Nợ thuế 10 triệu bị cấm xuất cảnh: Đủ gây áp lực với các ông chủ?

Minh Anh - 11/12/2024 12:30 (GMT+7)

(VNF) - Nhiều ý kiến cho rằng tạm hoãn xuất cảnh với cá nhân nợ thuế từ 10 triệu đồng và với doanh nghiệp từ 100 triệu đồng là hợp lý nhưng chưa phải biện pháp duy nhất. Cần tránh lạm quyền khi ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh.

Ý kiến trái chiều về ngưỡng nợ thuế

Theo đề xuất của Bộ Tài chính, từ 1/1/2025, cá nhân/chủ hộ kinh doanh có số tiền nợ thuế quá hạn trên 120 ngày từ 10 triệu đồng trở lên sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh. Doanh nghiệp/hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã bị cưỡng chế thi hành nợ thuế quá hạn trên 120 ngày từ 100 triệu đồng trở lên thì người đại diện pháp luật sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh.

Trước đề xuất này, ông Bùi Quang Cường, Giám đốc Công ty TNHN Giải pháp phát triển doanh nghiệp iViet, nhìn nhận, đối với cá nhân, lấy mức 10 triệu đồng nợ thuế quá hạn để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh được xem là hợp lý, tránh việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh cho những khoản nợ nhỏ, gây phiền hà không cần thiết.

Với doanh nghiệp, mức 100 triệu đồng cũng phù hợp. Mức này tạo áp lực để doanh nghiệp tuân thủ nghĩa vụ thuế, đồng thời không quá thấp để gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh.

Đồng quan điểm, luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch - Đoàn luật sư Hà Nội - cho biết, xét trong bối cảnh giá trị tiền tệ và mức sống tăng cao như hiện tại, mức nợ thuế 10 triệu đồng để tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân là hợp lý. Với doanh nghiệp, mức nợ 100 triệu đồng cũng là phù hợp.

Trong khi đó, luật sư Phạm Thành Long, nhà sáng lập Công ty Luật Gia Phạm, đánh giá: xét thực trạng ở Việt Nam hiện nay thì ngưỡng nợ thuế 10 triệu, 100 triệu đồng và thời hạn 120 ngày như đề xuất có thể coi là hợp lý.

Nhưng so với nhiều quốc gia khác thì ngưỡng nợ thuế tạm hoãn xuất cảnh như vậy còn quá nhỏ; số người có nguy cơ bị ngăn xuất cảnh sẽ rất lớn. Đơn cử, tại Mỹ, nợ thuế 55.000 USD (khoảng 1,3 tỷ đồng) bao gồm cả phần tiền lãi và phạt thì người nợ thuế mới có thể bị xem xét tạm hoãn xuất cảnh.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SBLAW, cho rằng, việc Bộ Tài chính đưa ra mức như trên là chưa hợp lý vì mức nợ thuế với cá nhân là 10 triệu đồng và doanh nghiệp là 100 triệu đồng là quá nhỏ. Đây là mức cào bằng giữa hộ cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ, doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp lớn.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà nêu ý kiến, trong bối cảnh cơ quan thuế còn nhiều biện pháp khác để thu thuế như biện pháp phong tỏa tài khoản của doanh nghiệp, người dân để cưỡng chế thu thuế và biện pháp không cho xuất hóa đơn đối với doanh nghiệp. Tạm hoãn xuất cảnh chỉ nên coi là biện pháp cuối cùng, chỉ nên áp dụng với các cá nhân và người đại diện doanh nghiệp khi họ có ý định xuất cảnh ra nước ngoài và định cư nhằm trốn tránh vĩnh viễn; không nên áp dụng biện pháp này khi mức nợ thuế nhỏ như đề xuất của Bộ Tài chính, nhất là Việt Nam có gần 5 triệu hộ kinh doanh nhỏ và hơn 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì vậy, Bộ Tài chính nên nghiên cứu lại mức nợ thuế tối thiếu để bị tạm hoãn xuất cảnh, có thể áp dụng nhiều mức khác nhau với nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau, như thế sẽ thuyết phục hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Tú - giảng viên Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, nhận định ngưỡng 10 triệu đồng và 100 triệu đồng khá thấp. Trước đây, cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh không thuộc đối tượng tạm hoãn xuất cảnh, nhưng từ 1/1/2025, nếu nợ trên 10 triệu đồng tiền thuế mà không trả sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế, nghĩa là phạm vi rộng hơn thì nguy cơ số lượng người bị tạm hoãn xuất cảnh sẽ nhiều hơn.

Ông Tú đề xuất, nếu áp dụng ngưỡng nợ thuế để thực hiện tạm hoãn xuất cảnh thì mức này phải tăng gấp 5 - 10 lần so với dự thảo đưa ra, chẳng hạn cá nhân nợ thuế là 100 triệu đồng, doanh nghiệp là 500 triệu đồng, tập đoàn 1 tỷ đồng.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, nêu quan điểm: khi xác định ngưỡng nợ thuế tạm hoãn xuất cảnh, nếu mức quá thấp và trong thời hạn quá ngắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội.

Ví dụ, thay vì đặt ra số cụ thể 10 triệu đồng đối với cá nhân thì nên sử dụng mức khởi điểm nộp thuế thu nhập cá nhân hoặc mức lương tối thiểu làm cơ sở để xác định ngưỡng nợ thuế tạm hoãn xuất cảnh. Tránh trường hợp sau này trượt giá hoặc thực tế thay đổi lại phải điều chỉnh con số cho phù hợp.

