Nhà sư già ra tay, hãng hàng không từ vũng lầy thua lỗ vượt lên đứng số 1 thế giới

Mai Lý - 17/06/2023 09:13 (GMT+7)

(VNF) - Từ một nhà sư không có kinh nghiệm quản lý về hàng không nhưng ông đã giúp hãng hàng không Japan Airlines hồi sinh trên bờ vực phá sản. Trong năm tài chính 2011/12, Japan Airlines được công nhận là hãng hàng không có lợi nhuận cao nhất thế giới.

VNF

Kazuo Inamori sinh năm 1932 tại thành phố Kagoshima, miền nam Kyushu, Nhật Bản. Ông làm việc tại một nhà sản xuất chất cách điện ở Kyoto trước khi thành lập Công ty TNHH Gốm sứ Kyoto – tiền thân của hãng gốm kỹ thuật và thiết bị điện tử Kyocera ở tuổi 27.

Cơn sốt về vật liệu sử dụng trong chất bán dẫn và linh kiện điện thoại đã giúp Kyocera phát triển nhanh chóng. Kyocera trở thành “gã khổng lồ” trong các lĩnh vực như linh kiện điện tử, thiết bị viễn thông và pin mặt trời.

Kazuo Inamori

Năm 1986, Kazuo Inamori trở thành chủ tịch của tập đoàn Kyocera. Vào năm 2005, Kazuo Inamori quyết định nghỉ hưu, xuất gia và trở thành nhà sư với pháp danh Đại Hòa. Tư tưởng nhà Phật đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc điều hành kinh doanh của Kazuo Inamori.

Cũng chính nhờ tư tưởng này, ông đã nhiều lần cứu nguy cho tập đoàn Kyocera và hồi sinh hãng hàng không Japan Airlines. Câu chuyện hồi sinh của Japan Airlines cho đến giờ vẫn là một trong những bài học đắt giá của nhiều hãng hàng không trên thế giới.

Biểu tượng ngành hàng không Nhật Bản nộp đơn phá sản

Vào thập niên 1980, Japan Airlines là hãng hàng không hàng đầu thế giới về cả vận tải hành khách lẫn hàng hóa. Thời điểm đó, Japan Airlines còn sở hữu đội máy bay Boeing 747 lớn nhất ngành công nghiệp hàng không.

Tuy nhiên, sau khi được tư nhân hóa, Japan Airlines lại bắt đầu rơi vào cuộc khủng hoảng. Các kế hoạch mở rộng và đầu tư ngoài ngành hàng không của ban lãnh đạo Japan Airlines đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Một trong những thương vụ kinh doanh thua lỗ của Japan Airlines thời bấy giờ là vụ mua lại Essex House – khách sạn hạng sang ở Manhattan với giá 190 triệu đô la Mỹ. Hội đồng quản trị Japan Airlines còn chi thêm 100 triệu đô la Mỹ để cải tạo với tham vọng sẽ biến Essex House trở thành “cái cây hái ra tiền” tại New York.

Khách sạn Essex House mà Japan Airlines mua với số tiền khổng lồ

Ông Hiroshi Sugie, cựu phi công của Japan Airlines thừa nhận: “Họ đã mua một khách sạn nổi tiếng ở New York với mức giá cực kỳ cao. Ngay cả khi khách sạn được đặt kín phòng trong 30 năm tới thì nó cũng không thể sinh lời”.

Vào năm 1992, Japan Airlines lần đầu tiên thua lỗ 53,8 tỷ yên sau khi tư nhân hóa hoàn toàn. Giai đoạn này Japan Airlines đã phải cắt giảm nhân sự và bán đi một số tài sản, bao gồm cả khách sạn Essex House để bù đắp cho việc “bội chi” của những năm 1980.

Lý do khiến Japan Airlines thua lỗ không chỉ nằm ở quyết định đa dạng hóa các lĩnh vực kinh doanh. Một loạt thảm họa toàn cầu khiến ngành hàng không quốc tế gặp khó như vụ khủng bố ngày 11/9 năm 2001, chiến tranh Iraq năm 2003 hay đại dịch SARS toàn cầu.

