'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Khởi sự từ năm 1996, sau 23 năm, ông Nguyễn Đăng Quang đã đưa Masan trở thành tập đoàn hàng đầu với giá trị hàng tỷ USD.
Theo Forbes, tính đến ngày 31/12/2019, Việt Nam có 5 tỷ phú USD, trong đó có sự góp mặt của ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan với số tài sản trị giá 1 tỷ USD.
Nhìn lại hành trình của Masan có thể thấy, phương tiện mà họ đã và đang thực hiện có hiệu quả nhất để đi tới mục tiêu xây dựng một tập đoàn lớn hàng đầu là thông qua con đường mua bán, sáp nhập (M&A).
Ngoài những thương vụ thâu tóm các thương hiệu trong nước như Vinacafe Biên Hòa (2011), Vĩnh Hảo (2013), Cholimex (2014), Bia Phú Yên (nay là Sư Tử Trắng), nước khoáng Quảng Ninh….Ngay từ đầu thập niên 2010, Masan đã bạo tay thâu tóm các doanh nghiệp nước ngoài tầm cỡ như công ty sản xuất thức ăn gia súc thương hiệu Con Cò (Proconco) và Anco…
Đầu tháng 10/2012, Công ty cổ phần tập đoàn Masan (MSN) bất ngờ thông báo việc sở hữu 40% vốn tại Công ty cổ phần Việt Pháp sản xuất thức ăn gia súc (Proconco). Tổng giá trị giao dịch khoảng 96 triệu USD. Doanh nghiệp mang thương hiệu Con Cò được mua thông qua Công ty Hoa Mười Giờ, đơn vị mà MSN sở hữu 100% vốn.
Proconco ra đời từ năm 1991, tiền thân là công ty liên doanh sản xuất thức ăn chăn nuôi đầu tiên giữa Pháp và Việt Nam. Proconco có thương hiệu “Con Cò” là thương hiệu thức ăn chăn nuôi lâu đời nhất và cũng là một trong các thương hiệu cao cấp nhất tại Việt Nam.
Theo giới thiệu, trước khi về tay Masan, Propocon từng nằm trong top 80 doanh nghiệp sản xuất thức ăn gia súc lớn nhất thế giới do tạp chí Feed International công bố.Thế nhưng, đến năm 2014, Masan công bố thoái sạch vốn tại Proconco.
Tuy nhiên, đây chỉ là một bước lùi trước khi Masan trở lại với một chiến lược bài bản hơn nhằm xây dựng chuỗi giá trị trong ngành đạm động vật.
Năm 2015, Masan gây chấn động làng thức ăn chăn nuôi khi công bố mua lại 51% cổ phần Proconco. Cùng năm này, Masan cũng mua 70% cổ phần Công ty cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco). Sang năm 2016, Masan mua nốt 30% cổ phần còn lại của Anco, nâng sở hữu công ty lên 100%.
Anco được thành lập năm 2003, tiền thân là liên doanh giữa Malaysia và Việt Nam với nhà máy đầu tiên đặt tại Đồng Nai.
Thông qua M&A, Masan đã nhanh chóng xây dựng một chuỗi giá trị của ngành hàng đạm động vật – thị trường có trị giá lên tới 18 tỷ USD, từ thức ăn gia súc (Proconco), đến chăn nuôi gia súc (Anco), chế biến thịt (thâu tóm Vissan) và gần đây nhất là cho ra đời MeatLife.
Ở một lĩnh vực khác, hoàn toàn mới mẻ với đa số người Việt Nam là các sản phẩm vonfram – Masan đã mua lại toàn bộ nền tảng kinh doanh vonfram của H.C.StarckGmbH (HCS) - nhà chế tạo hàng đầu thế giới về kim loại có công nghệ chịu nhiệt, cung cấp cho các lĩnh vực công nghiệp như điện tử, hóa chất, ô tô, y tế, hàng không, năng lượng và môi trường. Các sản phẩm của HCS đều được sản xuất tại các tổ hợp nằm ở châu Âu, châu Mỹ và châu Á.
Giá trị của thương vụ không được tiết lộ. Tuy nhiên, việc thâu tóm HCS đã đưa Masan lên "cùng mâm" với những ông lớn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực khai khoáng và cơ khí chế tạo.
Tháng 6 năm 2017, Vingroup ra mắt 1 thành viên mới thuộc tập đoàn là VinFast - nhà sản xuất ô tô có trụ sở tại Hải Phòng.
