Những tình tiết đặc biệt khi thuê đơn vị nước ngoài quy hoạch trục Nhật Tân - Nội Bài

Lưu Vân - 23/06/2018 10:46 (GMT+7)

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp mới đây, ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, thừa nhận chính ông đã bàn với Bộ Xây dựng nên chọn đơn vị tư vấn nước ngoài thi tuyển quy hoạch trục Nhật Tân - Nội Bài.

VNF
Những tình tiết đặc biệt khi thuê đơn vị nước ngoài quy hoạch trục Nhật Tân - Nội Bài

Ông Chính cho biết sau khi Quốc hội thông qua 97,5% số phiếu ủng hộ mở rộng Thủ đô Hà Nội vào năm 2008, Chính phủ giao Bộ Xây dựng, khi đó ông làm Thứ trưởng tổ chức thi tuyển quy hoạch Hà Nội và bản quy hoạch chính thức được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt vào tháng 5/2011.

Quy hoạch mang tầm quốc tế

Trong quy hoạch Hà Nội xác định rõ cầu Nhật Tân – sân bay Nội Bài là trục cửa ngõ của Thủ đô. Hiện nay sân bay Nội Bài chỉ có nhà ga T1, T2 nhưng trong quy hoạch sẽ có thêm nhà ga T3, T4 có nghĩa là sẽ nâng công suất sân bay dự kiến đến năm 2040 – 2050 đạt 50 triệu hành khách/năm vào loại sân bay lớn nhất thế giới.

- Tại sao thời điểm đó hội đồng quy hoạch lại xác định trục Nhật Tân – Nội Bài là con đường chiến lược của Thủ đô thưa ông?

Chúng ta đang trong sự nghiệp toàn cầu hóa nên sân bay chính là cực tăng trưởng, vì thế xác định trục chính từ cửa ngõ đi về trung tâm TP Hà Nội chính là đường Nội Bài - Nhật Tân, con đường ấy cũng được Chính phủ đặt tên là đường Võ Nguyên Giáp.

Cầu Nhật Tân được thiết kế bởi tư vấn viên người Nhật, lấy biểu tượng từ chiếc nón lá của cô gái Hà Nội. Cầu Nhật Tân cũng đã được bình chọn là một trong những cây cầu đẹp nhất Đông Nam Á. Có thể nói, hiếm có con đường vào trung tâm nào vừa không dài cũng không ngắn, từ sân bay vào nội đô bằng một đại lộ như thế.

Bản quy hoạch trục Nhật Tân - Nội Bài với ý tưởng chính là Rồng đón ngọc.

Ngày ấy có doanh nghiệp quyết định lựa chọn đầu tư toàn bộ chi phí 3 – 4 triệu đô để lo về quy hoạch. Tôi đã bàn với Bộ Xây dựng riêng trục đường đó phải thi tuyển chứ không thể để tư vấn trong nước làm bởi trong nước ta nhiều người giỏi nhưng để làm một trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ cầm cỡ thì phải có tư vấn quốc tế. Sau đó Tập đoàn BRG mà đại diện là Madame Nga đã chọn 3 tư vấn được Viện Quy hoạch đô thị và Viện quy hoạch xây dựng tìm hiểu rất kỹ.

Lúc đấy có 7 người ngồi vào để chấm thi, sau 2 tháng Hội đồng đã chọn ý tưởng của Công ty tư vấn P&T Consultants Pte Ltd (Hồng Kông).

- Ông có thể tiết lộ lý do P&T thắng cuộc so với các tên tuổi đáng gờm khác?

Trước hết phải phân tích về tầm chiến lược. Vì Hà Nội có đến 5 cửa ô với 5 trục đường vành đai từ 1 đến 5, tuy nhiên cửa ngõ mang ý nghĩa về quốc tế thì chỉ có cửa ngõ Nhật Tân – Nội Bài và đây gần như được quy hoạch mới hoàn toàn, không đi qua các trục đường cũ.

Dưới góc độ của một hành khách vừa mới xuống sân bay, dù là ở cương vị nào từ người dân, doanh nhân, khách du lịch hay kể cả các nguyên thủ thì cũng sẽ cảm thấy mệt mỏi. Chính vì thế đoạn đường đầu tiên từ Nội Bài về vành đai ba được điểm bởi cây xanh, hồ nước, bao gồm các làn xanh, các công trình dịch vụ tổng hợp chỉ cao 7 – 8 tầng. Sau khi vào sẽ có hai trục như hai búp sen nở ra chào đi vào thành phố.

