Nhiều doanh nghiệp niêm yết hé lộ kết quả kinh doanh 9 tháng

Thanh Long - 28/09/2020 09:10 (GMT+7)

(VNF) - Nhiều doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán đã bước đầu hé lộ kết quả kinh doanh 9 tháng, trong đó đi đầu là các doanh nghiệp "họ" dầu khí.

VNF

Mặc dù chưa kết thúc 9 tháng nhưng nhiều doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán đã bước đầu hé lộ kết quả kinh doanh.

Trong buổi làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) Bùi Minh Tiến cho biết tác động kép của dịch bệnh Covid-19 và giá dầu giảm đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của BSR.

Tuy nhiên, các giải pháp tiết giảm và tối ưu hóa chi phí đã giúp BSR tiết kiệm được khoảng 2.500 tỷ đồng. Nhờ vậy mà riêng trong quý III/2020, mặc dù nhà máy ngừng hoạt động để thực hiện bảo dưỡng tổng thể lần gần 2 tháng nhưng công ty vẫn có lợi nhuận, chấm dứt giai đoạn thua lỗ của 2 quý đầu năm.

BSR là doanh nghiệp sở hữu, quản lý và vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Bên cạnh BSR, 3 doanh nghiệp "họ" dầu khí khác cũng công bố ước tính kết quả kinh doanh.

Cụ thể, Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (HoSE: PVT) ước tính doanh thu 9 tháng của công ty ước đạt 5.345 tỷ đồng, thực hiện 86% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 565 tỷ đồng, giảm gần 22% so với cùng kỳ nhưng vượt 3% kế hoạch năm.

Các tháng cuối năm, PVT cho biết sẽ đặt trọng tâm vận chuyển an toàn, kịp thời nguyên liệu dầu thô đầu vào và sản phẩm đầu ra cho nhà máy lọc dầu Dung Quất sau khi bảo dưỡng; tiết giảm chi phí hoạt động; đề ra các kế hoạch khai thác phù hợp, hiệu quả hoạt động của đội tàu.

Kế hoạch doanh thu quý IV của PVT là 1.483 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 107 tỷ đồng.

Trong khi đó, Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (HoSE: PVD) ước tính doanh thu 9 tháng đạt 4.300 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ ước đạt 100 tỷ đồng, tăng gấp đôi.

Báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (HoSE: PET) thì ghi nhận tổng doanh thu ước đạt 8.640 tỷ đồng, thực hiện 95% kế hoạch năm và tăng 16% so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận trước thuế ước 125,3 tỷ đồng, thực hiện 70% kế hoạch năm và giảm 15%.

Bên cạnh các doanh nghiệp "họ" dầu khí, một số doanh nghiệp niêm yết khác cũng rục rịch hé lộ kết quả kinh doanh 9 tháng.

Có thể kể đến Công ty Cổ phần Fecon (HoSE: FCN), doanh nghiệp này ước tính doanh thu quý III đạt 1.000 tỷ đồng, cao hơn 40% so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 50 tỷ đồng, tăng 42%.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần ước đạt 2.190 tỷ đồng, tăng 21%. Tuy nhiên, lợi nhuận giảm 60%, đạt 86 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc FCN cho biết kết quả này dù cải thiện so với 2 quý trước và cùng kỳ năm ngoái nhưng chưa đạt được kỳ vọng của ban lãnh đạo. Công ty sẽ phấn đấu lợi nhuận 9 tháng đạt khoảng 100 tỷ đồng. 

Tổng giám đốc FCN cho biết thêm, kết quả kinh doanh quý IV thường sẽ chiếm 40% cả năm, do đó ban lãnh đạo tin tưởng có thể hoàn thành kế hoạch năm với doanh thu 4.000 tỷ đồng. 

Trái với FCN, Công ty Cổ phần Tập đoàn Kido (HoSE: KDC) thông báo kết quả kinh doanh khả quan khi doanh thu quý III ước đạt 2.293 tỷ đồng, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ đi các chi phí, tập đoàn này ghi nhận lợi nhuận sau thuế 128 tỷ đồng, tăng 141% so với quý III/2019.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần KDC ước đạt 5.960 tỷ đồng, tăng 17,3% chủ yếu do doanh thu ngành dầu tăng 30% (doanh thu ngành kem giảm nhẹ 9,8%). Lợi nhuận sau thuế đạt 261 tỷ đồng, tăng 56,6% so với cùng kỳ năm trước.

