Hai cây cầu trăm tỷ kết nối Bình Dương với TP. HCM và Tây Ninh
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.
Hôm qua (4/6), theo cập nhật của Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương), giá quặng sắt và một số loại thép thế giới vẫn liên tục tăng trong những ngày vừa qua.
Chẳng hạn, giá quặng sắt tăng 1,9% lên 1.194 CNY/tấn và giá quặng sắt giao ngay với hàm lượng sắt 62% Fe đã tăng 6 USD lên 206,5 USD/tấn. Đồng thời, trên sàn Thượng Hải giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2021 tăng 1,7% lên 5.148 CNY/tấn, giá thép cuộn cán nóng tăng 2,1% lên 5.490 CNY/tấn, giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 7/2021 tăng 0,2% lên 16.090 CNY/tấn...
Với thị trường Việt Nam, theo số liệu mới nhất, giá thép cuộn D6, D8 của các thương hiệu Hòa Phát, Pomina, Việt Nhật, Việt Đức, Việt Ý nếu vào cuối năm 2020 chỉ khoảng 12.000 đồng/kg thì nay đã tăng lên hơn 18.000 đồng/kg (chưa bao gồm thuế VAT), tăng 50%.
Ông Lương Ngọc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng công trình Đông Nam (TP.HCM), cho hay giá thép tăng mạnh và kéo theo nhiều loại vật liệu xây dựng khác đi lên khiến các nhà thầu điêu đứng. Đa số với những công trình dân dụng thì các nhà thầu đều ký hợp đồng trọn gói nên dù giá thép tăng thì cũng khó điều chỉnh được giá hợp đồng.
Vì vậy nhà thầu nào càng có nhiều công trình trong 5 tháng vừa qua mới bắt đầu thực hiện thì phải “cắn răng” và chấp nhận giảm lợi nhuận. Chủ thầu nào có hợp đồng kèm theo điều khoản nếu trượt giá thì sẽ xem xét điều chỉnh lại thì sẽ dễ thở hơn. Nhưng với các dự án có vốn đầu tư nhà nước thì thường thực hiện đấu thầu nên hay theo kiểu trọn gói.
“Nếu công trình dân dụng thì giá trị sắt thép chỉ chiếm khoảng 10 - 12% giá trị công trình nhưng với nhà xưởng thì sắt thép chiếm hơn 50% nên càng dễ bị thua lỗ. Đó là chưa kể giá sắt thép nếu theo bảng giá nhà nước công bố hạch toán thì thường thấp hơn thị trường”, ông Tuấn nói.
Theo tính toán của một số nhà thầu, tỷ trọng chi phí thép xây dựng chiếm từ 12 - 15% trong tổng giá trị công trình. Nếu giá thép biến động 10%, giá công trình tăng thêm 1%... Vì vậy, một số nhà thầu không đánh giá hết các rủi ro tiềm ẩn về biến động giá thép và nguyên vật liệu khác sẽ bị ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận và có thể phải “bù lỗ” nếu tình trạng này vẫn kéo dài.
Trong tháng 4, hàng loạt doanh nghiệp và Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã liên tiếp gửi công văn kiến nghị, cầu cứu Chính phủ và các bộ ngành xem xét, hỗ trợ khi giá thép tăng liên tục. Đặc biệt đối với các dự án đầu tư vốn ngân sách lại phải áp dụng đơn giá vật liệu theo thông báo của các sở xây dựng tỉnh, thành phố mà các thông báo này thì không cập nhật được biến động giá kịp thời nên các nhà thầu cũng phải tự xử lý phần biến động này.
Ngày 20/5, VACC tiếp tục có văn bản gửi Bộ Xây dựng kiến nghị điều chỉnh giá thép tăng đột biến. Văn bản dẫn số liệu báo cáo, tổng hợp từ một số hợp đồng các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước các địa phương đang triển khai thi công thời điểm quý 1/2021, cho rằng tỷ lệ thiệt hại do thép tăng đột biến dao động từ 4,5 - 6% trên tổng giá trị hợp đồng.
Đây là chưa tính đến thiệt hại do yếu tố tăng giá trong thời gian qua của các vật liệu như cát, xi măng, vật liệu cáp điện, loại thép khác...
VACC nhận định tình hình giá thép xây dựng nói riêng và các loại vật liệu xây dựng nói chung vẫn đang diễn biến phức tạp gây thiệt hại quá lớn cho các nhà thầu xây dựng, nếu không có sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ thì nhiều nhà thầu sẽ thua lỗ nặng, phải ngừng thi công, thậm chí phải phá sản.
VACC kiến nghị Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính có thông tư liên tịch hướng dẫn cho phép điều chỉnh giá sắt thép xây dựng và một số vật liệu tăng đột biến cho các hợp đồng trọn gói, hợp đồng giá cố định đã ký có thời gian thực hiện thi công nằm trong giai đoạn từ ngày 1/1/2021 (quý 1/2021) trở đi.
Sau kiến nghị của các doanh nghiệp, ngày 10/5, Bộ Xây dựng đã có công văn yêu cầu các địa phương thực hiện một số giải pháp để giảm thiểu tác động của biến động giá thép đến các hoạt động xây dựng.
Tuy nhiên theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), việc xem xét điều chỉnh giá trị hợp đồng sử dụng vốn ngân sách nhà nước theo kiến nghị của VACC hay các doanh nghiệp cần thận trọng. Bởi nếu thực hiện điều đó là “lợi bất cập hại”, không phù hợp với cơ chế thị trường.
Ông Long phân tích: những hợp đồng đã ký trọn gói giả sử nếu giá sắt thép và nguyên vật liệu giảm mạnh thì các nhà thầu được hưởng lợi. Khi đó nhà nước hay chủ đầu tư cũng không yêu cầu nhà thầu phải giảm giá thi công. Như vậy hà cớ gì đến khi giá vật liệu tăng thì lại muốn nhà nước phải trả thêm tiền? Hơn nữa, các tập đoàn trên thế giới đã sử dụng công cụ phòng vệ giá thông qua hợp đồng tương lai rất nhiều.
Ở Việt Nam, Sở Giao dịch hàng hóa cũng đã ra đời và trong đó có các mặt hàng sắt thép, vật liệu được xây dựng nhưng các công ty trong nước hầu như không quan tâm. Điều này là chủ quan và thể hiện sự yếu kém trong công tác dự báo, bám sát tình hình kinh tế trong và ngoài nước.
“Trong kinh doanh phải chủ động. Hợp đồng đã ký thì không thể kêu cứu mà chỉ có đàm phán lại. Nếu doanh nghiệp dự báo được chính xác thì sẽ đưa thêm điều khoản trượt giá trong hợp đồng hoặc thực hiện các hợp đồng giao dịch tương lai để đảm bảo mình không bị thiệt hại. Bởi các công trình xây dựng lớn hầu như kéo dài theo năm nên biến động giá sẽ khó lường.
Đây là kinh nghiệm lớn mà các công ty phải rút ra để tránh những cú thua lỗ trong tương lai. Cá nhân tôi không lo rằng các dự án sẽ bị ngừng trệ vì nếu vậy chủ đầu tư sẽ bị phạt theo hợp đồng và khoản phạt đó cũng không nhỏ”, TS Ngô Trí Long nói thêm.
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.