của mình từ các tài sản khác như vàng, bất động sản sang chứng khoán để tìm kiếm sự đa dạng.

Ngoài ra, tháng 7 cũng là thời điểm đáo hạn nhiều khoản tiền gửi ngắn hạn tại ngân hàng, khiến một phần trong số này có thể được rút ra và đầu tư vào kênh chứng khoán.

Về cơ cấu số lượng tài khoản giáo dịch chứng khoán, phát biểu tại một buổi đối thoại gần đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, để thị trường chứng khoán phát triển bền vững, cần tăng tỷ trọng nhà đầu tư tổ chức. Cơ cấu hiện tại của thị trường chứng khoán Việt Nam với số lượng nhà đầu tư tổ chức còn khiêm tốn hiện đang cho thấy sự thiếu bền vững.

"Có tổ chức chuyên nghiệp thì không nhất thiết phải 8 triệu chỉ cần 5-6 triệu tài khoản chứng khoán nhưng một nửa là nhà đầu tư tổ chức thì tuyệt vời", Thứ trưởng Bộ Tài chính nói.

Ông cũng khẳng định, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán đã nhận thức được vấn đề này và sẽ báo cáo Thủ tướng để đưa vào kế hoạch phát triển thị trường chứng khoán.

NĐT tiếp tục tìm đến kênh chứng khoán, lượng tài khoản vượt mốc 8 triệu

NĐT tiếp tục tìm đến kênh chứng khoán, lượng tài khoản vượt mốc 8 triệu

Tài chính
(VNF) - So với cuối năm 2023, số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đã tăng thêm 752.464 đơn vị. Như vậy, mỗi ngày, thị trường chứng khoán ghi nhận 4.134 tài khoản mở mới.
Cùng chuyên mục
Tin khác