Một doanh nghiệp khác cũng đã công bố kết quả kinh doanh là Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Idico (HoSE: UIC). Theo đó, quý III, doanh nghiệp này đạt tổng doanh thu và thu nhập khác hơn 659 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế thu về 13,9 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2019.

Lũy kế 9 tháng, tổng doanh thu và thu nhập khác đạt gần 1.874 tỷ đồng, thực hiện 65% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 49 tỷ đồng, giảm hơn 11% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 75% kế hoạch năm.

Mảng dầu ăn của Kido tăng trưởng mạnh trong 9 tháng năm nay

Dù chưa có kết quả kinh doanh 9 tháng nhưng nhiều doanh nghiệp niêm yết lớn đã công bố kết quả kinh doanh 8 tháng.

Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dẫn thông tin từ lãnh đạo Đông Hải Bến Tre (HoSE: DHC) cho biết doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 8 tháng khoảng 1.800 tỷ đồng, tăng 201% so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 201 tỷ đồng, tăng tới 224%.

Lãnh đạo DHC cho biết mức tăng trưởng này đến từ đóng góp của nhà máy giấy Giao Long 2, vốn đã bắt đầu hoạt động thương mại từ tháng 9/2019.

Trong khi đó, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) cho biết lũy kế 8 tháng, công ty đạt doanh thu xuất khẩu 4.365 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.

Khả quan hơn là trường hợp của Công ty Cổ phần FPT (HoSE: FPT) khi đạt doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế 8 tháng đạt lần lượt 18.321 tỷ đồng và 3.343 tỷ đồng, tăng trưởng 7,6% và 11,7%.

Năm 2020, FPT đề ra mục tiêu doanh thu 32.450 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế ở mức 5.510 tỷ đồng. Với kết quả trên, doanh nghiệp này hiện đã hoàn thành 56% chỉ tiêu doanh thu và 61% kế hoạch lợi nhuận năm sau 8 tháng.

Ở ngành bán lẻ, thông tin gần đây từ Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) cho thấy, lũy kế 8 tháng năm 2020, MWG đạt doanh thu thuần hợp nhất là 72.970 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.697 tỷ đồng, giảm 1%.

Đáng chú ý, riêng trong tháng 8/2020, mức doanh thu mà MWG đạt được là hơn 8.660 tỷ đồng, tăng 9% so với tháng 8/2019. Lợi nhuận sau thuế đạt 325 tỷ đồng, tăng 14%.

Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát đợt 2 khiến hơn 180 cửa hàng Thế giới di động và Điện máy Xanh bị ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh doanh do phải đóng cửa (nằm trong các khu vực bị phong tỏa) hoặc bị giới hạn về số lượng khách được phép phục vụ trong cửa hàng.

Trái với diễn biến ở MWG, trong tháng 8/2020, một "ông lớn" ngành bán lẻ khác là Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) ghi nhận doanh thu giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.238 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm 12%, đạt 52 tỷ đồng.

Đi sâu hơn, doanh thu kênh lẻ tháng 8 của PNJ giảm nhẹ 7%.

Theo giải trình từ phía PNJ, làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng vào những ngày cuối tháng 7 kéo sang đầu tháng 8 đã ảnh hưởng đến các cửa hàng tại các địa phương bị giãn cách và sức mua chung của thị trường chậm lại trong 2 tuần đầu tháng 8.

Trong khi đó, doanh thu sỉ giảm 40% trong tháng. Nguyên nhân được phía PNJ đưa ra là do các khách hàng sỉ chịu ảnh hưởng của dịch nên nhu cầu sụt giảm so với cùng kỳ, bên cạnh đó, sức mua chung của thị trường trang sức vẫn chưa thật sự phục hồi.

Lũy kế 8 tháng năm 2020, doanh thu thuần PNJ đạt 10.291 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 548 tỷ đồng, giảm 23%.

Cùng chuyên mục
Tin khác