Nữ tướng 1 USD của PAN

Thuỷ Ngọc - 27/06/2018 10:00 (GMT+7)

PAN đã chọn một nữ tướng mới để nhắm tới mục tiêu doanh thu tăng gấp đôi ngay trong năm nay.

VNF
Bà Nguyễn Thị Trà My - tân CEO của Tập đoàn PAN.

Ngồi đối diện người viết là một phụ nữ nhìn rất trẻ trung, năng động, với mái tóc dài và nụ cười tươi tắn. Nhìn bà, ít ai nghĩ đây là người phụ nữ thuộc thế hệ 7X, càng không nghĩ đây là nữ tướng của một tập đoàn nông nghiệp - thực phẩm lớn nhất nhì Việt Nam, với quy mô doanh thu hơn 4.000 tỷ đồng và đang hướng tới doanh thu tăng gấp đôi ngay trong năm nay.

Ghế mới cho người quen

Thực ra, bà Nguyễn Thị Trà My chỉ mới nhận chức vụ CEO ở Tập đoàn PAN hơn một tháng nay. Trước đó, không nhiều người biết về bà. Nhưng những ai làm và hợp tác với PAN thì biết, người phụ nữ này là nhân vật cùng ông Nguyễn Duy Hưng - người đứng đầu tại Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) sáng lập nên PAN. “Tính ra cũng được gần 10 năm rồi đấy”, bà My cho biết.

Còn nhớ khi PAN còn là Pan Pacific, hoạt động trong ngành dịch vụ vệ sinh công nghiệp. PAN ăn nên làm ra, nhưng với quy mô và đặc thù ngành nghề cần hàng ngàn lao động phổ thông, việc quản lý trở nên phức tạp. Lúc đó ông Nguyễn Duy Hưng có định hướng mới cho PAN nên khi Nihon Housing (Nhật) đặt vấn đề mua lại mảng dịch vụ vệ sinh của PAN, ông Hưng đã đồng ý bán. Thương vụ này đánh dấu bước chuyển mình ở PAN.

Sau đó, ông Nguyễn Duy Hưng đã gặp gỡ bà Nguyễn Thị Trà My và cụ thể hóa hơn những ý tưởng mới. Cả hai có cùng tầm nhìn, mong muốn góp phần nâng tầm nông nghiệp - thực phẩm Việt Nam. “Chúng tôi xác định sứ mệnh của mình là gắn với sự phát triển của ngành nông nghiệp - thực phẩm, ngành gắn với hơn 65% lao động Việt Nam và cũng là ngành tạo ra nhiều giá trị cho cộng đồng”, bà My khẳng định.

Những lý tưởng, hoài bão của bà My, ông Hưng đã được các cổ đông lớn ở PAN là SSI, TAEL, IFC, GIC... chia sẻ và ủng hộ. Từ đây, PAN chính thức chuyển đổi ngành nghề, tập trung vào chuỗi giá trị Farm - Food - Family, với mục tiêu sẽ sớm đưa PAN trở thành tập đoàn nông nghiệp - thực phẩm hàng đầu của Việt Nam.

“Chúng tôi đã hợp tác thống nhất tuyệt đối, tin tưởng vào tương lai của Tập đoàn. Phần lớn tài sản cá nhân tôi đầu tư vào PAN”, bà Trà My tiết lộ. Theo thông tin công bố, bà Nguyễn Thị Trà My và CSC Việt Nam, công ty riêng của bà đang nắm hơn 5,2% vốn điều lệ ở PAN. Rõ ràng, trước khi trở thành CEO của PAN, bà My đã là đồng sáng lập, là một trong những cổ đông lớn của PAN. Khi CEO là cổ đông lớn, lại được tin tưởng giao phụ trách và giữ chức Chủ tịch PAN Farm từ những ngày đầu, vị tân CEO sẽ càng chủ động trong nhiều quyết định, sẽ giải quyết mọi việc nhanh hơn, trôi chảy, nhịp nhàng.

Ngoài ra, với 18 năm làm việc cho tập đoàn nông nghiệp đa quốc gia, ở vị trí lãnh đạo, cùng kiến thức nhận được từ các trường đại học hàng đầu thế giới, bà My tự tin vào khả năng thương thuyết, đàm phán trước các đối tác và khả năng phối hợp với các lãnh đạo ở những công ty thành viên như Vinaseed, Thủy sản Bến Tre, Thủy sản Nha Trang 584, Bibica, Thực phẩm Sao Ta...

“Các anh chị ấy là lãnh đạo ở những công ty trong nhóm dẫn đầu ngành, gặt hái không ít thành công, rất tài giỏi, có tầm nhìn và cực kỳ am hiểu thị trường. Mỗi công ty có văn hóa, niềm tự hào riêng. Để thuyết phục họ thay đổi, cùng đồng lòng, ủng hộ PAN trong một giấc mơ chung là không đơn giản”, bà My tâm sự.

