Thị trường

Nỗi buồn chợ du lịch: 'Từ 1990 đến nay, chưa năm nào ế ẩm như bây giờ'

(VNF) - "Tôi bán ở đây từ năm 1990 đến nay nhưng chưa thấy năm nào buôn bán ế ẩm như bây giờ', đây là phản ánh của một tiểu thương ở Chợ Cồn - Đà Nẵng cho thấy tình trạng buôn ở các chợ du lịch ế ẩm. Nhiều tiểu thương cho biết, đây là thời điểm buôn bán khó khăn nhất kể từ khi bung ra buôn hàng phục vụ du khách đến nay, nhiều người không trụ được đã phải đóng hàng, nghỉ chợ.

Nỗi buồn chợ du lịch: 'Từ 1990 đến nay, chưa năm nào ế ẩm như bây giờ'

Du khách tham quan, mua sắm tại chợ Hàn.

Trước khách mua 10 đồng, nay mua 1 đồng

Nằm ở vị trí trung tâm thành phố, chợ Hàn là một trong những ngôi chợ lớn nhất và nổi tiếng ở Đà Nẵng. Phần lớn du khách khi đến thành phố này đều ghé chợ Hàn để tham quan, mua sắm, vì vậy ngôi chợ này được gọi với cái tên là chợ du lịch.

Tuy nhiên từ sau dịch Covid-19, đặc biệt là thời gian gần, lượng khách đến tham quan và mua sắm giảm nhiều. Nguyên nhân là do kinh tế khó khăn, người dân và du khách thắt chặt chi tiêu.

Chị An, tiểu thương bán bánh kẹo tại chợ Hàn cho biết. chị buôn bán ở đây mười mấy năm nhưng đây là năm khó khăn nhất.

“Ngày trước người ta làm 12 tháng, tiêu 1 tháng nhưng từ sau dịch Covid-19 họ đều tính toán lại. Ví dụ như trước đây người ta mua 5 gói xoài thì nay người ta chỉ mua 1 gói thôi”, chị An vừa nói vừa đưa tay chỉ vào gói hàng đặt trên kệ.

Chị An cũng cho biết, chợ Hàn không phải như các chợ dân sinh mà đặc thù của chợ này chủ yếu là khách du lịch. Vì vậy, có lúc khách vào cả đoàn nhưng có lúc chẳng có khách nào. Tuy nhiên, theo đi An, khách vào cả đoàn nhưng phần lớn họ chỉ tham quan chứ không mua gì nhiều.

Chị Tìm, tiểu thương bán hải sản khô tại chợ Hàn, cho biết hiện khách vào chợ chủ yếu là khách quốc tế, khách trong nước cũng có nhưng ít. Tuy nhiên, khách tham quan nhiều hơn khách mua. 

“Nếu như trước đây họ mua cả bao thì nay họ chỉ mua 1-2 gói thôi. Họ đi du lịch để xả stress chứ nhu cầu mua sắm không nhiều”, chị Tìm nói.

Tại chợ Cồn – là một trong những ngôi chợ lớn và nổi tiếng của Đà Nẵng cũng trong tình cảnh tương tự.

Chị Hồng, tiểu thương bán bánh kẹo, hải sản khô tại chợ Cồn, cho biết khách của chị thường là khách đến từ Hà Nội và TP. HCM, còn khách địa phương thường đến dịp Tết mới ghé mua sắm. Tuy nhiên, hết hè, khách du lịch cũng vắng nên nhiều hôm ngồi cả ngày không bán được gì.

“Thực ra hiện nay khách du lịch cũng có nhưng ít và họ mua cũng mua ít chứ không nhiều như trước đây. Họ chủ yếu đi dạo, thích thì mua một vài cái chứ không mua nhiều”, chị Hồng nói.

Theo chị Hồng, đây là tình trạng chung chứ không chỉ riêng ở chợ Cồn hay Đà Nẵng. Các bạn hàng của chị ở TP. HCM cũng suốt ngày than vãn vì không bán được hàng. Tôi bán ở đây từ năm 1990 nhưng chưa thấy năm nào buôn bán ế ẩm như hiện nay. Không biết đến Tết có khởi sắc gì không”, chị Hồng nói.

Ông Phan Thành Thoại, Trưởng Ban Quản lý chợ Cồn cho biết, tại chợ hiện có đồ lưu niệm, ăn uống là kinh doanh được hơn tý; thịt cá, hải sản buôn bán cầm chừng; còn quần áo, vải vóc hầu như không có người mua.

“Sau dịch Covid-19, các công ty sụt giảm đơn hàng, công nhân nghỉ việc nhiều đã ảnh hưởng đến việc kinh doanh của tiểu thương. Kinh tế của người dân thực sự khó khăn nên họ chỉ mua sắm những cái cần thiết, còn những cái không cần thiết họ không mua”, ông Thoại nói và cho biết thêm hiện xung quanh chợ có nhiều siêu thị mini nên thị phần khách cũng bị chia bớt.

Ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng Ban Quản lý chợ Hàn, cũng cho biết sau dịch Covid-19, du khách đã trở lại nhưng do tình hình kinh tế khó khăn nên họ không mua sắm nhiều như trước nữa. 

“Trước đây, đoàn đi 10 người thì gần như 10 người đều mua hàng hóa, quà cáp. Tuy nhiên bây giờ, 10 người chỉ có 2 người mua, còn lại đi xem là chủ yếu. Lượng hàng hóa mua cũng vậy, trước đây khách mua 10 đồng thì giờ mua 1 đồng thôi”, ông Thành nói.

