Nhiều chi nhánh ngừng hoạt động và nợ thuế, Sông Đà 4 làm ra sao?

Minh Đức - 03/10/2024 15:15 (GMT+7)

(VNF) - Kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, Công ty cổ phần Sông Đà 4 báo lỗ hơn 31,53 tỷ đồng. Đáng chú ý, chi nhánh của công ty tại Thanh Hoá hiện đang nợ số tiền thuế gần 14,5 tỷ đồng và bị cưỡng chế ngừng sử dụng hoá đơn.

Chi nhánh Sông Đà 4 nợ tiền thuế gần 14,5 tỷ đồng

Cục Thuế Thanh Hóa vừa công khai thông tin người nộp thuế nợ thuế lớn, kéo dài quý III/2024. Theo danh sách công bố có 670 người nộp thuế có số tiền thuế nợ lớn, kéo dài tính đến thời điểm 31/8/2024 với tổng số tiền hơn 807 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong danh sách công khai có xuất hiện của Chi nhánh Công ty cổ phần Sông Đà 4 (Thành phố Hà Nội), có địa chỉ tại Bản Tân Sơn, xã Xuân Phú, huyện Quan Hoá, tỉnh Thanh Hoá.

Doanh nghiệp này có số tiền thuế nợ thời điểm 31/8/2024 là hơn 14,48 tỷ đồng. Hiện doanh nghiệp này bị Cục thuế Thanh Hoá cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hoá đơn.

Chi nhánh Sông Đà 4 (Thành phố Hà Nội) có số tiền thuế nợ thời điểm 31/8/2024 là hơn 14,48 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, Chi nhánh Công ty cổ phần Sông Đà 4 (Thành phố Hà Nội) là 1 trong 7 đơn vị trực thuộc Công ty cổ phần Sông Đà 4.

6 đơn bị còn lại gồm: Chi nhánh Công ty cổ phần Sông Đà 4.06; Chi nhánh Công ty cổ phần Sông Đà 4.08; Chi nhánh Công ty cổ phần Sông Đà 4.09; Chi nhánh Công ty cổ phần Sông Đà 4.10 (chi nhánh đang tạm ngừng hoạt động); Chi nhánh Công ty cổ phần Sông Đà 4.05 (chi nhánh đang tạm ngừng hoạt động) và Nhà máy Thuỷ điện Iagrai 3.

Sông Đà 4 đang kinh doanh ra sao?

Công ty cổ phần Sông Đà 4 (Sông Đà 4) được thành lập trên cơ sở cổ phần hoá Công ty TNHH Nhà nước MTV Sông Đà 4 thuộc Tổng công ty Sông Đà theo quyết định ngày 26/10/2007 của Bộ Xây dựng.

Về vốn góp của chủ sở hữu, Tổng công ty Sông Đà – CTCP góp 66,95 tỷ đồng và 36,05 tỷ đồng vốn góp của các cổ đông khác. Tổng số nhân viên của công ty tại ngày 30/6/2024 là 204 người, giảm 157 người so với thời điểm ngày 31/12/2023. Hoạt động chính của công ty là Xây dựng công trình và sản xuất điện năng.

Ngành nghề kinh doanh chính của Sông Đà 4 bao gồm: Xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác; xây dựng các công trình thuỷ lợi, giao thông đường bộ, công trình công nghiệp; thi công xây lắp đường dây và trạm biến áp đến 110KV; đầu tư xây dựng khu công nghiệp và đô thị,…

Tổng công ty Sông Đà – CTCP góp 66,95 tỷ đồng tại Công ty cổ phần Sông Đà 4

Theo báo cáo tài chính của Sông Đà 4, doanh thu thuần trong 6 tháng đầu năm 2024 của công ty đạt hơn 67,14 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu từ hoạt động xây lắp đạt hơn 57,45 tỷ đồng và doanh thu bán điện hơn 9,68 tỷ đồng.

Kết thúc nửa đầu 2024, công ty báo lỗ hơn 31,53 tỷ đồng; tăng lỗ thêm 2,32 tỷ đồng so với khoản lỗ hơn 29,21 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Lý giải về nguyên nhân lỗ gia tăng, phía Sông Đà 4 cho biết nguyên nhân là do 6 tháng đầu năm 2024 công ty chỉ thi công công trình đã ký hợp đồng từ năm trước, công ty chưa có hợp đồng mới để bổ sung doanh thu cho năm 2024 dẫn đến doanh thu đạt thấp.

Kiểm toán viên nhấn mạnh nhiều vấn đề trong BCTC của Sông Đà 4

Tại ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Sông Đà 4 là hơn 739,04 tỷ đồng; giảm 8,4% so với hồi đầu năm. Chiếm chủ yếu là tài sản ngắn hạn với hơn 657,03 tỷ đồng (chiếm gần 89% tổng tài sản). Sông Đà 4 hiện chỉ có hơn 223,4 triệu đồng tiền mặt và hơn 1,66 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn.

Công ty có hơn 413,04 tỷ đồng phải thu ngắn hạn của khách hàng, trong đó có khoản phải thu từ Tổng công ty Sông Đà – CTCP (hơn 13,78 tỷ đồng) và hơn 43,84 tỷ đồng BĐH Dự án Thuỷ điện Xekaman 1.

Theo thuyết minh của công ty, tại ngày 30/6/2024, nợ phải thu và chi phí sản xuất kinh doanh dở dang liên quan đến Công trình Thuỷ điện Xekaman 1 hiện ghi trên BCTC của công ty lần lượt là hơn 43,84 tỷ đồng và gần 55,94 tỷ đồng. Công trình Thuỷ điện Xekaman 1 đã hoàn thành và đi vào phát điện cuối năm 2016 nhưng cho đến thời điểm lập BCTC, các hạng mục dở dang nêu trên vẫn đang trong quá trình nghiệm thu, bù giá.

Hàng tồn kho của Sông Đà 4 tại ngày 30/6/2024 ghi nhận hơn 139,90 tỷ đồng. Chiếm chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang hơn 135,31 tỷ đồng, bao gồm: Công trình thuỷ điện Xekaman 1 hơn 55,93 tỷ đồng; Công trình thuỷ điện Hồi Xuân hơn 19,84 tỷ đồng; Công trình điện gió Thanh Phong hơn 27,99 tỷ đồng và các công trình khác hơn 31,54 tỷ đồng.

Nợ phải trả của Sông Đà 4 là hơn 735 tỷ đồng tính đến giữa năm 2024, gấp 216,35 lần vốn chủ sở hữu (đạt vỏn vẹn hơn 3,4 tỷ đồng).

Sự chênh lệch lớn này đến từ việc vốn chủ sở hữu của Sông Đà 4 bị bào mòn bởi lỗ sau thuế chưa phân phối, khi khoản lỗ này đã lên tới hơn 149 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ đạt 103 tỷ đồng.

Loạt công ty 'họ' Sông Đà: Chậm nộp bảo hiểm xã hội, làm ăn thua lỗ

Loạt công ty 'họ' Sông Đà: Chậm nộp bảo hiểm xã hội, làm ăn thua lỗ

Doanh nghiệp
(VNF) - Công ty cổ phần Sông Đà 6 và Công ty cổ phân·Sông Đà 4 vừa bị Bảo hiểm Xã hội TP Hà Nội điểm mặt vì chậm bảo hiểm xã hội hàng tỷ đồng. Đáng chú ý, tình hình kinh doanh của Sông Đà 4 và Sông Đà 6 đang rơi vào cảnh thua lỗ.
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.