Ra sân bay mới biết hoãn xuất cảnh vì nợ thuế: Luật đã rõ, cấm dây dưa

Hà Lê - 09/11/2024 09:15 (GMT+7)

(VNF) - Theo Bộ Tài chính, để tránh trường hợp ra đến sân bay, cửa khẩu mới biết mình bị hoãn xuất cảnh vì nợ thuế, người nộp thuế cần thường xuyên tra cứu nghĩa vụ thuế để có kế hoạch nộp thuế đúng hạn, không nợ thuế dây dưa, kéo dài.

Lỗi do người nộp thuế?

Bộ Tài chính cho biết, các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh được quy định tại khoản 1 Điều 66 và khoản 7 Điều 124 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14.

Cụ thể, đối với những trường hợp chuẩn bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế đã thực hiện rà soát, đối chiếu, xác định chính xác nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế. Trước khi ban hành thông báo tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế cũng đã thực hiện một số các biện pháp đôn đốc người nộp thuế như gọi điện thoại, gửi email, mời người nộp thuế lên làm việc, gửi thông báo nợ, gửi quyết định cưỡng chế (nếu có).

Theo quy định, cơ quan thuế thực hiện gửi thông báo nợ; cung cấp thông tin số tiền thuế nợ được cơ quan thuế theo dõi, quản lý; gửi và công khai quyết định cưỡng chế, thông báo tạm hoãn xuất cảnh qua rất nhiều kênh để người nộp thuế biết, tra cứu. Điều này giúp người nộp thuế có thể biết, tra cứu được nghĩa vụ thuế của mình và hoàn thành nghĩa vụ thuế trước khi xuất cảnh, tránh trường hợp ra đến sân bay, cửa khẩu mới biết mình nợ thuế và bị cơ quan thuế tạm hoãn xuất cảnh.

Về trường hợp người nộp thuế phản ánh không biết mình nợ thuế hoặc không nhận được thông báo của cơ quan thuế, Bộ Tài chính chỉ rõ, có thể do một số các nguyên nhân chủ yếu như người nộp thuế chưa biết cách và nơi tra cứu, chưa thường xuyên tra cứu, chưa cập nhật kịp thời cho cơ quan thuế những thay đổi thông tin đăng ký thuế như thông tin về địa chỉ nhận thông báo thuế, email, số điện thoại.

Ngoài ra còn có trường hợp người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh, không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh.

“Do đó, để tránh trường hợp ra đến sân bay, cửa khẩu mới biết mình nợ thuế và bị cơ quan thuế tạm hoãn xuất cảnh sẽ khuyến cáo người nộp thuế thường xuyên tra cứu nghĩa vụ thuế của mình để có kế hoạch nộp thuế đúng hạn, không để tình trạng nợ thuế dây dưa, kéo dài; chủ động tra cứu thông báo nợ, quyết định cưỡng chế, thông báo tạm hoãn xuất cảnh của cơ quan thuế”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Đồng thời, người nộp thuế cần chủ động cập nhật ngay các thay đổi về địa chỉ nhận thông báo, địa chỉ email, số điện thoại để cơ quan thuế có thể liên hệ hoặc người nộp thuế có thể nhận được kịp thời, đầy đủ.

Trong trường hợp đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, người nộp thuế có thể liên hệ ngay với cơ quan thuế ban hành thông báo tạm hoãn xuất cảnh để được hỗ trợ, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh theo quy định.

Cân nhắc ngưỡng nợ thuế tối thiểu bị tạm hoãn xuất cảnh

Về việc cân nhắc bổ sung quy định ngưỡng nợ thuế tối thiểu hợp lý để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, Bộ Tài chính cho hay, Tổng cục Thuế sẽ căn cứ tình hình thực tế, thực tiễn thực hiện thời gian qua, tham khảo kinh nghiệm quốc tế quy định về ngưỡng của các nước trên thế giới để tiếp thu, tập trung nghiên cứu, báo cáo các cấp có thẩm quyền cân nhắc quy định ngưỡng nợ phù hợp.

Vấn đề tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế cũng là một chủ đề “nóng” được thảo luận tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV diễn ra ngày 29/10 vừa qua.

Như VietnamFinance từng thông tin, tại đây, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình Quốc hội dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật trong lĩnh vực tài chính, trong đó có Luật Quản lý thuế. Tuy nhiên, dự thảo này chưa quy định ngưỡng nợ thuế cụ thể đối với các đối tượng tạm hoãn xuất cảnh. Theo đó, nếu thuộc diện bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính, đối tượng sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh, bất kể số thuế nợ lớn hay nhỏ.

Thẩm tra nội dung này, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết có nhiều ý kiến trái chiều về quy định tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện pháp luật của doanh nghiệp. Đồng thời, số lượng trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh tăng đáng kể thời gian gần đây.

Theo ông Mạnh, tạm hoãn xuất cảnh chỉ là một biện pháp nhỏ và không phải là biện pháp mạnh nhất để xử lý vi phạm. Do vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ bổ sung ngưỡng nợ thuế để giới hạn phạm vi áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh.

Hoãn xuất cảnh vì nợ thuế: Chưa phải là nặng nhất, không thể đặc cách và ngoại lệ

Hoãn xuất cảnh vì nợ thuế: Chưa phải là nặng nhất, không thể đặc cách và ngoại lệ

Diễn đàn
(VNF) - PGS - TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc hoãn xuất cảnh với người nợ thuế là biện pháp mạnh để tăng cường thu hồi nợ thuế. Điều này đã được quy định trong luật nên thời điểm này không thể có đặc cách hay ngoại lệ.
Cùng chuyên mục
Tin khác