Tròn 1 năm sau ngày ra mắt, người tiêu dùng và cộng đồng doanh nghiệp trong nước ngỡ ngàng khi ‘tân binh’ Vinfast tuyên bố sẽ nhận chuyển nhượng, tiếp quản hoạt động của nhà máy General Motors (GM) Việt Nam.
Báo cáo tài chính năm 2018 của Vingroup cho thấy Vingroup đã mua cổ phần của GM Việt Nam từ một đối tác doanh nghiệp với tổng giá phí là 919,4 tỷ đồng. GM Việt Nam trở thành công ty con của Vingroup, hoạt động chính là sản xuất xe có động cơ.
Trong khi General Motors đã có hơn 100 năm phát triển và thâm nhập vào Việt Nam từ năm 2002, liên tục đạt mức tăng trưởng khá ổn định thì tại thời điểm thương vụ diễn ra, Vinfast vừa “thôi nôi”.
Thương vụ này không chỉ có ý nghĩa với riêng Vingroup, nhiều ý kiến còn cho rằng nó là màu cờ sắc áo, là cú hích thật sự cho ngành ô tô trong nước sau hơn 20 năm thai nghén mà chưa thành hình.
Càng ngày, Vingroup càng cho thấy quyết tâm với ngành công nghiệp ô tô với động thái thoái vốn tại một loạt lĩnh vực khác như bán lẻ, nông nghiệp để tập trung nguồn lực cho Vinfast.
Không chỉ mua lại thương hiệu ô tô hay các chuỗi bán lẻ, giữa năm 2018, Vingroup còn mạnh tay mua 51% cổ phần Mundo Reader, công ty chủ quản của thương hiệu smartphone BQ.
Trước mắt, công ty Tây Ban Nha sẽ bán cho VinSmart bản quyền sở hữu trí tuệ để phát triển 2 dòng điện thoại thông minh mang thương hiệu Vsmart, thuộc phân khúc cao cấp và bình dân.
Về lâu dài, BQ có rất nhiều thứ VinGroup cần. Đầu tiên, công ty Tây Ban Nha đã có sẵn quan hệ với một số tên tuổi quan trọng như Qualcomm và Google. Tiếp đến, BQ cũng đã/đang kinh doanh trong một số lĩnh vực hi-tech có liên quan tới smartphone như robotics và in 3D. Ngoài ra, VinGroup còn được kế thừa các bằng sáng chế của BQ .
Sau khi thâu tóm BQ, sang tháng 2/2019, điện thoại Vsmart đã chính thức có mặt tại Tây Ban Nha - thị trường cực kỳ quan trọng và là cửa ngõ vươn ra thị trường châu Âu của VinSmart, bà Nguyễn Thị Bích Phượng - Phó tổng giám đốc marketing VinSmart cho biết trong thông báo phát đi ngày 21/3/2019.
Các sản phẩm của Vinsmart được phân phối qua gần 90 cửa hàng của MediaMarkt, nhà bán lẻ điện tử tiêu dùng lớn nhất châu Âu, theo thông báo từ Vingroup.
Trong số bốn mẫu điện thoại thông minh hiện có, VinSmart đã ra mắt hai dòng Active 1+ và Joy 1+. Active 1+ hiện là mẫu máy cao cấp nhất của VinSmart ở thời điểm hiện tại.
VinSmart có tham vọng đưa sản phẩm điện thoại thông minh ra thị trường toàn cầu. Trong cuộc họp báo ra mắt điện thoại lần đầu tiên tại TP.HCM hồi tháng 12/2018 - Tổng giám đốc VinSmart, ông Trần Minh Trung tiết lộ doanh nghiệp đã thành lập sáu nhóm kinh doanh ở các khu vực trên thế giới cho hoạt động thương mại.
VinSmart không dừng lại ở điện thoại thông minh mà sẽ sản xuất một chuỗi sản phẩm thông minh và hướng tới thị trường toàn cầu, ông Trung cho biết.
Ngày 18/6 tại Berlin (Đức), FPT đã ký kết thỏa thuận với Tập đoàn RWE về việc mua công ty RWE IT Slovakia (công ty thành viên của Tập đoàn RWE).
Theo đó, RWE IT Slovakia sẽ trở thành công ty 100% vốn của FPT Software tại châu Âu và được đổi tên thành FPT Slovakia.
