Chủ tịch Deloitte: ‘Khi nhà đầu tư nước ngoài muốn M&A, họ không quan tâm anh có bao nhiêu tỷ’
Hoàng Lan -
21/12/2019 19:34 (GMT+7)
(VNF) - “Từ kinh nghiệm của Deloitte trong tư vấn đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài, khi nhà đầu tư muốn mua bán công ty Việt Nam, họ có cần biết anh có bao nhiêu tỷ đâu”, Chủ tịch Deloitte Hà Thu Thanh chia sẻ với các doanh nhân Sao đỏ và nhấn mạnh từ khoá ở đây chính là “minh bạch” và “win-win-win”.
Bà Hà Thu Thanh đồng thời cho rằng minh bạch và “win – win – win” chính là một phần quan trọng của phát triển bền vững và là kim chỉ nam cho những doanh nghiệp muốn “trường tồn”.
“Khi nói đến quản trị minh bạch, rất nhiều người nghĩ ngay tới vấn đề quản trị tài chính. Bởi thế, chúng ta thường e ngại vì cứ nghĩ minh bạch là phải phơi ra mọi thứ, có cái gì cũng phải thông tin, phải công bố hết ra bên ngoài thì sẽ bị lộ”, Chủ tịch Deloitte chia sẻ tại toạ đàm "Kết nối tạo giá trị trường tồn" với sự tham gia của hàng trăm doanh nhân trẻ thuộc Câu lạc bộ Doanh nhân Sao đỏ.
Theo bà Thanh, quản trị minh bạch trước hết là về chiến lược, tầm nhìn; minh bạch hệ thống rồi mới đến tài chính.
“Minh bạch là yếu tố nền tảng để phát triển bền vững, chỉ có minh bạch mới có khả năng để kết nối. Và kết nối thì tạo giá trị trường tồn”, bà Hà Thu Thanh khẳng định.
Từ kinh nghiệm của Deloitte trong tư vấn đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam, bà Hà Thu Thanh cho biết khi nhà đầu tư muốn mua bán công ty, “họ có cần biết anh có bao nhiêu tỷ đâu”.
“Vấn đề bây giờ không phải là doanh nghiệp lớn hay nhỏ, mới thành lập hay đã lâu năm mà vấn đề là cách đi. Nhà đầu tư chỉ cần biết năng lực phát triển của anh như thế nào. Và một trong 3 giá trị năng lực mà nhà đầu tư nước ngoài xem xét chính là hệ thống quản trị công ty. Hệ thống của anh có thể không phải là lớn nhưng nó cần phải rõ ràng, minh bạch, cần sự đồng nhất, mọi thứ thay đổi điều chỉnh đều phải có lý do xác đáng”, bà Thanh nói.
Tại toạ đàm, có một số ý kiến phản biện Chủ tịch Deloitte khi cho rằng mức độ minh bạch của doanh nghiệp phải phù hợp với thực trạng hệ sinh thái của nền kinh tế.
“Trong điều kiện tôi minh bạch nhưng đối tác của tôi không minh bạch, đối thủ của tôi càng không minh bạch và hệ sinh thái chưa minh bạch... thì làm thế nào để tôi đảm bảo sự minh bạch mà không bị phương hại?”, một doanh nhân nêu câu hỏi.
Trước câu hỏi này, bà Hà Thu Thanh cho rằng việc minh bạch chiến lược, tầm nhìn và hệ thống là chuyện bình thường để trước tiên nhân sự trong công ty hiểu và chia sẻ với lãnh đạo, tiếp đến là đối tác.
“Khi ta minh bạch thì bản thân đội ngũ của chúng ta cũng tin cậy chúng ta. Đối tác biết được các giá trị tương đồng giữa ta với họ để kết nối. Còn thực thi cái tầm nhìn, chiến lược đó như thế nào là việc của doanh nghiệp”, bà Thanh phản hồi.
Đồng tình với Chủ tịch Deloitte, Chủ tịch Citicom Lê Phụng Thắng cho rằng: “Minh bạch trước tiên đối với nội bộ, với cán bộ nhân viên thì con đường đi của doanh nghiệp phải rõ ràng, hệ thống, quy trình phải rõ ràng. Minh bạch chính là sự thông suốt trong tư duy và cách nghĩ từ trên xuống dưới, từ người cao nhất là ông chủ tịch đến người cuối cùng là ông bảo vệ. Kết cấu hệ thống phải rất rõ ràng từ cơ cấu nhân sự đến chi phí để mọi người hiểu rằng đâu là mục tiêu ta hướng đến và tại sao mỗi người phải nỗ lực”.
Có mặt tại toạ đàm, Chủ tịch CMC Nguyễn Trung Chính cho rằng minh bạch chính là bí quyết để giữ chân khách hàng:“Đối với khách hàng thì tại sao người ta lại cần minh bạch? Đó chính là vì chỉ có minh bạch mới tạo ra sự tin cậy. Doanh nghiệp muốn có khách hàng, chiếm được lòng tin của khách hàng thì tối thiểu là phải minh bạch. Cao hơn nữa là trust - đạt được sự tin cậy”.
Ông Nguyễn Trung Chính nói thêm: “Không minh bạch thì khách hàng chả ai tin cậy cả. Minh bạch phải là cả một quá trình. Hệ sinh thái có thể lúc đầu chưa minh bạch nhưng có người tiên phong thì nó sẽ lan toả”.
Ngoài minh bạch, một từ khoá khác mà Chủ tịch Deloitte nhắc tới đối với các doanh nghiệp hướng tới chiến lược phát triển bền vững là “win – win – win”.
“Ngày xưa chúng ta có công thức win-win; tôi thắng bạn cũng thắng. Nhưng bây giờ nó không phải như vậy, nó phải là win-win-win; tôi thắng, bạn thắng, thị trường cũng phải thắng và cộng đồng, xã hội cũng phải được hưởng lợi”, bà Thanh nói.
Theo bà Thanh, ngày nay khi nhắc tới trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp không chỉ là chuyện từ thiện, thích thì cho không thích thì thôi.
“Trách nhiệm xã hội không nhất thiết là chuyện làm từ thiện bằng tiền mà còn là đóng góp cho cộng đồng bằng mọi nguồn lực mà doanh nghiệp có, bao gồm cả thời gian, trí tuệ. Trong phát triển, các doanh nghiệp cũng cần quan tâm tới chuyện bảo vệ môi trường tự nhiên và môi trường xã hội”, bà Thanh chia sẻ và nói thêm “đó chính là thứ để các doanh nghiệp nước ngoài họ nhìn vào”.
Chủ tịch Deloitte biết rõ “win - win – win” là một hành trình cần nhiều bước đi và rất cần những người tiên phong.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.