Nhu cầu điện kỳ vọng phục hồi mạnh trong năm 2021, nên lưu tâm cổ phiếu nào?

Thanh Long - 05/09/2020 09:17 (GMT+7)

(VNF) - VCSC dự báo sản lượng điện thương phẩm của Việt Nam sẽ chỉ đạt mức tăng 3% trong năm 2020 nhưng sang năm 2021 sẽ phục hồi mạnh với mức tăng 10%.

VNF
Nhu cầu điện được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh trong năm 2021

Trong báo cáo cập nhật ngành điện công bố mới đây, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho hay các biện pháp giãn cách xã hội do Covid-19 đã làm giảm nhu cầu tiêu thụ điện và giá bán điện cạnh tranh (CGM) trong 7 tháng đầu năm 2020.

Do việc tạm hoãn các hoạt động sản xuất do chính sách giãn cách xã hội được đưa ra hồi tháng 4 và tháng 5/2020, sản lượng điện thương phẩm tại Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm 2019 trong hai tháng nói trên. Do đó, sản lượng điện thương phẩm lũy kế 7 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 2%, trong khi quý I/2020 ghi nhận tăng 7% và cả năm 2019 ghi nhận tăng 9%.

Nhu cầu điện thấp hơn cũng dẫn đến việc giá CGM trung bình cũng giảm xuống mức 1.046 đồng/kWh trong 7 tháng đầu năm 2020, so với mức 1.185 đồng/kWh trong 7 tháng đầu năm 2019.

VCSC dự báo nhu cầu tiêu thụ điện sẽ tăng mạnh ở mức hai con số trong năm 2021 nhờ kinh tế phục hồi.

"Dựa vào kết quả tăng trưởng trong 7 tháng đầu năm và dự báo của chúng tôi rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ chỉ đạt 3,6% trong năm 2020, chúng tôi dự báo rằng tăng trưởng sản lượng điện thương phẩm sẽ chỉ đạt 3% trong năm 2020. Trong năm 2021, chúng tôi dự báo mức tăng trưởng sản lượng điện thương phẩm sẽ phục hồi về mức 10% (sản lượng điện thương phẩm đạt 235 tỷ kWh) trong năm 2021", nhóm chuyên gia của VCSC nêu quan điểm.

Mức tăng trưởng cao trong năm 2021 dựa trên dự báo tăng trưởng GDP đạt 7% cùng năm của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chủ yếu đến từ sự phục hồi mạnh mẽ của lĩnh vực sản xuất công nghiệp, vốn là lĩnh vực thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu điện mạnh nhất.

Cuối tháng 8/2020, Cục Điều tiết Điện lực thuộc Bộ Công thương có đưa ra dự báo sơ bộ về nhu cầu tiêu thụ điện trong năm 2021. Điểm đặc biệt là trong cả hai kịch bản (cơ sở và tích cực) cho năm 2021, Bộ Công thương đều cho rằng Việt Nam sẽ không phải huy động nguồn điện chạy dầu vốn có giá thành rất cao so với các nguồn điện khác.

Điểm này khác với dự báo trước đây của Bộ Công thương rằng sẽ thiếu khoảng 7 tỷ kWh điện trong năm 2021. Nói cách khác, Bộ Công thương hiện đang kỳ vọng mức tăng trưởng công suất phát điện sẽ đủ để đáp ứng cho mức tăng mạnh mẽ của nhu cầu sử dụng điện trong năm 2021.

Cụ thể, trong năm 2021, Bộ Công Thương đang dự báo sản lượng từ thủy điện sẽ phục hồi mạnh mẽ nhờ dự báo lượng mưa cao hơn. Cùng với đó, sản lượng điện từ các dự án điện gió và điện mặt trời nói chung sẽ tăng gấp đôi sau khi các vấn đề quá tải lưới điện cục bộ được giải quyết. Thêm vào đó, sản lượng điện từ các nhà máy nhiện điện khí sẽ tăng nhờ huy động thêm khí từ mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt mới được đưa vào khai thác.

Phân tích kỹ hơn về triển vọng phục hồi sản lượng thủy điện, VCSC nhận định lượng mưa sẽ bắt đầu phục hồi từ nửa cuối năm 2020 và sẽ hỗ trợ hoạt động của các nhà máy thủy điện trong năm 2021 và 2022.

"Khi phân tích lượng mưa tại Việt Nam trong vòng 15 năm trở lại đây, chúng tôi nhận thấy lượng mưa hàng năm thường tuân theo chu kỳ 5 năm và đỉnh của chu kỳ mưa gần nhất xảy ra vào năm 2017. Với việc năm 2019 là năm khô hạn nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, chúng tôi tin rằng lượng mưa tại Việt Nam đã chạm đáy của chu kỳ vào nửa đầu năm 2020 và sẽ có mức phục hồi bắt đầu từ nửa cuối năm 2020 cho đến năm 2022", báo cáo của VCSC nhấn mạnh.

Điều này, theo VCSC, sẽ hỗ trợ kết quả kinh doanh của các công ty sở hữu nhiều nhà máy thủy điện như REE và PC1.

Không chỉ thủy điện, REE và PC1 còn được hưởng lợi từ xu hướng tăng trưởng cao ở mảng năng lượng tái tạo.

Cụ thể, REE hiện đang có kế hoạch tăng gấp đôi công suất phát điện từ 500 MW lên khoảng 1.000 MW tới năm 2025, chủ yếu được dẫn dắt bởi hàng loạt các khoản đầu tư vào các dự án điện gió và điện mặt trời áp mái.

Trong khi đó, PC1 có rủi ro hơn nhưng có thể có tiềm năng tăng trưởng cao hơn so với REE do kế hoạch tham vọng để nâng công suất phát điện hiện tại từ 160 MW lên 700 MW tới năm 2025. Tuy nhiên, VCSC cũng lưu ý kế hoạch này đi kèm với mức rủi ro triển khai cao khi tổng vốn đầu tư cho các dự án của PC1 gấp một vài lần giá trị sổ sách.

Không chỉ REE, PC1, công ty chứng khoán này tin rằng mức độ hồi phục mạnh mẽ của nhu cầu điện tại Việt Nam sẽ giúp tất cả các nhà máy điện hưởng lợi. Diễn biến này là đặc biệt quan trọng với các cổ phiếu có nhiều tính chất phòng thủ như PPC và NT2 vì diễn biến này sẽ giúp 2 nhà máy điện này tiếp tục hoạt động với hiệu suất cao và trả mức cổ tức tiền mặt tăng theo từng năm.

Ngoài ra, 2 công ty nói trên cũng có cơ hội ghi nhận lợi nhuận vượt kế hoạch, chủ yếu nhờ việc hoàn thành công tác bảo trị bảo dưỡng với chi phí thấp hơn kỳ vọng.

Sự cải thiện của nguồn cung khí Việt Nam (thông qua các mỏ khí mới trong nước và LNG nhập khẩu) được VCSC đánh giá là cực kỳ ý nghĩa cho danh mục điện 4.200 MW của POW khi không chỉ cho phép hiệu suất hoạt động cao hơn tại các nhà máy điện khí hiện hữu (NT2, Nhơn Trạch 1 và Cà Mau 1 & 2), nhưng cũng hỗ trợ cho việc mở rộng công suất trong tương lai của POW, bao gồm nhà máy điện khí LNG như NT3 và NT4 trong năm 2023-2024.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.