Đến 5km đoạn thứ hai bắt đầu tạo nên sự tấp nập của đô thị bằng nhà 20, 30 tầng kết nối với khu ở, kết nối với trung tâm thương mại dịch vụ mang tầm cho toàn bộ khu phố này.

Nằm song song với cầu là một trục đi bộ gắn liền với công trình chọc trời, nhìn từ đường đi sẽ thấy nó có độ cong như con rồng. Đi hết trục cong sẽ nhìn thấy trục trung tâm dài 3km, trước là mặt nước để soi bóng, hai bên là các trung tâm thương mại dịch vụ.

Tòa tháp chính là tòa tháp tài chính lớn nhất, tựa như tòa tháp 101 tầng của Đài Loan, tòa tháp này đều có thể được nhìn thấy từ cầu Nhật Tân cũng như là từ Nội Bài về, đại diện cho sự giàu có của Hà Nội.

Đến giai đoạn lên cầu, hành khách sẽ được ngắm nhìn hai bên dòng sông và nhìn đến Hà Nội khuất hút, sau đó vào đến trung tâm Ba Đình và tản về những khách sạn lớn.

Và đấy chính là lý do mà đồ án của P&T được thông qua.

Không có chuyện thay đổi quy hoạch

- Đấy là về quy hoạch, còn một thành phố thông minh trên tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài sẽ được tái hiện như thế nào thưa ông?

Với khu vực hơn 2.000 ha tổ chức không gian theo kiểu đó thì chúng ta hoàn toàn có thể làm được theo hướng một đô thị thông minh. Và đô thị thông minh sẽ được hiểu theo hướng ngôi nhà thông minh, đường phố thông minh…

Hiện 20 công ty của Nhật Bản đã quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng dự án. Trong đó, có nhiều tập đoàn lớn như Sumitomo, Mitsubishi, công ty tàu điện ngầm Tokyo Metro… Có thể đây sẽ là khu đô thị hiện đại bậc nhất của chúng ta.

- Làm quy hoạch đã khó, giữ được quy hoạch lại càng khó hơn. Ông đã tính đến trường hợp doanh nghiệp xin điều chỉnh quy hoạch?

Trong thi tuyển chúng ta đã đặt bài toán cụ thể cho đơn vị thiết kế liên quan đến các vấn đề văn hóa, lịch sử, về tự nhiên và toàn bộ khu vực dân cư. Trong đó vấn đề tự nhiên ở khu vực này rất đặc biệt, có sông ngòi, làng, hồ ao, đặc biệt là có thành Cổ Loa, một di tích lịch sử đặc biệt quan trọng. Chúng ta cũng đưa hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội vào để khu dân cư truyền thống phù hợp với toàn bộ quy hoạch.

Tôi cũng được biết, do đặc thù đơn vị nước ngoài tư vấn thiết kế nên độ chính xác được yêu cầu lên đến từng cm và khi đó Tập đoàn BRG đã phải chi rất nhiều tiền thuê máy bay quân sự đo chính xác từng điểm quy hoạch. Khi chúng ta có sự quy hoạch về ranh giới và phân khu chức năng cho từng vùng rồi thì chúng ta không ngại trong quy hoạch xây dựng phá vỡ tất cả quy hoạch vốn có.

- Theo ông Hà Nội nên có cơ chế gì đặc biệt để thu hút các nhà đầu tư vào dự án quan trọng này?

Hiện TP Hà Nội đang mời gọi đầu tư và trục đường Nhật Tân – Nội Bài cũng được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đã cùng nghiên cứu, xem xét dự án ngay từ ý tưởng đến việc thực hiện ý tưởng.

Bản thân lãnh đạo Hà Nội cũng khẳng định đứng ra bàn giao đất sạch cho các nhà đầu tư thực hiện dự án. Khi chính quyền hỗ trợ, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế sẽ có cái nắm tay nhau để thực hiện ý tưởng của mình.

- Vâng! Xin cảm ơn ông.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp
Cùng chuyên mục
Tin khác