Ôn cố tri tân: Tả quân Lê Văn Duyệt, người mở mang bờ cõi phương Nam

Hoài Thương - 19/09/2020 08:23 (GMT+7)

Như VietnamFinance đã đưa tin, sáng 16/9, UBND TP. HCM đã tổ chức lễ công bố đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng (đoạn từ cầu Bông đến đường Phan Đăng Lưu) thành đường Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh). Cùng nhìn lại sự nghiệp của một trong những nhân vật có công đầu trong việc mở mang bờ cõi trong lịch sử Việt Nam.

VNF
Chân dung Tả quân Lê Văn Duyệt (1764 - 1832)

Tả quân Lê Văn Duyệt (1764 - 1832) là một nhân vật có tài kinh bang tế thế hiếm có của triều Nguyễn vào đầu thế kỷ XIX. Ông là người có công rất lớn trong việc gây dựng và phát triển vùng đất Gia Định hưng thịnh, trù phú.

Thân thế, sự nghiệp của Lê Văn Duyệt

Tả Quân Lê Văn Duyệt sinh năm 1764, trong một gia đình nông dân tại làng Hòa Khánh, huyện Kiến Phong, tỉnh Định Tường (nay là huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Ông nội của ông từ làng Bồ Đề, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) vào đây sinh sống.

Chân dung Tả quân Lê Văn Duyệt
Chân dung Tả quân Lê Văn Duyệt (1764 - 1832)

Từ thuở nhỏ, ông đã sớm bộc lộ tư chất thông minh, nhanh nhẹn, giỏi võ thuật. Tuy ngoại hình thấp bé, không được học hành nhiều nhưng ông lại mang trong mình hoài bão lớn: ‘Làm trai sinh ở thời loạn, nếu không trở thành đại tướng cầm quân, công danh được ghi vào sử sách thì sao xứng là kẻ trượng phu’.

Lê Văn Duyệt theo chúa Nguyễn Phúc Ánh từ lúc 17 tuổi. Ông vốn được sung làm thái giám, công việc nội đình làm rất giỏi nhưng tài đánh trận cũng không thua kém ai. Cuộc đời binh nghiệp của ông thăng tiến rất nhanh, ông đã được thăng lên chức Tả quân, trở thành một vị tướng chủ lực, quan trọng nhất dưới thời chúa Nguyễn.

Chiến công lớn nhất của ông là trận đánh tan hải quân nhà Tây Sơn ở cửa Thị Nại (Quy Nhơn) vào năm 1801. Trận đánh này được ghi vào sử nhà Nguyễn là ‘Trung hưng đệ nhất võ công’ (Võ công oanh liệt nhất của công cuộc trung hưng nhà Nguyễn).

Nhờ lập nhiều công lao nên khi Nguyễn Ánh lên ngôi với hiệu Gia Long, Lê Văn Duyệt được liệt vào hàng đệ nhất khai quốc công thần với nhiều đặc ân. Ông được vào chầu vua không phải lạy (nhập triều bất bái) và được đặc quyền chém trước tâu sau (tiền trảm hậu tấu) nơi biên thùy.

Năm 1812, ông được phong làm Tổng trấn Gia Định, bảo hộ nước Chân Lạp (Campuchia). Vào năm 1820, dưới thời vua Minh Mạng, ông lại được cử làm Tổng trấn Gia Định lần thứ hai. Tại đây, ông không chỉ giữ vững bờ cõi phía Nam đất nước mà còn chăm lo phát triển kinh tế, đời sống nhân dân, được nhân dân tin yêu, mến phục.

Năm 1832, Tả quân Lê Văn Duyệt mất sau một cơn bạo bệnh, thọ 69 tuổi, lúc đang đương chức.

Tuy công danh bậc nhất một thời nhưng Lê Văn Duyệt lại phải chịu một cái án đau xót. Người con nuôi của ông là Lê Văn Khôi (do bất mãn với việc viên quan Bố chánh Bạch Xuân Nguyên truy xét các tôi tớ của Lê Văn Duyệt) đã khởi binh chống lại triều đình. Cuộc nổi dậy bị đàn áp trong biển máu.

Lê Văn Duyệt dù đã mất nhưng vẫn bị truy với nhiều tội danh. Ngôi mộ của ông bị san phẳng và dựng bia đá chịu tội. Mãi tới đời vua Thiệu Trị (1841) thì vụ án mới được xét lại, và ông mới được phục hồi danh dự.

