Những 'ông lớn' nào đang muốn làm dự án điện khí 3,5 tỷ USD tại Hà Tĩnh?

Nguyễn Phượng - 26/07/2020 10:03 (GMT+7)

(VNF) - Theo tìm hiểu của VietnamFinance, hiện tại có 5 nhà đầu tư lớn bao gồm các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đề xuất với tỉnh Hà Tĩnh được thực hiện khảo sát đầu tư dự án điện khí Vũng Áng 3.

VNF
Phối cảnh Tổ hợp điện khí LNG Vũng Áng 3 do T&T Group đề xuất đầu tư

Mới đây, "ông lớn" thuộc khối doanh nghiệp trong nước là Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T đã đề xuất với UBND tỉnh Hà Tĩnh cho phép đầu tư tổ hợp điện khí LNG Vũng Áng 3 theo hình thức đầu tư nhà máy điện độc lập (IPP). Tổng mức đầu tư cho tổ hợp điện khí LNG này dự kiến khoảng 3,55 tỷ USD.

Diện tích sử dụng cho dự án khoảng 123,8 ha, chưa bao gồm 100ha diện tích mặt nước. Chủ đầu tư sẽ xây dựng trung tâm kho cảng LNG Vũng Áng 3 và trung tâm điện lực LNG Vũng Áng 3 có tổng công suất phát điện 3.000 MW.

Tổ hợp điện khí LNG Vũng Áng 3 sẽ sử dụng nguyên liệu là khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG), công nghệ áp dụng là tuabin khí chu trình hỗn hợp với số giờ vận hành tại công suất đặt là 6.000 giờ/năm. Dự án sẽ đấu nối lên cấp điện áp 500kV từ sân phân phối của nhà máy đến trạm 500kV Hà Tĩnh.

Trước đó, vào tháng 10/2019, đại diện lãnh đạo Công ty điện khí Siemens (CHLB Đức) đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh đề xuất được nghiên cứu, khảo sát đầu tư xây dựng dự án nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 3 từ nguyên liệu than sang khí tại Khu kinh tế Vũng Áng.

Theo Siemens, Hà Tĩnh là địa phương có hạ tầng thuận lợi. Việc kết nối đường dây 500 KW Bắc - Nam sẽ là lợi thế để nhà đầu tư xây dựng nhà máy.

Siemens muốn khảo sát đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 3 chuyển từ nguyên liệu than sang sử dụng khí tự nhiên hoá lỏng (LNG). Dự án có công suất 1.200 - 1.500MW có tổng mức đầu tư dự kiến 1,8 tỷ USD.

Siemens sẽ là đơn vị đầu tư công nghệ và góp vốn dự kiến khoảng 49% tổng mức đầu tư của dự án, còn lại huy động từ các nhà đầu tư khác. Samsung C&T sẽ là đơn vị tổng thầu thi công, thời gian dự kiến xây dựng triển khai thi công khoảng 24 tháng.

Trong giới các doanh nghiệp ngành năng lượng, Siemens được biết đến là một trong những tập đoàn sản xuất công nghiệp lớn nhất của Đức có lịch sử phát triển 170 năm, tập đoàn này đang hoạt động tại 190 quốc gia với nhiều lĩnh vực, trong đó có điện khí.

Không dừng lại ở đó, hiện còn có thêm 3 nhà đầu khác cũng đang tìm kiếm cơ hội đầu tư dự án điện khí Vũng Áng 3 bao gồm: liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn và Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Đông Thịnh Phát, Công ty Cổ phần thương mại và tư vấn Tân Cơ, Tổng công ty Cổ phần thương mại xây dựng.

Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh Hoàng Văn Quảng cho biết, thực hiện theo Nghị Quyết 55/NQ-TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị, trong đó nêu rõ “Chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng LNG, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống”, tỉnh Hà Tĩnh đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép nâng công suất gấp đôi từ 1.200MW lên 2.400MW, chuyển đổi Trung tâm Điện lực Vũng Áng 3 từ sử dụng than sang sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).

Tại Thông báo số 92/TB-VPCP ngày 12/3/2020 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch điện VIII quốc gia theo nhiệm vụ lập quy hoạch đã được phê duyệt; đối với các kiến nghị của Hà Tĩnh, trong khi chưa hoàn thành lập Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương xem xét theo Quy hoạch điện VII, đảm bảo yêu cầu công khai, minh bạch, đồng bộ và hiệu quả chung, hỗ trợ cho Hà Tĩnh về các dự án năng lượng.

Trong khi đó, một văn bản mới đây gửi doanh nghiệp đề xuất các dự án năng lượng đầu tư vào địa bàn, tỉnh Hà Tĩnh cho biết chưa tiếp tục chủ trương khảo sát, nghiên cứu đối với các dự án điện gió, điện khí của các nhà đầu tư mới.

Vì vậy, việc ai là sẽ là chủ đầu tư cho dự án điện khí đầy tiềm năng tại Vũng Áng 3 - dự án điện khí đầu tiên tại Hà Tĩnh và khu vực Bắc Trung Bộ, phần nào còn phụ thuộc vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và bổ sung quy hoạch các dự án năng lượng cho Hà Tĩnh của Chính phủ thời gian tới.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.