'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
1. Nghị quyết 98 chính thức có hiệu lực từ 1/8/2023
Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM chính thức có hiệu lực từ 1/8/2023 tạo điều kiện thuận lợi gỡ “vướng” các vấn đề mà thành phố đã nhiều năm chưa thể thực hiện được.
TS Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 của thành phố cho hay, với 44 cơ chế, chính sách trong 7 lĩnh vực, Nghị quyết 98 tập trung ba nhóm nội dung.
Thứ nhất là những nội dung đặc thù của NQ 54 nay tiếp tục được kế thừa; Thứ hai là sửa đổi, bổ sung một số nội dung mới có khả năng khắc phục những điểm vướng mà NQ 54 và Nghị quyết 31-NQ/TW năm 2022, Nghị quyết 130 về chính quyền đô thị TP. HCM vẫn còn tồn tại; Thứ ba, đưa ra những cơ chế mới xuất phát từ yêu cầu thực tiễn để TP triển khai, giữ vững vai trò đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào sự phát triển chung “vì cả nước, cùng cả nước”.
2. Kích hoạt loạt dự án hạ tầng trọng điểm
Năm 2023 được đánh giá là năm đặc biệt của TP. HCM vì mở đầu 10 năm đột phá trong hạ tầng giao thông và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.
Trong năm 2023, thành phố đã kích hoạt loạt dự án hạ tầng trọng điểm như: Dự án Vành đai 3 có chiều dài 76km, tổng mức đầu tư hơn 75.000 tỷ đồng; Dự án hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) có tổng vốn đầu tư 830 tỷ đồng tái khởi động sau thời gian tạm ngưng vì vướng hạ tầng kỹ thuật; tái khởi động Dự án cầu Tăng Long có vốn đầu tư 688 tỷ đồng trên đường Lã Xuân Oai, tuyến trục quan trọng kết nối các phường của TP. Thủ Đức…
Song song đó, thành phố cũng khánh thành và đưa vào hoạt động nhiều dự án quan trọng như: cầu Long Kiểng (600 tỷ đồng) kết nối khu vực phía Nam TP. HCM với Long An; cầu Vàm Sát 2 kết nối xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ (343 tỷ đồng); cầu Long Đại nối phường Long Phước và Long Bình tại TP. Thủ Đức (250 tỷ đồng); nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng có công suất lớn nhất TP (11.300 tỷ đồng)…
Ảnh minh họa: Năm 2023 mở đầu 10 năm đột phá trong hạ tầng giao thông và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.
3. Nỗ lực 'giải cứu', BĐS TP. HCM dần hồi phục
Theo UBND TP, Tổ công tác của Chính phủ đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 3 dự án BĐS trên địa bàn, cụ thể: Dự án Khu phức hợp Sóng Việt; Dự án xây dựng khu nhà ở xã hội của Công ty cổ phần VTHouse và Công ty cổ phần Tâm Giao; Dự án của Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam.
Tổ công tác cũng đã tiến hành “giải cứu” liên quan đến 30 nội dung kiến nghị về nhà ở xã hội, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ và nhà ở thương mại. Trong đó có 18 nội dung đã được các bộ, ngành có ý kiến hướng dẫn, 12 nội dung còn lại tiếp tục đề xuất…
Trước sự quyết liệt tháo gỡ khó khăn của Chính phủ cũng như cơ quan quản lý các cấp, thị trường BĐS TP đã ghi nhận tín hiệu tích cực cuối năm 2023. Đơn cử, báo cáo của Sở Xây dựng TP. HCM cho thấy, hoạt động kinh doanh BĐS tuy tăng trưởng âm 3 quý đầu năm nhưng giảm dần vào cuối năm 2023. Cụ thể, quý I/2023 tăng trưởng âm 16,2%, quý II/2023 tăng trưởng âm 11,58% và quý III/2023 tăng trưởng âm 8,71% so với cùng kỳ.
Mặt khác, doanh thu hoạt động kinh doanh BĐS 10 tháng đầu năm 2023 ước tính đạt 186.662 tỷ đồng, giảm 4,3% so với cùng kỳ nhưng so với 6 tháng đầu năm giảm 8,3% và 4 tháng đầu năm giảm đến 14,6%. Đáng chú ý, nguồn cung nhà ở được đưa ra thị trường trong 11 tháng đầu năm 2023 đã tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều chuyên gia nhận định, dù vẫn còn rất khó khăn nhưng thị trường BĐS đã vượt qua vùng đáy. “Hiện nay, lãi suất đã kéo giảm, nhiều chính sách thể chế đang được tháo gỡ, kỳ vọng thị trường BĐS sẽ có sự tích cực đến cuối năm và qua năm 2024”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM (HoREA) chia sẻ.