Đây là thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) đầu tiên tại thị trường nước ngoài của FPT nói riêng và lĩnh vực công nghệ thông tin Việt Nam nói chung.
RWE IT Slovakia được thành lập năm 2004. Tại thời điểm thương vụ diễn ra, RWE IT Slovakia có trên 400 nhân viên.
Thỏa thuận hợp tác với RWE là bước ngoặt, làm thay đổi vị thế của FPT tại thị trường châu Âu và trên sân chơi toàn cầu.
RWE là tập đoàn hàng đầu tại châu Âu trong lĩnh vực cung cấp năng lượng điện và gas, hoạt động tại 29 quốc gia trên thế giới gồm Đức, Anh, Cộng hòa Séc, Slovakia, Hà Lan, Hungary…
Cùng với thỏa thuận mua lại RWE IT Slovakia, tập đoàn RWE cũng trở thành khách hàng lớn nhất của FPT Software tại thị trường châu Âu, với hợp đồng trị giá nhiều chục triệu USD trong vòng 5 năm kể từ 2014.
5 năm sau thương thương vụ đình đám tại châu Âu, ngày 12/7/2018, FPT tiếp tục chi 50 triệu USD mua 90% cổ phần của công ty công nghệ Intellinet, Mỹ. Giá trị thương vụ khoảng 50 triệu USD. Trong đó, 30 triệu USD đã được trả trực tiếp, phần còn lại căn cứ hiệu quả hoạt động của Intellinet trong 3 năm kể từ ngày ký hợp đồng.
Intellinet được thành lập năm 1993, hoạt động trong lĩnh vực tư vấn công nghệ với 150 chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm chuyên sâu và 200 khách hàng lớn, trong đó có nhiều khách hàng trong danh sách Fortune 500.
Consulting Magazine đánh giá Intellinet là một trong những công ty tư vấn công nghệ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ (dựa trên tăng trưởng doanh thu 20-25% trong giai đoạn 2013-2016).
Thương vụ mua lại Intellinet được kỳ vọng giúp FPT nâng tầm vị thế, trở thành đối tác cung cấp các dịch vụ công nghệ tổng thể với giá trị cao hơn và toàn diện hơn cho khách hàng, từ khâu tư vấn, thiết kế đến triển khai, bảo hành bảo trì, đặc biệt trong các dự án chuyển đổi số.
Năm 2013, Vinamilk đã chi 7 triệu USD để nắm 70% cổ phần Driftwood Dairy – một công ty sữa nằm tại bang California của Mỹ.
Đến tháng 5/2016, Vinamilk chi thêm 3 triệu USD, nâng sở hữu tại Driftwood Dairy lên 100%.
Driftwood trở thành công ty con của Viamilk, chuyên sản xuất và phân phối các sản phẩm từ sữa, nước hoa quả và đồ ăn nhẹ… Các sản phẩm ngoài được phân phối tại Mỹ còn có thể được xuất khẩu.
6 năm sau khi về tay Vinamilk, năm 2018, tổng doanh thu của Driftwood đạt hơn 116 triệu USD, tương đương gần 2.700 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, tháng 3 vừa qua, Vinamilk đã đón hơn 1.600 bò tơ HF và bò A2 từ Mỹ về gia nhập đàn bò sữa của Tổ hợp trang trại bò sữa công nghệ cao Vinamilk Thanh Hóa.
Tháng 9 năm 2019, Vinamilk đã quyết định đầu tư thêm 10 triệu USD để mở rộng quy mô, nâng cao năng suất nhà máy tại Mỹ, tạo cơ hội cho các sản phẩm của Việt Nam tiếp cận thị trường tiềm năng này.
Mỹ là một thị trường rộng lớn mà bất kỳ nhà sản xuất nào trên thế giới cũng thèm muốn đưa sản phẩm của mình lưu thông tại đây.
Chia sẻ với Đại sứ Mỹ Kritenbrink về câu chuyện "Giấc mơ sữa Việt" mà Vinamilk ấp ủ hàng chục năm qua, ông Nguyễn Quốc Khánh - Giám đốc điều hành sản xuất của Vinamilk cho biết điều Vinamilk cảm thấy tự hào nhất là đã đưa Việt Nam từ một nước không có ngành sữa đến nay đã có thể xuất khẩu sản phẩm sữa đi 50 quốc gia trên thế giới.
"Chúng tôi đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu lọt top 30 doanh nghiệp sữa lớn nhất thế giới", ông Khánh nhấn mạnh.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.