Ôn cố tri tân: Tỷ phú Nguyễn Tấn Đời, trùm cao ốc và vua ngân hàng miền Nam

Hoài Thương - 27/09/2020 15:46 (GMT+7)

Ông Nguyễn Tấn Đời là một trong những doanh nhân giàu có bậc nhất Sài Gòn trước năm 1975. Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, với tầm nhìn ra trông rộng và am tường về các lĩnh vực kinh tế, ông đã từng bước khẳng định mình và bước lên đỉnh vinh quang danh vọng. Dù phải trải qua nhiều biến cố, tán gia bại sản và bị lưu lạc ở xứ người, nhưng cuối cùng ông vẫn gây dựng lại sự nghiệp và khẳng định tài năng kinh doanh xuất chúng của mình.

Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng

Nguyễn Tấn Đời sinh năm 1922 tại làng Bình Hòa, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên (nay là thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang). Ông nội Nguyễn Tấn Đời là một trong những người giàu có và tiếng tăm ở làng Bình Hòa thời bấy giờ. Vì vậy, từ nhỏ ông đã được gia đình cho ăn học khá đàng hoàng.

Chân dung ông Nguyễn Tấn Đời (1922-1995)

 

Khi mới lên Sài Gòn, vì không có tiền bạc, không người thân thích, hàng ngày Nguyễn Tấn Đời lân la khắp nơi tìm kiếm việc làm, đêm đến thì ăn bờ ngủ bụi.

Nguyễn Tấn Đời được bạn giới thiệu vào làm sổ sách cho một hãng buôn Pháp nhưng ông nhanh chóng bỏ công việc nhàm chán, bước chân vào nghề môi giới vật liệu xây dựng và vải vóc. Ông giàu lên rất nhanh, nhưng cũng nhanh chóng phá sản (năm 1949) khi tham gia vào ngành kinh doanh tiền tệ.

Ông quyết định lập nghiệp trở lại bằng nghề làm gạch ngói. Ông mày mò tìm hiểu kiến thức về nghề làm gạch ngói và sang Campuchia mua lại các máy móc thanh lý với giá rất rẻ. Cộng thêm các mối quan hệ cũ lúc còn làm nghề môi giới vật liệu xây dựng, ông lập xưởng sản xuất gạch ngói mang tên Đời Tân.

Để bán được sản phẩm, mỗi ngày ông đích thân đến từng ngôi nhà đang xây để chào hàng. Với sự siêng năng và uy tín trong làm ăn, chỉ hai năm sau, doanh thu của xưởng gạch ngói Đời Tân vượt lên dẫn đầu thị trường vật liệu xây dựng.

Tư duy kinh tế nhạy bén

Những năm 1950, Nguyễn Tấn Đời mở rộng kinh doanh ra nhiều lĩnh vực khác nhau, mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ.

Năm 1952, ông đăng ký nhập cảng lưới đánh cá từ Nhật về Hồng Kông, sau đó từ Hồng Kông xin giấy nhập về Sài Gòn, rồi xuất cảng gạo từ Sài Gòn sang Hồng Công, Singapore…

Chưa hết, ông còn sang Pháp lập Hãng Construction Me1talliques để xuất khẩu sườn sắt cho quân đội Pháp xây đồn bót… Năm 1953, ông mở thêm công ty quảng cáo, thành lập công ty Film.

Năm 1955 – 1956, ông sang Campuchia mở công ty nhập khẩu xe đạp và máy móc, nông ngư cụ đem về tiêu thụ tại miền Nam; nhập máy cày từ Âu – Mỹ về bán cho nông dân. Rồi ông còn xoay qua hoạt động trong lĩnh vực hải sản.

Vào những năm 1968, 1969, tại miền Nam, phế liệu do quân đội Mỹ thải ra từ các căn cứ quân sự rất nhiều, chất cao như núi. Ông đã mua lại toàn bộ với cái giá rất rẻ, rồi cho nấu lại lấy đồng làm dây điện với nhãn hiệu Vidico.