4. Loạt doanh nghiệp bị điều tra về thuế, lừa đảo tài sản
Cuối tháng 10/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. HCM cho biết đang điều tra tin báo về tội phạm của Cục Thuế TP. HCM về vụ việc có dấu hiệu “trốn thuế” xảy ra tại Công ty Thành Bưởi, địa chỉ tại 266 -268 Lê Hồng Phong, quận 5, TP. HCM.
Đến ngày 3/11, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TP. HCM ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với Công ty TNHH Thành Bưởi. Với 8 lỗi vi phạm, nhà xe Thành Bưởi bị phạt tổng cộng 91 triệu đồng và bị áp dụng hình thức phạt bổ sung tước giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô trong 3 tháng. Sau đó, Sở Giao thông Vận tải TP. HCM đã ra quyết định thu hồi phù hiệu (biển hiệu) của 201 phương tiện thuộc Công ty TNHH Thành Bưởi do vi phạm bị xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Cũng trong tháng 10/2023, Cục Thuế TP. HCM cho biết qua công tác rà soát thông tin người nộp thuế, Chi cục Thuế quận 7- huyện Nhà Bè đã phát hiện Công ty TNHH Môi giới Mỹ Nhật chuyên kinh doanh bất động sản có rủi ro cao về thuế, hóa đơn; có các dấu hiệu bất thường về doanh số bán ra hàng hóa, dịch vụ và doanh số mua vào chênh lệch thấp, không phát sinh số thuế phải nộp; đồng thời việc kê khai thuế và sử dụng hóa đơn cũng có dấu hiệu rủi ro.
Cũng trong tháng 10/2023, Ngô Sĩ Linh - Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh Giải pháp Nhà Tiến Phát (Công ty Nhà Tiến Phát) và Nguyễn Hoài Nghĩa (cố vấn chiến lược của công ty) bị Công an TP. HCM bắt tạm giam về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngày 14/7/2023, Đội QLTT số 4 Cục QLTT TP.HCM tiến hành kiểm tra đối với Doanh nghiệp tư nhân thương mại Nam Bắc (160 Phan Đăng Lưu, Phường 3, Q.Phú Nhuận). Qua kiểm tra, xác minh, làm việc đối với Công ty cổ phần Việt Hàn MOTOR- đơn vị bán hàng cho Doanh nghiệp tư nhân thương mại Nam Bắc, lực lượng QLTT phát hiện công ty này có dấu hiệu sản xuất, buôn bán hàng giả, cụ thể là hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất...
5. FDI đổ về TP. HCM cao nhất cả nước
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TP. HCM là địa phương đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI trong năm 2023 với 5,85 tỷ USD. Riêng trong tháng 12, thành phố đã thu hút khoảng 2,77 tỷ USD vốn FDI, là mức cao nhất kể từ năm 2020 của địa phương này, vượt kế hoạch đặt ra từ đầu năm là 4,5 tỷ USD.
Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. HCM (ITPC), địa phương này sẽ áp dụng nhiều hình thức ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài.
Tại Nghị quyết số 98 được Quốc hội thông qua về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM, địa phương này sẽ tập trung ưu tiên thu hút những dự án đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D).
Đồng thời, ưu tiên thu hút những dự án đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên.
Riêng với lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch... sẽ ưu tiên cho những dự án có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên.
Thành phố cũng ưu tiên thu hút đầu tư dự án xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ theo quy hoạch có quy mô vốn đầu tư từ 50.000 tỷ đồng trở lên.
Ảnh minh họa: TP. HCM là địa phương đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI trong năm 2023 với 5,85 tỷ USD
6. Năm hiếm hoi TP. HCM hụt thu ngân sách
Tổng thu ngân sách nhà nước tại TP. HCM năm 2023 ước thực hiện 439.288 tỷ đồng, đạt 93,53% dự toán và giảm 8,54% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách địa phương theo phân cấp ước đạt 83.689 tỷ đồng, đạt 92,68% dự toán và giảm 11,42% so với cùng kỳ.
