Nhóm nhà băng nhận chuyển giao bắt buộc 3 NH kiểm soát đặc biệt
(VNF) - Dù chưa công bố chính thức nhưng một số ngân hàng đã lên phương án sẵn sàng nhận 3 ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc. Điều nhiều người quan tâm là việc chuyển giao ngân hàng yếu kém sẽ theo hướng nào?
Đã sẵn sàng nhận chuyển giao bắt buộc
Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, trong 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiểm soát đặc biệt, ngoại trừ Ngân hàng Đông Á (DongABank), 3 ngân hàng là Xây dựng (CBBank), Đại Dương (Oceanbank), Dầu khí toàn cầu (GPBank) sẽ được chuyển giao cho nhà băng khác theo hình thức mua bắt buộc. Chính phủ đã định giá xong 3 ngân hàng được mua bắt buộc và dự kiến trình phê duyệt phương án trong tháng 5 để hoàn tất việc này trong năm nay.
Hiện toàn hệ thống ngân hàng có 5 nhà băng bị kiểm soát đặc biệt, gồm: OceanBank, CB, GPBank, DongABank và SCB. Trong đó, SCB là ngân hàng có quy mô lớn hơn rất nhiều 4 ngân hàng còn lại và quá trình tái cơ cấu sẽ phức tạp hơn.
Dù chưa công bố chính thức nhưng một số ngân hàng đã lên phương án nhận chuyển giao một ngân hàng khác.
Ngân hàng Vietcombank thông tin, năm nay sẽ quyết liệt triển khai phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém. Để chuẩn bị cho kế hoạch này, ông Nguyễn Thanh Hùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, Vietcombank đã hoàn thiện phương án, đang trình NHNN phê duyệt (ngân hàng nhận chuyển giao là CBBank).
Ngoài Vietcombank, có 3 ngân hàng khác công bố kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém là MB, VPBank và HDBank.
Việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém từng được lãnh đạo VPBank nhắc đến nhiều lần tại các kỳ Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) trước đây. Nhưng phải tới kỳ họp ĐHCĐ năm 2023, lãnh đạo cấp cao VPBank lên tiếng khẳng định VPBank là một trong 4 ngân hàng tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém. VPBank đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực để tham gia tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và tiếp quản một tổ chức tín dụng (TCTD) thuộc diện chuyển giao bắt buộc.
Trong khi đó, CEO Ngân hàng Quân đội (MB) Phạm Như Ánh hồi tháng 4 cho hay đã hoàn thiện đề án nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém trình Chính phủ, NHNN. MB mong muốn "chốt" thương vụ chuyển giao này trong năm nay hoặc 2025 để "mở ra không gian phát triển mới, nhất là tăng trưởng tín dụng".
Nhưng MB không sáp nhập ngân hàng mà dự kiến nhận chuyển nhượng bắt buộc một ngân hàng. Sau khi được nhận về, ngân hàng này vẫn là một ngân hàng độc lập trực thuộc MB. Hết thời gian cơ cấu, MB mới tính đến việc có thực hiện sáp nhập, thoái vốn hay không.
Trả lời câu hỏi liệu HDBank có tham gia tái cơ cấu một ngân hàng khác hay không tại ĐHCĐ năm nay, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch HĐQT HDBank cho hay: "Khoảng 6-7 năm trước, khi HDBank nhận được lời đề nghị từ phía NHNN, chúng tôi đã sắp xếp và sẵn sàng tham gia một cách nghiêm túc.
Hiện chưa có ngân hàng nào chính thức công bố tên ngân hàng yếu kém sẽ nhận chuyển giao bắt buộc. Nhưng qua những động thái chuẩn bị có thể thấy, dự kiến MB sẽ nhận chuyển giao OceanBank, Vietcombank nhận chuyển giao CB, HDBank nhận chuyển giao DongABank, còn VPBank sẽ nhận chuyển giao GPBank.
Chuyển giao ngân hàng yếu kém theo hướng nào?
Mục tiêu nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém cũng được đề ra từ lâu nhưng phương án xử lý các đơn vị này rất chậm, kéo dài từ 2015 đến nay chưa dứt điểm.
Tại thời điểm quyết định này được ban hành, có 3 TCTD thuộc nhóm mua bắt buộc là OceanBank, GPBank, CBBank. Ngoài ra, DongABank thuộc diện kiểm soát đặc biệt. Đến cuối năm 2022, SCB cũng được NHNN đưa vào diện kiểm soát đặc biệt (gọi chung là ngân hàng yếu kém).