Dấu ấn đỉnh cao trong ngành địa ốc, ngân hàng

Vào những năm 1950, tại Sài Gòn có rất nhiều biệt thự được người Pháp xây dựng. Những ngôi biệt thự này một phần được cấp cho các quan chức chính quyền, một phần dành cho các nhà đại phú thuê ở. Một số nhà kinh doanh cũng học theo người Pháp, đầu tư xây dựng biệt thự để cho thuê.

Nguyễn Tấn Đời cho rằng chi phí xây dựng biệt thự quá cao, lại tốn nhiều đất. Chính vì vậy, ông học hỏi từ các nước phương Tây tân tiến khác, đầu tư xây dựng cao ốc cho thuê.

Năm 1954, cao ốc Mai Loan gồm 125 phòng, ở số 16 Trương Định được ông xây dựng và đưa vào sử dụng.  Toàn bộ số phòng trên đều được thuê, đa số là những người sống độc thân như nhà văn, nhà báo, ca sĩ, vũ nữ…

Năm 1955, Nguyễn Tấn Đời xây thêm cao ốc Tân Lộc với 5 tầng lầu, 90 phòng ở số 177 – 179 đường Lê Thánh Tôn. Các căn hộ trong cao ốc này rộng rãi và tiện nghi hơn cao ốc Mai Loan, khi khánh thành xong khách thuê không còn một phòng trống nào.

Tiếp đó, ông xây dựng thêm các cao ốc Victoria (240 phòng, số 937 Trần Hưng Đạo), President (1.200 phòng, số 727 Trần Hưng Đạo), Đức Tân (số 491 Phan Thanh Giản), Prince (số 175 - 177 Phạm Ngũ Lão)... Tất cả các cao ốc đồ sộ này đều được người Mỹ thuê hết. Từ tay trắng trở thành tỷ phú, cái tên Nguyễn Tấn Đời được người dân cả miền Nam biết đến.

 

    Sài Gòn năm 1965, trên đường Trần Hưng Đạo, phía bên trái là hãng gạch ngói Đời Tân và khách sạn Victoria của ông Nguyễn Tấn Đời

Thời gian sau, ông chuyển sang kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng với cương vị là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Tín Nghĩa – một ngân hàng thương mại lớn nhất miền Nam những năm 1970. Ông đã có những cải tổ gây chấn động ngành ngân hàng.

Đầu tiên, ông thu hút sự quan tâm của các khách hàng nhỏ bằng cách mời họ đến nhà riêng và tiếp đón rất nồng hậu. Những người này vốn không được các ngân hàng để ý đến, nay được tiếp đón niềm nở, lại được bỏ lệ phí mở trương mục và phát hành chi phiếu nên đồng loạt tham gia.

Tiếp đến, Nguyễn Tấn Đời lại thuyết phục các khách hàng lớn rằng phần đông khách hàng nhỏ đều mở trương mục trong Tín Nghĩa nên ông sẽ dư sức trả chi phiếu Tín Nghĩa cho họ. Đặc biệt, khi gửi tiền vào đây, chi phiếu sẽ có giá trị ngay trong ngày (trong khi ở các ngân hàng khác phải mất 24 - 48 tiếng, thậm chí đến 1 tuần nếu như ở các tỉnh).

Lời thuyết phục rất hợp lý, ban đầu những thương gia lớn thử gửi tạm tiền vào Tín Nghĩa, sau một thời gian họ gửi hẳn như các khách hàng nhỏ. Dần dần Ngân hàng Tín Nghĩa thu hút rất nhiều khách hàng, tạo ra một uy tín rất lớn trong dân chúng.

Cuối năm 1968, Nguyễn Tấn Đời tung ra nhiều biện pháp quảng cáo rầm rộ. Ông cho đăng trên báo chí, phát hành lịch, tranh ảnh và áp phích khắp nơi; gửi tặng đến toàn bộ khách hàng đĩa hát gồm những bài dân nổi tiếng của các ca sỹ tên tuổi thời bấy giờ. Cùng với đó, ngân hàng tổ chức xổ số theo định kỳ, với nhiều phần thưởng có giá trị.