Số lượng hành khách liên tục giảm giữa lúc Japan Airlines đang gánh khoản nợ lên tới 240 tỷ yên khiến hãng hàng không đuối sức. Japan Airlines cố gắng cứu lấy mình bằng cách cố gắng tạo thêm doanh thu tại thị trường nội địa – mua lại hãng hàng không lớn thứ 3 Nhật Bản lúc bấy giờ là Japan Air System.

Japan Airlines đệ đơn xin phá sản vào năm 2010

Thế nhưng đây lại tiếp tục là một quyết định sai lầm của hội đồng quản trị Japan Airlines. Chi phí bị đội lên trong khi nhiều chuyến bay của Japan Airlines chỉ toàn là ghế trống khiến tình hình kinh doanh trở nên ảm đạm hơn bao giờ hết. Và cách Japan Airlines giải quyết vấn đề là vay mượn để thoát khỏi khó khăn.

Đến năm 2009, Japan Airlines đã xin gói cứu trợ thứ 4 của chính phủ Nhật với tổng giá trị 100 tỷ yên. Dẫu vậy, mọi nỗ lực dường như vô nghĩa. Ngày 19/1/2010, Japan Airlines đệ đơn xin bảo hộ phá sản với khoản nợ lên tới 2.320 tỷ yên. Đây là vụ phá sản có quy mô lớn nhất ngoài lĩnh vực tài chính ở Nhật Bản kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai.

Giáo sư Jochen Wirtz của Trường Kinh doanh Đại học Quốc gia Singapore cho biết: “Hoạt động của Japan Airlines thực sự kém hiệu quả. Bộ máy quản lý quan liêu, tự mãn cùng việc đưa ra quyết định chậm chạp đã đẩy Japan Airlines vào thế khó”.

Thay máu nhân sự, đưa nhà sư lên nắm quyền lãnh đạo

Chính phủ Nhật Bản thông qua Tập đoàn Sáng kiến Doanh nghiệp Nhật Bản (ETIC) đã cứu Japan Airlines bằng việc bỏ tiền ra mua lại. Nói về quyết định “thay máu” nhân sự, cựu chủ tịch ETIC cho biết: “Lúc bấy giờ, Japan Airlines đã hoạt động theo phong cách quản lý bán chính phủ và có nhiều thay đổi. Người lãnh đạo mới của Japan Airlines phải là người phá vỡ được khuôn mẫu đó. Chúng tôi cần một kiểu lãnh đạo khác, người xem phúc lợi của nhân viên là yếu tố tiên quyết và quan trọng nhất”. Và ông Kazuo Inamori được lựa chọn để gánh vác trọng trách hồi sinh Japan Airlines.

Khi đó, Kazuo Inamori đã xuất gia và hiện đang tu hành. Ông cũng không hề có kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không. Thế nhưng, thực tế chứng minh thấy quyết định của ETIC là hoàn toàn đúng đắn.

Kazuo Inamori quyết định trở thành CEO của Japan Airlines giữa lúc mọi thứ chỉ là mớ hỗn độn. Kazuo Inamori nhận làm CEO không lương bởi trên thực tế, ông không cần tiền. Khi đó, Kazuo Inamori đang là người giàu thứ 28 của Nhật Bản, theo Forbes Asia.

Việc đầu tiên Kazuo Inamori làm khi lên chức CEO của Japan Airlines là cắt giảm nhân sự. Ông đã mạnh tay cắt giảm 15.700 việc làm, chiếm tới 1/3 nhân sự. Lương của nhân viên cũng giảm tới 30%. Cùng với đó, Japan Airlines cũng nhận được khoản cứu trợ 900 tỷ yên, giúp hãng xóa được một số khoản nợ.

Kazuo Inamori nhận làm CEO không lương của Japan Airlines

Bên cạnh việc cắt giảm chi phí, Kazuo Inamori còn chú trọng đến vấn đề con người và văn hóa công ty. Vị tỷ phú này sử dụng hệ thống quản lý Amoeba từng được áp dụng thành công ở Kyocera. Theo đó, lực lượng lao động của Japan Airlines được chia thành các đơn vị nhỏ có lãnh đạo riêng. Thay vì đợi quyết định từ trên xuống, những người lãnh đạo này có quyền tự quyết định trong nhiều khía cạnh nhất định.

