Quốc hội bàn chuyện chia giấy phép lái xe thành 11 hạng thay vì 13 hạng

Thanh Tâm - 25/10/2020 08:13 (GMT+7)

(VNF) - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho rằng: "Dự thảo Luật quy định 11 hạng giấy phép lái xe là thống nhất với Công ước Viên 1968 về giao thông đường bộ".

VNF
Chia giấy phép lái xe thành 11 hạng thay vì 13 hạng liệu có phù hợp?

Ngày 24/10, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong đó có nội dung đáng chú ý là sẽ chia giấy phép lái xe thành 11 hạng thay vì 13 hạng như hiện nay.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, qua thống kê cho thấy trong hơn 10 năm qua, tai nạn giao thông ở Việt Nam đã làm chết trên 100 nghìn người, bị thương trên 330 nghìn người. Trong đó có nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc xuất phát từ nguyên nhân lái xe sử dụng chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn.

Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, Chính phủ quyết định trình Quốc hội dự án Luật này cùng với dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đã được thảo luận, cân nhắc, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan.

Liên quan đến khoản 7, điều 44, dự thảo luật nêu rõ, Chính phủ quy định điều kiện, trình tự, thủ tục để cấp giấy phép cho cơ sở đào tạo lái xe ô tô, xe tập lái, giáo viên dạy lái xe. Bộ trưởng Bộ Công an quy định về đào tạo lái xe, tiêu chuẩn về cơ sở vật chất kỹ thuật của cơ sở đào tạo lái xe.

Cũng theo dự luật, giấy phép lái xe có 12 điểm trong 12 tháng, tính từ ngày cấp mới. Theo đó, giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, sau thời hạn 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm người lái xe nếu có nhu cầu cấp giấy phép lái xe mới, phải sát hạch lại. Giấy phép lái xe còn điểm được phục hồi 12 điểm sau 12 tháng kế tiếp.

Thẩm định về dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho rằng việc quy định kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường khi sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kiểm tra định kỳ trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) là phù hợp.

“Dự thảo Luật quy định 11 hạng giấy phép lái xe là thống nhất với Công ước Viên 1968 về giao thông đường bộ. Đồng thời tại điều khoản chuyển tiếp quy định các loại giấy phép lái xe đã cấp theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 còn thời hạn thì vẫn có hiệu lực, trường hợp cấp lại thì cấp theo quy định mới của Luật này, nên không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người đã được cấp giấy phép lái xe”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho hay.

Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng việc thay đổi thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an là chưa phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 1/8/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước và gây lãng phí. Bởi Bộ Công an sẽ phải đầu tư về con người, phương tiện, cơ sở đào tạo, cơ sở sát hạch, cơ sở vật chất bảo đảm, trong khi Bộ Giao thông Vận tải đã có và đang thực hiện ổn định.

Trong tờ trình về Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (sửa đổi) thì sẽ bỏ hạng A4 cấp cho người điều khiển máy kéo có trọng tải dưới 1.000 kg, hạng B1, B2 (gộp thành hạng B) cấp cho cả người hành nghề và không hành nghề lái xe ô tô chở người đến 9 chỗ, xe ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế không vượt quá 3.500 kg.

Các hạng Giấy phép lái xe theo quy định mới gồm: A01, A2, A3, B, C, D2, D, BE, CE, D2E, DE.

Xem thêm: Chính thức bỏ đề xuất giấy phép lái xe hạng A0

Cùng chuyên mục
Tin khác