Năm 2023, TP. HCM được giao chỉ tiêu thu ngân sách 469.681 tỷ đồng. Nhiều chuyên gia cho rằng mức thu ngân sách này là thách thức lớn cho thành phố trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động.
Ngay từ quý I, tổng số thu ngân sách của thành phố đã có dấu hiệu giảm và càng giảm mạnh vào cuối năm, dẫn đến việc hụt thu ngân sách nhà nước năm 2023.
Theo Phó chủ tịch UBND TP. HCM, năm 2023, do bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, hoạt động xuất nhập khẩu đối mặt nhiều khó khăn đã tác động tiêu cực đến tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, các chính sách miễn, giảm thuế, phí hỗ trợ người dân, doanh nghiệp cũng ảnh hưởng tới số thu ngân sách của thành phố.
Trước đó, lãnh đạo Sở Tài chính TP. HCM đã dự đoán về việc hụt thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trong 2 tháng cuối năm khoảng 4-5%, tương đương khoảng 20.000 tỷ đồng.
7. Doanh thu du lịch TP. HCM cao nhất 5 năm
Theo Sở Du lịch TP. HCM, doanh thu ngành du lịch của TP. HCM năm 2023 ước đạt trên 160.000 tỷ đồng, vượt so với kế hoạch đề ra và cao hơn 25% so với năm 2019 - năm đạt doanh thu cao nhất trước dịch.
Kết quả này đến từ ba yếu tố quan trọng.
Đó là quá trình xây dựng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch sau thời gian dịch bệnh. Cùng với Sở Du lịch và các doanh nghiệp du lịch lữ hành, lãnh đạo TP. HCM đã điều chỉnh và tái định hình các sản phẩm du lịch, cùng với các địa phương xây dựng một loạt các tour độc đáo tại từng quận huyện.
TP. HCM đã xây dựng các chương trình liên kết với các điểm du lịch khác trong cả nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng thêm các tour mới, đạt hiệu quả cả về chất lượng tour cũng như giúp cho cho giá thành tour được giảm đi.
Ngành du lịch đã đầu tư nhiều hơn vào kinh tế đêm, khiến chi phí du khách vào ban đêm tại TP. HCM tăng mạnh chiếm tới 70% tổng chi tiêu khi đến TP. HCM. Các tour du lịch đêm cũng được du khách quan tâm rất nhiều, nhiều tour du lịch mới đã thực sự mang lại hiệu quả không chỉ về số lượng du khách mà còn đạt mức doanh thu cao.
Ngoài ra, các sự kiện du lịch kết hợp với lễ hội văn hoá - thể thao, các chương trình khuyến mãi liên tục được đưa ra trong suốt năm cũng là một yếu tố khiến tăng trưởng du lịch tăng cao và ổn định.
8. Kiều hối đổ về gần gấp 3 lần vốn đầu tư nước ngoài
Riêng năm nay, thành phố thu hút 9 tỷ USD kiều hối, gấp gần 3 lần vốn FDI của thành phố (3,4 tỷ USD), tăng 35% so với năm ngoái. Kết quả này một phần đến từ hoạt động đối ngoại khi tập trung vào xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư cũng như thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài.
Theo Phó chủ tịch TP. HCM Võ Văn Hoan, thành phố hiện là nơi duy nhất ở Việt Nam được ghi nhận như một trung tâm tài chính thứ cấp kể từ tháng 3/2020. TP. HCM chiếm hơn 95% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường và 64,8% GDP cả nước.
Những nguồn lực tài chính này, theo ông Hoan, ngoài phục vụ phát triển kinh tế thành phố, còn góp phần tạo nguồn lực, mở rộng, thúc đẩy sự phát triển của trung tâm tài chính TP. HCM.
Hồi tháng 9, lượng kiều hối chuyển về thành phố là 6,6 tỷ USD, tăng mạnh 40% so với cùng kỳ 2022, vượt mức cả năm ngoái. Riêng quý III, kiều hối về TP. HCM hơn 2,35 tỷ USD, tăng so với quý II và quý I đầu năm nay. Thực tế, hàng năm lượng kiều hồi đổ về thành phố chiếm hơn một nửa của cả nước.