Kazuo Inamori còn áp dụng triết lý ngược đời: “Tập trung tất cả cho cổ đông? Quên nó đi! Thay vào đó, hãy làm cho nhân viên hạnh phúc”. Quan điểm của Kazuo Inamori là: “Nếu bạn muốn có trứng, hãy chăm sóc những con gà mái. Nếu bạn đối xử tệ với con gà mái, nó sẽ không làm việc cho bạn nữa”. Chính triết lý “vì nhân viên” đã giúp nhân viên của Japan Airlines hạnh phúc và nỗ lực hơn vì thành công của hãng.

Chỉ sau 2 năm cầm cương, Kazuo Inamori đã giúp Japan Airlines hồi sinh một cách thần kỳ. Trong năm tài chính 2011/12, Japan Airlines được công nhận là hãng hàng không có lợi nhuận cao nhất thế giới. Khi đó, Japan Airlines có khoản lợi nhuận 186,6 tỷ yên, cao hơn gấp nhiều lần so với kỳ vọng 60 tỷ yên. Tháng 9/2012, đợt IPO của Japan Airlines thu được 663 tỷ yên trên sàn giao dịch chứng khoán Tokyo. Đây là đợt IPO lớn thứ hai trên toàn thế giới vào năm đó, chỉ sau Facebook Inc.

Japan Airlines hồi sinh ngoạn mục dưới thời của Kazuo Inamori

Khi việc kinh doanh khởi sắc, Japan Airlines đầu tư mua máy bay Boeing 787 tiết kiệm nhiên liệu hơn. Hãng cũng mở thêm nhiều đường bay mới, trong đó có cả đường bay tới Bắc Mỹ, Trung Đông, Trung Á và châu Phi. Sau khi khó khăn tài chính được giải quyết, Kazuo Inamori rời khỏi hội đồng quản trị Japan Airlines vào năm 2013.

Ở thời điểm hiện tại, Japan Airlines vẫn đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ sau cú vấp ngã trong quá khứ. Vào năm 2019, lợi nhuận của Japan Airlines là 167 tỷ yên. Trong năm tài khóa 2023, lợi nhuận ròng của Japan Airlines dự kiến tăng 59,8%.

Bên cạnh những “chiến tích” trên thương trường, Kazuo Inamori còn đươc biết đến như một nhà từ thiện, nhà hoạt động xã hội. Ông thành lập Giải thưởng Kyoto – một giải thưởng được xem là “Nobel của Nhật Bản”. Giải thưởng này được trao mỗi năm dành cho ba cá nhân có thành tựu trong lĩnh vực công nghệ, khoa học, nghệ thuật hoặc triết học.

Với những đóng góp to lớn cho xã hội, Kazuo Inamori được nhiều trường đại học ở Mỹ, Anh và Nhật Bản trao bằng tiến sĩ danh dự. Năm 2022, Kazuo Inamori qua đời ở tuổi 90, khép lại một cuộc đời “không ngừng đóng góp cho hạnh phúc vật chất và tinh thần của xã hội”.

Theo Forbes, Pepunlimited, CNA
Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
Bắc Giang mở thêm cụm công nghiệp rộng 75ha

Bắc Giang mở thêm cụm công nghiệp rộng 75ha

(VNF) - Cụm công nghiệp Danh Thắng - Đoan Bái vừa được Bắc Giang phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 với diện tích 75ha tại huyện Hiệp Hoà.

Nắm bắt xu hướng lớn để phát triển kinh tế số

Nắm bắt xu hướng lớn để phát triển kinh tế số

(VNF) - Kinh tế số đã chứng minh khả năng phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Với sự phát triển của các công nghệ mới như AI, 5G và Internet vạn vật (IoT), kinh tế số sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới và khẳng định vị thế là động lực chính cho sự phát triển kinh tế của nhiều quốc gia.

