Tài chính

Những khoản đầu tư tài chính trăm tỷ của Clever Group hiện ra sao?

(VNF) - Clever Group (Mã ADG) là tập đoàn công nghệ nổi tiếng trong lĩnh vực quảng cáo. Tuy nhiên trong 2 năm trở lại đây, công ty đã lấn sân cả sang đầu tư bất động sản, tài chính với tỷ trọng lớn trong nguồn vốn.

Mang nửa tài sản đi đầu tư tài chính, lợi nhuận sụt giảm

Tiền thân là Công ty cổ phần Quảng cáo Thông minh, Clever Group (Mã ADG) được Chủ tịch Nguyễn Khánh Trình thành lập từ năm 2008 và đã là một trong những đơn vị đi đầu trong hoạt động quảng cáo trực tuyến. 

Tuy nhiên, trong các năm gần đây, hoạt động của Clever Group lại đang mở thêm lĩnh vực đầu tư tài chính và bất động sản.

Ghi nhận tại thời điểm cuối năm 2023, tổng tài sản của Clever Group đạt gần 450 tỷ đồng. Trong đó công ty đang có 32,5 tỷ đồng tiền mặt, giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm.

Đáng chú ý, tỷ trọng tài sản đầu tư tài chính của công ty tương đối lớn. Bao gồm 158,8 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn. Với chỉ tiêu tài chính này, tiền gửi có kỳ hạn chiếm 152,5 tỷ đồng cùng với đó là 6,3 tỷ đồng trái phiếu tại Công ty cổ phần Hưng Thịnh Land.

 

Bên cạnh đó, ADG cũng ghi nhận khoản đầu tư tài chính dài hạn lên tới 115,9 tỷ đồng. Bao gồm: 60,3 tỷ đồng trái phiếu tại Công ty TNHH Sài Gòn Glory; 

50 tỷ đồng trái phiếu tại Công ty cổ phần Đầu tư Tân Thành Long An; 5 tỷ trái phiếu tại Công ty cổ phần Đầu tư Năng lượng Nam Phương; và 553 triệu đồng trái phiếu tại Công ty cổ phần Thương mại Công nghệ An Phát.

Tổng cộng tài sản đầu tư tài chính của ADG chiếm 274,7 tỷ đồng, tương đương 61% tổng tài sản. Ngoài ra, công ty cũng đang đầu tư tới 43,9 tỷ đồng cho bất động sản.

Với lượng đầu tư tài chính chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản, năm 2023 ADG đang ghi nhận doanh thu 411,9 tỷ đồng, giảm 23,2% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế mang về chỉ đạt 22,2 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ.

Các khoản đầu tư tài chính và bất động sản của ADG hiện ra sao?

Việc một đơn vị rẽ nhánh sang các hoạt động kinh doanh ngoài lĩnh vực chính cũng không quá xa lạ. Tuy nhiên, nếu nhìn vào hiệu quả các khoản đầu tư của ADG lại có thể thấy một số điều đáng chú ý.

Đối với khoản đầu tư trái phiếu, dài hạn, chiếm lượng lớn là trái phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư Tân Thành Long An và Công ty TNHH Sài Gòn Glory, trong đó trái phiếu của Sài Gòn Glory chiếm 60,3 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm với ngày đáo hạn là 18/6/2023h, lãi suất từ 10,869% đến 12,024%.

Sài Gòn Glory từng mất khả năng thanh toán nợ trái phiếu và Chủ tịch Tập đoàn Bitexco đã phải gửi tâm thư tới các trái chủ về vấn đề này. Mới nhất, trong thoả thuận ngày 5/2/2024 giữa Sài Gòn Glory với các trái chủ, thời gian đáo hạn của các lô trái phiếu đã phải lùi thêm 2 năm. Trong thời gian gia hạn, lãi suất áp dụng cho các lô trái phiếu sẽ là 8%/năm.

Khoản đầu tư trái phiếu của Tân Thành Long An chiếm 50 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm, đáo hạn vào ngày 20/5/2026 với lãi suất không thấp hơn 10%/năm. Tài sản của đơn vị này có liên quan tới đại án Vạn Thịnh Phát dẫn tới bị phong toả giao dịch và cũng đã gây nên lùm xùm lớn trong năm 2023.

Tổng lượng trái phiếu “có vấn đề” và ADG đang nắm giữ chiếm tới 116,6 tỷ đồng, tương đương gần 26% tổng tài sản. 

Bên cạnh đó, đối với khoản đầu tư bất động sản, ADG ghi nhận 43,9 tỷ đồng. Trong đó đáng chú ý có ghi nhận về bất động sản Biệt thự B8-12, Dự án khu biệt thự nhà vườn và thể thao giải trí tại xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội của ông Nguyễn Khánh Trình, Chủ tịch HĐQT ADG.

Biệt thự của ông Trình đã được ADG mua lại với giá 29,2 tỷ đồng ngay giữa thời điểm bất động sản cả nước gần như đóng băng với lượng giao dịch ít ỏi.

Tin mới lên