Nhân dân tệ có khả năng ‘gây hỏa hoạn’ khi căng thẳng thương mại gia tăng
(VNF) - Trung Quốc đang tìm cách duy trì tăng trưởng trước những hạn chế trong nước và toàn cầu. Đầu tư nội địa và tăng cường xuất khẩu tất nhiên vẫn là chiến lược chính của nước này nhưng điều này cũng có khả năng tiếp tục thổi bùng ngọn lửa bảo hộ ở những nơi khác. Dự kiến quan điểm về giá trị tương đối của đồng nhân dân tệ so với đồng USD và các loại tiền tệ khác sẽ cứng rắn hơn trong thời gian tới.
Mọi loại tiền tệ chính ngoài đồng bảng Anh đều giảm giá so với đồng USD trong năm nay. Trước đó, chỉ số Dollar Index (đo sức mạnh của USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác) đã lập kỷ lục cao nhất trong gần hai thập kỷ trong năm 2022.
Đã gần 40 năm kể từ khi Hiệp định Plaza được ký kết khi các nhà lãnh đạo của 5 nền kinh tế công nghiệp hàng đầu khi đó đồng ý điều chỉnh các chính sách trong nước để điều chỉnh những sai lệch về tỷ giá hối đoái. Thật khó để hình dung một thỏa thuận tương tự sẽ đạt được ngày nay.
Nếu không có giải pháp, sẽ không lâu nữa mối lo ngại về đồng USD mạnh và tác động của nó sẽ chuyển sang mối lo khác rằng các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang giành được lợi thế không công bằng nhờ đồng nhân dân tệ yếu.
Điều đó sẽ tương tự như việc tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc đã chi phối phần lớn các câu chuyện quốc tế gần đây. Nhưng nếu thặng dư tài khoản vãng lai dai dẳng phản ánh sản xuất vượt quá nhu cầu trong nước, thì tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc thực ra đã tồn tại từ lâu.
Dư thừa công suất là một đặc điểm chứ không phải lỗi của những nền kinh tế này. Đức, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore liên tục có thặng dư tài khoản vãng lai và tất cả các nước này, ngoại trừ Nhật Bản và Hàn Quốc, đều nằm trong “danh sách giám sát” trong Báo cáo ngoại hối của Bộ Tài chính Mỹ.
Theo Financial Times, Trung Quốc có thể được "quan tâm" đặc biệt một phần vì quy mô của nước này. Hiện Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế sản xuất và thương mại chiếm ưu thế khi chiếm 15% xuất khẩu và 35% sản lượng công nghiệp thế giới.
Chủ nghĩa bảo hộ gia tăng
Dù phản ánh những xu hướng này hay những xu hướng khác, thực tế là chủ nghĩa bảo hộ dường như đã trở nên sâu sắc hơn. Theo một thước đo, số lượng các biện pháp can thiệp chính sách công nghiệp trên toàn cầu đã tăng gấp 8 lần kể từ năm 2017. Dragonomics, một tổ chức nghiên cứu tập trung vào Trung Quốc, ước tính các biện pháp hạn chế thương mại nhắm vào Trung Quốc đã tăng gần gấp 4 lần kể từ năm 2018.
Ngân hàng Thanh toán Quốc tế ước tính tổng nợ của Trung Quốc đối với các lĩnh vực phi tài chính của nền kinh tế ở mức 283% GDP và vẫn đang tăng nhanh. Nợ không ngăn cản sự tăng trưởng nhưng nợ làm giảm tốc độ tăng trưởng, không nền kinh tế nào mắc nợ mà tăng trưởng nhanh chóng.
Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng bảng cân đối kế toán mất cân bằng khi những đối tượng tiêu dùng tín dụng lớn nhất là hộ gia đình, chính quyền địa phương và nhà phát triển bất động sản đang giảm đòn bẩy.
Nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang bước vào giai đoạn kinh tế được gọi là “suy thoái bảng cân đối kế toán”, tức là thay vì tìm cách tối đa hóa lợi nhuận thì mọi người lại mải mê giảm bớt nợ.
Trong quá khứ, Trung Quốc dựa vào chi tiêu cho cơ sở hạ tầng để kích thích nền kinh tế. Nhưng trong bối cảnh nợ quốc gia đã lên đến mức gần gấp ba lần GDP hàng năm, Bắc Kinh cần phải cẩn trọng hơn và chỉ tiến hành các dự án có khả năng sinh lời hợp lý. Vì vậy, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục dựa vào cỗ máy xuất khẩu của mình. Điều đó chắc chắn sẽ chuyển sự chú ý sang đồng nhân dân tệ.
Hungary lên án sự 'trừng phạt tàn bạo’ của EU với xe điện Trung Quốc
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.