Tiêu điểm

Nhà nước bỏ 10.000 tỷ mua lại 8 dự án BOT, 'nhà đầu tư và ngân hàng phải hy sinh lợi nhuận'

(VNF) - Bộ Giao thông Vận tải đã đàm phán với nhà đầu tư, ngân hàng bố trí vốn nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư, chấm dứt hợp đồng trước hạn đối với 5 dự án, đồng thời sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn nhà nước đối với 3 dự án. Dự kiến, nguồn vốn nhà nước để xử lý 8 dự án BOT thua lỗ khoảng 10.340 tỷ đồng.

Nhà nước bỏ 10.000 tỷ mua lại 8 dự án BOT, 'nhà đầu tư và ngân hàng phải hy sinh lợi nhuận'

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng.

Trong những năm qua, hầu hết các dự án BOT giao thông có doanh thu thấp, không đủ bù đắp chi phí, trả lãi vay tín dụng. Nhà đầu tư phải dùng vốn tự có để bù đắp dòng tiền thiếu hụt. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, doanh nghiệp BOT không còn vốn tự có để trả lãi vay, gây nợ xấu cho tổ chức tín dụng.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, tính đến năm 2022, chỉ có 7 trong số 54 dự án do Bộ quản lý đạt doanh thu cao hơn so với hợp đồng, 43 dự án đạt 30-100% và 4 dự án đạt dưới 30%. Tính riêng năm 2022 có 8 dự án bị thua lỗ do không được thu phí hoặc sụt giảm mạnh doanh thu.

Vấn đề này cũng đã được Quốc hội giao nhiệm vụ cho Bộ Giao thông Vận tải tại Nghị quyết 62. Theo đó, trong năm 2022, phải giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập về các trạm thu phí dự án BOT. Tuy nhiên, trong hơn một năm qua, mặc dù Bộ Giao thông vận tải đã nỗ lực triển khai thực hiện, tuy nhiên chưa hoàn thành được nhiệm vụ này do Quốc hội giao.

Trong phiên chất vấn nhóm lĩnh vực kinh tế ngành, đại biểu Trịnh Xuân An đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đưa ra giải pháp và thời gian cụ thể để hoàn thành. Trong đó làm rõ tính khả thi, hợp lý của việc đề nghị tổng mức vốn Nhà nước để xử lý vướng mắc tại 8 dự án BOT.

Trả lời về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, trên thực tế Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai từ rất lâu, tuy nhiên có rất nhiều những vấn đề phức tạp liên quan đến việc tháo gỡ cho các dự án này đó là về nguồn vốn và pháp lý. 

Trong đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, nguồn vốn để giải quyết chưa biết lấy từ đâu. "Nguồn vốn để giải quyết lấy từ nguồn tăng thu hay từ nguồn đầu tư công", Bộ trưởng nêu vấn đề.

Trong khi đó, về vấn đề pháp lý, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, cả 8 dự án này đều được triển khai trước khi Luật PPP có hiệu lực, do vậy khi Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, đề xuất lại vướng mắc đến nghị định và Luật PPP. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ đang tiếp tục giải trình với Chính phủ, với các bộ, ngành một số khó khăn để từng bước để có thể trình được Quốc hội trong thời gian tới. "Hiện nay, khó khăn liên quan đến vấn đề bất cập về mặt pháp luật và vấn đề liên quan đến chủ thể của các dự án này", ông Thắng nói.

Theo ông Thắng, các dự án này không chỉ liên quan đến nhà đầu tư mà liên quan đến cả các ngân hàng. "Khi làm việc với nhà đầu tư và ngân hàng, chúng tôi đã đề nghị nhà đầu tư phải hy sinh lợi nhuận, còn các ngân hàng phải hy sinh lãi suất để bảo toàn và thu hồi vốn", ông Thắng cho hay.

Về nguồn vốn xử lý, ông Thắng cũng cho biết vừa qua, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã họp với Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành, Bộ cũng đã tổng hợp, giải trình cụ thể và theo yêu cầu của Chính phủ sẽ phải báo cáo cáo Chính phủ trước ngày 15/11 tới đây.

"Chúng tôi cũng hy vọng trong cái thời gian sớm nhất, Chính phủ sẽ trình Quốc hội để tháo gỡ cho 8 dự án BOT, trong đó có 5 cái dự án được đề nghị Nhà nước mua lại và 3 dự án được đề nghị hỗ trợ", ông Thắng nói.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã đàm phán với nhà đầu tư, ngân hàng bố trí vốn nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư, chấm dứt hợp đồng trước hạn đối với 5 dự án, đồng thời sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn nhà nước đối với 3 dự án. Dự kiến, nguồn vốn nhà nước để xử lý 8 dự án BOT thua lỗ khoảng 10.340 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc đàm phán vẫn gặp vướng mắc. Có nhà đầu tư ban đầu thống nhất giải pháp bổ sung vốn nhà nước không quá 49% tổng mức đầu tư để tiếp tục hợp đồng, nhưng sau đó lại thay đổi quan điểm và đề nghị chấm dứt hợp đồng BOT trước thời hạn (nhà đầu tư dự án BOT cầu Thái Hà).

Có nhà đầu tư sẵn sàng chia sẻ 50% tỷ suất lợi nhuận nhưng một số chỉ chấp thuận chia sẻ nếu ngân hàng tín dụng chấp thuận chia sẻ tối đa, giảm thiểu lãi suất vốn vay. Trong khi, các ngân hàng tín dụng chỉ cam kết theo hướng sẻ chia sẻ với nhà nước, nhà đầu tư, không đưa ra mức cụ thể.

Tin mới lên