Trong năm 2022, Vietcombank, MBBank, VPBank và HDBank đã trình ĐHCĐ thông qua chủ trương tham gia nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém. Nhưng việc chuyển giao bắt buộc với 4 ngân hàng yếu kém nói trên vẫn diễn ra chậm.
Tại ĐHCĐ thường niên của các ngân hàng năm 2024, nhận chuyển giao bắt buộc các TCTD yếu kém tiếp tục là đề tài "nóng" được bàn đến.
Điều cổ đông các ngân hàng quan tâm là ngân hàng nhận chuyển giao sẽ có được lợi ích gì và tiến độ nhận chuyển giao bắt buộc ra sao.
Thực tế, việc nhận chuyển giao bắt buộc mang lại không ít quyền lợi cho bên nhận, theo quy định tại Luật Các TCTD.
Trong trường hợp ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên, ngân hàng tiếp nhận có quyền sở hữu toàn bộ vốn điều lệ của ngân hàng. Đơn vị này cũng có quyền bán hoặc phát hành cổ phần của TCTD nhận chuyển giao cho nhà đầu tư nước ngoài theo phương án đã được phê duyệt.
Tuy nhiên, việc xử lý, chuyển giao các ngân hàng yếu kém đòi hỏi dựa sự chia sẻ rủi ro giữa các bên gồm Nhà nước, ngân hàng tiếp nhận, ngân hàng bị chuyển giao. Sự chia sẻ này dựa trên cơ sở tính toán các hệ lụy với hệ thống ngân hàng, nền kinh tế, quyền lợi của cổ đông và nhà đầu tư.
Giải đáp câu hỏi của cổ đông trong cuộc họp sáng 29/4, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank)cho biết, nếu xét ở góc độ tài chính đơn thuần thì hầu hết các ngân hàng không “thiết tha” với việc tham gia hỗ trợ các ngân hàng yếu kém (ngân hàng 0 đồng), bởi hiện các ngân hàng 0 đồng đều bị lỗ luỹ kế rất lớn và đang tiếp tục lỗ. Vì vậy, không phải ngân hàng nào cũng có đủ năng lực tài chính, năng lực quản trị để có thể tham gia tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng.
Còn theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, việc tham gia tái cơ cấu một ngân hàng yếu kém là cơ hội để HDBank phát triển mạng lưới, nghiệp vụ…
Với MB, ban lãnh đạo ngân hàng này kỳ vọng việc tham gia tái cấu trúc ngân hàng yếu kém không chỉ giúp tăng trưởng tín dụng mà còn nâng cao năng lực quản trị.
Điều khiến các chuyên gia lưu tâm là cách thức chuyển giao, tái cơ cấu vì ngân hàng là loại hình doanh nghiệp đặc biệt, hoạt động kinh doanh chính tập trung chủ yếu ở lĩnh vực tín dụng và tiền tệ. Vì vậy, hoạt động các ngân hàng này cũng có những ảnh hưởng với tất cả lĩnh vực của nền kinh tế.
Các chuyên gia này cho rằng sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý là rất quan trọng, vì tính phức tạp của việc xử lý các ngân hàng yếu kém. Cơ quan quản lý phải xử lý để bảo đảm sự an toàn của hệ thống, quyền lợi của cổ đông và người gửi tiền. Nếu xử lý không khéo thì sẽ tác động tiêu cực đến hệ thống, quyền lợi của cổ đông và người gửi tiền.
Bên cạnh đó, không thể để ngân hàng tiếp nhận phải chịu hết các gánh nặng, dù sẽ có một số lợi ích về mở rộng thị phần, cổ đông, có quyền bán, chuyển nhượng, kể cả khả năng chuyển nhượng cho nước ngoài, hay ‘room’ tín dụng.
TS Châu Đình Linh, giảng viên trường Đại học ngân hàng TPHCM, nhìn nhận, yếu tố chính thu hút các ngân hàng nhận chuyển giao chính là tài sản có khả năng sinh lời của ngân hàng bị chuyển giao. Vì vậy, cần phải định giá được ngân hàng bị nhận chuyển giao, với tiêu chí làm hài lòng bên mua và bên bán người.
Xử lý ngân hàng yếu kém: 'Rất khó, chưa có tiền lệ'
- Kiểm toán Nhà nước: Chậm chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém gây rủi ro 25/10/2023 08:30
- Bước ngoặt trong tái cơ cấu ngân hàng yếu kém 05/11/2023 09:36
- Xử lý ngân hàng yếu kém: Đã khó nay còn khó hơn! 16/10/2023 05:30
Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.