Và Tín Nghĩa trở thành ngân hàng đầu tiên có logo với hình ảnh ông Thần tài cầm hai xâu tiền tượng trưng cho sự giàu sang phú quý.

 

Logo biểu tượng của Ngân hàng Tín Nghĩa

 

 

Ông cũng cải tổ hoàn toàn về mặt hành chính, quy định nhân viên phải mặc đồng phục có logo; phải tuyệt đối lịch sự, nhã nhặn khi tiếp khách hàng; loại bỏ những thủ tục rườm rà không cần thiết.

Để người dân giao dịch thuận tiện, Nguyễn Tấn Đời cho mở rất nhiều chi nhánh. Khách hàng không cần di chuyển trên quãng đường dài, lại có thể rút tiền tiết kiệm ở bất cứ chi nhánh nào.

Ông thay đổi toàn bộ hệ thống cập nhật kế toán bằng máy NCR nhập từ Canada, phát hành thẻ tín dụng, mở màn cho một thời kỳ mới cho giới ngân hàng ở miền Nam.

Đến năm 1972, Ngân hàng Tín Nghĩa có đến 32 chi nhánh, 1.000 nhân viên với số tiền gửi lên đến con số 2 tỷ, trở thành ngân hàng tư nhân lớn nhất miền Nam.

Mất trắng và tái khởi nghiệp ở nước ngoài

Trong lúc Nguyễn Tấn Đời đang say sưa với những cải tổ thì ông bất ngờ bị Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh bắt giữ. Nguyễn Tấn Đời bị tống giam vào khám Chí Hòa và bị tịch thu mọi tài sản. Hệ thống Ngân hàng Tín Nghĩa cũng bị phong tỏa và đánh sập.

Mãi cho đến  ngày 30/4/1975, Nguyễn Tấn Đời mới được trả tự do.

Ra tù với hai bàn tay trắng, ông lang thang vạ vật tìm đường sang Canada. Tại đây, ông được một người bạn làm ăn cũ người Nhật giúp vốn và hỗ trợ kỹ thuật để mở một nhà hàng Kobe tại Canada. Từ một nhà hàng, dần dần Nguyễn Tấn Đời phát triển thành một hệ thống với hàng loạt chi nhánh tại Mỹ như Washington. DC, Texas, Chicago, New York, Califonia, Hawaii, Floriada…

Khi đã thành danh nơi đất khách, ông dự định về Việt Nam xin phép kinh doanh các ngành nghề trước kia như mở ngân hàng, xây cao ốc, mở xí nghiệp sản xuất… Nhưng mọi kế hoạch đang tính toán dở dang thì ông lâm bệnh và từ trần vào ngày 6/7/1995 tại Orlando, Florida (Mỹ).

Trước khi qua đời, Nguyễn Tấn Đời kịp để lại cho hậu thế quyển hồi ký về cuộc đời của mình. Trong đó, ông ghi lại các bí quyết để thành công: ‘Muốn có sự thành công, chúng ta phải tự thân vận động, lao động bằng chính bàn tay khối óc của mình. Và phải biết tận dụng mọi cơ hội nhưng phải có tâm, phải ngay thẳng.

Còn sự may mắn là một cơn mưa cho tất cả mọi người, nếu ai biết chuẩn bị kịp thời được đồ chứa tốt và lớn thì hứng được nhiều nước trời cho. Đồ chứa tốt, lớn chính là đức độ, khả năng làm việc, sự tìm tòi, học hỏi, sự kiên nhẫn về tổ chức và nhất là nhạy cảm, linh hoạt, sáng kiến, biết quan sát tìm hiểu để đúc kết kinh nghiệm cho sự thành công.

Cùng chuyên mục
Tin khác