Những kế sách phát triển kinh tế 

Dấu ấn mạnh mẽ nhất của ông dưới triều đại nhà Nguyễn chính là sự hưng thịnh một thời của vùng đất phương Nam. Lê Văn Duyệt đã chứng tỏ, ngoài tài năng quân sự, ông còn là nhà chính trị sắc sảo, có tư duy làm kinh tế tiến bộ.

Nếu như Nguyễn Hữu Cảnh là người chính thức xác lập vùng đất Gia Định vào địa lý hành chính nước ta (năm 1698) thì chính Lê Văn Duyệt là người đã có công khai phá, mở rộng và bảo vệ vùng đất phương Nam của Tổ quốc.

Thành Gia Định và cả miền Nam bắt đầu từ Bình Thuận trải dài đến mũi Cà Mau thời bấy giờ còn hoang hoá, đất đai chưa thuần thục. Lê Văn Duyệt đã chiêu mộ dân chúng ra sức cải tạo, thay chua, rửa mặn, tạo nên những cánh đồng phì nhiêu, thôn ấp trù phú, dân cư đông đúc.

Để từng bước cải tạo đồng ruộng và tiêu úng, Lê Văn Duyệt đã đề xuất với triều đình tổ chức đào kênh Vĩnh Tế. Ước tính trong 5 năm thực hiện, ông đã huy động hơn 90.000 dân công, bao gồm cả người Việt lẫn người Cao Miên. Kênh đào xong đã đủ nước tưới tiêu cho hàng vạn mẫu ruộng, giúp giao thông đường thủy diễn ra thuận lợi. Công trình kênh Vĩnh Tế có ý nghĩa to lớn về kinh tế và quốc phòng, mang lại ý nghĩa rất lớn cho cho đất nước đến mãi ngày hôm nay.

Sách Đại Nam nhất thống chí chép: ‘Từ đấy đường sông mới khai thông, việc biên phòng và việc buôn bán đều được hưởng mối lợi vô cùng. Kênh Vĩnh Tế đóng vai trò như một công trình đánh dấu xác lập chủ quyền của người Việt trên vùng đất Nam Bộ’.

Để phát triển kinh tế, ông đã khôn khéo mở rộng giao thương với các nước. Ông có các chính sách thu hút người phương Tây đến buôn bán, đồng thời ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho dân Hoa kiều nhập cư vào đất Gia Định để họ phát triển thương mại. Thời kỳ này, nhiều tàu buôn của các nước: Trung Quốc, Mã Lai, Nam Dương, Miến Điện, Phương Tây và Châu Mỹ đã cập bến Gia Định để mua bán trao đổi hàng hoá. Sài Gòn - Gia Định thời bấy giờ như một đặc khu kinh tế mở của nước ta.

Năm 1822, Crawfurd người cầm đầu Phái bộ ngoại giao của toàn quyền Ấn Độ ghé vào Bến Nghé và Gia Định đã tả đời sống của Gia Định như sau: ‘Lần đầu tiên tôi đến Bến Nghé, tôi bất ngờ thấy rằng nơi đây không thua gì kinh đô nước Xiêm. Về nhiều mặt còn sầm uất hơn, không khí mát mẻ hơn, hàng hoá phong phú hơn, giá cả hợp lý và an ninh ở đây rất tốt, hơn nhiều kinh thành mà chúng tôi đã đi qua. Tôi có cảm giác như đây là một vương quốc lý tưởng…’

Phan Thanh Giản, một vị quan chính trực, thanh liêm thời bấy giờ cũng phải thốt lên lời khen ngợi: ‘Gia Định này thật có phúc mới gặp được một Tổng Trấn như đại quan. Tôi ở Kinh Thành, ở Bắc Thành vào Gia Định thấy như đi qua một nước khác. Ở dọc sông thì trên bến, dưới thuyền, ghe thuyền san sát, lúa gạo nghìn nghịt. Vải vóc, đồ thau, đồ đồng, đồ sứ, đồ gốm, thảo mộc quý, quế, trầm, hồi thật là không thiếu thứ gì. Trên đất liền, nhà cửa phố xá san sát, khang trang. Đường đi lại lát gạch, lát đá sạch sẽ mát mắt…’ .

Lê Văn Duyệt được ca ngợi là một Tổng trấn tài năng đức độ, vừa trị an xứ sở vừa chăm lo đời sống nhân dân.