Cần phân loại DN khi áp mức nợ thuế cấm xuất cảnh

Nhiều chuyên gia cho rằng cần tính toán kỹ, phân loại doanh nghiệp để áp dụng mức nợ thuế phù hợp.

Ông Nguyễn Ngọc Tú cho rằng việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế phải tùy từng trường hợp mới hợp lý chứ không nên "đổ đồng". Bởi trong danh sách cố tình chây ì không chịu nộp thuế thì cũng có những người nộp thuế gặp khó khăn thật sự do không bán được hàng, thiên tai, hỏa hoạn… Trong trường hợp người nộp thuế xuất cảnh để bàn bạc đối tác, ký hợp đồng, giới thiệu sản phẩm dịch vụ thì không nên hạn chế mà cần hỗ trợ họ. Quyền con người là được tự do đi lại nên cần xem xét áp dụng biện pháp cưỡng chế tạm hoãn xuất cảnh chỉ khi thật sự cần thiết, tránh lạm dụng.

Đồng quan điểm, chuyên gia thuế Nguyễn Thị Cúc cho hay, cần mở rộng đối tượng, quy định rõ về từng đối tượng cụ thể như hộ cá nhân, quy mô của doanh nghiệp. Để thực hiện quy định này, cần phải tính toán kỹ lưỡng để xác định ngưỡng nợ thuế, phải dựa trên tình hình kinh tế, quy mô của doanh nghiệp, không thể cào bằng khoản nợ thuế quá hạn tiền tỷ của các tập đoàn cũng giống như doanh nghiệp quy mô nhỏ, hộ cá nhân kinh doanh.

PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính cũng cho rằng, để có ngưỡng phù hợp áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với người nợ thuế, ngành thuế cần sử dụng công cụ thống kê, phân loại mang tính đặc thù của từng nhóm doanh nghiệp. Trên thực tế, ngay cả áp dụng ngưỡng nợ thuế làm căn cứ tạm dừng xuất cảnh cũng sẽ gặp khó khăn khi có những doanh nghiệp nợ nhiều nhưng không có nhu cầu ra nước ngoài, ngược lại, doanh nghiệp khác nợ ít do gặp khó khăn tạm thời nhưng có nhu cầu phải xuất cảnh để gặp đối tác, tìm kiếm đơn hàng… Do đó, ngành thuế nên nghiên cứu và đưa vào quy định nhiều ngưỡng tạm hoãn xuất cảnh theo từng nhóm doanh nghiệp và theo giá trị nợ thuế.

Luật sư Tuấn Anh nhận định, biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với trường hợp nợ thuế nên được áp dụng linh hoạt, kín kẽ. Vì bên cạnh những trường hợp cố tình chây ỳ không chịu nộp thuế thì cũng có những trường hợp thật sự gặp khó khăn do không bán được hàng, thiên tai, hỏa hoạn…Họ cần sự hỗ trợ như phân kỳ nộp thuế, khi có dòng tiền thì nộp dần. Vì thế, việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế nên tùy từng trường hợp.

Ông Trần Xoa - Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế không phải giải pháp hiệu quả. Ông Xoa lý giải rằng tạm hoãn xuất cảnh với người đại diện pháp luật, nhưng đây có thể là người làm thuê, không phải ông chủ doanh nghiệp nên áp dụng biện pháp này cũng chưa chắc đã thu được thuế.

"Không nên tùy tiện áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Người nợ thuế có lịch sử tuân thủ pháp luật thuế nhưng vì rơi vào khó khăn, thực hiện tốt nghĩa vụ ngân sách thì cần xem xét tạo thuận lợi cho họ để hoạt động kinh doanh, chứ siết luôn là chết người nợ thuế", luật sư Trần Xoa đề xuất.

Luật sư Phạm Thành Long nhấn mạnh: Việc cơ quan/tổ chức nào có quyền được sử dụng việc ngăn chặn quyền đi lại như một biện pháp hành chính cần phải được xem xét một cách đầy đủ và chi tiết, tránh trường hợp lạm quyền.

Ông Long cho biết, ở Canada và nhiều quốc gia khác, thủ tục tạm hoãn xuất cảnh là biện pháp gần như sau cùng, khi đã áp dụng các biện pháp khác như thu giữ tài sản, phong tỏa tài khoản ngân hàng... mà vẫn không thu được thuế.

Trước thực trạng không ít người ra sân bay mới biết mình bị hoãn xuất cảnh, gây lãng phí lớn vì đã đặt vé máy bay, sắp xếp lịch trình,... Giám đốc iViet, đề nghị cơ quan quản lý phải “làm sao để người nợ thuế biết rằng họ đang bị nợ thuế và nằm trong danh sách bị cấm xuất cảnh”.

Bên cạnh việc đa dạng phương thức thông báo cho người nộp thuế (từ tài khoản thuế điện tử, eTax Mobile đến VNeID và email, SMS, Zalo... ), cơ quan thuế cần tuyên truyền để người nộp thuế biết những nơi có thể tra cứu nợ thuế, danh sách hoãn xuất cảnh.

Đề xuất cá nhân nợ thuế 10 triệu đồng bị tạm hoãn xuất cảnh

Đề xuất cá nhân nợ thuế 10 triệu đồng bị tạm hoãn xuất cảnh

Tài chính
(VNF) - Bộ Tài chính đề xuất cá nhân nợ thuế 120 ngày từ 10 triệu đồng và đại diện doanh nghiệp nợ 120 ngày từ 100 triệu đồng sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh.
Cùng chuyên mục
Tin khác
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.