Nhà Trằng: Nới lỏng cấm vận Huawei không phải ‘quyết định ân xá’

Thanh Tú - 01/07/2019 13:21 (GMT+7)

(VNF) - Ông Larry Kudlow, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ (một cơ quan thuộc Nhà Trắng), cho biết quyết định nới lỏng cấm vận Huawei chỉ áp dụng với các sản phẩm hàng hóa có mặt rộng rãi, phổ biến trên toàn thế giới, không áp dụng cho các thiết bị an ninh nhạy cảm.

VNF
Nhà Trắng cho biết quyết định nới lỏng cấm vận Huawei chỉ áp dụng với các sản phẩm hàng hóa có mặt rộng rãi, phổ biến trên toàn thế giới.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Fox News ngày 30/6, ông Larry Kudlow cho biết: "Tất cả những gì sẽ xảy ra là Bộ Thương mại sẽ cấp một số giấy phép bổ sung cho các thiết bị cần thiết với sản phẩm của Huawei đối với các công ty vi mạch của Mỹ đang bán các sản phẩm được bán rộng rãi ở các quốc gia khác''.

''Nói chung, đây không phải là một quyết định ân xá... Các mối quan ngại về an ninh quốc gia sẽ vẫn là tối quan trọng," ông Kudlow cho biết thêm.

Trước đó, tại cuộc họp báo bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản chiều 29/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố cho phép các doanh nghiệp trong nước bán những thiết bị không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia cho Huawei.

Ông cũng cho biết thêm rằng ông chưa thể đưa Huawei ra khỏi danh sách các công ty nước ngoài có khả năng đe doạ an ninh quốc gia.

Theo đó, ông Trump cho phép các hãng công nghệ Mỹ bán hàng cho Huawei nhưng rào cản không được gỡ hoàn toàn. Hãng công nghệ Trung Quốc sẽ chỉ được phép mua các thiết bị được cho là không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia từ các doanh nghiệp Mỹ. Cùng với đó, Mỹ tiếp tục cấm mua hoặc sử dụng thiết bị viễn thông do Huawei sản xuất.

Ông Trump thừa nhận các nhà cung cấp Mỹ không hài lòng với chính sách cấm Huawei vì những công ty này đang bán "một lượng sản phẩm khổng lồ" cho công ty Trung Quốc. Trước khi chính quyền Mỹ gỡ lệnh hạn chế, Intel và Micron được cho là đã tìm cách lách luật để có thể tiếp tục kinh doanh với Huawei, một trong những khách hàng lớn nhất của mình.

Hồi tháng 5, Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen, cấm các doanh nghiệp Mỹ làm ăn với đại gia viễn thông Trung Quốc. Lệnh cấm này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của Huawei.

Các chuyên gia cho rằng, động thái nhượng bộ từ phía Mỹ phản ánh tầm quan trọng của Huawei đối với các nhà khai thác viễn thông toàn cầu, cũng như các nhà cung cấp Mỹ.

Theo đánh giá của Paul Triolo, Giám đốc Chính sách công nghệ toàn cầu của Công ty tư vấn Eurasia Group, Huawei thực sự quá lớn, không thể bị “giết chết” bằng một cách nào đó bởi nó liên kết rất chặt chẽ với các chuỗi cung ứng và các tiêu chuẩn công nghệ, cũng như hiện diện ở nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng trên toàn thế giới.

Xem thêm >> Mang 31 triệu USD trốn khỏi đất nước, vợ Thủ tướng UAE xin tị nạn tại Đức

Theo Fox News
Cùng chuyên mục
Tin khác