Thị trường

Nhiều nhà đầu tư đang âm thầm mua và trữ vàng

(VNF) - Các ngân hàng trung ương, nhà đầu tư, người dân của nhiều quốc gia vẫn âm thầm mua vào và trữ vàng, trong bối cảnh lạm phát và những bất ổn kinh tế- chính trị vẫn đang tiếp diễn, chính nhóm này đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ vàng toàn cầu lên cao.

Nhiều nhà đầu tư đang âm thầm mua và trữ vàng

Do sức mua bán yếu, nên thị trường vàng trong nước đang điều chỉnh, giảm khoảng cách chênh lệch để kích thích các nhu cầu mua sắm vàng (ảnh minh họa)

Hôm nay 18/2, giá vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào - bán ra trong khoảng 66,3- 67,1 triệu đồng/lượng, giảm 250.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với cuối tuần trước.

Hiện nay chênh lệch giá mua- bán đang duy trì ở mức 800.000 đồng/lượng, giảm 200.000 đồng so với các tuần trước.

Giá vàng thế giới hôm nay 18/2 cũng đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần với mức 1.866 1.842,7 USD/ounce, giảm 24 USD/ounce so với cuối giá tuần trước.

Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại ngày 18/2 mua bán quanh mức  53,55- 54,45 triệu đồng/lượng, giảm 300.000 đồng/lượng so với tuần trước. Chênh lệch mua- bán vàng trang sức cũng được điều chỉnh còn 900.000 đồng/lượng so với mức 1 triệu đồng/lượng ở các tuần trước.

Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá thấp hơn giá vàng SJC khoảng gần 14 triệu đồng/lượng và khá sát với giá vàng trang sức.

Do sức mua bán yếu, nên thị trường vàng trong nước đang điều chỉnh, giảm khoảng cách chênh lệch giữa giá mua vào và giá bán ra để kích thích các nhu cầu mua sắm vàng.

Đầu ngày 182, giá vàng thế giới kết thúc phiên giao dịch cuối tuần tại 1.842,7 USD/ounce. Theo giới phân tích, thị trường vàng thế giới biến động mạnh khi nhà đầu tư gia tăng sức mua. Nguyên nhân được cho là lãi suất trái phiếu đang tăng lên do lạm phát còn đứng ở mức cao.

Với các thông tin trên, giới đầu cơ kỳ vọng giá vàng sẽ đi lên trong vài ngày tới. Thế nên, khi vàng xuống còn 1.820 USD/ounce, họ liền tăng sức mua. Giá vàng tăng một mạch gần 23 USD để leo lên 1.842,7 USD/ounce rồi đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần tại mức giá này.

Giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.842,2 USD/ounce. Giá vàng giao tương lai tháng 4 trên sàn Comex New York ở mức 1.850,2 USD/ounce.

Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất. Nếu lãi suất tăng, USD mạnh lên, tài sản không sinh lời như vàng giảm đáng kể.  Các nhà phân tích tại Ngân hàng ANZ (Australia) nhận định, một đợt bán tháo tiếp theo có thể đưa giá vàng giảm xuống dưới 1.800 USD/ounce trong ngắn hạn.

Giá vàng châu Á đi xuống trong chiều 17/2 và trên đà giảm tuần thứ ba liên tiếp, do các nhà đầu tư lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất sau một loạt số liệu kinh tế khả quan.

Tính đến thời điểm hiện tại, giá vàng đã giảm khoảng 2,2% trong tuần này. Theo các chuyên gia, các số liệu khả quan về tình hình kinh tế Mỹ và sự phục hồi của đồng USD là 2 yếu tố tác động tới giá vàng.

Đáng chú ý là việc các ngân hàng trung ương tăng mạnh mua vàng trong thời gian gần đây. Theo báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới, các ngân hàng trung ương mua kỷ lục 1.136 tấn vào năm ngoái. Chỉ riêng lượng mua trong quý IV/2022 đã đạt 417 tấn, nâng tổng lượng mua trong nửa cuối năm 2022 lên hơn 800 tấn

Theo các nhà phân tích, nhu cầu mua vàng của ngân hàng trung ương tạo cơ sở vững chắc cho giá vàng tăng. Dự kiến, họ sẽ tiếp tục mua vàng trong năm nay. Ngân hàng Quốc gia Kazakhstan (NBK) bắt đầu mua vàng từ đầu năm nay.

NBK mua 3,9 tấn vàng trong tháng 1/2023, theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Đây là lần tăng dự trữ vàng đầu tiên kể từ tháng 10 năm ngoái của nhà băng này. Hiện, NBK nắm giữ 355,6 tấn vàng.

Tại Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng vàng trong quý IV/2022 cũng tăng 58% so với cùng kỳ năm 2021, từ 8,5 tấn lên 13,5 tấn.
 
Ấn Độ là nước tiêu thụ vàng lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Người dân Ấn Độ thích mua vàng như một tài sản trú ẩn an toàn. Theo một báo cáo gần đây, Ngân hàng Ấn Độ đang nắm giữ 743,83 tấn vàng dự trữ.

 

Tin mới lên