Bộ Công An, Thanh tra Chính phủ cùng Ngân hàng Nhà nước thanh tra kinh doanh vàng

Bộ Công An, Thanh tra Chính phủ cùng Ngân hàng Nhà nước thanh tra kinh doanh vàng

(VNF) - Ngân hàng nhà nước (NHNN) vừa ban hành quyết định về việc thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vàng.

Giá nhà chạm đáy 9 năm, Trung Quốc công bố thêm biện pháp 'giải cứu'

Giá nhà chạm đáy 9 năm, Trung Quốc công bố thêm biện pháp 'giải cứu'

(VNF) - Ngày 17/5, Trung Quốc đã công bố một số biện pháp sâu rộng nhất để ổn định lĩnh vực bất động sản (BĐS) đang bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng, cho phép chính quyền địa phương mua một số căn hộ, nới lỏng các quy tắc thế chấp và cam kết nỗ lực hơn nữa để cung cấp những ngôi nhà chưa hoàn thiện.

Bẫy 'Deepfake: Cú lừa siêu hạng 25 triệu USD bằng công nghệ AI

Bẫy 'Deepfake: Cú lừa siêu hạng 25 triệu USD bằng công nghệ AI

(VNF) - Công ty thiết kế và kỹ thuật đa quốc gia Arup của Anh xác nhận rằng mới đây xác nhận công ty đã vướng vào một vụ lừa đảo deepfake nhắm vào một trong những nhân viên của họ ở Hong Kong và khiến người này mất 25 triệu USD.

Cận cảnh biệt thự 'khủng' trong Khu đô thị Dương Nội của Tập đoàn Nam Cường

Cận cảnh biệt thự 'khủng' trong Khu đô thị Dương Nội của Tập đoàn Nam Cường

(VNF) - Căn biệt thự này có diện tích gần 5.000m2, tọa lạc tại lô đất K10 thuộc khu đô thị mới Dương Nội của Tập đoàn Nam Cường.

Vietcombank cảnh báo đối tượng mạo danh ngân hàng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Vietcombank cảnh báo đối tượng mạo danh ngân hàng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

(VNF) - Vietcombank cho biết thời gian gần đây, ngân hàng nhận được những thông tin phản ánh về việc một số đối tượng mạo danh Vietcombank thực hiện các hành vi có dấu hiệu lừa đào, chiếm đoạt tài sản.

‘Giọt nước nghĩa tình’ vượt hàng trăm km, mát lòng người dân giữa hạn mặn

‘Giọt nước nghĩa tình’ vượt hàng trăm km, mát lòng người dân giữa hạn mặn

(VNF) - Vượt những cung đường xa, 200.000 sản phẩm nước tinh khiết Number 1 cùng 620 khối nước ngọt đã được trao đến tay người dân tại Bến Tre, Tiền Giang. Những giọt nước mát lành mang bao nghĩa tình làm ấm lòng người dân giữa lúc hạn mặn.

Bộ Tài chính công khai 316 dự án giải ngân vốn đầu tư công 0%

Bộ Tài chính công khai 316 dự án giải ngân vốn đầu tư công 0%

(VNF) - Theo Bộ Tài chính, đến hết tháng 4, có 316 dự án, tiểu dự án tại 48 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công là 0%.

'Còn sợ sai, sợ trách nhiệm, BĐS còn khó tăng trưởng bền vững'

'Còn sợ sai, sợ trách nhiệm, BĐS còn khó tăng trưởng bền vững'

(VNF) - Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) chia sẻ với VietnamFinance một số giải pháp để thị trường tăng trưởng trở lại vào năm 2025.

Ảnh đẹp về những sân golf bên biển nổi tiếng Việt Nam

Ảnh đẹp về những sân golf bên biển nổi tiếng Việt Nam

(VNF) - Golf đã không còn là môn thể thao xa lạ, xa xỉ như nó đã từng; golf đã và đang hiện hữu trong đời sống của người Việt như là một trong những môn thể thao – giải trí quan trọng, thu hút đông đảo người chơi với gần 80 sân đang hoạt động trên toàn quốc. Dưới đây là hình ảnh đẹp về những sân golf sát biển nổi tiếng Việt Nam.