Nhiều tiểu thương cho biết đây là năm buôn bán ế ẩm nhất từ trước đến nay đối với họ. 

Chuỗi cửa hàng đặc sản... tính đóng cửa

Không chỉ các chợ truyền thống ế ẩm, khách mua hàng tại các cửa hàng đặc sản cũng giảm mạnh.

Ông Trần Anh Vinh, Tổng Quản lý Hệ thống siêu thị đặc sản quà miền Trung, cho biết trước đây hệ thống có 3 cửa hàng nhưng hiện nay đành phải gộp lại còn 1 cửa hàng vì khách mua sắm ít.

Dịp lễ 2/9 các năm trước dịch, bắt đầu từ giữa tháng 8, ông đã cho nhân viên chuẩn bị hàng hóa. Tuy nhiên, năm nay do vắng khách nên công ty không phải chuẩn bị hàng hóa như mọi năm.

“Lượng khách cũng có nhưng đồng tiền họ bỏ ra mua sắm giảm mạnh. So với trước đây, doanh thu của hệ thống giảm 60 - 65%”, ông Vinh nói.

Anh Hoàng Việt Hưng, hướng dẫn viên du lịch khách nội địa, cho hay hiện khách du lịch đến Đà Nẵng giảm và mức chi tiêu mua sắm của khách cũng giảm. Khách anh Hưng dẫn đoàn thường 70% khách miền Bắc, 30% khách miền Nam và Việt kiều. Mùa này là mùa Việt kiều về nhưng mấy năm nay chiến tranh, dịch bệnh, Việt kiều về cũng ít.

“Sức mua không nhiều như ngày xưa nữa. Nhìn rõ nhất là dãy hải sản ngoài biển, giờ đóng cửa nhiều. Các siêu thị bán đặc sản, các cửa hàng bán đồ lưu niệm từ Làng đá mỹ nghệ Non Nước cũng thế. Trước đây khách miền Nam họ đến là mua chả bò, còn bây giờ họ đến chơi chứ không mua gì. Còn khách miền Bắc có mua nhưng sức mua ít hơn”, anh Hưng nói.

Còn anh Trần Tuyến Sơn, hướng dẫn viên khách tiếng Anh, cho biết trước đây khách Mỹ đến Đà Nẵng thường mua đồ lưu ở Láng đá mỹ nghệ Non Nước nhưng nay họ cũng thay đổi thói quen chi tiêu. Họ đến để nghỉ dưỡng, trải nghiệm chứ không mặn mà mua sắm.

Chị Nguyễn Thu Hằng, du khách đến từ Hà Nội, cho biết: “Trước đây mỗi lần vào Đà Nẵng tôi thường mua bánh kẹo và hải sản khô. Tuy nhiên, lần này tôi chỉ mua ít bánh kẹo làm quà cho các con thôi. Bây giờ kinh tế khó khăn, thu nhập sụt giảm nên chi tiêu cũng phải tính toán”.

Các tiểu thương mong kinh tế sớm phục hồi để việc kinh doanh đỡ khó khăn.

Thống kê của ngành du lịch, 9 tháng đầu năm 2023, khách nội địa đến Đà Nẵng do các cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt hơn 4,2 triệu lượt, tăng 1,7 lần so với cùng kỳ 2022 và bằng 142% so với cùng kỳ 2019. Sau mùa hè, thành phố bước vào mùa mưa, đã không còn cảnh nhộn nhịp của thị trường khách nội địa.

Trong khi đó, khách quốc chưa phục hồi và có xu hướng chuyển sang địa phương khách. Từ đầu năm đến nay, Đà Nẵng đón hơn 1,6 triệu lượt khách quốc tế, gấp 5,8 lần so với cùng kỳ 2022, đạt 314% kế hoạch. Tuy nhiên con số này so với năm 2019 (trước dịch Covid-19), chỉ bằng 67%.

Nguyên nhân khách quốc tế đến Đà Nẵng còn khiêm tốn chủ yếu là thị trường Trung Quốc (chiếm 20% tổng lượng khách quốc tế năm 2019) chưa phục hồi, trong khi thị trường tiềm năng Ấn Độ đang gặp khó khăn trong việc mở đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng.

Việc khách quốc tế giảm cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho sức tiêu thụ tại các chợ du lịch, siêu thị đặc sản… giảm mạnh.

Để kéo khách về với du lịch Đà Nẵng, từ đó kích cầu tiêu thụ hàng hóa, ông Trần Anh Vinh, Tổng Quản lý Hệ thống siêu thị đặc sản quà miền Trung đề xuất, Sở Du lịch, chính quyền địa phương làm việc với các hãng hàng không giảm vé máy bay để kích cầu khách du lịch đến Đà Nẵng. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch để doanh nghiệp có thể triển khai các trương trình khuyến mãi, nhằm thu hút khách du lịch đến Đà Nẵng và tăng sức chi tiêu.

Ông Trần Chí Cường, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, cho hay trong bối cảnh dự báo kinh tế còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến du lịch, ngành phải tính toán, linh hoạt trong việc tìm kiếm và xúc tiến tại các thị trường mới, cũng như làm mới sản phẩm du lịch và đầu tư sản phẩm mới.

"Một số thị trường truyền thống sẽ tiếp tục có sự dịch chuyển trong năm 2024-2025. Vì vậy, ngành du lịch phải nghiên cứu thị trường và xúc tiến khai thác thị trường mới để kéo khách", ông Cường nói.   

Tin mới lên