9. Nhiều lãnh đạo bị bắt để điều tra về tội nhận hối lộ, sai phạm đấu thầu
Ngày 19/12, ông Lê Duy Minh, cựu cục trưởng Cục Thuế TP. HCM, Giám đốc Sở Tài chính TP. HCM, bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố, tạm giam để điều tra tội nhận hối lộ.
Ông Minh bị bắt trong quá trình Cơ quan Công an mở rộng điều tra vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan liên quan.
Trước đó không lâu, ngày 8/12, điều tra mở rộng vụ án tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tại TP. HCM và một số tỉnh lân cận, Công an TP. Thủ Đức (TP. HCM) đã bắt tạm giam Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-04V (phường Thạnh Mỹ Lợi).
Cụ thể, Cơ quan Điều tra Công an TP. Thủ Đức cho biết đã khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam Nguyễn Xuân Hải (sinh năm 1963, ngụ Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-04V), Chu Đình Hiệp (sinh năm 1979, ngụ Hà Nội, Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-04V), Lê Văn Tuyến (sinh năm 1994, ngụ Nam Định) cùng một người khác về tội “Nhận hối lộ.”
Trước đó, ngày 30/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an cũng đã khởi tố bị can đối với 6 người về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, trong vụ án xảy ra tại Trung tâm Nghiên cứu triển khai - Khu Công nghệ cao TP. HCM.
Các bị can bị khởi tố gồm có Ngô Võ Kế Thành (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu triển khai - Khu công nghệ cao TP. HCM), Hoàng Minh Bá (Công ty TNHH Thương mại dịch vụ kỹ thuật TST), Huỳnh Trọng Nghĩa (Giám đốc Công ty Trường Thịnh), Trần Thị Bình Minh (cựu Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TP. HCM), Trần Duy Phước (cựu Kế toán trưởng Công ty TST), Nguyễn Đức Quỳnh (cựu nhân viên Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao TP. HCM).
Ảnh: TP. HCM thu hút hơn 1 tỷ USD vốn đầu tư vào KCX, KCN
10. Hơn 1 tỷ USD vốn đầu tư vào KCX, KCN
Ban Quản lý các Khu chế xuất, Khu công nghiệp TP. HCM, năm 2023 tổng vốn đầu tư thu hút kể cả cấp mới và điều chỉnh hơn 1,009 tỷ USD, đạt 183,57% kế hoạch (550 triệu USD).
Cụ thể, về đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư thu hút đạt 221 triệu USD, tăng 12,47% so với cùng kỳ năm 2022 (196,6 triệu USD).
Trong đó, cấp mới 16 dự án với vốn đầu tư đăng ký 63,2 triệu USD, giảm 12,89% so với cùng kỳ năm 2022 (72,56 triệu USD); 32 dự án điều chỉnh vốn với vốn điều chỉnh tăng 157,9 triệu USD, tăng 27,30% so với cùng kỳ năm 2022 (124 triệu USD). Suất đầu tư (tính trên các dự án mới, tăng vốn có sử dụng đất) là 11,5 triệu USD/ha.
Về đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư thu hút đạt 18.510 tỷ đồng (tương đương 788,5 triệu USD), tăng 123,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, cấp mới 44 dự án với vốn đầu tư đăng ký 16.695,9 tỷ đồng (tương đương 710,7 triệu USD), tăng 149,9% so với cùng kỳ năm 2022; 20 dự án điều chỉnh vốn với vốn điều chỉnh tăng 1.815 tỷ đồng (tương đương 77,77 triệu USD), tăng 14% so với cùng kỳ năm 2022. Suất đầu tư (tính trên các dự án mới, tăng vốn có sử dụng đất) là 4,68 triệu USD/ha.
Đối với 4 ngành công nghiệp trọng yếu và dịch vụ phục vụ công nghiệp (dịch vụ hỗ trợ công nghiệp và bất động sản công nghiệp), có 39/60 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư 759 triệu USD, chiếm 98% tổng vốn đầu tư thu hút mới.
Dự án đầu tư nước ngoài có 13/16 dự án với vốn đầu tư 58,98 triệu USD, chiếm 93% vốn đầu tư nước ngoài thu hút mới; dự án trong nước có 26/44 dự án với vốn đầu tư 16.450 tỷ đồng (tương đương 700,04 triệu USD), chiếm 99% vốn đầu tư trong nước cấp mới.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.