Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Đã có thêm những hướng dẫn mới liên quan đến việc xử lý quyết toán vốn nhà nước và các khoản nợ tồn đọng kéo dài tại Tổng công ty Xây dựng đường thủy - CTCP (Vinawaco) từ Chính phủ.
Cụ thể, vào giữa tuần trước, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 8591/VPCP-KTTN gửi các bộ: Tài chính, Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình liên quan các đề xuất xử lý tồn tại tài chính và quyết toán vốn nhà nước tại Vinawaco của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT).
Tại công văn này, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, nghiên cứu nội dung báo cáo và kiến nghị của Bộ GTVT (bao gồm cả ý kiến của các bộ, cơ quan và hồ sơ liên quan) để hướng dẫn Bộ GTVT xử lý khó khăn, vướng mắc, khẩn trương thực hiện quyết toán vốn nhà nước tại Vinawaco tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần theo đúng quy định của pháp luật (nếu phát hiện tài sản nhà nước bị thất thoát phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật).
“Trường hợp có vướng mắc vượt thẩm quyền, hai bộ đề xuất hướng xử lý và xác định rõ thẩm quyền xử lý để giải quyết dứt điểm việc quyết toán vốn nhà nước tại Vinawaco báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2020”, Phó thủ tướng chỉ đạo.
Đặc biệt, Phó thủ tướng yêu cầu các bên có tranh chấp nếu thấy quyền lợi của mình bị vi phạm thì khởi kiện theo quy định của pháp luật.
Vinawaco từng là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực thi công cảng biển, nạo vét luồng hàng hải của Bộ GTVT. Tại thời điểm hoàn tất công tác cổ phần hóa (CPH) vào năm 2014, phần vốn nhà nước còn lại tại doanh nghiệp này được xác định là 109,8 tỷ đồng (tương ứng 36,62% vốn điều lệ). Tuy nhiên, sau hơn 6 năm kể từ khi chuyển đổi mô hình hoạt động, việc quyết toán phần vốn nhà nước tại Vinawco đã không thể thực hiện được do xuất hiện những bất đồng giữa cổ đông nhà nước (Bộ GTVT), cổ đông chiến lược (Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng - nắm 30% vốn điều lệ) và các chủ nợ đối với các khoản nợ, lỗ nằm ngoài hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm CPH. Trong đó, đáng kể nhất là khoản nợ trị giá hơn 60 tỷ đồng của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Trước đó, tại Công văn số 8109/BGTVT-QLDN gửi Thủ tướng Chính phủ vào giữa tháng 8/2020, Bộ GTVT đã báo cáo khá chi tiết và đề xuất các giải pháp để xử lý khoản nợ Vietcombank và quyết toán vốn nhà nước tại Vinawaco.
Theo Bộ GTVT, vào năm 1995, được sự chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền, Vinawaco đã tiếp nhận 3 tàu vận tải hoạt động không có hiệu quả để hỗ trợ khó khăn cho Công ty Vietrancimex (một đơn vị khác trực thuộc Bộ GTVT). Tuy nhiên, việc tiếp nhận 3 tàu vận tải này lại khiến Vinawaco gặp nhiều khó khăn, gây thua lỗ, lâm vào tình trạng phá sản.
Xuất phát từ thực trạng nêu trên, Bộ GTVT, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý tài chính cho doanh nghiệp. Trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành, năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã có
chỉ đạo đồng ý hỗ trợ Vinawaco xử lý nợ vay tồn đọng 3 tàu vận tải. Do hiểu nhầm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, văn bản của Ngân hàng Nhà nước, Vinawaco đã hạch toán xóa toàn bộ nợ và lãi phát sinh, không còn hồ sơ, không theo dõi trên sổ sách kế toán từ năm 2005.
Điều đáng nói là, từ năm 2005 đến khi thực hiện CPH xong vào năm 2014, Vietcombank và Vinawaco đã không thực hiện đối chiếu công nợ. Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước và kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính các năm trước đây cũng không đề cập đến nội dung này, nên Tổng công ty không phát hiện hạch toán sai.
Tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để CPH Vinawaco (ngày 30/6/2013) và thời điểm Tổng công ty chính thức chuyển sang công ty cổ phần (ngày 1/6/2014), khoản nợ phải trả của Vinawaco tại Ngân hàng Vietcombank không nằm trong danh mục nợ phải trả khi thực hiện kiểm kê công nợ cũng như bàn giao sang công ty cổ phần.
Tại thời điểm tháng 1/2019, theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong thời gian qua, Bộ Tài chính và Bộ GTVT đã có các văn bản hướng dẫn Vinawaco thực hiện xử lý khoản nợ nói trên.
Tuy nhiên, HĐQT Vinawaco đã có Công văn số 788/2019/Vinawaco, ngày 29/11/2019 gửi Vietcombank Chi nhánh TP.HCM từ chối xác nhận để xử lý khoản nợ tại Vietcombank, trong đó khẳng định: “Các yêu cầu cung cấp thêm hồ sơ của Vietcombank, Tổng công ty không thực hiện được do khoản nợ của Ngân hàng không có trong Hồ sơ xác định doanh nghiệp để CPH của Tổng công ty, không có trong sổ sách kế toán của Công ty cổ phần”.
Theo Bộ GTVT, vì các lý do nêu trên, mặc dù đã phối hợp với Bộ Tài chính xử lý 13/14 khoản nợ tranh chấp tại Tổng công ty, nhưng Bộ GTVT không thể thực hiện được việc quyết toán vốn nhà nước khi CPH Vinawaco, do không đủ thẩm quyền để xử lý về tranh chấp dân sự khoản nợ tại Vietcombank.
