Nhìn lại những thất bại trong cổ phần hoá doanh nghiệp ngành giao thông
Đức Thọ -
15/08/2020 06:47 (GMT+7)
(VNF) - Trong giai đoạn 2011-2017, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) là một trong những bộ dẫn đầu về cổ phần hoá (CPH) doanh nghiệp (DN) nhà nước. Tuy nhiên, do cách làm nóng vội nên đã xảy ra nhiều sai phạm gây hậu quả đáng tiếc.
Ồ ạt CPH, thoái vốn DN
Tính đến năm 2017, Bộ GTVT cơ bản đã hoàn thành CPH 11 DN có quy mô lớn như Vietnam Airlines cùng hàng chục đơn vị khác.
Ngoài ra, Bộ cũng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt thực hiện CPH đối với 4 công ty mẹ - tổng công ty đó là các Tổng Công ty: Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC), Cửu Long, Hàng hải Việt Nam, Công nghiệp tàu thủy) và 8 công ty con thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy.
Riêng với Vietnam Airlines, Bộ GTVT đã hoàn thành đàm phán, ký kết hợp đồng cổ đông chiến lược với hãng All Nippon Airways, Nhật Bản.
Riêng trong năm 2017, Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ triển khai, thực hiện CPH thêm 17 đơn vị chuyển tiếp từ năm 2016. Đặt lộ trình tiến tới CPH toàn diện các DN nhà nước vào năm 2018.
Điều này đã được cụ thể hoá rất rõ khi trong năm 2016, Bộ GTVT đã hoàn thành thoái vốn tại 22 công ty cổ phần, giá trị thu về đạt 2.301,7 tỷ đồng; trong đó, đã thoái toàn bộ vốn nhà nước tại 4 công ty mẹ - tổng công ty (Cienco 6, Công nghiệp ô tô Việt Nam, Tư vấn thiết kế GTVT, Vận tải thủy) và thoái giảm tỷ lệ vốn nhà nước tại 1 công ty mẹ - tổng công ty (Cienco5), thu về 2.039,7 tỷ đồng bằng 133,8% giá trị mệnh giá, toàn bộ số tiền thu được sau khi trừ chi phí đã được nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo quy định.
Các công ty mẹ - tổng công ty thuộc Bộ đã thoái vốn tại 17 doanh nghiệp, thu về 262 tỷ đồng, bằng 214,7% giá trị mệnh giá.
Đồng thời, tháng 11/2016, Bộ GTVT cũng đã hoàn thành việc chuyển giao quyền đại diện sở hữu nhà nước tại Tổng công ty Thăng Long - CTCP và 8 Công ty cổ phần Quản lý bảo trì đường thủy nội địa với tổng giá trị vốn nhà nước trên 140 tỷ đồng về SCIC theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Chỉ một thời gian ngắn sau đó, Bộ GTVT chuyển giao quyền đại diện sở hữu nhà nước về SCIC tại 3 tổng công ty là Cienco 5, Cienco 8, Xây dựng đường thủy và 2 Công ty cổ phần Quản lý bảo trì đường thủy nội địa 1 và 10.
Việc dẫn đầu CPH của ngành giao thông là đáng ghi nhận, tuy nhiên, do cách làm, nóng vội đốt cháy giai đoạn nên một số chủ trương đã vi phạm pháp luật và lộ rõ sự thất bại.
Những thất bại trong CPH các DN giao thông
Cho đến thời điểm này, việc CPH ngành giao thông đã lộ rõ nhiều sai lầm đáng tiếc, thậm chí khiến nhiều tổng công ty lớn rơi vào tay tư nhân nhưng “sống mòn”, thất thoái vốn nhà nước.
Cụ thể nhất là việc CPH Tổng công ty Vận tải Đường thuỷ (Vivaso) ngày 19/3/2013, đơn vị này tiến hành đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với việc chào bán rộng rãi hơn 15 triệu cổ phần nhưng chỉ 550.700 cổ phần bán được với giá 10.000 đồng/cổ phần.
Chỉ 1 tuần sau đó, Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường xin mua toàn bộ hơn 14 triệu cổ phần chưa bán hết. Sau khi nắm giữ 45% số cổ phần (15 triệu cổ phiếu) của Vivaso, Vạn Cường tiếp tục đăng ký mua thêm 20% cổ phần.
Như vậy, chỉ trong 1 thời gian rất ngắn, đại gia Nguyễn Thủy Nguyên (người từng mua và phải trả lại Hãng phim truyện Việt Nam) đã “thôn tính” thành công Vivaso với giá bèo bọt.