Tượng đồng Tả quân Lê Văn Duyệt ở Lăng Ông
Tượng đồng Lê Văn Duyệt ở Lăng Ông


Chính sách cai trị của ông thể hiện rất rõ là: Trừng trị rất nặng bọn tham quan, ô lại và chăm lo tới đời sống dân chúng, binh sĩ. Theo lệnh của triều đình nhà Nguyễn, Lê Văn Duyệt buộc phải đem quân đàn áp một vài cuộc nổi dậy ở miền tây Quảng Ngãi, Nghệ An, Thanh Hoá… song ông chủ trương dụ hàng là chính chứ không thẳng tay đàn áp. Số người về hàng phần nhiều được chính ông thu nạp, sử dụng.

Lê Văn Duyệt đã thành lập hai cơ quan từ thiện là "Anh hài" để rèn luyện võ nghệ cho trẻ thích việc kiếm cung và "Giáo dưỡng" để cho những trẻ khác và quả phụ học văn chương, nghề nghiệp.

Tương truyền, Tả quân lúc bấy giờ rất uy quyền, lòng người ai cũng kính phục, gọi ông là Ông Lớn Thượng, là Thượng Công. Đương thời, các nước lân cận đều sợ oai phong của ông nên ông còn có biệt danh khác là Cọp Gấm Đồng Nai, một trong ‘ngũ hổ tướng’ của Gia Định (bốn người còn lại là Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Văn Nhơn, Nguyễn Huỳnh Đức và Trương Tấn Bửu).

Năm 1825, trong lúc Minh Mạng và Triều đình Huế chủ trương cấm đạo Thiên chúa và lệnh cho các quan phải khám xét các tàu bè của ngoại quốc ra vào cửa biển. Thì Lê Văn Duyệt đã áp dụng chính sách mềm dẻo, cởi mở hơn đối với Giáo sĩ và giáo dân Thiên chúa giáo. Ông vẫn để người ta sống yên bình và truyền đạo. Lê Văn Duyệt chủ trương tự do tín ngưỡng, đoàn kết lương giáo, đoàn kết dân tộc để ổn định chính trị và xã hội.

Việc cai trị của ông đã góp công lớn giúp ổn định và phát triển khu vực Nam bộ, khiến cho vùng này từ một khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh thành một khu vực bình yên và giàu có, kinh tế phát đạt.

Từ khi Lê Văn Duyệt mất tới nay đã gần 2 thế kỷ. Qua từng thời kỳ, có nhiều sử sách đánh giá khác nhau về danh tiếng và cuộc đời ông. Nhưng đối với nhân Gia Định và cả miền Nam, hình ảnh cuộc đời, chiến công của Lê Văn Duyệt đã đi vào tâm thức của người dân. Nhân dân coi ông như một vị thần có công với đất nước.

Hình tượng Lê Văn Duyệt đã trở thành tín ngưỡng trong tâm thức của nhân dân miền Nam. Họ đã nhiều lần đóng góp công sức, tiền của để xây dựng, tu sửa, tôn tạo khu mộ và đền thờ Lê Văn Duyệt, tôn vinh gọi đó là Lăng Ông với tất cả tấm lòng thành kính.

Lăng ông Lê Văn Duyệt
Lăng Ông Lê Văn Duyệt toạ lạc uy nghi trên một khuôn viên rộng 18.500 mét vuông
ở Quận Bình Thạnh, TP. HCM.


Lăng Ông đã trở thành điểm hoạt động tín ngưỡng, điểm đến tâm linh của người Sài Gòn – Gia Định và các tỉnh miền Nam. Ông sống mãi trong lòng nhân dân Sài Gòn – Gia Định và miền Nam nước Việt.

Ngày 16/9 vừa qua, nhân Lễ giỗ lần thứ 188 của đức Tả quân Lê Văn Duyệt, UBND TP. HCM đã tổ chức Lễ công bố đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng (đoạn từ cầu Bông đến đường Phan Đăng Lưu) có chiều dài 947m thành đường Lê Văn Duyệt như tên trước kia của đoạn đường này.

Việc đổi tên con đường cạnh Di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt mang tên ông có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng nguyện vọng của người dân trong khu vực, thể hiện sự ghi nhận của hậu thế trước những công lao to lớn của đức Tả quân Lê Văn Duyệt.

Cùng chuyên mục
Tin khác