Nhận trăm triệu chuyển nhầm tài khoản: Cố tình không trả nguy cơ bị khởi tố
Mai Anh -
30/07/2023 12:57 (GMT+7)
(VNF) - Việc chuyển tiền nhầm vào tài khoản ngân hàng của người khác thường xảy ra, gây ra sự phiền phức, đôi khi mất tiền oan. Vậy làm thế nào để lấy lại tiền khi lỡ chuyển tiền nhầm tài khoản?
Vụ việc ông Lương Văn Tr. (ngụ Long An) qua 4 tháng vẫn đang trầy trật đi đòi lại số tiền 450 triệu đồng qua tài khoản ngân hàng chuyển khoản nhầm cho một người lạ tên Phạm Duy A. ở Bến Tre đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Thực tế, việc chuyển tiền nhầm vào tài khoản ngân hàng của người khác thường xảy ra, gây ra sự phiền phức, rắc rối cho cả 2 bên.
Không ít người chuyển tiền nhầm để nhận lại tiền thủ tục nhiêu khê, rủi ro mất tiền rất lớn nếu chủ tài khoản nhận được tiền chuyển nhầm không hợp tác.
Nguyên nhân chuyển khoản nhầm
Chuyển khoản nhầm nhiều nhất chủ yếu đến từ 2 nguyên nhân.
Thứ nhất là ghi sai tên người nhận hoặc sai số tài khoản ngân hàng. Tỷ lệ người mắc phải trường hợp này là nhiều nhất, vì số tài khoản ngân hàng thường khá dài và khó nhớ. Lúc này nhân viên ngân hàng cũng không kiểm tra kỹ để hỏi lại khách hàng nên đã chuyển khoản nhầm.
Thứ 2 là chuyển khoản qua cây ATM hoặc APP: Với trường hợp này bạn ghi sai số tài khoản ngân hàng sau đó nhấn gửi mà không kiểm tra kỹ.
Các dạng chuyển khoản nhầm
Có ba dạng chuyển khoản nhầm mà khách hàng thường gặp phải và ngân hàng sẽ có cách xử lý khác nhau.
Trường hợp thứ nhất là chuyển tiền nhầm ngân hàng để thanh toán khoản vay. Với trường hợp này, ngân hàng dễ dàng can thiệp nên người chuyển sẽ không bị mất tiền nhưng quá trình rà soát và kiểm tra sẽ mất khoảng 2 - 5 ngày.
Trường hợp thứ hai là chuyển nhầm cho tài khoản cùng ngân hàng. Thứ ba là chuyển tiền nhầm cho tài khoản khác ngân hàng. Việc giải quyết cho hai trường hợp này khá phức tạp, tốn thời gian do cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan như người chuyển nhầm, ngân hàng chuyển tiền, ngân hàng nhận tiền và chủ tài khoản nhận tiền gửi nhầm.
Nhiều người thắc mắc tại sao ngân hàng không hoàn lại số tiền đó cho người chuyển mà phải thông báo với chủ tài khoản nhận tiền chuyển nhầm. Theo quy định, phải có sự đồng ý của chủ tài khoản kia thì ngân hàng mới được phép tác động đến số tiền trong tài khoản. Tự ý hoàn tiền là vi phạm quy định, ảnh hưởng đến quyền lợi cá nhân của chủ tài khoản, đồng thời để tránh trường hợp người chuyển tiền muốn trốn nợ hoặc muốn hủy lệnh thanh toán cho chủ tài khoản nhận nên dựng lên tình huống chuyển tiền nhầm.
Cách lấy lại tiền khi lỡ chuyển tiền nhầm tài khoản
Khi chuyển nhầm tài khoản cùng ngân hàng, bạn cần thực hiện các bước như sau để lấy lại tiền:
Bước 1: Kiểm tra và chụp ảnh lại giao dịch đã chuyển nhầm rồi đi đến chi nhánh ngân hàng bạn đang sử dụng.
Bước 2: Tới ngân hàng hãy thông báo với nhân viên về việc bạn đã chuyển khoản nhầm tiền cho người khác.
Bước 3: Cung cấp các thông tin cá nhân và điền vào mẫu đơn khi được nhân viên ngân hàng yêu cầu.
Bước 4: Sau khi kiểm tra và xác nhận là giao dịch nhầm, ngân hàng sẽ liên hệ với người nhận và yêu cầu họ trả lại tiền cho bạn.
Khi chuyển nhầm tài khoản khác ngân hàng, các thao tác làm việc với ngân hàng như sau:
Bước 1: Ngay sau khi phát hiện bị chuyển tiền nhầm tài khoản, bạn cầm theo chứng minh thư của mình tới ngân hàng mình đang sử dụng để giải quyết.
Bước 2: Tới ngân hàng hãy thông báo với nhân viên về việc bạn đã chuyển khoản nhầm tiền cho người khác.
Bước 3: Ngân hàng sẽ tiến hành các bước kiểm tra, rà soát. Sau khi kiểm tra và xác nhận là giao dịch nhầm, ngân hàng sẽ liên hệ với ngân hàng chủ quản chuyển nhầm để thông báo cho chủ tài khoản đó xử lý theo quy định.
Theo các ngân hàng, thông thường, ngân hàng mở tài khoản/ngân hàng chuyển tiền sẽ phối hợp với ngân hàng thụ hưởng để hỗ trợ kiểm tra và thu hồi tiền chuyển nhầm cho khách hàng trong thời gian nhanh nhất.
Khoản tiền chuyển nhầm sẽ được hoàn cho khách hàng ngay khi người nhận chuyển nhầm tiền đồng ý hoàn lại và tài khoản của họ đủ số dư để ngân hàng thụ hưởng chuyển trả. Rắc rối sẽ phát sinh khi người nhận tiền nhầm không hợp tác, không đồng ý hoàn lại…
Người được chuyển nhầm không trả lại có thể bị khởi tố
Trường hợp số tiền chuyển nhầm đã được rút, sử dụng và chủ tài khoản không đồng ý trả lại số tiền, khách hàng có thể khởi kiện chủ tài khoản này ra Tòa án có thẩm quyền yêu cầu trả lại số tiền trên theo quy định tại khoản 1 Điều 599 Bộ luật Dân sự:
"Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp tài sản đó thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền..."
Ngoài ra, nếu cố tình chiếm hữu, sử dụng, không trả lại tiền cho người chuyển nhầm sau khi đã nhận được thông báo từ phía ngân hàng và người chuyển nhầm tiền, thì người cố tình chiếm hữu, sử dụng trái phép số tiền trên còn có thể bị truy tố về hành vi chiếm giữ trái phép tài sản theo quy định tại Điều 141 Bộ luật Hình sự.
Điều 175 Bộ luật hình sự 2015 quy định: "Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm."
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.