Sau thương vụ này, Công ty Vạn Cường và ông Nguyên nắm trong tay quỹ đất rất lớn, lên tới 50ha, gồm các vị trí giá trị lớn như ở 158 Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội), hay các khu nhà xưởng, mặt bằng cũng ở vị trí đẹp như phường Tân Ấp (quận Ba Đình); phố Kim Mã, Láng Hạ, Thanh Xuân, Đội Cấn (Hà Nội)…
Tuy nhiên, trong lĩnh vực chuyên ngành vận tải thuỷ thì đó là sự thất bại to lớn, khi đến nay, đơn vị này gần như không làm công tác chuyên môn, gần 1.000 cán bộ công nhân viên nghỉ việc, thay vào đó là vài chục nhân lực quản lý… văn phòng.
Một đơn vị khác cũng lùm xùm không kém trong quá trình CPH tại Bộ GTVT đó là Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 (Cienco 1).
Ngày 21/3/2014, Cienco 1 được IPO với 16.183.500 cổ phần và mức giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phần – chiếm 23,12% vốn điều lệ. 8 tháng sau, tức tháng 12/2014, Bộ GTVT tiếp tục thoái toàn bộ 35% vốn nhà nước cho các nhà đầu tư. Đến giữa năm 2015, cổ đông lớn nhất của Cienco1 là Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh (sân sau của Đinh Ngọc Hệ - tức Út trọc) nắm 35,58%.
Hiện tại sau khi các lãnh đạo Yên Khánh lần lượt bị bắt thì Cienco 1 - cánh chim đầu đàn trong xây dựng cầu, đường của ngành giao thông - ngày một thu hẹp lại. Mới đây nhất là hàng chục công nhân đã đến trước cửa công ty đòi nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội 2 năm chưa trả.
Ngoài 2 trường hợp trên, ngành giao thông cũng thất bại trong CPH cảng biển, sân bay, bệnh viện, trường học… Đây là một trong những nguyên nhân khiến cựu Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và nhiều lãnh đạo ngành giao thông bị kỷ luật trong thời gian qua.
Ngày 4/11/2019, Văn phòng Chính phủ cho hay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 1506/QĐ-TTg, thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với ông Vũ Văn Ninh, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011 - 2016, do có vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác; Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật về Đảng.
Trong quá trình công tác, với cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban cán sự đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ (phụ trách lĩnh vực đổi mới doanh nghiệp từ tháng 8/2011 đến tháng 4/2016), đã ký các văn bản đồng ý cho giảm và thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Công ty cổ phần cảng Quy Nhơn; bán phần vốn nhà nước hiện có tại Công ty cổ phần cảng Quảng Ninh; đồng ý chủ trương để Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa sau khi nhận chuyển giao Công ty cổ phần cảng Nha Trang tiếp tục được thoái vốn nhà nước theo hướng nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đồng ý chủ trương cổ phần hoá Công ty mẹ - Tổng Công ty cảng Hàng không Việt Nam (doanh nghiệp này không thuộc đối tượng cổ phần hoá); đồng ý chủ trương cổ phần hoá 10 đoạn quản lý đường thủy nội địa, đây là các đơn vị sự nghiệp kinh tế chưa được quy định cổ phần hoá.
Nội dung những văn bản do ông Vũ Văn Ninh ký nêu trên trái với kết luận của Bộ Chính trị và Nghị định của Chính phủ về cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước...
Trong một diễn biến khác, ngày 14/8, cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, đã khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Hồng Trường, cựu Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về tội vi phạm quy định về sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí theo Điều 219 Bộ luật Hình sự.
Cùng ngày, C03 đã khởi tố, bắt ông Nguyễn Chí Thành, quyền Vụ trưởng Tài chính, Bộ GTVT; Lê Trung Cường, chuyên viên Vụ Tài chính, Bộ GTVT; tiếp tục khởi tố ông Đinh La Thăng, cựu Bộ trưởng Bộ GTVT.
Quyết định tố tụng với các bị can được đưa ra trong quá trình Bộ Công an điều tra vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, Tổng Công ty Cửu Long và các đơn vị có liên quan trong việc đấu giá và thu phí tuyến cao tốc TP. HCM - Trung Lương.
Đối với việc đấu giá quyền thu phí cao tốc Trung Lương - TP. HCM, ông Trường là Chủ tịch Hội đồng bán đấu giá, ông Thành là ủy viên và ông Cường là thành viên Tổ Thường trực giúp việc Hội đồng bán đấu giá.
Ngoài ra, kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định: “Cá nhân ông Trường chịu trách nhiệm về ký các quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp, phương án cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp, đơn vị thuộc Bộ GTVT; đề nghị Thủ tướng phê duyệt phương án cổ phần hóa, cho cổ phần hóa... không đúng thẩm quyền, vi phạm các quy định của pháp luật về cổ phần hóa, quản lý vốn tại các doanh nghiệp...”.
Liên quan các sai phạm trên, tháng 7/2019, Ban Bí thư cách chức Ủy viên Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải (nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021) đối với ông Trường; yêu cầu cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật về hành chính đối với ông này đồng bộ với kỷ luật về Đảng.
Tháng 9/2019, Thủ tướng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT giai đoạn 2011-2015 và 2016-2017 đối với ông Nguyễn Hồng Trường.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.