Trong Công văn số 8109, Bộ GTVT cho biết, theo ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để CPH Vinawaco (ngày 30/6/2013) và thời điểm Tổng công ty chính thức chuyển sang công ty cổ phần (ngày 1/6/2014), khoản nợ phải trả của Tổng công ty tại Ngân hàng Vietcombank không nằm trong danh mục nợ phải trả khi thực hiện kiểm kê công nợ cũng như bàn giao sang công ty cổ phần.
Do vậy, việc Tổng công ty thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp trên cơ sở các khoản mục tài sản, công nợ đã được kiểm kê là phù hợp với trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sang công ty cổ phần.
Bộ GTVT khẳng định, tranh chấp phát sinh liên quan đến khoản nợ giữa Vietcombank và Vinawaco thuộc trách nhiệm của Ngân hàng trong công tác quản lý nợ cũng như trách nhiệm của Vinawaco (giai đoạn là doanh nghiệp nhà nước) khi thực hiện xóa nợ năm 2005. Việc giải quyết tranh chấp do các cơ quan giải quyết tranh chấp có thẩm quyền (tòa án, trọng tài) thực hiện.
Với những lý do nói trên, tại Công văn số 8109, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện quyết toán vốn nhà nước tại Vinawaco và thực hiện việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu sang Tổng công ty Quản lý và kinh doanh vốn nhà nước theo quy định. Riêng khoản nợ Vietcombank sẽ xử lý sau khi có phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp có thẩm quyền.
Ông Ngô Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Vinawaco khẳng định, việc Nhà nước chậm trễ trong quyết toán vốn lần 2 để thực hiện bàn giao khiến Vinawaco gặp khó khăn về tài chính khi nợ phải thu không thu được, nợ phải trả chưa đủ cơ sở để thanh quyết toán. Doanh nghiệp này luôn bị cưỡng chế thi hành án, các tổ chức tín dụng phong tỏa tài khoản.
Trong thông báo thúc nợ gửi tới Vinawaco vào tháng 8/2020, Vietcombank cho biết, tính đến ngày 31/7/2020, tổng dư nợ của Vinawaco là 61 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 12,6 tỷ đồng; nợ lãi trong hạn là 36,36 tỷ đồng; nợ lãi quá hạn là 12 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong Văn bản số 350/2020/Vinawaco gửi tới Báo Đầu tư vào ngày 1/9/2020, lãnh đạo Vinawaco cho rằng, nhiều thông tin mà Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng tại Công văn số 8109 là chưa thực sự đầy đủ và chính xác.
Lãnh đạo Vinawaco cho biết, tại Báo cáo kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2005 của Vinawaco, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ rõ nợ phải trả nội bộ theo số của Kiểm toán Nhà nước tăng so với báo cáo của đơn vị là 15,873 tỷ đồng, trong đó có bao gồm khoản nợ gốc của Vietcombank (12,597 tỷ đồng). Bên cạnh đó, tại trang 4 và trang 14 của phụ biểu giải thích nguyên nhân chênh lệch bảng cân đối kế toán, Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu Tổng công ty phải điều chỉnh lại do hạch toán trước chưa đủ căn cứ.
“Với những thông tin được Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ nói trên, không thể có chuyện lãnh đạo Vinawaco lại hiểu nhầm về việc được cơ quan chức năng cho xóa khoản nợ tại Vietcombank”, ông Tuấn khẳng định.
Ngoài khoản nợ tại Vietcombank, Chủ tịch HĐQT đương nhiệm tại Vinawaco cho biết, còn ít nhất 4 khoản nợ khác đã không xuất hiện trong hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp để CPH. Nếu tính cả khác khoản nợ phải trả thực tế lớn hơn nợ phải trả trong hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp để CPH; nợ phải thu nhưng không có khả năng thu hồi; nợ phải thu thấp hơn nợ phải thu trong hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp khi CPH; các khoản đầu tư tài chính thua lỗ tại 7 công ty liên kết…, thì tổng giá trị tồn tại tài chính cần xử lý trước khi Vinawaco chuyển sang công ty cổ phần lên tới 144,977 tỷ đồng.
Như vậy, nếu hạch toán đúng, đủ khi quyết toán vốn nhà nước bàn giao sang công ty cổ phần, phần vốn nhà nước tại Vinawaco sẽ bị âm khoảng 30 tỷ đồng.
Theo ông Tuấn, trong thời gian qua, HĐQT và các cổ đông tại Vinawaco đã có 30 năm văn bản gửi Bộ GTVT để báo cáo và đề nghị chỉ đạo xử lý dứt điểm các khoản nợ, lỗ nói trên tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần, nhưng chưa được các cơ quan có thẩm quyền xử lý dứt điểm. Liên quan thông tin được Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng về việc đã xử lý 13/14 khoản nợ tranh chấp tại Tổng công ty, Chủ tịch HĐQT Vinawaco khẳng định, chưa nhận được bất kỳ văn bản nào của các cơ quan nhà nước về việc xử lý tài chính trong việc quyết toán vốn nhà nước lần 2.
“Những vướng mắc này đang khiến hoạt động của Vinawaco gặp rất nhiều khó khăn, nhiều khoản đầu tư có nguy cơ mất trắng nếu không thoái kịp thời. Với tư cách là cổ đông chiến lược, chúng tôi đề nghị Bộ GTVT sớm xử lý dứt điểm các khoản nợ không được ghi nhận trong báo cáo tài chính khi tiến hành CPH. Việc ra tòa hay trọng tài kinh tế, đó là chuyện của Bộ GTVT, không liên quan đến pháp nhân Tổng công ty hiện nay”, ông Ngô Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Vinawaco nhấn mạnh.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.