“Không ai trả tiền hay đóng góp sức mình vì giấc mơ của người khác. Chỉ có giấc mơ chung mới kết hợp sức mạnh nguồn lực của tất cả mọi người”, bà My nhấn mạnh. Bà hiểu nhiệm vụ của mình ở cương vị mới sẽ vô cùng thách thức. Nhất là khi PAN đang lên kế hoạch gia tăng huy động vốn, mở rộng quy mô, đầu tư sâu hơn vào những ngành cốt lõi để tạo thêm nhiều sản phẩm organic, tốt cho sức khỏe - dinh dưỡng, hoàn chỉnh chuỗi khép kín trong nông nghiệp - thực phẩm, thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh, thị trường, thị phần, xuất khẩu…

Duyên nợ với nông nghiệp

Bà My kể vui rằng khi đặt vấn đề bà sẽ đảm nhận vị trí CEO ở PAN, ông Nguyễn Duy Hưng băn khoăn chuyện lương bổng. Hơn ai hết, ông Hưng biết rõ từ những năm 1990, bà My đã được trả lương rất cao khi làm Phó Tổng Giám đốc Biomin Việt Nam. Và ông Hưng bất ngờ khi nhận câu trả lời: “Em chỉ đồng ý nhận kiêm Tổng Giám đốc nếu Hội đồng Quản trị đồng ý em nhận lương 1USD mỗi tháng”.

Nói về những năm tháng làm việc cho tập đoàn nước ngoài, bà My xem đó là sự may mắn. May mắn hơn khi bà về làm cho Tập đoàn Biomin Việt Nam. Tại đây, bà là Giám đốc Tài chính (1995) và trở thành Phó Tổng Giám đốc chỉ sau vài năm. Phải đến năm 2012, bà mới rời khỏi Biomin. Cả một quãng đời thanh xuân tuổi trẻ, dài 18 năm của bà My đã dành cho Biomin.

Biomin là tập đoàn nông nghiệp đa quốc gia của Áo, chuyên cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng và an toàn cho sức khỏe vật nuôi. Thời gian làm tại đây, bà My thấy mình nhận được rất nhiều, không chỉ nguồn thu nhập tốt, được đi khắp nơi, được học thêm kiến thức, kỹ năng mới (Thạc sĩ Quản trị kinh doanh Trường Shidler College of Business thuộc Đại học Hawaii), được sống và làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, được học hỏi ở các đồng nghiệp, nhất là ở người sếp trực tiếp (vị Chủ tịch Biomin) về nhân cách và kỹ năng quản lý...

Cho tới bây giờ, bà vẫn nhớ cảm giác xúc động khi được sếp ân cần, trao tờ giấy cho mình bằng cả hai tay. “Một cử chỉ thường thấy ở họ nhưng lại thể hiện sự trân trọng rất lớn”, bà chia sẻ. Sau này, khi lập CSC Việt Nam (năm 2007) và tham gia vào PAN, kiêm nhiệm nhiều chức vụ (đứng đầu PAN Farm, PAN - Saladbowl, thành viên Hội đồng Quản trị ở Vinaseed, Phó Chủ tịch ở Sao Ta…), bà My cũng ít nhiều đem cung cách quản lý học được từ Biomin để đối đãi với nhân viên. Nhưng trên tất cả, tại Biomin, người phụ nữ này đã được lan truyền tình yêu dành cho nông nghiệp với tất cả mọi người.

Bà đã rời khỏi Biomin là để hiện thực hóa giấc mơ làm nông nghiệp. Khi bà đã thành công ở CSC và PAN, bà theo học khóa học ở Đại học Harvard (Mỹ) ở tuổi gần 50 vì muốn trang bị cho mình nhiều kiến thức nhất có thể để thực hiện giấc mơ này. Bà muốn góp phần vào quá trình tạo dựng nền sản xuất nông nghiệp sạch, xanh, không chất kháng sinh, không độc tố. “Tôi muốn góp phần nhỏ bé để giúp người nông dân có thể sống sung túc hơn trên đồng ruộng của mình”, bà My chia sẻ.

Do đó, dù phát triển và mở rộng đến mức nào, chiến lược của PAN vẫn sẽ là bắt tay, hợp tác với người nông dân. “PAN không bao giờ muốn tách người nông dân ra khỏi đất đai của họ. Chỉ có nông dân mới là người quen với trồng trọt, sản xuất nông nghiệp. Hỗ trợ cho họ thêm về kỹ năng, quy trình chuẩn mực, để họ làm ra những sản phẩm tốt, tăng năng suất, tăng giá trị thì hiệu quả sẽ cao hơn nhiều”, bà My cho biết.

Bà My đã qua giai đoạn tích lũy kinh nghiệm và tài chính sau 20 năm làm thuê cho các tập đoàn nước ngoài. Bây giờ là thời điểm nữ CEO này thực hiện giấc mơ nông nghiệp. Vì giấc mơ này, 6 năm qua, bà đã làm việc quên cả thời gian, kiêm nhiệm nhiều chức vụ, dồn hết sức lực cho PAN.

Trên cương vị tân CEO của PAN, bà My sẽ tất bật hơn. Nhưng bất kỳ ai gặp bà đều cảm nhận nơi người phụ nữ này nguồn năng lượng dồi dào. Ngoài đam mê công việc, bà vẫn dành thời gian cho thư giãn, tập boxing, yoga, chơi golf, làm thiện nguyện, sưu tập búp bê mỗi chuyến du lịch...

“Với tôi, tất cả đều phải xuất phát từ chính bạn, ý tưởng, đam mê của bạn và sự tập trung vào những thứ cần thiết”, bà chia sẻ. Với người phụ nữ này, 24 tiếng một ngày dường như không đủ.

Theo NCĐT
Cùng chuyên mục
Tin khác