Ngân hàng

NHNN chia lại 'miếng bánh' tín dụng, nhà băng vội vàng gọi khách mời vay tiền

(VNF) - Sau chỉ đạo chia lại "miếng bánh" tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay sâu hơn cũng như có thêm nhiều gói ưu đãi nhằm kích cầu tăng trưởng tín dụng cuối năm 2023.

NHNN chia lại 'miếng bánh' tín dụng, nhà băng vội vàng gọi khách mời vay tiền

Ảnh minh họa.

Ngân hàng "nô nức" tìm khách vay

Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, tính đến ngày 30/11/2023, tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế đạt 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, con số này vẫn còn cách khá xa so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà NHNN đã đề ra.

Không chỉ tăng trưởng ì ạch, tình hình tín dụng còn có sự phân hóa mạnh mẽ tại các ngân hàng khi một số đã gần hết room tín dụng trong khi số khác lại “èo uột” với mức tăng trưởng chưa đến 5%.

Hội nghị tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh.

Theo dữ liệu của đơn vị chuyên cung cấp dữ liệu kinh tế tài chính WiGroup, tính đến cuối tháng 9/2023, những ngân hàng như VPBank, MBS, MB hay Techcombank đều có mức tăng trưởng tín dụng 2 chữ số, thậm chí tăng trưởng tín dụng của VPBank còn tăng tới hơn 17% so với đầu năm.

Trái lại, những ngân hang như ABBank, Bac A Bank hay Vietcombank lại có mức tăng trưởng tín dụng khá khiêm tốn, tăng từ 2 – 5% so với cuối năm ngoái.

Để đẩy thêm nguồn vốn ra thị trường, NHNN mới đây đã quyết định chia lại “miếng bánh” tín dụng thông bằng cách điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ các ngân hàng không sử dụng hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sang các ngân hàng cần nới thêm room tín dụng.

Với động thái này, nhiều ngân hàng đã bắt đầu điều chỉnh lãi suất cho vay, hạ xuống vùng đáy mới để đẩy nhanh dòng vốn vào nền kinh tế.

Mới đây nhất, ngân hàng Sacombank đã triển khai gói tín dụng sản xuất – kinh doanh trị giá 10.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp với lãi suất từ 3 – 5,5%/năm tùy theo từng kỳ hạn. Ngoài ra, Sacombank còn điều chỉnh giảm lãi suất cho vay trong gói 1.000 tỷ đồng dành cho sản xuất kinh doanh trung dài hạn và mua xe ô tô dành cho doanh nghiệp, giảm xuống còn 8%/năm.

Không riêng Sacombank, ngân hàng SHB cũng đã triển khai gói tín dụng 5.000 tỷ đồng với lãi suất từ 6,97%/năm cho doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động ngắn hạn trong thời gian từ nay đến cuối tháng 5/2024.

Không chỉ với khách hàng doanh nghiệp, khách hàng cá nhân cũng đang được hưởng nhiều ưu đãi từ các chương trình hỗ trợ vay vốn vào đợt cuối năm. BIDV tung ra chính sách khách hàng cá nhân có thể vay mua nhà với lãi suất từ 7,3%/năm áp dụng trong 6 tháng đầu, hoặc từ 7,8%/năm áp dụng trong 12 tháng đầu trong giai đoạn từ nay đến cuối năm 2023.

Nhiều ngân hàng trong nước như Vietcombank, VietinBank, Techcombank, OCB, VPBank,... đều đang triển khai các gói cho vay mua nhà với lãi suất dưới 8%/năm đối với khoản vay thời hạn trung bình dưới 12 tháng.

Vốn vẫn “ứ đọng”

Bất chấp những nỗ lực kể trên, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rất khó để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng như đã đề ra.

TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng, động thái thả room tín dụng để các ngân hàng thoải mái tăng trưởng tín dụng của NHNN thể hiện quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng của Chính phủ và NHNN. Tuy vậy, rất khó để có thể thực hiện được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14,5% trong năm 2023 này.

"Tính đến thời điểm hiện tại, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới chỉ đạt 9,15% trong khi còn chưa đến 20 ngày nữa là hết năm 2023. Việc tăng trưởng thêm 6% trong thời gian ngắn như vậy là khó khả thi và chỉ đạt được khi có phép màu xảy ra”, ông Huân chia sẻ.

Ông Huân cũng cảnh báo rằng tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá có thể sẽ gây rủi ro cho hệ thống ngân hàng, đặc biệt là rủi ro về nợ xấu.

Chưa kể, lãi suất cho vay không phải là yếu tố then chốt để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng mà tăng trưởng tín dụng phụ thuộc vào nhu cầu vay vốn của khách hàng và thị trường.

Lãi suất cho vay không phải là yếu tố then chốt để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Mặc dù các ngân hàng tích cực mời gọi cho vay nhưng nhiều khách hàng, đặc biệt là nhóm khách hàng doanh nghiệp, lại không mấy mặn mà vay vốn trong dịp cuối năm này.

Chị Nguyễn Chi, nhân viên tín dụng tại một ngân hàng TMCP, chia sẻ với VietnamFinance: Trong đợt cuối năm này, ngân hàng chúng tôi đã chỉ đạo triển khai nhiều loại hình sản phẩm cho vay mới, tăng ưu đãi lãi suất, thu gọn và số hóa quy trình vay vốn để vẫn đảm bảo về mặt quy định chặt chẽ tín dụng nhưng vẫn nhanh gọn nhằm giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, đáp ứng nhanh chóng nhu cầu vay vốn. Bên cạnh đó, ngân hàng còn thúc đẩy chính sách lương thưởng cho cán bộ nhân viên để có thêm động lực mời gọi các doanh nghiệp, cá nhân vay vốn trong đợt cuối năm”.

Theo khảo sát sơ bộ của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân, khó khăn về dòng tiền và tiếp cận vốn vay đang là 1 trong 5 thách thức lớn nhất của doanh nghiệp khi chỉ hơn 10% trong số hơn 3.500 doanh nghiệp tham gia khảo sát tự đánh giá khả năng vay vốn của mình là “tích cực”. Thực trạng một số doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn nhưng lại không đáp ứng được điều kiện cho vay, nhất là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, không còn là điều lạ.

Thêm vào đó, đối với một số doanh nghiệp, dịp cuối năm không hẳn là thời điểm thích hợp để đi vay. Một số doanh nghiệp bất động sản chia sẻ với báo giới rằng việc nới hạn room tín dụng chỉ có ý nghĩa với các doanh nghiệp đang có gói vay và cần huy động tài chính. Trong khi đó, đối với những doanh nghiệp vay mới hay đang chuẩn bị vay thì thời gian từ nay đến cuối năm là không đủ để giải ngân.

Tại Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, trong thời gian tới cần đẩy mạnh chống tiêu cực, không hạ chuẩn tín dụng, nhưng xử lý linh hoạt phù hợp tình hình; kịp thời xử lý các vướng mắc pháp lý; đẩy mạnh sử dụng các công cụ thị trường, giảm bớt và tiến tới loại bỏ công cụ hành chính.

Tin mới lên